Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 09-NHNN/TT

Hà Nội, ngày 17 tháng 1 năm 1991

THÔNG TƯ

SỐ 9- NHNN/TT NGÀY 17-1-1991 CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUY CHẾ CẤP GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG CHO CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG VIỆT NAM

Ngày 07-01-1991 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ký quyết định số 05/NH-QĐ ban hành "Quy chế cấp giấy phép hoạt động cho các tổ chức tín dụng Việt Nam", Ngân hàng nhà nước Trung ương hướng dẫn một số điểm như sau :

I. THỦ TỤC VÀ ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC XÉT CẤP GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG

1. Ngân hàng Nhà nước chỉ tiếp nhận đơn xin cấp giấy phép hoạt động của tổ chức tín dụng Việt Nam, dưới đây gọi chung là tổ chức tín dụng, khi đã có đủ những văn bản kèm theo sau đây ;

a. Phương án hoạt động của tổ chức tín dụng, xác định rõ các nội dung chủ yếu : luận cứ về sự cần thiết thành lập tổ chức và triển vọng phát triển hoạt động kinh doanh ; mục tiêu và địa bàn hoạt động ; nội dung kinh doanh ; mức vốn điều lệ và vốn tự có tăng trưởng hàng năm ; đồng thời, tổ chức tín dụng phải xác định được phương án cụ thể và lập được "Bảng kế hoạch cân đối nguồn vốn và sử dụng vốn" 3 năm đầu, chia ra từng năm (theo mẫu đính kèm).

b. Điều lệ của tổ chức tín dụng được xây dựng thành các điều khoản cụ thể, không trái với mẫu điều lệ do Ngân hàng Nhà nước ban hành, đã được đại hội cổ đông hoặc đại hội xã viên thông qua.

c. Biên bản đại hội cổ đông (hoặc đại hội xã viên) bầu Hội đồng quản trị và quyết định của Hội đồng quản trị bổ nhiệm người điều hành, kèm theo các lý lịch tóm tắt của những người trong danh sách.

Người điều hành tổ chức tín dụng (trừ hợp tác xã tín dụng ở nông thôn) phải có văn bằng tốt nghiệp đại học hoặc tương đương về ngân hàng, tài chính hoặc kinh tế.

d. Lý lịch tóm tắt của Chủ tịch và các thành viên khác của Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc điều hành, Chủ nhiệm hợp tác xã tín dụng, phải có các mục sau đây :

- Họ và tên (đang dùng, theo giấy khai sinh và các bí danh)

- Nam nữ

- Ngày, tháng, năm sinh và nơi sinh

- Quốc tịch

- Quê quán

- Số giấy chứng minh, ngày và cơ quan cấp

- Địa chỉ thường trú (trong giấy chứng minh)

- Địa chỉ cư trú hiện nay

- Trình độ (các văn bằng cao nhất, số, ngày và cơ quan cấp văn bằng)

- Nghề nghiệp và chức vụ đã qua

- Chức vụ được bầu hoặc bổ nhiệm tại tổ chức tín dụng

- Chức vụ hiện nay tại các tổ chức khác

Cuối bản lý lịch, người khai phải ghi rõ cam kết không phạm một trong 4 khoản tại Điều 16 Pháp lệnh Ngân hàng, hợp tác xã tín dụng và công ty tài chính, ký tên và có xác nhận của chính quyền cấp phương, xã nơi đang cư trú hoặc của cơ quan đang quản lý mình.

e. Bản kê khai vốn điềulệ đã góp vào tài sản hiện có của tổ chức tín dụng.

f. Giấy chứng nhận đã mở tài khoản phong toả và số vốn góp cổ phần đã gửi vào tài khoản đó đến thời điểm gần nhất, của chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, đặc khu nơi tổ chức tín dụng đặt trụ sở chính hoặc của ngân hàng được Ngân hàng nhà nước uỷ quyền.

g. Đối với tổ chức tín dụng ngoài quốc doanh phải có giấy chấp thuận của Uỷ ban Nhân dân nơi đặt trụ sở chính và nơi đặt chi nhánh.

- Tổ chức tín dụng hoạt động trên địa bàn một tỉnh, một thành phố, một đặc khu (hoặc liên tỉnh, liên thành phố) phải có giấy chấp thuận của UBND tỉnh, thành phố, đặc khu nơi tổ chức tín dụng đặt trụ sở chính. Nếu muốn đặt chi nhánh ở các tỉnh, thành phố, đặc khu khác, phải có giấy chấp thuận của UBND tỉnh thành phố nơi đặt chi nhánh.

- Tổ chức tín dụng hoạt động trên địa bàn một phường, một xã phải có giấy chấp thuận của UBND phường, xã nơi tổ chức tín dụng đặt trụ sở.

h. Các tài liệu, tư liệu khác nhằm làm rõ một số vấn đề liên quan đến các văn bản nói trên.

