BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1100-TT/MTg | Hà Nội, ngày 20 tháng 8 năm 1997 |
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội thông qua ngày 27/12/1993;
Căn cứ Nghị định 22/CP ngày 22/5/1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường;
Căn cứ Nghị định 175/CP ngày 18/10/1994 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định 42/CP ngày 16/7/1996 của Chính phủ về việc ban hành Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng;
Căn cứ Nghị định 12/CP ngày 18/2/1997 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;
Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN & MT) hướng dẫn các nội dung và quy trình lập và thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với các dự án đầu tư trong nước và nước ngoài tại Việt Nam.
1. Theo quy định của Điều 9 Chương 3 Nghị định 175/CP của Chính phủ về hướng dẫn lập báo cáo ĐTM.
2. Theo quy định tại Điều 5 của Nghị định 42/CP và Điều 39 của Nghị định 12/CP, do tính chất, hình thức hoạt động, trình độ công nghệ, quy mô và địa điểm thực hiện Dự án... nên mức độ tác động đến môi trường của các Dự án rất khác nhau. Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường công bố danh mục các Dự án thành 3 loại:
2.1. Các Dự án không phải lập báo cáo ĐTM. (Phụ lục 1)
2.2. Các Dự án không thuộc Phụ lục I và II, phải lập báo cáo ĐTM chi tiết.
2.3. Các Dự án phức tạp về tính chất hoạt động sản xuất hoặc về địa điểm thực hiện Dự án phải lập báo cáo ĐTM theo 2 bước: (Phụ lục II)
Bước 1: Khi xin cấp Giấy phép đầu tư, phải lập báo cáo ĐTM sơ bộ; Bước 2: Sau khi có Giấy phép đầu tư, lập báo cáo ĐTM chi tiết và thông qua thủ tục thẩm định trước khi khởi công xây dựng.
3. Những Dự án bao gồm nhiều công đoạn sản xuất, được thực hiện ở nhiều địa điểm khác nhau, hoặc tình chất sản xuất/công nghệ ở các công đoạn khác hẳn nhau (những Dự án gồm: nhà máy, khu sản xuất/khai thác nguyên liệu, bến cảng/ga xe lửa chuyên dùng...) mỗi công đoạn phải lập báo cáo ĐTM riêng.
4. Thời gian thẩm định môi trường để cấp Giấy phép đầu tư:
a) Đối với báo cáo ĐTM sơ bộ không quá 15 ngày, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp hồ sơ còn có thiếu sót, cơ quan thẩm định môi trường sẽ thông báo cho cơ quan có thẩm quyền ra quyết định đầu tư biết để yêu cầu Chủ đầu tư bổ sung trong thời hạn 7 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ Dự án.
b) Đối với báo cáo ĐTM chi tiết không quá 60 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp hồ sơ thẩm định còn có thiếu sót, cơ quan thẩm định phải thông báo cho Chủ đầu tư biết để hoàn chỉnh hồ sơ trong vòng 10 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ Dự án.
5. Kết quả thẩm định báo cáo ĐTM là một trong những căn cứ để xét duyệt, cấp phép xây dựng và kiểm tra các công trình xử lý môi trường của Dự án (khi Dự án kết thúc xây dựng) trước khi cấp giấy phép đạt tiêu chuẩn môi trường và cho phép hoạt động.
1. Giai đoạn xin cấp Giấy phép đầu tư hoặc lập báo cáo tiền khả thi (nếu có); nghiên cứu khả thi:
1.1. Các Dự án thuộc loại 1 (không phải báo cáo ĐTM), nhưng trong hồ sơ xin cấp Giấy phép đầu tư phải giải trình các yếu tố có thể có tác động tiêu cực đến môi trường và nêu các giải pháp xử lý chất thải để đạt Tiêu chuẩn về môi trường Việt Nam ban hành theo Quyết định số 2920/QĐ-MTg ngày 21/12/1996 của Bộ trưởng Bộ KHCN & MT, đồng thời cam kết tuân thủ các quy định của Nhà nước Việt Nam về Bảo vệ môi trường.
