Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 110/2013/TT-BTC

Hà Nội, ngày 14 tháng 8 năm 2013

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VIỆC LẬP DỰ TOÁN, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC BẢO ĐẢM THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHUYÊN MÔN THUỘC CÔNG TÁC BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành;

Căn cứ Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước số 30/2000/PL-UBTVQH10 ngày 28 tháng 12 năm 2000;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 21/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong tình hình mới;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chuyên môn thuộc công tác bảo vệ bí mật nhà nước như sau:

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chuyên môn thuộc công tác bảo vệ bí mật nhà nước.

2. Đối tượng áp dụng của Thông tư này gồm: Các cơ quan, đơn vị, tổ chức Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và hội có tính chất đặc thù ở trung ương, địa phương được giao sử dụng ngân sách nhà nước trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chuyên môn thuộc công tác bảo vệ bí mật nhà nước.

Điều 2. Nguồn kinh phí

1. Nguồn kinh phí thực hiện nhiệm vụ chuyên môn thuộc công tác bảo vệ bí mật nhà nước do ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp hiện hành và được bố trí trong dự toán kinh phí được giao hàng năm của cơ quan, tổ chức theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

2. Kinh phí bảo đảm cho công tác bảo vệ bí mật nhà nước phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích, đúng chế độ hiện hành và theo các quy định tại Thông tư này.

Điều 3. Nội dung chi phục vụ nhiệm vụ chuyên môn công tác bảo vệ bí mật nhà nước

1. Chi soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

2. Chi kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật có nội dung thuộc bí mật nhà nước.

3. Chi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

4. Chi tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ về công tác bảo vệ bí mật nhà nước.

5. Chi hội nghị, hội thảo, tọa đàm, sơ kết, tổng kết về công tác bảo vệ bí mật nhà nước.

6. Chi mua sắm trang thiết bị, máy móc, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác bảo vệ bí mật nhà nước, bao gồm: hòm, tủ, máy tính, biển hiệu, con dấu; phần mềm bảo mật thiết bị, đường truyền bảo mật theo quy định của Luật Cơ yếu; thiết bị lưu giữ và bảo quản tin, tài liệu mật; vật mang bí mật nhà nước; thiết bị bảo vệ và giám sát; tem kiểm tra an ninh; thiết bị tiêu hủy tài liệu, vật mang bí mật nhà nước.

7. Chi khảo sát, vẽ sơ đồ và xây dựng Báo cáo xác định khu vực, địa điểm cấm theo quy định của Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước và các văn bản hướng dẫn để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt.

8. Chi thu thập tin, tài liệu phục vụ công tác xác minh, điều tra các vụ lộ, lọt bí mật nhà nước.

9. Chi điều tra, khảo sát thống kê số liệu trong nước liên quan đến bảo vệ bí mật nhà nước.

10. Chi hoạt động đàm phán, ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về việc cùng bảo vệ thông tin mật.

11. Chi kiểm tra an ninh các thiết bị điện tử, phương tiện trước khi đưa vào sử dụng phục vụ công tác bảo vệ bí mật nhà nước, gồm: Thuê chuyên gia, phương tiện, thiết bị (trong trường hợp cán bộ, phương tiện, thiết bị của cơ quan an ninh không đáp ứng được yêu cầu kiểm tra thì người đứng đầu đơn vị kỹ thuật, nghiệp vụ quyết định việc thuê số lượng chuyên gia, phương tiện, thiết bị để thực hiện).

12. Chi thực hiện giảm mật, giải mật, tiêu hủy bí mật nhà nước theo quy định, gồm:

a) Phân loại, tập hợp lập danh mục, rà soát tài liệu, vật mang bí mật nhà nước cần giảm mật, giải mật, tiêu hủy để xây dựng Báo cáo thuyết minh tài liệu, vật mang bí mật cần tiêu hủy;

b) Họp Hội đồng xác định giá trị tài liệu mật, xét hủy tài liệu mật phải tiêu hủy;

c) Thuê phương tiện vận chuyển tài liệu, vật mang bí mật từ địa điểm lưu giữ đến nơi tiêu hủy; thuê thiết bị thực hiện tiêu hủy.

13. Chi khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước.

Điều 4. Mức chi

1. Mức chi cụ thể theo phụ lục kèm theo Thông tư.

2. Các mức chi quy định tại Thông tư này là mức chi tối đa. Căn cứ vào tình hình thực tế, tính chất phức tạp của từng nhiệm vụ chi và khả năng ngân sách, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định mức chi cụ thể cho phù hợp, đảm bảo không vượt quá mức chi quy định tại Thông tư này.

3. Trường hợp nội dung chi chưa có quy định của cấp có thẩm quyền về chế độ định mức chi thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định mức chi căn cứ vào chế độ, định mức, đơn giá của ngành có công việc tương tự hoặc mức chi thực tế (có chứng từ hợp pháp, hợp lệ) trong phạm vi dự toán được giao và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Điều 5. Lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chuyên môn cho công tác bảo vệ bí mật nhà nước

1. Hàng năm, căn cứ vào yêu cầu công tác bảo vệ bí mật nhà nước và căn cứ nội dung chi, mức chi quy định tại Thông tư này, các cơ quan, đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ chuyên môn thuộc công tác bảo vệ bí mật nhà nước lập dự toán kinh phí bảo đảm cho công tác bảo vệ bí mật nhà nước tổng hợp chung trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của cơ quan, đơn vị mình gửi cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

2. Việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chuyên môn cho công tác bảo vệ bí mật nhà nước được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn thi hành các Luật này.

