Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 10/1999/TT-BTC

Hà Nội, ngày 29 tháng 1 năm 1999

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 10/1999/TT/BTC NGÀY 29 THÁNG 1 NĂM 1999 HƯỚNG DẪN TẠM THỜI CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI TRUNG TÂM GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN

Căn cứ Nghị định số 178/CP ngày 28/10/1994 của Chính phủ quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 48/1998/NĐ/CP ngày 11/7/1998 của Chính phủ về chứng khoán và thị trường chứng khoán;
Căn cứ Quyết định số 127/1998/QĐ-TTg ngày 11/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Trung tâm Giao dịch Chứng khoán.
Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý tài chính áp dụng đối với Trung tâm Giao dịch Chứng khoán như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Trung tâm Giao dịch Chứng khoán là đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc Uỷ ban chứng khoán Nhà nước, có tư cách pháp nhân, có trụ sở, có con dấu và tài khoản riêng.

2. Trung tâm Giao dịch Chứng khoán được Ngân sách Nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên. Việc trích lập các quỹ của Trung tâm được thực hiện trên cơ sở số thu từ hoạt động của Trung tâm.

3. Trung tâm Giao dịch Chứng khoán thực hiện thu các loại phí, lệ phí theo quy định của cấp có thẩm quyền.

4. Mọi khoản thu và chi phát sinh tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán đều được phản ánh bằng đồng Việt Nam, nếu có phát sinh bằng ngoại tệ phải quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng công bố tại thời điểm phát sinh nghiệp vụ.

5. Trung tâm Giao dịch Chứng khoán thực hiện việc lập kế hoạch thu, chi tài chính hàng quý, năm; theo chế độ tài chính Nhà nước quy định; Thực hiện công tác kế toán, quyết toán thu, chi tài chính theo Pháp lệnh Kế toán Thống kê và chế độ kế toán hiện hành của Nhà nước.

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Nguồn kinh phí phục vụ hoạt động của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán:

a. Nguồn kinh phí hoạt động có nguồn gốc từ Ngân sách Nhà nước:

- Phần kinh phí hoạt động của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán do Ngân sách Nhà nước cấp theo kế hoạch hàng năm được thực hiện theo các quy định hiện hành về lập, chấp hành và quyết toán Ngân sách Nhà nước và theo các quy định hướng dẫn cụ thể tại thông tư này.

- Các khoản tài trợ, viện trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đối với Trung tâm được quản lý như một khoản cấp phát của Ngân sách Nhà nước.

b. Các khoản thu về phí tại Trung tâm:

- Phí thành viên Trung tâm Giao dịch Chứng khoán do các Công ty chứng khoán thành viên nộp.

- Phí niêm yết chứng khoán do Công ty phát hành chứng khoán được niêm yết tại Trung tâm nộp.

- Phí giao dịch chứng khoán do các bên tham gia hoạt động giao địch chứng khoán tại Trung tâm nộp.

- Phí đăng ký và bảo quản chứng khoán tại Trung tâm do người sở hữu chứng khoán nộp.

- Phí thanh toán bù trừ đối với các giao dịch chứng khoán được thực hiện tại Trung tâm.

- Phí cung cấp dịch vụ thông tin do người sử dụng dịch vụ của Trung tâm nộp và các khoản phí khác theo quy định của cấp có thẩm quyền.

c. Các khoản thu khác phát sinh trong quá trình hoạt động ngoài các khoản thu trên: lãi tiền gửi đối với các khoản thu ở mục b; các khoản thu khác (nếu có).

2. Các khoản chi của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán: Các khoản chi của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán bao gồm:

- Chi lương, phụ cấp lương;

- Trích BHXH, BHYT và các khoản phải nộp theo lương theo chế độ của Nhà nước quy định;

- Chi công tác phí;

- Chi cước phí thông tin tuyên truyền, quảng cáo;

- Chi văn phòng phẩm, ấn chỉ (bao gồm cả chi phí in ấn các biểu mẫu, hồ sơ sổ sách phục vụ hoạt động của Trung tâm).

- Các khoản chi phí phục vụ công tác bảo quản lưu trữ chứng khoán tại Trung tâm: chi phí kiểm đếm, vận chuyển chứng khoán, chi phí bảo quản chứng khoán, chi phí niêm yết chứng khoán, chi phí thanh toán bù trừ, chi phí lưu ký chứng khoán...

- Chi phí duy trì bảo dưỡng trang thiết bị đảm bảo vận hành hệ thống giao dịch của Trung tâm.

- Chi phí cho việc nối mạng thông tin phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Trung tâm.

