Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 09-TC/VP

Hà Nội, ngày 18 tháng 02 năm 1971

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH SỐ 50-TTG NGÀY 16-2-1971 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC NGHIÊM CẤM CÁC QUỸ TRÁI PHÉP TRONG CÁC XÍ NGHIỆP, CƠ QUAN NHÀ NƯỚC

Thủ tướng Chính phủ vừa ra quyết định số 50-TTg ngày 16 tháng 2 năm 1971 nghiêm cấm các quỹ trái phép trong các xí nghiệp, cơ quan Nhà nước. Dưới đây, Bộ Tài chính hướng dẫn việc chấp hành quyết định nói trên.

I. CÁC QUỸ THUỘC DIỆN NHÀ NƯỚC NGHIÊM CẤM

1. Các quỹ trái phép là những quỹ không được một cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, căn cứ vào luật lệ, chế độ hiện hành của Nhà nước, chính thức cho phép thành lập.

Đây là những quỹ mà nguồn gốc là do xâm phạm tài sản của Nhà nước, của tập thể và tài sản riêng của nhân dân. Về các quỹ trái phép mà nguồn gốc là do xâm phạm tài sản của tập thể, Nhà nước sẽ có quy định cụ thể sau.

2. Đều coi là quỹ trái phép, các quỹ lập ra do xâm phạm tài sản của Nhà nước hoặc tài sản riêng của nhân dân, không kể là xâm phạm bằng cách nào, ví dụ như:

a) Chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, bán đi lấy tiền lập quỹ, như lấy nguyên liệu, nhiên liệu, vật tư, hàng hóa, máy móc, thiết bị, phế liệu, phế phẩm, bao bì, hàng hóa dôi, thừa, hàng hóa kém phẩm chất, hàng mẫu, quà biếu, sản phẩm của xưởng trường, sản phẩm của phòng thí nghiệm, hoa lợi công cộng…

b) Dùng thủ đoạn để moi rút hoặc bớt xén kinh phí ngân sách của Nhà nước, như bịa đặt ra các khoản chi, quyết toán khống, giả mạo chứng từ, giấy tờ…

c) Dùng trái phép tài sản của Nhà nước như dùng phương tiện vận tải, dụng cụ, máy móc… của Nhà nước để kiếm tiền lập quỹ riêng.

d) Lợi dụng những sơ hở của chính sách, chế độ quản lý tài chính và vật tư của Nhà nước, hoặc cố ý làm sai những chính sách, chế độ đã có, để lấy tiền, lấy vật tư lập quỹ, như:

- Giữ lại khoản tiền được Nhà nước cấp phát nhưng chikhônghết, còn thừa lại;

- Giữ lại các khoản thu của Nhà nước, không nộp vào ngân sách Nhà nước;

- Chiếm dụng, sử dụng nhập nhằng vốn ngân sách Nhà nước; đem số tiền của tổ chức, và cá nhân ủng hộ Nhà nước (ủng hộ thương binh, gia đình liệt sĩ…) ra làm vốn kinh doanh để lập quỹ; dùng tiền của Nhà nước để tạm ứng cho công đoàn cơ quan, xí nghiệp hoặc cho vay mượn để tổ chức trại chăn nuôi, căng tin….lấy lãi để lập quỹ;

- Giữ lại không nộp trả Nhà nước, tiền và tài sản của các tổ chức đã giải thể;

- Chiếm dụng số vốn dôi ra do thay đổi giá dự toán xây dựng cơ bản;

- Lấy tiền của quỹ lương dự trù cho lao động trong biên chế Nhà nước để trả cho số lao độngđã được bố trí sang các cơ sở kinh doanh riêng của cơ quan, xí nghiệp.

- Tự ý đặt ra chế độ buộc các đơn vị kinh doanh cấp dưới phải nộp kinh phí cho cấp trên và lấy số tiền đó lập quỹ riêng;

- Lấy khoản chênh lệch giữa giá dự toán xây dựng cơ bản trường sở với số tiền trả cho học sinh, sinh viên tham gia lao động xây dựng trường sở vv…

đ) Xâm phạm tài sản riêng của nhân dân lấy tiền lập quỹ như:

- Tự ý đặt ra các khoản thu vào nhân dân ngoài chính sách, chế độ Nhà nước cho phép;

- Bớt xén công lao động, tiền thù lao của dân công, vv…

3. Tuy ở một số cơ quan, xí nghiệp, tiền quỹ trái phép được đem dùng công khai hoặc nữa công khai vào những công việc phúc lợi công cộng (như xây hố xí, giếng nước…), những công việc lợi ích chung (như xây dựng nhà làm việc của cơ quan...) những công việcphúc lợi tập thể (như tổ chức trại chăn nuôi để cải thiện bữa ăn cho cán bộ, công nhân, viên chức), vv…, nhưng vì nguồn gốc của tiền quỹ là do xâm phạm tài sản của Nhà nước hoặc của nhân dân, nên những quỹ đó cũng coi là quỹ trái phép.