1.2. Các Dự án thuộc loại 2:
Trong Giải trình Kinh tế - Kỹ thuật (hoặc còn gọi là Báo cáo nghiên cứu khả thi) của Dự án khi xin cấp Giấy phép đầu tư (quy định của Điều 14 Nghị định 42/CP và các Điều 10, 13 và 27 Nghị định 12/CP), phải có một phần hay một chương riêng nêu sơ lược các yếu tố có ảnh hưởng đến môi trường của Dự án (nội dung theo Phụ lục III). Đó là cơ sở cho các cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường xem xét trong quá trình thẩm định hồ sơ.
1.3. Các Dự án thuộc loại 3:
Những Dự án thuộc loại này phải tiến hành theo 2 bước:
- Bước 1: Lập báo cáo ĐTM sơ bộ riêng (theo Phụ lục IV) và nộp theo báo cáo tiền khả thi được quy định ở Điều 13 Nghị định 42/CP (bước nghiên cứu tiền khả thi) và hồ sơ xin cấp phép đầu tư được quy định ở các Điều 10, 13 và 27 của Nghị định 12/CP. Đây là một trong những căn cứ để xét cấp Giấy phép đầu tư.
Nếu báo cáo ĐTM sơ bộ đã giải trình rõ công nghệ sản xuất, nguyên liệu, nhiên liệu, đánh giá mức độ và phạm vi tác động tiêu cực đối với môi trường, trình bày được các phương án giảm thiểu và công nghệ xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường Việt Nam (quy định ở mục II.1.1 trên) thì Bộ KHCN & MTg có thể xem xét và miền khâu lập báo cáo ĐTM chi tiết.
- Bước 2: Lập báo cáo ĐTM chi tiết, được quy định ở mục 2 dưới đây.
2. Giai đoạn thiết kế, xây dựng:
Các Dự án thuộc loại 2 và 3, sau khi Dự án được cấp Giấy phép đầu tư và khẳng định địa điểm xây dựng, Chủ Dự án phải lập báo cáo ĐTM chi tiết và nộp cho cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường thẩm định theo phân cấp được quy định trong Phụ lục II của Nghị định 175/CP.
Quyết định phê chuẩn báo cáo ĐTM là căn cứ để cơ quan cấp giấy phép xây dựng cho phép khởi công và cùng cơ quan quản lý môi trường xét duyệt thiết kế công trình và hệ thống xử lý ô nhiễm.
Nội dung của báo cáo ĐTM chi tiết được quy định ở Phụ lục 1.2, Nghị định 175/CP.
Hồ sơ cần nộp để thẩm định gồm:
- Đơn xin thẩm định báo cáo ĐTM của Chủ Dự án gửi cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường (theo mẫu quy định tại Phụ lục V)
- Báo cáo ĐTM chi tiết, gồm 9 bản bằng tiếng Việt, trường hợp Dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài hoặc liên doanh với nước ngoài phải nộp thêm 1 bản bằng tiếng Anh.
- Giải trình Kinh tế - Kỹ thuật (Báo cáo nghiên cứu khả thi) 1 bản.
3. Giai đoạn kết thúc xây dựng:
Kết thúc giai đoạn xây dựng, trước khi công trình được phép đưa vào sử dụng, cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường có nhiệm vụ:
- Phối hợp với cơ quan cấp Giấy phép xây dựng tiến hành kiểm tra các công trình xử lý chất thải và các điều kiện an toàn khác theo quy định bảo vệ môi trường.
- Nếu phát hiện công trình không đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường đã được duyệt, thì yêu cầu Chủ Dự án có biện pháp xử lý theo đúng báo cáo ĐTM đã được thẩm định mới cho phép hoạt động. Khi các yêu cầu về bảo vệ môi trường đã được Chủ Dự án tuân thủ thực hiện, cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường sẽ cấp Giấy phép đạt tiêu chuẩn môi trường.
Cấp nào thẩm định báo cáo ĐTM, thì cấp đó chịu trách nhiệm kiểm tra và cấp giấy phép đạt tiêu chuẩn môi trường. Nhưng bất cứ trường hợp nào cũng phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường ở địa phương.
Do đặc thù của nhiều loại hình hoạt động và quy mô của các Dự án có ảnh hưởng tới môi trường ở mức độ khác nhau và để phù hợp với công tác quản lý Nhà nước, việc thẩm định báo cáo ĐTM được phân cấp như sau:
- Theo quy định của Điều 18 Luật Bảo vệ môi trường, đối với những dự án có ảnh hưởng lớn đến môi trường sẽ do Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét. Thời gian xem xét do Quốc hội quy định.
- Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường thẩm định các Dự án thuộc nhóm A theo quy định của Nghị định 42/CP, Nghị định 12/CP, Phụ lục II của Thông tư này và các Dự án đã được phân cấp theo Nghị định 175/CP.
- Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố thuộc Trung ương thẩm định các Dự án còn lại của Nghị định 12/CP, Nghị định 42/CP và theo phân cấp trong Nghị định 175/CP.
Chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương có thể uỷ quyền cho Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường trực tiếp thẩm định và ra quyết định phê chuẩn báo cáo ĐTM của Dự án đã được phân cấp.
Một số Dự án không thuộc thẩm quyền thẩm định của địa phương, nhưng xét thấy địa phương có đủ năng lực thẩm định, UBND tỉnh hoặc Sở khoa học Công nghệ và Môi trường (nếu đã được UBND tỉnh uỷ quyền) có thể đề nghị bằng văn bản gửi Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường xin uỷ quyền thẩm định. Chỉ khi nào có giấy uỷ quyền của Bộ mới tiến hành thẩm định và kết quả thẩm định đó mới có giá trị pháp lý. Thời hạn Bộ cấp giấy uỷ quyền là 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị với đầy đủ hồ sơ Dự án.
Khi báo cáo ĐTM sơ bộ được chấp nhận hoặc không chấp nhận, cơ quan thẩm định môi trường sẽ thông báo bằng văn bản cho cơ quan cấp giấy phép đầu tư (theo nguyên tắc một cửa) biết lý do cụ thể để xem xét khi cấp Giấy phép cho Dự án.
Khi báo cáo ĐTM chi tiết được chấp nhận, cơ quan thẩm định sẽ ra quyết định phê chuẩn. Quyết định này được gửi cho: Chủ Dự án, UBND tỉnh hoặc thành phố và Sở KHCN & MT nơi Dự án được triển khai (nếu Dự án thuộc diện Bộ KHCN & MT thẩm định), Bộ quản lý ngành. Những dự án thuộc diện địa phương thẩm định cũng phải gửi kết quả thẩm định báo cáo cho Bộ KHCN & MT ngay sau khi thẩm định.
Nếu báo cáo ĐTM chi tiết không được chấp nhận, cơ quan thẩm định phải có văn bản thông báo cho Chủ Dự án và các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan biết lý do cụ thể.
Tất cả các Dự án thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam đều phải áp dụng Tiêu chuẩn môi trường Việt Nam do Bộ trưởng Bộ KHCN & MT ban hành theo Quyết định số 2920/QĐ-MTg ngày 21/12/1996. Dự án thực hiện ở những địa phương đã có tiêu chuẩn môi trường riêng, phải áp dụng tiêu chuẩn môi trường địa phương, đặc biệt đối với những vùng nhạy cảm về môi trường hoặc khu vực trọng điểm về bảo vệ môi trường. Nhưng nhất thiết những tiêu chuẩn này không được thấp hơn tiêu chuẩn do Bộ KHCN & MT ban hành.
Trường hợp các tiêu chuẩn cần áp dụng, mà trong tiêu chuẩn về môi trường Việt Nam chưa quy định, Chủ Dự án có thể áp dụng các tiêu chuẩn đã được quy định trong Tiêu chuẩn tạm thời năm 1993 của Bộ KHCN & MT hoặc tham khảo tiêu chuẩn tương đương của nước có công nghệ và thiết bị chuyển giao vào Việt Nam hoặc tiêu chuẩn tương đương của nước thứ ba, nhưng chỉ sau khi được phép bằng văn bản của Bộ KHCN & MT các tiêu chuẩn này mới được áp dụng.
- Thông tư này thay thế Thông tư 715/TTg do Bộ KHCN & MT ban hành ngày 3/4/1995.
- Những Dự án được quy định ở Phụ lục II Thông tư này (thuộc diện phải lập báo cáo ĐTM 2 bước):
Nếu đã được cấp Giấy phép đầu tư trước ngày Thông tư này có hiệu lực mà chưa lập báo cáo ĐTM chi tiết, thì tiếp tục lập báo cáo ĐTM chi tiết và nộp cho cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi tường thẩm định.