- Chi mua sắm CCLĐ và phương tiện làm việc;

- Chi sửa chữa và bảo dưỡng tài sản;

- Chi đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ;

- Chi trang phục, phương tiện bảo hộ lao động;

- Chi thuê chuyên gia trong và ngoài nước (nếu có);

- Chi trả tiền thuê trụ sở làm việc và thuê TSCĐ khác (nếu có);

- Các khoản chi khác cần thiết, hợp lý như điện nước vệ sinh, tiếp khách, hội nghị, giao dịch...

- Các chi phí khác

3. Quản lý thu chi tài chính:

a. Các nguyên tắc chung trong quản lý thu chi tài chính của Trung tâm:

- Tất cả các khoản thu, chi phát sinh trong quá trình hoạt động Trung tâm phải hạch toán đầy đủ, chính xác kịp thời vào sổ kế toán theo chế độ kế toán Nhà nước quy định cho Trung tâm Giao dịch Chứng khoán. Trung tâm giao dịch chứng khoán không được để các khoản thu ngoài sổ hoặc không hạch toán vào nguồn thu.

- Các khoản tài trợ có nội dung chỉ định hoặc không chỉ định của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước cho Trung tâm cũng phải hạch toán như nguồn kinh phí do Ngân sách Nhà nước cấp.

- Các khoản chi khác: chi về vệ sinh, công vụ phí, điện nước, lễ tân, tiếp khách hội nghị... được thực hiện theo chế độ Nhà nước quy định và trong phạm vi kế hoạch định mức được duyệt.

- Các quỹ được trích lập trong năm nếu không sử dụng hết được chuyển năm sau để sử dụng. Riêng kinh phí do NSNN cấp trong năm không sử dụng hết phải chuyển nộp lại đơn vị cấp kinh phí (trừ các trường hợp được quy định riêng).

b. Nguồn kinh phí NSNN cấp hàng năm và nguồn tiếp nhận tài trợ viện trợ được coi như Ngân sách Nhà nước cấp:

Việc lập, chấp hành và quyết toán kế hoạch kinh phí hoạt động hàng năm của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán được thực hiện theo chế độ quản lý Ngân sách Nhà nước hiện hành.

c. Đối với các khoản thu phí và thu khác:

Toàn bộ các khoản thu phí và thu khác (quy định tại mục b, c điểm 1) gọi tắt là thu từ hoạt dộng của Trung tâm được sử dụng như sau:

1. Thực hiện nghĩa vụ với Ngân sách Nhà nước: Trung tâm đăng ký nộp 10% tổng số phí và lệ phí thu được trong năm với cơ quan thuế và tiến hành các thủ tục nộp nghĩa vụ với Ngân sách Nhà nước theo hướng dẫn của cơ quan thuế.

2. Khấu trừ các khoản tiền phạt do vi phạm kỷ luật thu nộp ngân sách, tiền phạt vi phạm hành chính, phạt vi phạm hợp đồng với khách hàng.

3. Phần còn lại, Trung tâm được trích lập các quỹ sau đây:

- Quỹ phúc lợi khen thưởng: mức trích tối đa cho mỗi quỹ theo đúng chế độ đã quy định áp dụng cho cán bộ, công chức thuộc UBCKNN.

- Phần còn lại sau khi trích lập hai quỹ như trên được sử dụng để trích lập quỹ khuyến khích phát triển nghiệp vụ.

d. Quản lý và sử dụng quỹ khuyến khích phát triển nghiệp vụ:

- Quỹ khuyến khích phát triển nghiệp vụ của Trung tâm được hình thành như một nguồn hỗ trợ của Ngân sách Nhà nước để sử dụng vào các mục đích sau:

. Chi hỗ trợ mua sắm trang thiết bị hoạt động.

. Đổi mới trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, tin học và điều kiện làm việc của Trung tâm.

. Bù đắp chi phí bảo dưỡng sửa chữa máy móc thiết bị duy trì hoạt động giao dịch của Trung tâm.

. Chi hỗ trợ phục vụ công tác nghiên cứu, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ Trung tâm Giao dịch Chứng khoán.

. Các khoản chi bảo đảm an toàn kho quỹ lưu giữ chứng khoán.

. Các khoản chi khác phục vụ để hỗ trợ cho các hoạt động nghiệp vụ đặc thù của Trung tâm.

