BỘ Y TẾ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 106-BYT/TT | Hà Nội, ngày 26 tháng 02 năm 1958 |
THÔNG TƯ
GIẢI THÍCH ĐIỀU 34 TRONG NGHỊ ĐỊNH SỐ: 965-TTC NGÀY 11 THÁNG 7 NĂM 1956 CỦA THỦ TƯỚNG PHỦ VỀ ĐIỀU LỆ TẠM THỜI CHO PHÉP LÀM CÁC NGHỀ CHỮA BỆNH, HỘ SINH, CHỮA RĂNG, BÀO CHẾ THUỐC VÀ BÁN THUỐC.
Kính gửi: | - Các ông Chủ tịch Ủy ban hành chính Khu, tỉnh, thành phố |
Điều 34 của Nghị định 965-TTg ngày 11 tháng 7 năm 1956 của Thủ tướng Chính phủ quy định: “nơi nào chưa có hiệu thuốc hoặc đại lý thuốc tây thì các hàng tạp hóa có thể được bán một số thuốc thông thường sau đây cho nhân dân dùng…”.
Bộ giải thích thêm như sau:
Tại các thành phố, ngoại ô, thị xã, thị trấn đã có các hiệu thuốc, các đại lý thuốc tây thì nhất thiết tất cả các hàng tạp hóa đều không được bán thuốc tây. Ví dụ: Tại thành phố Hà nội đã có các hiệu thuốc, các đại lý thuốc tây thì trong toàn thành phố Hà nội (kể cả các chợ như chợ Bắc qua, Đồng xuân…) các hàng tạp hóa đều không được bán thuốc tây.
Tại các thị trấn nhỏ, các chợ ở nông thôn mà tại thị trấn hay chợ đó không có đại lý thuốc tây thì các hàng tạp hóa được bán một số thuốc thông thường sau đây cho nhân dân:
Thuốc viên: Ký-nin, ky-na-cờ-rin, Pa-luy-đờ-rin, viên ho, viên đi rửa.
Thuốc nước: Thuốc đau mắt (suyn-fát-đờ-danh), thuốc đỏ (Méc-cuya-rô-cờ-róm), dầu tẩy, dầu giun.
Thuốc bột: Thuốc tím (Péc-măng-ga-nát-đờ k).
Thuốc mỡ: Pom-mát Súp-fờ-rê, Pom-mát ốc-xít đờ danh, Thuốc hắc lào.
Bông băng.
Những thuốc này đều phải là thuốc đã đóng gói lẻ có nhãn của hãng sản xuất quốc doanh hay tư doanh đựng vào chai, lọ, hộp gói; phải có ngăn để riêng, không để lẫn lộn với các hàng khác và phải bảo quản cẩn thận.
Phải có niêm yết giá, ngoài những thuốc trên, không được bán thuốc khác.
Các hàng rong, các hàng xén không được bán các thuốc kể trên.
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ |