PHỦ THỦ TƯỚNG | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 1155-TTg | Hà nội, ngày 01 tháng 12 năm 1956 |
Sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức đã gây tổn hại lớn về mặt tổ chức và cán bộ cũng như về nhiều mặt khác. Đảng và Chính phủ đã có chính sách và kế hoạch sửa chữa sai lầm toàn diện.
Muốn thực hiện việc sửa chữa sai lầm, trước hết phải kiện toàn tổ chức sắp xếp cán bộ; kiện toàn tổ chức sắp xếp cán bộ có tốt thì sửa chữa sai lầm mới tốt.
Thông tư này quy định việc kiện toàn tổ chức, sắp xếp cán bộ cấp tỉnh và cấp huyện ở những nơi đã qua cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức.
1) Ổn định tư tưởng, đoàn kết cán bộ, nhân viên: Làm cho cán bộ mới, cán bộ cũ thấy rõ vị trí công tác, nhiệm vụ và tiền đồ của minh, ai nấy đều đoàn kết, tương trợ, an tâm tích cực công tác.
2) Khôi phục và tăng cường tổ chức: Làm cho Ủy ban Hành chính cũng như các ngành vững mạnh hơn về số lượng và về chất lượng, bớt được tình trạng tổ chức hiện nay còn xộc xệch, non yếu và có chỗ bất lực.
3) Đẩy mạnh mọi mặt công tác và thực hiện việc sửa chữa sai lầm được tốt: Do việc kiện toàn tổ chức, sắp xếp cán bộ được đúng mà đẩy mạnh được mọi mặt công tác nói chung, và trước hết là thực hiện công tác sửa chữa sai lầm được tốt.
Dưới đây là mấy nguyên tắc cần chú ý trong khi tiến hành kiện toàn tổ chức và sắp xếp cán bộ.
1) Căn cứ vào ý kiến quần chúng mà chỉ định:
Kiện toàn Ủy ban Hành chính các cấp đáng lẽ phải do Hội đồng nhân dân bầu cử, Ủy ban Hành chính cấp trên đề nghị và cấp trên nữa chuẩn y. Nhưng tình hình hiện nay, Hội đồng nhân dân các tỉnh hầu hết đều bị xộc xệch, đã mấy năm nay không hoạt động, nay triệu tập họp rất khó khăn. Cho nên thủ tục phải đơn giản: lấy ý kiến của những hội viên Hội đồng nhân dân nào có thể liên lạc được, lấy ý kiến các cơ quan, đoàn thể và một số thân sĩ, trí thức, rồi Ủy ban Hành chính cấp trên đề nghị lên Ủy ban Hành chính cấp trên nữa chuẩn y.
Sau khi Ủy ban Hành chính đã được kiện toàn, thì Ủy ban Hành chính sẽ căn cứ vào ý kiến của cán bộ, công nhân viên các ngành, căn cứ vào dư luận của chúng mà nghiên cứu sắp xếp cán bộ chỉ đạo các ngành, rồi đề nghị lên cấp trên chuẩn y (xem phần phương pháp tiến hành).
2) Phục hồi chức vụ cho các cán bộ bị xử trí sai.
Tất cả các cán bộ bị xử trí sai đều được phục hồi chức vụ hoặc giao công tác xứng đáng, chủ yếu là sự sắp xếp phải đạt mục đích: đoàn kết cán bộ, đẩy mạnh công tác.
3) Đối với cán bộ mới được đề bạt nói chung tránh gây ra tình trạng đảo lộn.
Cán bộ mới được đề bạt nói chung về trình độ năng lực và kinh nghiệm công tác còn non, cũng có người phạm sai lầm, nhưng về căn bản là tốt. Vì vậy, trước hết cần cố gắng giáo dục, bồi dưỡng cho anh chị em có thể tiếp tục phục vụ tốt. Trường hợp có người quá kém thì giao nhiệm vụ nhẹ hơn. Chỉ trường hợp đặc biệt có phần tử xấu, cố tình làm bậy thì mới có kỷ luật thích đáng. Nhưng phải hết sức thận trọng.