Nếu đang chờ xét cấp Giấy phép đầu tư, thì phải lập báo cáo ĐTM sơ bộ bổ sung vào hồ sơ xin cấp Giấy phép.
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký ban hành.
Chu Tuấn Nhạ (Đã ký) |
LOẠI DỰ ÁN KHÔNG PHẢI LẬP BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG KHI XIN GIẤY PHÉP ĐẦU TƯ
1. Văn phòng tư vấn
2. Trụ sở làm việc
3. Ngân hàng, tài chính, kiểm toán
4. Dịch vụ bưu chính viễn thông (trừ các đài phát sóng cao tần)
5. Giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học (không có các xưởng thực nghiệm, phòng thí nghiệm có các chất thải độc hại)
6. Giám định (trừ các cơ quan giám định kỹ thuật có sử dụng các hoá chất độc hại, vật liệu dễ nổ/phóng xạ)
7. Cơ sở phát hành báo chí, nhà xuất bản (không gồm nhà in)
8. Đài phát thanh, truyền hình (bao gồm cả cột phát sóng <100m)
9. Khách sạn (dưới 100 phòng và không kèm theo các công trình bể bơi, sân golf)
10. Trung tâm thương mại, siêu thị
11. Dịch vụ kinh doanh
12. Dịch vụ ăn uống
13. Lắp ráp cơ khí (không có các công đoạn sơn, mạ, gia công chi tiết máy...)
14. Lắp ráp điện tử (không có công đoạn chế tạo chi tiết, sơn, mạ)
15. Gia công may mặc
16. Kéo sợi, dệt (trừ nhuộm, tẩy, in hoa)
17. Gia công hàng tiêu dùng: đóng giầy, dụng cụ văn phòng, đóng sách vở, may đồ da/vải bạt... (trừ sản xuất mực in các loại), với số lượng dưới 10 công nhân.
18. Gia công đồ gỗ (trừ việc ngân tẩm bảo quản gỗ)
19. Gia công đồ thủ công mỹ nghệ
20. Khu di dân < 100 hộ
21. Trạm phát điện bằng sức gió/năng lượng mặt trời
22. Trạm thuỷ điện nhỏ < 10 KWA
23. Công trình thuỷ lợi nhỏ, tưới tiêu < 100 ha
24. Trồng rừng, trồng cây công nghiệp tập trung < 50 ha
25. Phòng khám chữa bệnh, trạm y tế < 30 giường bệnh.
DANH MỤC CÁC DỰ ÁN PHẢI LẬP BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG THEO 2 BƯỚC
1. Khai thác dầu khí trên biển và trên đất liền, đặt đường ống dẫn dầu/khí đốt, xây dựng tổng kho xăng dầu.
2. Lọc dầu, hoá dầu.
3. Các dự án có ảnh hưởng trực tiếp (tính theo tầm phát thải của khí thải và nước thải) đến các khu bảo tồn thiên nhiên, các vùng sinh thái nhạy cảm, các khu du lịch. Các vùng có biểu hiện quá tải về môi trường (các khu/vùng này do các Bộ chuyên ngành công bố).