2. Ngày tổ chức tín dụng nộp đầy đủ và đúng yêu cầu các văn bản quy định tại điểm I, mục I, Thông tư này, được coi là thời điểm Ngân hàng Nhà nước tiếp nhận hồ sơ để xem xét trong thời hạn 3 tháng việc cấp hoặc từ chối cấp giấy phép hoạt động.

3. Các hoạt động kinh doanh : nhận và trả tiền gửi ngoại tệ, nhận tiền vay và cho vay ngoại tệ, mở tài khoản tiền gửi ngoại tệ ở nước ngoài, thanh toán bằng ngoại tệ ... nếu đã ghi trong điều lệ, khi có khả năng và điều kiện thực hiện, tổ chức tín dụng phải làm thủ tục xin Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép (có văn bản hướng dẫn riêng).

II. THỜI HẠN VÀ THỦ TỤC SAU KHI CẤP HOẶC THU HỒI GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG

1. Trong thời gian 3 tháng, kể từ ngày nhận hồ sơ, Ngân hàng nhà nước nghiên cứu, thẩm tra, đối chiếu với những điều kiện cần phải có để quyết định cấp hoặc từ chối cấp giấy phép. Những vấn đề chưa rõ, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tổ chức tín dụng có văn bản giải trình hoặc xuất trình các tư liệu liên quan.

2. Chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày cấp, hoặc sau 5 ngày kể từ ngày thu hồi giấy phép hoạt động, Ngân hàng nhà nước công bố trên báo :

a. Đối với Ngân hàng Thương mại quốc doanh, Ngân hàng đầu tư và phát triển, Công ty tài chính quốc doanh, Ngân hàng Nhà nước trung ương sẽ đăng báo Nhân dân.

b. Đối với các tổ chức tín dụng ngoài điểm a trên đây, có trụ sở chính hoặc có chi nhánh trên địa bàn tỉnh, thành phố, đặc khu (trừ hợp tác xã tín dụng ở nông thôn), chi nhánh Ngân hàng Nhà nước sẽ đăng trên một tờ báo hàng ngày của địa phương.

3. Chậm nhất 12 tháng, kể từ ngày được cấp giấy phép hoạt động, tổ chức tín dụng phải hoàn tất : các điều kiện còn thiếu đã ghi trong giấy phép các thủ tục về đăng ký kinh doanh và khai trương hoạt động. Trước khi khai trương ít nhất 30 ngày, tổ chức tín dụng phải đăng báo địa phương và báo hàng ngày của Trung ương trong 5 số liên tiếp các đặc điểm chủ yếu sau đây để công chúng biết :

- Tên tổ chức tín dụng

- Địa chỉ của trụ sở chính, trụ sở các chi nhánh (nếu có)

- Địa bàn hoạt động

- Nội dung hoạt động

- Họ tên, địa chỉ thường trú của Chủ tịch và các thành viên khác trong Hội đồng quản trị, người điều hành.

- Vốn điều lệ

- Số và ngày của giấy phép hoạt động, tên cơ quan cấp

- Số và ngày của giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tên cơ quan cấp

- Ngày khai trương

Việc đăng báo trên đây không bắt buộc đối với hợp tác xã tín dụng ở nông thôn. Trường hợp không đăng báo, hợp tác xã tín dụng phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng của xã.

4. Sau 12 tháng, kể từ ngày được Ngân hàng nhà nước cấp giấy phép hoạt động, nếu tổ chức tín dụng không thực hiện đủ các điều kiện còn thiếu đã ghi trong giấp phép hoặc không khai trương thì Ngân hàng nhà nước thu hồi giấy phép đã cấp.

5. Khi cần thay đổi một trong các điểm sau đây, tổ chức tín dụng phải báo cáo trước cho Ngân hàng Nhà nước :

a. Tên gọi của tổ chức tín dụng

b. Điều khoản của điều lệ

c. Trụ sở chính, mở hoặc đóng cửa chi nhánh

d. Vốn điều lệ

e. Địa bàn hoạt động

f. Nội dung hoạt động

g. Tách ra thành một số tổ chức độc lập hoặc sát nhập vào một tổ chức khác

Sau khi xem xét, nếu đồng ý, Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấp thuận. Trường hợp này, văn bản chấp thuận coi như phụ bản của giấy phép cấp lần đầu, nếu không chấp thuận, Ngân hàng Nhà nước sẽ thông báo lý do cho tổ chức tín dụng biết.

6. Ít nhất 6 tháng trước khi kết thúc thời hạn hoạt động ghi trong giấy phép, nếu muốn tiếp tục duy trì hoạt động, tổ chức tín dụng phải có đơn xin Ngân hàng Nhà nước gia hạn.

III. TÀI KHOẢN PHONG TOẢ, LỆ PHÍ

1. Tiền góp cổ phần của tổ chức tín dụng mới thành lập trong thời gian chưa khai trương hoạt động phải gửi vào tài khoản phong toả mở tại chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, đặc khu nơi đặt trụ sở chính, hoặc tại ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước uỷ quyền.