4) Chú trọng thành phần trong Ủy ban Hành chính, nhưng tránh hình thức, gò bó.
Ủy ban Hành chính các cấp là cơ quan thay mặt Chính phủ ở địa phương phải thể hiện được chính sách đoàn kết của Mặt trận và làm tròn được nhiệm vụ mà Chính phủ và nhân dân giao phó cho. Vì thế, thành phần của chính quyền nên chú ý các tầng lớp, dân tộc, tôn giáo và phụ nữ nếu có… Nhưng trước hết phải là những người có tín nhiệm với nhân dân, có năng lực tương đối bảo đảm được nhiệm vụ.
Địa phương nào có thể lựa chọn được một, hai thân sĩ, trí thức hoặc công thương gia có danh tiếng, có năng lực và tác dụng thực tế, để bổ sung vào cho thành phần Ủy ban Hành chính được mở rộng, thì dù biên chế có tăng hơn một, hai người cũng được.
5) Làm cho cán bộ, công nhân viên thông suốt.
Hiện nay thành kiến giữa cán bộ cũ và cán bộ mới còn nặng, việc sắp xếp cán bộ có phần khó khăn, phức tạp. Vì thế cần làm cho cán bộ, công nhân viên thông suốt. Mọi người có thông suốt, đoàn kết thì việc kiện toàn tổ chức và sắp xếp cán bộ mới tiến hành được thuận lợi và có kết quả tốt.
III. - GIẢI QUYẾT MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ
Theo những nguyên tắc nói trên, có thể giải quyết một số trường hợp cụ thể như sau:
1) Đối với Ủy ban Hành chính:
Trường hợp 2 chủ tịch, 2 phó chủ tịch, thừa hoặc thiếu uỷ viên, thì Ủy ban nên lấy thêm ý kiến của các hội viên Hội đồng nhân dân (những người có thể liên lạc được) và các đoàn thể, rồi đưa ra hội nghị Ủy ban để bàn.
- Trường hợp 2 chủ tịch: thì cân nhắc giữa hai người, ai có uy tín hơn đối với cán bộ, công nhân viên và nhân dân, có khả năng công tác hơn, có lợi cho việc đoàn kết và bảo đảm công tác hơn thì để làm chủ tịch, còn một người thì làm phó chủ tịch (nếu chưa có phó chủ tịch hoặc mới có một phó chủ tịch), hay để từ chức để đi nhận công tác khác.
- Trường hợp 2 phó chủ tịch: thì có thể để nguyên, hoặc vận động một người làm uỷ viên, hoặc để đi nhận công tác khác.
- Trường hợp thừa uỷ viên: theo quy định hiện hành: Ủy ban tỉnh có từ 7 đến 9 uỷ viên, Ủy ban huyện có từ 5 đến 7 uỷ viên. Nhưng địa địa phương nào xét cần thiết về mặt chính trị, số uỷ viên mới, cũ hiện có quá số đã định một, hai người thì có thể tạm để, sau này đến khi bầu Hội đồng nhân dân mới sẽ bầu lại Ủy ban. Trường hợp có uỷ viên nào để lại trong Ủy ban không có lợi thì nên vận động từ chức để đi nhận công tác khác.
2) Đối với các ngành:
- Trường hợp 2 trưởng ty: thì một người chuyển sang làm trưởng ty khác hoặc làm phó, cũng có thể chuyển đi công tác khác tương xứng với năng lực và có lợi cho việc kiện toàn tổ chức, đoàn kết cán bộ, đẩy mạnh công tác.
- Trường hợp 2 phó ty: Ty nào thiếu phó trưởng ty hợp với khả năng cán bộ thì điều sang. Nếu không hãy cứ để tạm để đào tạo bồi dưỡng một thời gian rồi sau sẽ điều chỉnh.