Nghiêm trọng hơn nữa là những trường hợp lập và sử dụng quỹ một cách giấu giếm, và tiền quỹ đem chi tiêu vào những công việc không chính đáng, như liên hoan ăn uống, mua sắm linh tinh, cho vay, cho mượn, trợ cấp, khen thưởng ngoài tiêu chuẩn, chế độ của Nhà nước, trả lương cho số lao động tuyển ngoài biên chế; chi cho hoạt động của các tổ chức do mình tự ý đặt ra, vv…..

4. Đều coi là quỹ trái phép, các quỹ lập ra do xâm phạm tài sản của Nhà nước và tài sản của nhân dân, không kể là quỹ được lập ra và quản lý với danh nghĩanào; như:

- Quỹ trái phép có tính chất chung cho toàn cơ quan, xí nghiệp, hoặc là quỹ riêng của từng đơn vị nhỏ trong cơ quan, xí nghiệp;

- Quỹ trái phép giao cho các tổ chức quần chúng trong cơ quan, xí nghiệp quản lý (tổ chức công đoàn, phụ nữ, thanh niên,vv…).

II. VIỆC KIỂM KÊ TÀI SẢN THUỘC QUỸ TRÁI PHÉP

Ngay sau khi nhận được quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các đơn vị từ cấp huyện trở lên, hiện đang có quỹ trái phép, phải tức khắc đình chỉ mọi hoạt động thu chi của quỹ đó ở đơn vị cũng như ở cơ sở kinh doanh lập ra bằng quỹ trái phép, khoá ngay sổ sách (nếu có) và tổ chức kiểm kê tài sản thuộc quỹ trái phép. Tiến hành kiểm kê tài sản tốt là biểu thị ý thức trách nhiệm đối với việc thi hành quyết định của Chính phủ nghiêm cấm quỹ trái phép.

Việc kiểm kê tài sản này coi như một cuộc kiểm kê đột xuất, phải được tiến hành theo đúng thể lệ kiểm kê của Nhà nước; (xem phương án cuộc kiểm kê tài sản 0 giờ ngày 01-01-1969 do Liên Bộ Tài chính-Tổng cục Thống kê ban hành theo số 885-LB ngày 24-10-1968 và Thông tư số 732-TC/CĐKT của Bộ Tài chính…). Yêu cầu của kiểm kê là nắm chắc số lượng, chất lượng và giá trị tài sản của từng đơn vị, để làm căn cứ cho việc thu hồi và nộp vào ngân sách Nhà nước toàn bộ số vốn bằng tiền hiện có thuộc quỹ trái phép, đồng thời làm căn cứ cho việc quyết định phương hướng xử lý thích hợp đối với các tài sản đã mua sắm bằng tiền quỹ đó.

Tài sản thuộc quỹ trái phép hiện có ở các tổ chức kinh doanh riêng (phân xưởng phụ, trại chăn nuôi…), do các cơ quan, xí nghiệp lập ra, hoặcởcác tổ chức quần chúng trong các cơ quan, xí nghiệp (công đoàn, thanh niên, phụ nữ…), cũng đều phải kiểm kê.

Đối tượng kiểm kê là toàn bộ tài sản hiện có, thuộc quỹ trái phép, tức là toàn bộ những tài sản thuộc quỹ riêng hiện có mà nguồn gốc là do xâm phạm tài sản của Nhà nước và tài sản riêng của nhân dân, không kể là tài sản đó đang để tại kho, để ở các địa điểm khác, gửi nhà dân, gửi người khác giữ hộ, tài sản cho thuê, giao gia công chế biến, tài sản đang vận chuyển trên đường, tài sản cho mượn, tài sản giao cho đơn vị khác sử dụng, vv…

Tài sản gồm 2 loại: tài sản cố định và tài sản lưu động (bao gồm cả tiền quỹ và các chứng khoán có giá trị như tiền).

Các chỉ tiêu kiểm kê gồm 2 loại: chỉ tiêu giá trị và chỉ tiêu hiện vật. Khi tính giá các hiện vật thì tính theo giá thực tế nhập kho và theo giá còn lại để phản ảnh được tình hình hiện tại của loại tài sản kiểm kê.

Thời gian kiểm kê do thủ trưởng đơn vị quyết định. Việc kiểm kê phải làm khẩn trương để bảo đảm thời hạn do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Về phương pháp kiểm kê: phải xác định số tài sản thực có bằng cách cân, đo, đong, đếm thực sự. Các đơn vị kiểm kê phải tuân theo các quy định về kiểm kê nêu trong phương án cuộc kiểm kê 0 giờ ngày 01-01-1969.

Đối với những khoản phải thanh toán, phải đối chiếu, xác minh công nợ với từng đơn vị, từng cá nhân có quan hệ thanh toán, để xác định chính xác tổng số các khoản thanh toán đối với từng đơn vị, từng cá nhân; ngăn ngừa mọi trường hợp lợi dụng, tham ô tiền, hiện vật thuộc quỹ trái phép.