2. Số dư trên tài khoản phong toả được trả lãi theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn

3. Ngân hàng Nhà nước giải toả tài khoản phong toả vào ngày tổ chức tín dụng khai trương hoạt động hoặc khi tổ chức tín dụng bị thu hồi giấy phép hoạt động (do không thực hiện đầy đủ các điều kiện còn thiếu hoặc không khai trương).

4. Chậm nhất sau 15 ngày, kể từ ngày được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép hoạt động, tổ chức tín dụng phải nộp lệ phí bằng 0,2% (hai phần nghìn) vốn điều lệ tại chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, đặc khu nơi mình đặt trụ sở chính. Các Ngân hàng thương mại quốc doanh, Ngân hàng đầu tư và phát triển, Công ty tài chính quốc doanh thực hiện quy định này tại Ngân hàng Nhà nước Trung ương.

5. Số tiền lệ phí đã nộp, tổ chức tín dụng không được nhận lại trong bất kỳ trường hợp nào.

IV. TRÁCH NHIỆM XÉT CẤP VÀ THU HỒI GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG

1. Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, đặc khu có trách nhiệm.

a. Tiếp nhận, nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ, chuẩn y danh sách thành viên Hội đồng quản trị và Chủ nhiệm ; ký quyết định cấp hoặc thu hồi giấy phép hoạt động đối với hợp tác xã tín dụng tại địa bàn thuộc tỉnh, thành phố, đặc khu do chi nhánh phụ trách.

b. Tiếp nhận, nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ của Ngân hàng thương mại cổ phần, công ty tài chính cổ phần có trụ sở chính đặt tại địa bàn tỉnh, thành phố đặc khu chi nhánh phụ trách, để đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chuẩn y danh sách thành viên Hội đồng quản trị và người điều hành, cấp hoặc thu hồi giấy phép hoạt động.

2. Vụ trưởng Vụ các ngân hàng và tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước Trung ương có trách nhiệm :

a. Nghiên cứu và thẩm tra hồ sơ của Ngân hàng thương mại cổ phần, Công ty tài chính cổ phần do Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, đặc khu gửi đến, trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cấp hoặc thu hồi giấy phép hoạt động.

b. Tiếp nhận, nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ và làm thủ tục trình Thống đốc Ngân hàng nhà nước cấp hoặc thu hồi giấy phép hoạt động đối với tổ chức tín dụng quốc doanh (Ngân hàng thương mại quốc doanh, ngân hàng đầu tư và phát triển, Công ty tài chính quốc doanh).

c. Trình Thống đốc Ngân hàng nhà nước hoặc dự thảo tờ trình của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề nghị chuẩn y danh sách Chủ tịch và các thành viên khác của Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc hoặc giám đốc tổ chức tín dụng.

V. ĐỐI VỚI TỔ CHỨC TÍN DỤNG QUỐC DOANH ĐƯỢC THÀNH LẬP THEO QUYẾT ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Trường hợp tổ chức tín dụng quốc doanh được thành lập theo Quyết định của Hội đồng Bộ trưởng, thì không cần thêm giấy phép hoạt động do Ngân hàng Nhà nước cấp. Việc gia hạn hoặc thu hồi giấy phép hoạt động đối với các tổ chức tín dụng quốc doanh này cũng theo quy định của Hội đồng Bộ trưởng.

Sau khi có quyết định thành lập của Hội đồng Bộ trưởng, tổ chức tín dụng quốc doanh vẫn phải thực hiện các thủ tục khác theo "Quy chế cấp giấy phép hoạt động cho các tổ chức tín dụng Việt Nam" và Thông tư này.

VI. ĐỐI VỚI TỔ CHỨC TÍN DỤNG HOẠT ĐỘNG THEO GIẤY PHÉP ĐƯỢC CẤP TRƯỚC NGÀY 01/10/1990

1. Các tổ chức tín dụng hoạt động theo giấy phép được cấp trước ngày 1-10-1990 đều phải điều chỉnh lại điều lệ, cơ chế tổ chức và hoạt động theo Pháp lệnh Ngân hàng, hợp tác xã tín dụng và công ty tài chính. Tiếp đó, làm các thủ tục gửi Ngân hàng Nhà nước theo quy định của "Quy chế cấp giấy phép hoạt động cho các trổ chức tín dụng Việt Nam" và Thông tư này.

2. Những tổ chức tín dụng không được ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép hoạt động mới hoặc không được chấp thuận kéo dài thêm thời hạn điều chỉnh theo điểm 1 mục này, đều phải đình chỉ hoạt động từ ngày 1-4-1991.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ảnh bằng văn bản về Ngân hàng Nhà nước để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.

Chu Văn Nguyễn

(Đã ký)