Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ Y TẾ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 10-BYT/TT

Hà Nội, ngày 26 tháng 5 năm 1994

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ SỐ 10-BYT/TT NGÀY 26 THÁNG 5 NĂM 1994 HƯỚNG DẪN VIỆC MUA SẮM TRANG THIẾT BỊ Y TẾ

Trong những năm gần đây, trang thiết bị y tế được nhập khẩu vào Việt Nam rất đa dạng, bằng nhiều nguồn và từ nhiều hãng khác nhau. Do chưa thực hiện đúng những quy định của Bộ Y tế về việc kinh doanh xuất nhập khẩu trang thiết bị y tế nên đã gây ra những bất hợp lý. Năm 1992 - 1993: nhiều chủng loại máy siêu âm, X-quang từ rất nhiều hãng khác nhau đã được nhập vào Việt Nam:

- Máy siêu âm: Siemens, Donier, Toshiba, Aloka, Shimadzu, Sigma, Philips, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc v.v...

- Máy X-quang: Siemens, Toshiba, Shimadzu, Nedicor, Edap, Pháp, Trung Quốc, Mỹ, Hà Lan v.v...

Vì nhiều chủng loại nên đã gây khó khăn cho việc cung cấp các dịch vụ bảo hành, sửa chữa và linh kiện thay thế. Một số thiết bị kém chất lượng, không thích hợp khả năng chuyên môn nên hiệu quả đầu tư không cao, gây lãng phí.

Để khắc phục những nhược điểm trên nhằm phát huy cao hiệu quả đầu tư của Nhà nước trong việc nâng cấp trang thiết bị cho ngành y tế, góp phần nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị, địa phương khi mua sắm trang thiết bị y tế không phân biệt nguồn kinh phí Trung ương, địa phương, do Nhà nước cấp hay tiền viện trợ đều phải thực hiện những quy định sau đây:

1. Đảm bảo chất lượng trang thiết bị tốt, phù hợp đúng yêu cầu chuyên môn.

2. Giá mua phải hợp lý với thị trường hiện nay, tránh mọi tiêu cực gây thất thoát kinh phí của Nhà nước.

3. Đảm bảo có bảo hành kỹ thuật, đào tạo cán bộ sử dụng, có tài liệu kỹ thuật và phụ tùng thay thế.

4. Phải lựa chọn chủng loại thống nhất để tạo điều kiện tốt cho việc bảo hành, sửa chữa, cung cấp phụ tùng linh kiện thay thế, đồng thời tiến đến có thể lắp ráp từng phần từ thấp đến cao trong nước.

5. Các loại thiết bị có giá trị từ 200 triệu đến 500 triệu ĐVN (tương đương từ 20.000 đến 50.000 USD) phải có báo cáo kinh tế kỹ thuật từ 500 triệu ĐVN trở lên phải có luận chứng kinh tế kỹ thuật để Hội đồng tư vấn kỹ thuật thiết bị y tế của Bộ xem xét.

6. Những thiết bị thuộc các chủng loại sau đây phải được thông qua Hội đồng tư vấn kỹ thuật thiết bị y tế của Bộ.

- X-quang

- Siêu âm

- CT-Scanner

- MRI (cộng hưởng từ)

- Máy gây mê, máy thở

- Máy xét nghiệm trong sinh hoát, huyết học...

- Điện não, điện tim, Monitoring

- Xe ô tô cứu thương

- Thiết bị đồng vị phóng xạ (Gama-Camera)

- Thiết bị tiệt trùng trung tâm

- Thiết bị sản xuất khí y tế.

7. Đối với việc mua trang thiết bị y tế sản xuất ở nước ngoài (trừ dụng cụ và vật liệu tiêu hao y tế) các đơn vị, địa phương chỉ được mua của các đơn vị được Bộ Y tế cho phép và Bộ Thương mại cấp Giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu trang thiết bị y tế.

8. Các cơ sở y tế cần lập kế hoạch cụ thể mua sắm trang thiết bị y tế hàng năm báo cáo về Bộ (Vụ Trang thiết bị - Công trình y tế) để tổng hợp nhu cầu chung cho toàn ngành.

Bộ Y tế đề nghị các đơn vị, địa phương thực hiện đầy đủ các quy định đã nêu ở trên, trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn cần báo cáo về Bộ (Vụ trang thiết bị - Công trình y tế) để kịp thời giải quyết).

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với những quy định trong Thông tư này đều bãi bỏ.

Nguyễn Trọng Nhân

(Đã ký)