- Việc sử dụng quỹ khuyến khích phát triển nghiệp vụ phải đảm bảo theo đúng kế hoạch được chấp thuận của cấp có thẩm quyền. Nghiêm cấm việc sử dụng quỹ này để sử dụng vào các mục đích trái với nội dung đã quy định.

e. Quản lý và sử dụng tài sản của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán:

- Việc mua sắm tài sản phải có kế hoạch và được cơ quan quản lý cấp trên xét duyệt. Nguồn vốn sử dụng để mua sắm tài sản được hình thành từ:

+ Nguồn Ngân sách Nhà nước cấp theo kế hoạch

+ Nguồn bổ sung từ quỹ khuyến khích phát triển nghiệp vụ

- Việc chi xây dựng cơ bản phải thực hiện theo đúng các quy định liên quan của Nhà nước về đầu tư xây dựng cơ bản. (có kế hoạch, có dự toán được duyệt, cấp phát theo tiến độ, nghiệm thu và quyết toán khi công việc hoàn thành).

- Tài sản của Trung tâm phải được ghi chép theo dõi trên sổ sách, thực hiện kiểm kê định kỳ và tính hao mòn tài sản cố định theo quy định áp dụng đối với đơn vị hành chính sự nghiệp.

g. Trung tâm Giao dịch Chứng khoán không được hạch toán vào chi phí các khoản sau:

- Chi phí đi công tác nước ngoài vượt định mức chi do Nhà nước quy định;

- Các khoản chi từ các quỹ đã trích lập như: Quỹ khen thưởng, phúc lợi (chi tiền thưởng, trợ cấp khó khăn, chi ủng hộ các tổ chức đoàn thể xã hội, cơ quan, địa phương khác); Quỹ khuyến khích phát triển nghiệp vụ (chi hỗ trợ mua sắm trang thiết bị hoạt động, chi hỗ trợ đào tạo cho cán bộ của Trung tâm, chi khác).

- Chi đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản cố định cho Trung tâm thuộc nguồn vồn đầu tư XDCB;

- Các khoản chi khác không đúng với quy định đã nêu ở mục 2 trên đây.

h. Quỹ hỗ trợ thanh toán do Trung tâm Giao dịch Chứng khoán quản lý:

Trung tâm Giao dịch Chứng khoán được uỷ quyền lập và quản lý quỹ hỗ trợ thanh toán từ nguồn đóng góp của các Công ty chứng khoán thành viên để sử dụng cho mục đích đảm bảo chu trình thanh toán khi có tình hình Công ty chứng khoán thành viên bị thiếu hụt tạm thời khả năng thanh toán. Việc quản lý, điều hành quỹ Hỗ trợ thanh toán được thực hiện theo quy định riêng và tách biệt với hệ thống tài chính nội bộ của Trung tâm, không hạch toán chung với tài sản của Trung tâm.

4. Công tác kế toán, quyết toán và kiểm toán của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán:

1. Trung tâm Giao dịch Chứng khoán phải thực hiện công tác kế toán và thống kê theo quy định của Pháp lệnh Kế toán và Thống kê và chế độ kế toán do Bộ Tài chính ban hành.

2. Trung tâm Giao dịch Chứng khoán có trách nhiệm thực hiện chế độ báo cáo quyết toán tài chính quý, năm theo quy định hiện hành.

3. Báo cáo tài chính hàng năm của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán phải được kiểm toán Nhà nước kiểm tra.

4. Báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán phải gửi cho Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính.

5. Lập kế hoạch tài chính

- Vào thời điểm lập kế hoạch Ngân sách hàng năm, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán phải lập và báo cáo Uỷ ban chứng khoán Nhà nước, đồng gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kế hoạch kinh phí hoạt động và kế hoạch thu chi tài chính của Trung tâm. Bao gồm:

+ Kế hoạch kinh phí hoạt động do Ngân sách Nhà nước cấp.

+ Kế hoạch thu - chi của Trung tâm.

+ Kế hoạch sử dụng Quỹ Khuyến khích phát triển nghiệp vụ.

- Dự toán năm của Trung tâm sau khi được Bộ Tài chính xét duyệt sẽ làm căn cứ để đơn vị thực hiện trong năm. Uỷ ban chứng khoán Nhà nước có trách nhiệm xét duyệt và kiểm tra thực hiện dự toán thu, chi hàng quý cho Trung tâm trong phạm vi dự toán năm đã được xét duyệt. Dự toán hàng quý đã được Uỷ ban chứng khoán Nhà nước xét duyệt là cơ sở để Trung tâm thực hiện.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trung tâm chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước cấp, đảm bảo thực hiện đúng các quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý tài chính áp dụng đối với các đơn vị hành chính sự nghiệp và các quy định tại Thông tư này.

2. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký; Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để xem xét bổ sung sửa đổi kịp thời.

Trần Văn Tá

(Đã ký)