UỶ BAN XÂY DỰNG CƠ BẢN NHÀ NƯỚC | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 107-UB/TT | Hà Nội, ngày 21 tháng 6 năm 1985 |
Thi hành Nghị định số 150-HĐBT ngày 13-12-1983 của Hội đồng Bộ trưởng về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy giúp Bộ trưởng và Nghị quyết số 166-HĐBT ngày 15-12-1984 của Hội đồng Bộ trưởng về cải tiến quản lý xây dựng cơ bản.
Để từng bước kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý xây dựng cơ bản và đưa công tác xây dựng cơ bản vào nền nếp, phù hợp với yêu cầu đổi mới cơ chế quản lý.
Uỷ ban xây dựng cơ bản Nhà nước ban hành Thông tư hướng dẫn tổ chức và hoạt động của Vụ (hoặc Ban) xây dựng cơ bản các Bộ, các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng (sau đây gọi tắt là Vụ xây dựng cơ bản Bộ) như sau:
I. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA VỤ XÂY DỰNG CƠ BẢN
1. Vụ xây dựng cơ bản là cơ quan trực thuộc Bộ, có trách nhiệm giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý của chủ quản đầu tư và quản lý công tác thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản của Bộ.
2. Vụ xây dựng cơ bản có nhiệm vụ và quyền hạn:
2.1. Trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế chung của Bộ, ngành, Vụ xây dựng cơ bản phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức việc lập quy hoạch xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của Bộ, ngành đáp ứng những mục tiêu kinh tế đã đề ra trong từng thời kỳ kế hoạch.
2.2. Chuẩn bị kế hoạch xây dựng cơ bản hàng năm và dài hạn của Bộ, ngành, bao gồm kế hoạch chuẩn bị đầu tư, kế hoạch chuẩn bị xây dựng và kế hoạch xây lắp. Sau khi Vụ kế hoạch của Bộ tổng hợp và cân đối vào kế hoạch chung của Bộ, ngành, Vụ xây dựng cơ bản phối hợp với Vụ kế hoạch trình Bộ trưởng xét.
- Căn cứ vào chỉ tiêu kế hoạch xây dựng cơ bản được duyệt, Vụ xây dựng cơ bản chuẩn bị và phối hợp với Vụ kế hoạch trình Bộ trưởng giao chỉ tiêu kế hoạch xây dựng cơ bản cho các đơn vị cơ sở trực thuộc Bộ và theo dõi việc triển khai thực hiện.
- Phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ giải quyết kịp thời những vướng mắc về thủ tục xây dựng cơ bản, vốn, vật tư... tạo điều kiện để cơ sở thực hiện hoàn thành kế hoạch xây dựng cơ bản hàng năm của Bộ.
2.3. Tổ chức thẩm tra trình Bộ trưởng xét duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật các công trình xây dựng do Bộ quản lý và giúp Bộ trưởng chuẩn bị trình luận chứng kinh tế kỹ thuật các công trình xây dựng quan trọng do Hội đồng Bộ trưởng xét duyệt. Đối với công trình xây dựng chuyên ngành thuộc địa phương quản lý, Vụ xây dựng cơ bản có trách nhiệm phối hợp với các Uỷ ban (hoặc Ban) xây dựng cơ bản địa phương hướng dẫn về nội dung luận chứng kinh tế kỹ thuật và các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật.
2.4. Thẩm tra trình Bộ trưởng xét duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán các công trình thuộc Bộ quản lý và giúp Bộ trưởng chuẩn bị trình thiết kế kỹ thuật và dự toán các công trình quan trọng do Hội đồng Bộ trưởng xét duyệt.
2.5. Quản lý công tác giám định chất lượng xây dựng, tổ chức nghiệm thu công trình xây dựng đối với những công trình quan trọng của Bộ (do Bộ trưởng quy định); hướng dẫn và kiểm tra công tác nghiệm thu công trình đối với cơ sở trực thuộc Bộ.
2.6. Tổ chức biên soạn trình duyệt: định mức, đơn giá, các chỉ tiêu kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm trong thiết kế và thi công các công trình xây dựng thuộc chuyên ngành theo hướng dẫn và thoả thuận của Uỷ ban xây dựng cơ bản Nhà nước.
2.7. Hướng dẫn và kiểm tra các cơ sở trực thuộc Bộ thực hiện việc ứng dụng những tiến bộ về khoa học kỹ thuật xây dựng, các thiết kế điển hình, quy trình quy phạm kỹ thuật trong thiết kế và thi công; Các định mức, đơn giá và chế độ chính sách về xây dựng cơ bản của Hội đồng Bộ trưởng và của Bộ ban hành.
2.8. Tổ chức hướng dẫn và bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý xây dựng cơ bản đối với các cơ sở, các ban quản lý công trình trực thuộc Bộ và chuyên ngành.
2.9. Tổng hợp tình hình công tác xây dựng cơ bản của Bộ và chuyên ngành trên các mặt thực hiện chỉ tiêu kế hoạch xây dựng cơ bản và những quy định trong công tác quản lý xây dựng cơ bản, báo cáo đề xuất với Bộ trưởng những biện pháp nhằm bảo đảm hoàn thành kế hoạch xây dựng cơ bản của Bộ, được Nhà nước giao.
2.10. Vụ xây dựng cơ bản là thường trực các Hội đồng sau đây của Bộ:
- Hội đồng thẩm tra xét duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật.
