Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 10-TBXH

Hà Nội, ngày 16 tháng 07 năm 1976

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ SỐ 60-CP NGÀY 5-4-19766 VỀ VIỆC XÂY DỰNG NGHĨA TRANG VÀ BIA GHI CÔNG LIỆT SĨ.

Trong Quyết định số 60-CP ngày 5-4-1976, Hội đồng Chính phủ đã quy định về việc xây dựng nghĩa trang, đài tưởng niệm, bia ghi công liệt sĩ là để ghi lại lâu dài công lao to lớn của liệt sĩ, cổ vũ tinh thần yêu nước, giáo dục chủ nghĩa anh hùng cách mạng, phát huy truyền thống đấu tranh kiên cường, dũng cảm, bất khuất của quân và dân trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Để thi hành quyết định nói trên, sau khi trao đổi ý kiến với Bộ hữu quan, Bộ Thương binh và xã hội giải thích và hướng dẫn một số điểm về việc xây dựng nghĩa trang và bia ghi công liệt sĩ như sau:

I. CHỦ TRƯƠNG CHUNG VỀ VIỆC XÂY DỰNG NGHĨA TRANG VÀ BIA GHI CÔNG LIỆT SĨ

1. Liệt sĩ hy sinh ở địa phương nào thì chính quyền, đoàn thể vào nhân dân ở địa phương đó có trách nhiệm giữ gìn phần mộ, cất bốc và quy tập vào các nghĩa trang liệt sĩ đã sẵn có ; nơi chưa có thì xây dựng thành nghĩa trang liệt sĩ mới của xã, huyện hoặc tỉnh, thành phố. Không khuyến khích và không nên tiến hành việc di chuyển hài cốt liệt sĩ về nguyên quán. Ở các nguyên quán của liệt sĩ thì xây dựng bia ghi công liệt sĩ. Chính quyền, đoàn thể các địa phương có trách nhiệm thực hiện đầy đủ chủ trương của chính phủ và giải thích cho gia đình liệt sĩ hiểu rõ để thực hiện tốt chủ trương này.

2. Đối với các nghĩa trang liệt sĩ đã xây dựng thì phải bảo quản chu đáo. Những nghĩa trang liệt sĩ chưa đạt yêu cầu (như ghi trong mục II dưới đây) thì phải được dần dần tu sửa lại. Nếu đã xây dựng những địa điểm mà nay có trở ngại nhiều cho việc quy hoạch và phát triển kinh tế (nghĩa trang ở vào phạm vi mở mang của các công trình thuỷ lợi, giao thông , công nghiệp...) thì mới di chuyển để xây dựng lại nơi khác.

3.Ở các địa phương chưa xây dựng lai nghĩa trang liệt sĩ, thì tuỳ theo số mộ liệt sĩ, điều kiện địa hình, tình hình cụ thể về quy hoạch kinh tế và những sự thay đổi có thể về địa giới hoặc đơn vị hoặc đơn vị hành chính của cấp xã và huyện ở từng địa phương mà xây dựng nghĩa liệt sĩ của xã, của huyện hay của tỉnh, thành phố.

- Các xã có từ vài ba chục liệt sĩ trở lên, nếu xã có điều kiện, thì có thể xây mỗi xã một nghĩa trang liệt sĩ.

- Các huyện mà phần lớn số xã có ít mộ liệt sĩ hoặc không có điều kiện xây dựng nghĩa trang liệt sĩ, thì mỗi huyện xây dựng một hoặc vài ba nghĩa trang liệt sĩ.

- Các tỉnh có một số huyện chỉ có ít mộ liệt sĩ thì chỉ có thể quy tập mộ của các huyện này để xây dựng nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh, còn các huyện khác có nhiều mộ liệt sĩ thì xây dựng nghĩa trang liệt sĩ như đã nói trên.

4. Bia ghi công liệt sĩ được xây dựng ở các xã nguyên quán của liệt sĩ nhằm mục đích ghi nhớ tên tuổi, công lao và gương hy sinh oanh liệt của các liệt sĩ, phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng của quê hương, vừa để đáp ứng các nguyện vọng của các gia đình liệt sĩ và nhân dân địa phương, vừa đê giáo dục chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tinh thần yêu nước trong nhân dân. Mỗi xã chỉ xây dựng bia ghi công liệt sĩ ở một địa điểm (trừ trường hợp đã xây bia rồi sau đó lại hợp nhất lại hai, ba xã làm một xã). Có thể kết hợp với việc xây dựng nhà truyền thống của xã, dựng bia trong nhà truyền thống hoặc trong khu vực nhà truyền thống. Có thể kết hợp với việc xây dựng nghĩa trang liệt sĩ của xã, dựng bia trong khu vực nghĩa trang liệt sĩ . Nếu nguyên quán của liệt sĩ ở thành phố thì dựng bia ghi công liệt sĩ ở một địa điểm trong khu phố. Trên bia khắc họ tên các liệt sĩ đã được cấp bằng Tổ quốc ghi công, khắc tên trước hay sau là theo thời gian hy sinh của liệt sĩ (hy sinh trước khắc tên trước). Sẽ có hướng dẫn cụ thể trong các mẫu thiết kế xây dựng bia ghi công liệt sĩ.

II. YÊU CẦU VỀ XÂY DỰNG

Các nghĩa trang liệt sĩ và bia ghi công liệt sĩ là những công trình văn hoá,những di tích lịch sử tiêu biểu cho truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc ta, do đó phải được xây dựng trang nghiêm, đẹp, có phong cách dân tộc, bền chắc để giữ gìn được lâu dài.

Để thực hiện được yêu cầu trên đây, các nghĩa trang và bia ghi công liệt sĩ phải đặt ở những địa điểm tốt và phải được xây dựng theo các mẫu thiết kế tốt. Do đó cần chú ý:

1. Lựa chọn địa điểm xây dựng nghĩa trang liệt sĩ phải theo như trong quyết định của Hội đồng Chính phủ : “Nghĩa trang liệt sĩ phải đặt những nơi có ý nghĩa tiêu biểu, có phong cảnh đẹpm cao ráo, thuận tiện cho việc đi lại, thăm viếng, phù hợp với quy hoạc xây dựng và phát triển kinh tế của địa phương. Phải hết sức tránh lấy ruộng đất canh tác nhất là những nơi màu mỡ để xây dựng nghĩa trang liệt sĩ”. Địa điểm xây dựng nghĩa trang liệt sĩ của xã thì phải được Uỷ ban nhân dân huyện xét duyệt, địa điểm xây dựng nghĩa trang liệt sĩ của huyện, tỉnh hoặc thành phố thì phải được Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xét duyệt và ra quyết định cấp đất để xây dựng. Hết sức tránh tình trạng do lựa chọn không kỹ phải di chuyển nghĩa trang liệt sĩ, gây lãng phí và ảnh hưởng không tốt trong gia đình liệt sĩ và nhân dân.

2. Thiết kế các mẫu xây dựng phải dựa theo yêu cầu chung trên đây đồng thời phải căn cứ vào điều kiện khả năng tài chính, vật tư và kỹ thuật xây dựng của ta, trên tinh thần hết sức trọng thị, tiết kiệm, tránh lãng phí, vừa đạt được yêu cầu về hình thức, vừa thể hiện về nội dung, có tác dụng truyền cảm mạnh mẽ, gây được ấn tượng sâu sắc về lòng tôn kính liệt sĩ và lòng tự hào về truyền thông vẻ vang của dân tộc.

Để có mẫu thiết kế xây dựng tốt, Bộ Thương binh và xã hội sẽ phối hợp với các Bộ hữu quan và các ngành chuyên môn tổ chức về một số loại mẫu nghĩa trang và bia ghi công liệt sĩ để các địa phương lựa chọn sử dụng cho thích hợp. Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nơi nào có điều kiện có thể tổ chức thiết kế một số loại mẫu nghĩa trang liệt sĩ (nhất là mẫu nghĩa trang liệt sĩ của huyện, của tỉnh) và bia ghi công liệt sĩ của địa phương và gửi về Bộ Thương binh và xã hội để Bộ xét duyệt mẫu và kế hoạch xây dựng.

III. KINH PHÍ, VẬT TƯ XÂY DỰNG

Theo quyết định của Hội đồng Chính phủ. Nhà nước cấp kinh phí, vật tư để tiến hành cất bốc, quy tập mộ liệt sĩ, xây dựng nghĩa trang liệt sĩ của huyện, tỉnh, thành phố đồng thời phải dựa vào công sức của nhân dân để xây dựng. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được huy động và sử dụng công lao động nghĩa vụ của nhân dân địa phương theo chế độ đã quy định để tiến hành các công việc xây dựng nghĩa trang liệt sĩ của huyện, của tỉnh, thành phố. Việc xây dựng các nghĩa trang liệt sĩ ở xã và bia ghi công liệt sĩ thì do chính quyền và các đoàn thể nhân dân ở trong xã dựa vào công sức của nhân dân trong xã tạo nên vật tư mà xây dựng.

Vì vậy,chính quyền và đoàn thể nhân dân các cấp ở địa phương phải giải thích kỹ cho cán bộ và nhân dân hiểu rõ ý nghĩa, mục đích xây dựng nghĩa trang liệt sĩ, bia ghi công liệt sĩ và nghĩa vụ của mọi người đối với việc này, để mọi người thông suốt và tích cực thực hiện.

Về việc cấp kinh phí và vật tư thì giải quyết như sau:

1. Kinh phí để cất bốc, quy tập một mộ liệt sĩ chưa cất bốc lần nào, quy định chung là 50đồng (kể cả mộ chí) do Bộ Thương binh và xã hội xét cấp. Các Sở, Ty thương binh và xã hội dự trù và đề nghị cấp kinh phí theo số mộ liệt sĩ dự định cất bốc, quy tập. Trường hợp phải chi quá số tiền quy định chung (50đồng) thì các Sở, Ty thương binh và xã hội phải có bán dự chi từng khoản (tiểu sành, mộ chí, công tất bốc, vận chuyển...) cho việc cất bốc, quy tập một mộ liệt sĩ, được Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xét duyệt dự chi đó trước khi đề nghị Bộ Thương binh và xã hội xét cấp kinh phí.

2. Kinh phí để xây dựng nghĩa trang liệt sĩ của huyện, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do ngân sách trung ương cấp. Riêng ở các huyện mà phần lớn các xã đã xây dựng nghĩa trang liệt sĩ nhưng do nhu cầu của việc quy hoạch, phát triển kinh tế mà cần quy tập các nghĩa trang liệt sĩ nhỏ để xây dựng thành nghĩa trang liệt sĩ của huyện thì phải được Bộ Thương binh và xã hội đồng ý mới được cấp kinh phí. Bộ Thương binh và xã hội xét cấp kinh phí căn cứ vào dự toán ngân sách hàng năm của các địa phương và dự trù kinh phí từng công trình theo mẫu thiết kế do Bộ Thương binh và xã hội phát hành hoặc mẫu thiết kế đã được Bộ Thương binh và xã hội xét duyệt. Khi xét cấp kinh phí, Bộ Thương binh và xã hội có xem xét kế hoạch vận động nhân dân địa phương tham gia xây dựng đối với từng công trình. Các Sở, Ty thương binh và xã hội cần có kế hoạch cụ thể kèm theo các bản dự trù kinh phí.

3. Vật tư để xây dựng nghĩa trang liệt sĩ của huyện, tỉnh, thành phố trước hết phải dựa vào sự sản xuất, khai thác hoặc sử dụng những thứ sẵn có ở địa phương. Đối với một vài loại vật liệu cần thiết cho việc xây dựng nghĩa trang liệt sĩ mà địa phương không có (xi-măng, sắt...) thì các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương dự trù chung vào kế hoạch vật tư của địa phương và đề nghị Nhà nước xét cấp.

IV. QUẢN LÝ VÀ PHÁT HUY TÁC DỤNG CỦA CÁC CÔNG TRÌNH ĐÃ XÂY DỰNG

Các nghĩa trang và bia ghi công liệt sĩ là những công trình văn hoá, giáo dục, những di tích lịch sử. Vì vậy, việc quản lý và phát huy tác dụng của các công trình này phải theo chế độ chung về việc quản lý các công trình văn hoá, giáo dục, các di tích lịch sử, do ngành văn hoá phụ trách.

Những công trình đã xây dựng cong thì phải có bàn giao cho cơ quan văn hoá các cấp phân loại, xếp hạng và phân cấp quản lý từng công trình theo chế độ chung. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần quan tâm chỉ đạo thực hiện, quản lý, bảo vệ tốt và phát huy tác dụng của các công trình đã xây dựng.

V. QUY HOẠCH XÂY DỰNG

Xây dựng nghĩa trang và bia ghi công liệt sĩ là một việc lớn, phải thực hiện dần từng bước. Do đó, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều phải lập quy hoạch về việc này nhằm:

- Xác định số lượng các nghĩa trang liệt sĩ cần xây dựng (và tu sửa) ở tỉnh, ở huyện;

- Xác định địa điểm xây dựng các nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh và của huyện;

- Xác định kế hoạch thực hiện dần từng bước để sau một thời gian nhất định thì hoàn thành toàn bộ công việc.

Khi lập quy hoạch xây dựng, các địa phương cần chú ý:

1. Quy hoạch về việc xây dựng nghĩa trang và bia ghi công liệt sĩ phải phù hợp với quy hoạch xây dựng và phát triển kinh tế của địa phương. Nói chung, ở những huyện mà phần lớn các xã chưa xây dựng nghĩa trang liệt sĩ thì nên quy hoạch và xây dựng nghĩa trang liệt sĩ của huyện đặt ở nơi có phong cảnh đẹp, không ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế.

2. Cần xác định rõ kế hoạch thực hiện cho sát với khả năng của địa phương trên tinh thần hết sức trọng thị và không lãng phí hình thức.

3. Các Sở, Ty thương binh và xã hội cần phối hợp chặt chẽ với các ngành hữu quan xây dựng quy hoạch về công tác này, báo cáo với Uỷ ban nhân dân thành phố, tỉnh và gửi bề Bộ trước tháng 7 năm 1977.

Trong khi thi hành, nếu có điều gì còn vướng mắc, hoặc chưa rõ, đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kịp thời phản ánh với Bộ Thương binh và xã hội để Bộ nghiên cứu và góp ý với địa phương để giải quyết.

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

THỨ TRƯỞNG

Nguyễn Kiện