Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ Y TẾ-BỘ TÀI CHÍNH
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1100-TC-HCP-TT

Hà Nội, ngày 26 tháng 10 năm 1956

THÔNG TƯ

GIẢI THÍCH VÀ BỔ SUNG CHẾ ĐỘ THUỐC MEN, BỒI DƯỠNG CHO CÁN BỘ, CÔNG NHÂN VIÊN VÀ CÁC CON BỊ ĐAU ỐM

Để việc chăm nom, săn sóc sức khỏe cho cán bộ, công nhân viên và các con khi đau ốm được thống nhất ở các ngành, các cấp, Liên bộ chúng tôi giải thích và bổ sung chế độ thuốc men và bồi dưỡng như sau:

I. - THUỐC VÀ BỒI DƯỠNG CHO CÁN BỘ CÔNG NHÂN VIÊN

1) Tiêu chuẩn:

Theo điều lệ tiêu chuẩn cung cấp năm 1956, tiêu chuẩn y dược phí dự trù cho mỗi người một năm là:

Khoản chi

Miền núi

Khu và các Châu thuộc Khu Tự trị Thái Mèo

Miền xuôi

Thuốc phòng

3.000đ

Thuốc chữa bệnh ở cơ quan

8.000đ

8.000đ

6.000đ

Bồi dưỡng ở cơ quan

4.000đ

4.000đ

3.240đ

Thuốc và bồi dưỡng ở bệnh viện

8.000đ

8.000đ

7.000đ

Cộng y dược phí

20.000đ

23.000đ

16.240đ

Ở miền núi, những cán bộ công nhân viên làm việc ở các khu vực mà trước đây đã quy định thuộc vào loại khí hậu xấu được cấp thuốc phòng bệnh sốt rét theo tiêu chuẩn 3.000đ, cho khu vực khí hậu xấu hạng 1 và 2.000đ, cho hạng 2.

2) Sử dụng tiêu chuẩn:

a) Thuốc phòng: để mua thuốc phòng bệnh sốt rét, tùy theo khu vực hạng 1 hay hạng 2 mà uống 3 viên hay 2 viên một tuần lễ tức 12 viên và 8 viên một người một tháng. Các cơ quan thuộc khu vực được hưởng thuốc phòng phải bảo đảm thuốc phòng bệnh sốt rét cho cán bộ, công nhân viên.

b) Thuốc chữa bệnh ở cơ quan: để mua các thứ thuốc cấp cứu và thuốc chữa bệnh thông thường để ở tủ thuốc cơ quan hoặc mua thuốc theo đơn của Y, Bác sĩ phụ trách các phòng khám bệnh hay bệnh viện kê cho về điều trị tại cơ quan.

c) Bồi dưỡng ở cơ quan: tính theo tiêu chuẩn 300đ một ngày. Mỗi đợt bồi dưỡng tối đa là 7 ngày do Y tá cơ quan phối hợp với Công đoàn đề nghị và Thủ trưởng cơ quan quyết định. Nơi nào không có Y tá thì do Công đoàn quyết định. Nơi nào không có Y tá thì do Công đoàn đề nghị và Thủ trưởng cơ quan xét duyệt. Tiêu chuẩn này áp dụng trong trường hợp cán bộ, công nhân viên bị đau ốm, sức lực bị sút kém nhưng chưa cần phải đi nằm bệnh viện, chỉ cần điều trị ở nhà hay ở cơ quan. Hết hạn 7 ngày có thể gia hạn thêm. Việc quyết định bồi dưỡng nên làm một cách nhẹ nhàng dựa trên ý kiến của chuyên môn là chính tránh đem ra bình trong buổi họp.

d) Thuốc men, bồi dưỡng ở bệnh viện: dùng để trả tiền viện phí cho các cán bộ bị đau ốm tới nằm điều trị tại bệnh viện (tiền bồi dưỡng theo cấp bậc và bệnh nặng nhẹ, tiền thuốc theo tính chất của từng bệnh viện).