- Hội đồng thẩm tra xét duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán công trình (nếu có).
- Hội đồng nghiệm thu công trình cấp Bộ.
Vụ xây dựng cơ bản có thể tham gia trong các Hội đồng sau đây của Bộ:
- Hội đồng xét duyệt hoàn thành kế hoạch xây dựng cơ bản.
- Hội đồng xét duyệt sáng kiến phát minh về khoa học kỹ thuật xây dựng và quản lý xây dựng cơ bản.
2.11. Phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ trong việc:
- Giải quyết những vấn đề giúp cho việc thanh quyết toán công trình xây dựng của Bộ được nhanh chóng và đúng chế độ.
- Theo dõi, kiểm tra việc nhập và sử dụng thiết bị toàn bộ của nước ngoài đối với các công trình xây dựng cơ bản thuộc Bộ quản lý.
- Kiến nghị thành lập hoặc giải thể các ban quản lý công trình và các tổ chức quản lý xây dựng cơ bản ở các cơ sở trực thuộc Bộ.
- Đề xuất với Bộ trưởng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý xây dựng cơ bản của Bộ.
2.12. Vụ xây dựng cơ bản chịu sự chỉ đạo và hướng dẫn về nghiệp vụ quản lý xây dựng cơ bản của Uỷ ban xây dựng cơ bản Nhà nước, có nhiệm vụ báo cáo tình hình công tác quản lý xây dựng cơ bản của Bộ và chuyên ngành theo định kỳ (quý, 6 tháng, 9 tháng, năm) và theo yêu cầu của Uỷ ban xây dựng cơ bản Nhà nước.
Đối với những Bộ có thêm chức năng là chủ quản xây lắp, ngoài những nhiệm vụ trên, Vụ xây dựng cơ bản còn có các nhiệm vụ sau:
2.13. Chuẩn bị và phối hợp với Vụ kế hoạch trình Bộ trưởng giao chỉ tiêu kế hoạch nhận thầu xây lắp, kế hoạch cung ứng vật tư, kế hoạch phát triển năng lực xây lắp, kế hoạch tiến độ xây lắp công trình và huy động đưa công trình vào sử dụng.
2.14. Theo dõi, kiểm tra việc thực hiện tiến độ xây lắp các công trình nhận thầu, giúp Bộ trưởng trong chỉ đạo, sắp xếp, điều phối lực lượng xây dựng và điều hoà vật tư xây dựng để bảo đảm hoàn thành kế hoạch xây lắp hàng năm của Bộ.
2.15. Quản lý và hướng dẫn nghiệp vụ đối với các tổ chức KCS (kiểm tra chất lượng sản phẩm) của các đơn vị xây lắp trong việc kiểm tra chất lượng sản phẩm xây lắp.
2.16. Cùng với các đơn vị xây lắp giải quyết những vướng mắc về xử lý kỹ thuật chất lượng, đơn giá, dự toán, các vấn đề phát sinh trong quá trình xây lắp, bảo đảm các chế độ, chính sách của Nhà nước và kế hoạch tiến độ xây lắp của công trình nhận thầu.
II. TỔ CHỨC CỦA VỤ XÂY DỰNG CƠ BẢN
- Về biên chế của Vụ, tuỳ theo khối lượng công việc và nhiệm vụ cụ thể được giao do Bộ trưởng quyết định trong tổng số biên chế của Bộ.
- Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ đã nêu trên và bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống tổ chức quản lý xây dựng cơ bản giữa các Bộ, Vụ xây dựng cơ bản của Bộ có thể có các bộ phận công tác như:
- Bộ phận tổng hợp và kế hoạch
- Bộ phận quản lý kỹ thuật
- Bộ phận quản lý kinh tế
- Bộ phận quản lý chất lượng và nghiệm thu công trình.
1. Thông tư này được áp dụng thống nhất đối với Vụ (hoặc Ban) xây dựng cơ bản ở các Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng. Riêng với Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và một số Bộ chưa có tổ chức Vụ (hoặc Ban) xây dựng cơ bản, Uỷ ban Xây dựng cơ bản Nhà nước sẽ trao đổi cụ thể để vận dụng cho sát hợp.
2. Căn cứ Thông tư này Vụ (hoặc Ban) xây dựng cơ bản các Bộ cụ thể hoá các nhiệm vụ phù hợp với tình hình của mỗi Bộ, xây dựng quy chế về tổ chức và hoạt động của Vụ (hoặc Ban) xây dựng cơ bản trình Bộ trưởng quyết định.
3. Trong quá trình thực hiện, Vụ (hoặc Ban) xây dựng cơ bản các Bộ nếu có vướng mắc cần phản ánh cho Uỷ ban Xây dựng cơ bản Nhà nước để cùng Bộ trao đổi giải quyết nhằm sớm ổn định tổ chức, phát huy hiệu lực của hệ thống tổ chức quản lý xây dựng cơ bản từ Trung ương đến cơ sở.
Đỗ Quốc Sam (Đã ký) |
- 1 Nghị quyết số 166-HĐBT về cải tiến quản lý xây dựng cơ bản do Hội Đồng Bộ trưởng ban hành
- 2 Nghị định 150-HĐBT năm 1983 về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy giúp Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng quản lý Nhà nước do Hội đồng Bộ trưởng ban hành