Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ LAO ĐỘNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 10-LĐ/TT

Hà Nội, ngày 30 tháng 9 năm 1986

THÔNG TƯ

CỦA BỘ LAO ĐỘNG SỐ 10-LĐ/TT NGÀY 30-9-1986 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ BỒI DƯỠNG VÀ NÂNG BẬC NGHỀ CÔNG NHÂN

Thực hiện quy định tạm thời về quyền tự chủ của đơn vị kinh tế cơ sở trong lĩnh vực lao động, tiền lương (ban hành kèm theo Quyết định số 76-HĐBT ngày 26-6-1986 của Hội đồng Bộ trưởng), để phát huy quyền tự chủ của xí nghiệp về công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ và nâng bậc nghề công nhân, sau khi trao đổi với các Bộ, ngành có liên quan, Bộ Lao động hướng dẫn thực hiện chế độ bồi dưỡng nâng bậc nghề công nhân như sau :

I. NGUYÊN TẮC CHUNG

1. Bồi dưỡng nâng cao trình độ và kiểm tra nâng bậc nghề công nhân là nhiệm vụ thường xuyên của Giám đốc các xí nghiệp nhằm bảo đảm trình độ nghề của công nhân phù hợp với yêu cầu sản xuất, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nâng cao năng suất lao động và sử dụng có hiệu quả cao nhất lực lượng lao động của đơn vị.

2. Kế hoạch bồi dưỡng nâng cao trình độ và nâng bậc nghề công nhân hàng năm phải căn cứ vào kế hoạch sản xuất, yêu cầu về trình độ kỹ thuật công nhân ở các khâu sản xuất, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất của xí nghiệp về số lượng và chất lượng sản phẩm.

3. Nội dung bồi dưỡng nâng cao trình độ và nâng bậc nghề công nhân phải căn cứ vào tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật nghề công nhân do Bộ chủ quản quy định và thoả thuận với Bộ Lao động. Đối với những nghề mới chưa có tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật thì xí nghiệp tạm thời quy định và báo cáo với Bộ chủ quản.

4. Công nhân đang làm nghề nào thì trước hết dự thi nâng bậc theo nghề đó. Nếu có thêm những nghề khác phù hợp với yêu cầu sản xuất của xí nghiệp vẫn được quyền dự thi nâng bậc theo nghề khác đó. Chỉ nâng bậc cho những công nhân đã qua kiểm tra lý thuyết tay nghề đạt yêu cầu của tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật bậc dự thi và được giao việc phù hợp.

II. ĐỐI TƯỢNG, ĐIỀU KIỀN ĐƯỢC DỰ THI VÀ NÂNG BẬC NGHỀ CÔNG NHÂN

1. Những công nhân đang làm việc, không phân biệt theo chế độ hợp đồng đã tuyển dụng chính thức, ở các xí nghiệp hoặc trong các cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp... đã được sắp xếp vào các thang lương, bảng lương công nhân đều được áp dụng chế độ bồi dưỡng nâng cao trình độ và nâng bậc nghề.

2. Công nhân muốn dự thi nâng bậc nghề phải có đủ các điều kiện sau:

a) Đã học tập, bồi dưỡng lý thuyết, rèn luyện tay nghề theo kế hoạch, nội dung và các hình thức bồi dưỡng nâng bậc do đơn vị tổ chức, hướng dẫn theo quy định của Nhà nước.

b) Trong thời gian 12 tháng trước khi dự thi nâng bậc phải hoàn thành các công việc được giao, đạt định mức quy định về số lượng và chất lượng sản phẩm theo bậc đang giữ; 6 tháng trước khi dự thi nâng bậc đã được xoá bỏ hình thức kỷ luật (nếu có) từ mức cảnh cáo trở lên.

3. Công nhân thi nâng bậc đạt yêu cầu lý thuyết và tay nghề theo tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật thì được cấp giấy chứng nhận trình độ nghề. Khi giao việc phù hợp với trình độ thì được trả lương mới từ ngày đó. Nếu thi nâng bậc đạt kết quả xuất sắc (cả lý thuyết và tay nghề) thì được quyền xin dự thi luôn bậc kế tiếp.

4. Đối với những công nhân thi đạt danh hiệu thợ giỏi cấp ngành (nội dung thi thợ giỏi căn cứ theo nội dung của tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật nghề công nhân đang làm), nếu xí nghiệp có yêu cầu trình độ nghề công nhân thì vận dụng như sau:

- Trường hợp bậc thi thợ giỏi trên bậc thợ hiện giữ 1 bậc, công nhân được xét nâng một bậc không phải dự thi nâng bậc.