Các đơn vị, nhất là các cơ sở kinh doanh lập bằng quỹ trái phép, cần dựa vào các tổ chức quần chúng: công đoàn, thanh niên, vv…, để động viên mọi người có liên quan tiến hành kiểm kê.

Ở mỗi đơn vị, cần thành lập ban kiểm kê tài sản do thủ trưởng đơn vị làm trưởng ban, có các bộ môn kế toán, tài vụ, thống kê, cung tiêu, và công đoàn tham gia. Không cần thiết thành lập tổ chức chỉ đạo kiểm kê từ trên xuống dưới. Kế toán trưởng đơn vị có nhiệm vụ giúp thủ trưởng thi hành tốt quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là trong việc kiểm kê tài sản.

III. VIỆC NỘP VÀO NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CÁC KHOẢN TIỀN THUỘC QUỸ TRÁI PHÉP.

Phải nộp vào ngân sách Nhà nước, ngay sau khi kiểm kê xong, mọi khoản tiền thuộc quỹ trái phép do cơ quan quản lý hoặc do cơ sở kinh doanh trực thuộc (trại chăn nuôi, căng tin,…) quản lý, bao gồm:

- Tiền mặt hiện có đến ngày kiểm kê;

- Tiền hiện đang gửi tài khoản ngân hàng Nhà nước (không kể là ký gửi vào tài khoản nào);

- Tiền đang gửi quỹ tiết kiệm.

Ngoài ra, những khoản tiền mà cơ quan, xí nghiệp đã cho tập thể hoặc cá nhân vay mượn, hoặc giao cho tập thể, cho cá nhân sử dụng nhưng chưa dùng hoặc dùng còn thừa, vv… cũng đều phải được thu về ngay và nộp vào ngân sách Nhà nước.

Các khoản tiền nói trên phải nộp vào ngân sách Nhà nước theo đúng các thủ tục hiện hành và ghi vào loại V-Thu khác, khoản 116, hạng 4- các khoản linh tinh, theo mục lục ngân sách Nhà nước hiện hành.

IV. VIỆC BẢO QUẢN TÀI SẢN, HIỆN VẬT THUỘC QUỸ TRÁI PHÉP

Các tài sản cố định và tài sản lưu động đã mua sắm hoặc xây dựng bằng quỹ trái phép, hiện đang dùng hoặc chưa dùng đến, hoặc đưa cho tập thể hay cá nhân mượn, hoặc đã điều động phân phối cho đơn vị khác, tài sản để ở cơ quan hay bất kỳ nơi nào khác, đều phải kiểm kê.

Kiểm kê xong, các đơn vị phải thu hồi đầy đủ các tài sản đã giao cho cá nhân hoặc tập thể mượn hoặc sử dụng; trong khi chờ quyết định xử lý tài sản, phải tiếp tục bảo quản chặt chẽ các tài sản nói trên, ngăn ngừa việc phân tán, cất giấu, chia tay, nhượng bán, đổi chác, hủy hoại, vv… các tài sản đó.

V. VIỆC XỬ LÝ CÁC TÀI SẢN, HIỆN VẬT THUỘC QUỸ TRÁI PHÉP

Thủ tướng chính phủ đã quy định rõ phương hướng xử lý các tài sản, hiện vật thuộc quỹ trái phép và giao trách nhiệm cho Bộ Tài chính (đối với các ngành ở trung ương) và Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố (đối với địa phương) quyết định việc xử lý từng trường hợp cụ thể.

Đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố hướng dẫn các đơn vị trực thuộc, có tài sản thuộc quỹ trái phép, liên hệ với cơ quan tài chính cùng cấp để được hướng dẫn kê khai chi tiết. Thủ trưởng các ngành căn cứ vào phương hướng mà Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, nghiên cứu việc xử lý các tài sản của từng đơn vị trực thuộc đã kê khai, và gửi đến Bộ Tài chính, hoặc Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố, đối với các ngành ở địa phương, đề nghị xử lý đối với từng trường hợp cụ thể.

Sau khi có quyết định của Bộ tài chính, hoặc của Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố, sẽ tiến hành giao nhận tài sản giữa một bên là đơn vị đang giữ tài sản đó, và một bên là đơn vịđược nhận tài sản. Việc bàn giao tài sản này phải theo đúng chế độ, thể lệ hiện hành về giao nhận, thanh toán, kế toán tài sản.

VI. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO

Để Bộ Tài chính tổng hợp và báo cáo với Chính phủ trước ngày 01 tháng 8 năm 1971 tình hình thi hành quyết định của Thủ tướng Chính phủ tại các ngành, các địa phương, đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố tổng hợp tình hình thi hành quyết định này trong các đơn vị thuộc ngành, thuộc địa phương và gửi đến Bộ Tài chính trước ngày 15 tháng 7 năm 1971, theo các mẫu biểu đính kèm(1).

Để bảo đảm việc kê khai quỹ trái phép được nghiêm chỉnh, các đơn vị cơ sở không có quỹ trái phép cũng phải báo cáo xác định là đơn vị mình không có, theo mẫu biểu đính kèm.






(1)Không in các biểu mẫu.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG




Trịnh Văn Bính