Đối với cán bộ, công nhân viên mắc bệnh lao, bệnh hủi, phải điều trị lâu ngày, cơ quan được thanh toán ngoài tiêu chuẩn chung quy định trên đây.

Trong phạm vi tiêu chuẩn quy định chung cho cả năm (miền xuôi 16.240đ, miền núi 20.000đ, Khu Tự trị Thái Mèo và Châu thuộc Khu Tự trị 23.000đ một người một năm), các cơ quan được tùy theo sự cần thiết mà sử dụng toàn bộ kinh phí được cấp về y dược phí để chi về việc bồi dưỡng và thuốc men cho cán bộ, công nhân viên đau ốm ở cơ quan hay ở bệnh viện, không máy móc tách rời các khoản chi thuộc tiêu chuẩn y dược phí và đóng khung trong phạm vi số tiền được cấp cho mỗi khoản đó như một số cơ quan trước đây đã làm.

Đặc biệt đối với cơ quan có nhiều người đau ốm, tiêu chuẩn y dược phí không đủ thì ở địa phương, Ủy ban Hành chính khu hay tỉnh sẽ xét cụ thể, điều hòa giữa các ngành đồng cấp để đảm bảo chế độ thuốc men và bồi dưỡng cho cán bộ, công nhân viên. Trường hợp điều hòa tiêu chuẩn rồi nhưng vẫn không đủ thì Ủy ban Hành chính địa phương sẽ báo cáo cụ thể về Bộ Tài chính để giải quyết. Ở Trung ương Bộ Tài chính sẽ căn cứ vào đề nghị của cơ quan thấy cần phải chi vượt tiêu chuẩn mà cùng với Bộ Y tế xét và quyết định.

3) Những trường hợp cụ thể:

a) Ốm nhẹ: sử dụng thuốc ở tủ thuốc cơ quan và bồi dưỡng nếu cần.

b) Ốm nặng hay vừa: đi y sĩ khám bệnh, nếu cần và đủ điều kiện thì nằm điều trị tại bệnh viện, hưởng chế độ ở bệnh viện: nộp tiền ăn, còn tiền thuốc men và bồi dưỡng do cơ quan thanh toán với bệnh viện.

c) Trường hợp vì nhu cầu công tác, vì bệnh viện thiếu chỗ nằm, cán bộ, công nhân viên ốm đang được nằm ở bệnh viện mà phải về cơ quan hay gia đình điều trị thì được hưởng mức bồi dưỡng như ở bệnh viện, do Y, Bác sĩ ở phòng khám bệnh hay ở bệnh viện, bệnh xá quyết định. Thời gian hưởng mức bồi dưỡng như ở bệnh viện không nên dài quá một tháng, một đợt. Sau mỗi đợt nếu cần được bồi dưỡng thêm phải được Y sĩ khám bệnh và quyết định lại. Thuốc được giải quyết theo đơn của Bác sĩ kê do tủ thuốc cơ quan cung cấp nếu có hoặc được mua ở kho thuốc hay ở Mậu dịch. Trường hợp kho thuốc cũng như Mậu dịch hết hay không có thì được mua ở ngoài.

Để tránh tình trạng bệnh nhân được cấp đơn mua thuốc về cơ quan gặp trở ngại trong khi giải quyết vì kho thuốc và Mậu dịch không có thứ thuốc đó, thị trường thì khan hiếm, nếu có phải mua bằng giá quá đắt, các Y, Bác sĩ nên cần nhắc kỹ trong khi cấp đơn. Thuốc ghi trong đơn nên phù hợp với khả năng của kho thuốc hoặc của Mậu dịch, tránh ghi những biệt dược chỉ ngoài thị trường mới có, trừ trường hợp phải chữa những bệnh hiểm nghèo.