4. Luyện kim
5. Lò phản ứng hạt nhân
6. Sân bay
7. Khu công nghiệp và khu chế xuất
8. Quy hoạch đô thị, vùng kinh tế trọng điểm
9. Sản xuất/kho chứa hoá chất, dệt nhuộm, thuộc da
10. Nấu bột giấy
11. Trạm phát sóng cao tần
12. Cảng nước sâu (tiếp nhận tàu có trọng tải > 10.000 T)
13. Hồ chứa nước, hệ thống thuỷ lợi/thuỷ điện (>10 triệu m3)
14. Đường cao tốc
15. Khu xử lý rác thải, bãi chôn rác, lò đốt rác, chế biến phân hưu cơ.
16. Khai thác vàng và đất hiếm.
17. Quy hoạch khu xử lý cấp nước > 30.000 m3/ngày đêm
18. Quy hoạch khu xử lý nước thải > 10.000 m3/ngày đêm.
19. Lò thiêu xác (đài hoá thân hoàn vũ)
BÁO CÁO VỀ CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN MÔI TRƯỜNG
(Có thể viết thành một chương hay một phần riêng trong báo cáo Giải trình Kinh tế - Kỹ thuật khi xin Giấy phép đầu tư)
I. THUYẾT MINH TÓM TẮT NHỮNG YẾU TỐ CHÍNH ẢNH HƯỞNG TỚI MÔI TRƯỜNG:
1. Tư liệu về hiện trạng môi trường nơi thực hiện dự án: (chất lượng nước mặt, nước ngầm; chất lượng không khí; đất; hệ sinh thái...). Nhận xét tổng quát mức độ ô nhiễm tại địa điểm sẽ thực hiện Dự án.
2. Mô tả sơ đồ/quy trình công nghệ sản xuất, dự kiến nguyên liệu/nhiên liệu sẽ sử dụng, danh mục hoá chất... (nếu trong Giải trình Kinh tế - Kỹ thuật chưa thuyết minh rõ).
3. Khi thực hiện Dự án, thuyết minh rõ những yếu tố chính sẽ ảnh hưởng tới môi trường do hoạt động của Dự án (ước lượng các loại: khí thải, nước thải, chất thải rắn, tiếng ồn...). Dự án mức độ ảnh hưởng có thể xảy ra đối với môi trường.
II. ĐỀ XUẤT (TÓM TẮT) GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC CÁC ẢNH HƯỞNG TIÊU CỰC CỦA DỰ ÁN ĐẾN MÔI TRƯỜNG.
(Cho các Dự án thuộc loại phải lập báo cáo ĐTM 2 bước)
I. MỞ ĐẦU
1. Mục đích của báo cáo
2. Căn cứ số liệu/tài liệu sử dụng trong Báo cáo.
3. Mô tả tóm tắt hoạt động của Dự án (nguyên liệu, sơ đồ công nghệ, sản phẩm, nhiên liệu, hệ thống phụ trợ).
II. CÁC SỐ LIỆU VỀ HIỆN TRẠNG MÔI TRƯỜNG
Đánh giá định tính (hoặc nếu có thể định lượng bằng văn bản các bảng số liệu) về hiện trạng các yếu tố môi trường nơi sẽ thực thi Dự án. Định tính ô nhiễm theo mức độ: nặng, trung bình, nhẹ, chưa rõ cho từng yếu tố môi trường tự nhiên (đất, nước mặt/nước ngầm, không khí, hệ sinh thái...)
III. ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG KHI THỰC HIỆN DỰ ÁN
Đánh giá khái quát từng yếu tố môi trường và nhấn mạnh các yêu tố bị ảnh hưởng chủ yếu do hoạt động của Dự án:
1. Khí thải: từ công đoạn nào, chất gây ô nhiễm, dự báo tải lượng...
2. Nước thải: từ công đoạn nào, chất gây ô nhiễm, dự báo tải lượng...
3. Chất thải rắn: Phân loại thành phần, số lượng.
4. Các yếu tố khác: tiếng ồn, nhiệt...
5. Các sự cố có khả năng xảy ra: cháy, nổ, tràn dầu, rò dỉ khí độc, phóng xạ....
6. Đánh giá khả năng ảnh hưởng đến từng yếu tố môi trường; Không khí, nước, đất, hệ sinh thái...
7. Các ảnh hưởng liên quan khác.
IV. DỰ KIẾN CÁC BIỆN PHÁP GIẢM THIỂU
V. PHỤ LỤC
1. Sơ đồ vị trí thực thi Dự án, có đánh dấu và ghi chú rõ tên và loại hình sản xuất của các cơ sở sản xuất, các Dự án đã có trước đó, các điểm dân cư trong khu vực... có khả năng chịu ảnh hưởng tương tác về mặt môi trường.
2. Các bảng biểu, số liệu thuyết minh các vấn đề môi trường liên quan. (nếu có)
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
THẨM ĐỊNH BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG SƠ BỘ
Kính gửi: Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường
(UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương)
Chúng tôi là................ Chủ Dự án..........................
................................................................
Địa chỉ liên hệ:................................................
Địa điểm thực hiện dự án:.......................................
Số điện thoại:.......................; Số Pax...................