Điều 6. Điều khoản thi hành

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2013.

Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

Nơi nhận:
- TTCP, các Phó TTCP;
- VP Quốc hội, VP Chủ tịch nước, VP CP;
- VP TW và các Ban của Đảng;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Kiểm toán NN;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, t/p trực thuộc TW;
- Cơ quan TW của các hội, đoàn thể;
- Sở Tài chính, Sở Công an, Kho bạc NN các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp;
- Công báo, Website Chính phủ, Website Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, PC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trương Chí Trung

PHỤ LỤC

MỨC CHI THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHUYÊN MÔN CÔNG TÁC BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC
(Kèm theo Thông tư số 110/2013/TT-BTC ngày 14/8/2013 của Bộ Tài chính)

STT

Nội dung chi

Khung, mức chi tối đa

1

Chi soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước

Thông tư liên tịch số 192/2010/TTLT-BTC-BTP-VPCP ngày 02/12/2010 của liên Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật

2

Chi kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật có nội dung thuộc bí mật nhà nước

Thông tư liên tịch số 122/2011/TTLT-BTC-BTP ngày 17/8/2011 của liên Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát và hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật

3

Chi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước

Thông tư liên tịch số 73/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 14/5/2010 của liên Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật

4

Chi tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ về công tác bảo vệ bí mật nhà nước

Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21/9/2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức

5

Chi hội nghị, hội thảo, tọa đàm, sơ kết, tổng kết về công tác bảo vệ bí mật nhà nước

Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập

6

Chi mua sắm trang thiết bị, máy móc, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác bảo vệ bí mật nhà nước, bao gồm: hòm, tủ, máy tính, biển hiệu, con dấu; phần mềm bảo mật thiết bị, đường truyền bảo mật theo quy định của Luật Cơ yếu; thiết bị lưu giữ và bảo quản tin, tài liệu mật; vật mang bí mật nhà nước; thiết bị bảo vệ và giám sát; tem kiểm tra an ninh; thiết bị tiêu hủy tài liệu, vật mang bí mật nhà nước

a

Chi ứng dụng công nghệ thông tin

Thông tư liên tịch số 19/2012/TTLT-BTC-BKHĐT-BTTTT ngày 15/2/2012 của liên Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước

b

Chi mua sắm trang thiết bị, máy móc

Thông tư số 68/2012/TT-BTC ngày 26/4/2012 của Bộ Tài chính quy định việc đấu thầu để mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân

7

Chi khảo sát, vẽ sơ đồ và xây dựng Báo cáo xác định khu vực, địa điểm cấm theo quy định của Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước và các văn bản hướng dẫn để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt

3.000.000 đồng/báo cáo

8

Chi thu thập tin, tài liệu phục vụ công tác xác minh, điều tra các vụ lộ, lọt bí mật nhà nước

Thông tư số 148/2011/TT-BTC ngày 7/11/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước đảm bảo cho công tác điều tra tội phạm

9

Chi điều tra, khảo sát thống kê số liệu trong nước liên quan đến bảo vệ bí mật nhà nước

Thông tư số 58/2011/TT-BTC ngày 11/5/2011 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê

10

Chi hoạt động đàm phán, ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về cùng bảo vệ thông tin mật

Thông tư số 65/2008/TT-BTC ngày 21/7/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác điều ước quốc tế và công tác thỏa thuận quốc tế

11

Chi kiểm tra an ninh các thiết bị điện tử, phương tiện trước khi đưa vào sử dụng phục vụ công tác bảo vệ bí mật nhà nước, gồm: Thuê chuyên gia, phương tiện, thiết bị (trong trường hợp cán bộ, phương tiện, thiết bị của cơ quan an ninh không đáp ứng được yêu cầu kiểm tra thì người đứng đầu đơn vị kỹ thuật, nghiệp vụ quyết định việc thuê số lượng chuyên gia, phương tiện, thiết bị để thực hiện).

a

Thuê chuyên gia trong nước

Từ 1.000.000 đồng -1.500.000 đồng/một cuộc kiểm tra

b

Thuê phương tiện, thiết bị

Được thực hiện theo hóa đơn, chứng từ hợp pháp

12

Chi thực hiện giảm mật, giải mật, tiêu hủy bí mật nhà nước theo quy định, gồm:

a

Phân loại, tập hợp lập danh mục, rà soát tài liệu, vật mang bí mật nhà nước cần giảm mật, giải mật, tiêu hủy để xây dựng Báo cáo thuyết minh tài liệu, vật mang bí mật cần tiêu hủy

Thông tư liên tịch số 122/2011/TTLT-BTC-BTP ngày 17/8/2011 của liên Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát và hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật

b

Họp Hội đồng xác định giá trị tài liệu mật, xét hủy tài liệu mật phải tiêu hủy

- Người chủ trì: 150.000 đồng/người/buổi - Các thành viên tham dự: 100.000/người/buổi

c

Thuê phương tiện vận chuyển tài liệu, vật mang bí mật từ địa điểm lưu giữ đến nơi tiêu hủy; thuê thiết bị thực hiện tiêu hủy

Được thực hiện theo hóa đơn, chứng từ hợp pháp

13

Chi khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước

Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng

Thông tư số 71/2011/TT-BTC ngày 24/5/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ thi đua, khen thưởng theo Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng

Ghi chú: Trong quá trình thực hiện, nếu các văn bản dẫn chiếu để áp dụng tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hay thay thế bằng các văn bản mới thì các nội dung được dẫn chiếu áp dụng theo các văn bản mới đó