d) Thuốc bổ: được giải quyết theo đơn của Bác sĩ trong trường hợp xét cần phải kết hợp với việc chữa bệnh hoặc cần lấy lại sức cho cán bộ bị mất nhiều sức sau khi bệnh nặng. Trường hợp thông thường, nếu xét cần thì giải quyết theo chế độ bồi dưỡng. Thuốc được mua ở kho thuốc, Mậu dịch hay do bệnh viện cung cấp nhưng không được mua ở ngoài.

e) Về việc chữa bệnh bằng thuốc Bắc hay thuốc Nam, hiện nay Bộ Y tế đương nghiên cứu và sẽ có ý kiến giải quyết sau.

II. - THUỐC CHO CON CÁN BỘ, CÔNG NHÂN VIÊN

Con cán bộ, công nhân viên sống chung với bố mẹ ở cơ quan (không phân biệt có phụ cấp hay không được dự trù 250đ một tháng cho một em để mua thuốc thông thường và cấp cứu dùng chung cho các em.

Các em đau nặng được giới thiệu đến khám bệnh tại các Phòng khám bệnh cho cán bộ, công nhân viên. Nếu xét chỉ cần cấp thuốc để về điều trị ở cơ quan thì Phòng khám bệnh sẽ cấp số thuốc cần thiết, ngoài những thứ thuốc thông thường đã có ở tủ thuốc cơ quan. Nếu xét cần nằm điều trị thì Phòng khám bệnh sẽ giới thiệu đến bệnh viện chữa cho nhân dân. Trường hợp bệnh viện thiếu chỗ thì sẽ cấp số thuốc cần thiết để chữa trong một thời gian ở nhà, tránh tình trạng hàng ngày bố mẹ phải đến xin thuốc.

Nếu các em được nằm điều trị tại bệnh viện thì thuốc được bệnh viện cung cấp. Trường hợp bệnh nặng, Y Bác sĩ xét cần thì được bồi dưỡng theo mức 400đ một ngày. Tiền ăn của các em ở bệnh viện sẽ do bố mẹ các em thanh toán thẳng với bệnh viện tính bằng 2/3 số phụ cấp các em được hưởng hàng tháng, nếu có.

Ví dụ một em được phụ cấp hàng tháng là 12.000đ và điều trị 20 ngày thì trả:

2

x

12.000 x 20

= 5.330 đ

3

30

Nếu phụ cấp chỉ có 4.800đ một tháng thì phải trả:

2

x

4.800 x 20

= 52.230 đ

3

30

Các em sống ngoài cơ quan nhưng ở ngày nơi bố mẹ công tác sẽ do cơ quan cấp giấy giới thiệu đến Phòng khám bệnh cho cán bộ, công nhân viên hoặc bệnh viện địa phương tùy theo bố mẹ các em làm việc ở Hà Nội hay ở địa phương. Trong giấy giới thiệu cần ghi rõ em đó sống ngoài cơ quan để Phòng khám bệnh hoặc bệnh viện tiện việc cấp thuốc vì các em này không dự trù tiêu chuẩn thuốc thông thường ở cơ quan.

Trường hợp ở xa nơi bố mẹ công tác, thì Ủy ban Hành chính xã hoặc khu phố giới thiệu thẳng đến bệnh xá hoặc bệnh viện địa phương.

Các Phòng khám bệnh cho cán bộ, công nhân viên ở Hà Nội, các bệnh viện địa phương được dự trù một số kinh phí để chi về thuốc, ăn và bồi dưỡng cho các em, theo quy định của Bộ Y tế.

Các khoản chi cho các em, sau khi đã trừ số tiền do bố mẹ các em thanh toán với bệnh viện, đều do công quỹ chịu và được quyết toán vào khoản “Cứu tế xã hội”.

Thông tư này áp dụng cho cả cán bộ cũ và mới, Bắc và Nam và thi hành kể từ ngày nhận được.

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG





Trịnh Văn Bính

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ





B.S. Hoàng Tích Trí