Chúng tôi xin chuyển đến quý Bộ (UBND tỉnh/Tp) những hồ sơ sau:
- Luận chứng kinh tế kỹ thuật (01 bản tiếng Việt),
- Báo cáo đánh giá tác động môi trường (02 bản tiếng Việt).
Chúng tôi xin bảo đảm độ chính xác của các số liệu trong các văn bản đưa trình và cam kết rằng Dự án của chúng tôi không sử dụng các loại hoá chất, chủng vi sinh trong danh mục cấm của Việt Nam và trong các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Chúng tôi cũng xin bảo đảm rằng các tiêu chuẩn, định mức của các nước và các tổ chức quốc tế được trích lục và sử dụng trong Báo cáo của chúng tôi đều chính xác và đang có hiệu lực.
Nếu có gì sai phạm chúng tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Chúng tôi làm đơn này kính đề nghị Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ được uỷ quyền) thẩm định.
Giám đốc Dự án
(Ký tên và đóng dấu)
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
(Địa điểm, ngày... tháng... năm 1997
BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG CHI TIẾT
Kính gửi: Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường
(UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương)
Chúng tôi là.............................
Chủ Dự án..............
.................................................................
Địa chỉ liên hệ:...............................................
Địa điểm thực hiện dự án:.......................................
Số điện thoại:.......................; Số Pax...................
Chúng tôi xin chuyển đến Quý Bộ (UBND tỉnh/TP) những hồ sơ sau:
- Luận chứng kinh tế kỹ thuật (01 bản tiếng Việt),
- Báo cáo đánh giá tác động môi trường (09 bản tiếng Việt và 01 bản tiếng Anh).
Chúng tôi xin bảo đảm độ chính xác của các số liệu trong các văn bản đưa trình và cam kết rằng Dự án của chúng tôi không sử dụng các loại hoá chất, chủng vi sinh trong danh mục cấm của Việt Nam và trong các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Chúng tôi cũng xin bảo đảm rằng các tiêu chuẩn, định mức của các nước và các tổ chức quốc tế được trích lục và sử dụng trong Báo cáo của chúng tôi đều chính xác và đang có hiệu lực.
Nếu có gì sai phạm chúng tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Chúng tôi làm đơn này kính đề nghị Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ được uỷ quyền) thẩm định.
Giám đốc Dự án
(Ký tên và đóng dấu)
- 1 Thông tư 490/1998/TT-BKHCNMT hướng dẫn lập và thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư do Bộ Khoa Học, Công Nghệ Và Môi Trường ban hành
- 2 Thông tư 715/MTg-1995 hướng dẫn lập và thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các Dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài do Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường ban hành
- 3 Quyết định 2037/1999/QĐ-BKHCNMT bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Khoa học, công nghệ và môi trường ban hành
- 4 Quyết định 2037/1999/QĐ-BKHCNMT bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Khoa học, công nghệ và môi trường ban hành
- 1 Thông tư 01/1997/TT-BCN hướng dẫn về nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế mỏ và thủ tục thẩm định, phê duyệt thiết kế mỏ do Bộ Công nghiệp ban hành
- 2 Nghị định 12-CP năm 1997 Hướng dẫn Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
- 3 Quyết định 2920-QĐ/MTg năm 1996 về việc áp dụng tiêu chuẩn Việt Nam về môi trường do Bộ Khoa học, công nghệ và môi trường ban hành
- 4 Nghị định 42-CP năm 1996 ban hành điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng
- 5 Thông tư 715/MTg-1995 hướng dẫn lập và thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các Dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài do Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường ban hành
- 6 Luật Bảo vệ môi trường 1993
- 7 Nghị định 22-CP năm 1993 về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường
- 1 Thông tư 01/1997/TT-BCN hướng dẫn về nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế mỏ và thủ tục thẩm định, phê duyệt thiết kế mỏ do Bộ Công nghiệp ban hành
- 2 Thông tư 490/1998/TT-BKHCNMT hướng dẫn lập và thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư do Bộ Khoa Học, Công Nghệ Và Môi Trường ban hành
- 3 Thông tư 715/MTg-1995 hướng dẫn lập và thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các Dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài do Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường ban hành
- 4 Quyết định 2037/1999/QĐ-BKHCNMT bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Khoa học, công nghệ và môi trường ban hành