- Trường hợp bậc thi thợ giỏi trên bậc thợ hiện giữ 2 bậc trở lên, công nhân phải qua kiểm tra trình độ (lý thuyết và tay nghề) các bậc liền kề giữa bậc thợ hiện giữ và bậc thợ đạt thợ giỏi. Nếu đạt yêu cầu, được xét nâng bậc theo bậc thi đạt thợ giỏi.

5. Đối với những công nhân đã tốt nghiệp hệ đào tạo công nhân kỹ thuật chính quy từ 2,5 năm trở lên, khi thi nâng bậc ở những bậc dưới bậc 5 (thang lương 6, 7 bậc) không phải thi lý thuyết chỉ thi tay nghề. Đối với những công nhân đang làm việc ở những vùng biên giới có chiến sự, hoặc làm việc phân tán ở những nơi xa xôi hẻo lánh, công nhân là thương binh được xếp hạng, là người dân tộc ít người, công nhân đã làm việc lâu năm tuổi cao (nam 50 tuổi, nữ 45 tuổi trở lên), trình độ văn hoá thấp, khi kiểm tra trình độ nghề để nâng bậc có thể châm chước về lý thuyết nghề nhưng phải bảo đảm tay nghề.

6. Những cán bộ kỹ thuật, công nhân bậc cao và công nhân dự thi nâng bậc trong thời gian hướng dẫn, rèn luyện tay nghề để dự thi nâng bậc, nếu có thành tích tạo ra giá trị làm lợi cho xí nghiệp được ban bồi dưỡng nâng bậc nghề của xí nghiệp công nhận thì được giám đốc xét thưởng tiền không quá 30% giá trị làm lợi (sau khi đã tính hết các chi phí). Nếu giá trị làm lợi do sáng kiến, sáng chế phát minh đem lại thì được vận dụng xét thưởng với mức thưởng về sáng kiến, sáng chế theo quy định hiện hành của Nhà nước.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Để thực hiện tốt công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ và nâng bậc nghề công nhân, cần tiến hành như sau:

1. ở xí nghiệp phải thành lập Ban bồi dưỡng nâng bậc nghề công nhân, Ban này làm tư vấn cho Giám đốc xí nghiệp và có nhiệm vụ, quyền hạn:

- Lập kế hoạch bồi dưỡng nâng bậc công nhân kết hợp với kế hoạch sản xuất.

- Thông báo tiêu chuẩn và danh sách những công nhân được bồi dưỡng dự thi nâng bậc.

- Tổ chức và theo dõi kết quả học tập bồi dưỡng lý thuyết và rèn luyện tay nghề cho công nhân trong diện thi nâng bậc.

- Tổ chức chấm thi lý thuyết, tay nghề cho những công nhân dự thi. Báo cáo kết quả thi với Hội đồng lương của xí nghiệp.

2. Căn cứ vào báo cáo kết quả kiểm tra (lý thuyết và tay nghề) của Ban bồi dưỡng nâng bậc nghề, Giám đốc xí nghiệp có trách nhiệm:

- Cấp giấy chứng nhận bậc nghề cho công nhân đã kiểm tra đạt yêu cầu.

- Khi giao việc phù hợp và theo đề nghị của Hội đồng lương, ký quyết định nâng bậc lương cho công nhân.

3. Cơ quan Lao động tiền lương các Bộ cơ quan ngang Bộ, các Tổng cục, Sở Lao động các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương có trách nhiệm giúp thủ trưởng ngành hoặc địa phương mình:

- Chỉ đạo, cụ thể hoá những quy định trong Thông tư này cho phù hợp với đặc điểm của ngành và địa phương.

- Hướng dẫn đôn đốc kiểm tra các cơ sở, rà soát lại cấp bậc công việc, tính toán nhu cầu về số lượng và trình độ nghề công nhân ở từng khâu theo kế hoạch sản xuất để xây dựng kế hoạch bồi dưỡng nâng bậc nghề công nhân hàng năm khi xây dựng kế hoạch sản xuất.

- Tổ chức sơ kết và báo cáo kết quả bồi dưỡng nâng bậc nghề công nhân của các cơ sở thuộc ngành và địa phương về Bộ Lao động.

Thông tư này được phổ biến rộng rãi, đầy đủ đến tất cả công nhân đang làm việc trong xí nghiệp, cơ quan và thay thế các Thông tư hướng dẫn bồi dưỡng nâng bậc lương công nhân đã ban hành trước đây.

Đào Thiện Thi

(Đã ký)