- Trường hợp 2 trưởng ngành: Theo biên chế hiện nay các ngành chuyên môn ở các huyện chỉ có một trưởng ngành, nhưng nếu các trưởng ngành khác đều đã đủ thì để thêm một phó sau sẽ điều chỉnh, hoặc cũng có thể chuyển sang một công tác khác thích hợp với khả năng của cán bộ.
Chú ý: Gặp trường hợp cả hai cán bộ cũ và mới cùng một chức vụ mà đức tài ngang nhau hay suýt soát nhau, thì nên lưu lại cán bộ cũ.
3) Đối với cán bộ không để giữ chức vụ chỉ đạo
Những cán bộ thời gian qua có nhiều sai lầm (không phải là những sai lầm về trước đã mất thời gian tính hay vì thành kiến về thành phần và vấn đề lịch sử), hoặc khả năng công tác quá kém, quần chúng không tín nhiệm, thì phải bố trí công tác khác cho thích đáng. Những cán bộ tốt nhưng trình độ văn hóa, chính trị hoặc chuyên môn kém thì nên cho đi học văn hóa, chính trị hoặc chuyên môn để bồi dưỡng thêm.
4) Đối với những cán bộ cần phải xét vấn đề kỷ luật.
Trường hợp đặc biệt có phần tử xấu cố tình làm bậy, cố tình phá hoại thì để sau này trong quá trình sửa chữa sai lầm sẽ xét vấn đề kỷ luật. Trong kiện toàn tổ chức và sắp xếp cán bộ, chỉ tiến hành kiểm thảo, người nào có sai lầm nhiều thấy để ở chức vụ chỉ đạo không được thì cho từ chức hoặc chuyển đi công tác khác để cử người khác thay, chưa xét đến vấn đề kỷ luật.
Việc kiện toàn tổ chức, sắp xếp cán bộ lần này tiến hành trong một phạm vi rộng và ảnh hưởng đến hầu hết cán bộ, nó lại quan hệ trực tiếp đến công tác sửa chữa sai lầm. Vì thế, việc tiến hành phải khẩn trương, nhưng thận trọng, có kế hoạch, có lãnh đạo chu đáo.
- Cán bộ thuộc trung ương quản lý: Ủy ban Hành chính tỉnh, trưởng phó ty do Ủy ban Hành chính khu nghiên cứu và đề nghị, Bộ ra nghị định bổ nhiệm. 4 tỉnh trực thuộc trung ương: Phú-thọ, Vĩnh-phúc, Bắc-giang, Bắc-ninh thì Ủy ban Hành chính tỉnh trực tiếp nghiên cứu và đề nghị, Bộ ra nghị định bổ nhiệm.
- Cán bộ thuộc khu quản lý: Ủy ban Hành chính huyện và trưởng ngành do Ủy ban Hành chính tỉnh nghiên cứu và đề nghị, Ủy ban Hành chính khu ra quyết định; 4 tỉnh trực thuộc trung ương, Ủy ban Hành chính tỉnh sẽ đề nghị lên Bộ ra nghị định bổ nhiệm.
- Tất cả cán bộ khác và công nhân viên thuộc tỉnh quản lý: do Ủy ban Hành chính huyện và trưởng phó ty nghiên cứu và đề nghị, Ủy ban Hành chính tỉnh ra quyết định bổ nhiệm.
Để tiến hành kiện toàn Ủy ban Hành chính tỉnh và sắp xếp các cán bộ do trung ương quản lý, các Ủy ban Hành chính liên khu, khu và các tỉnh trực thuộc trung ương tiến hành mấy việc như sau:
1) Có một kế hoạch cụ thể tiến hành kiện toàn sắp xếp.
2) Ủy ban Hành chính liên khu, khu phân công uỷ viên đi các tỉnh đã chỉnh chỉnh đốn tổ chức (ai hiểu rõ tình hình và có uy tín với tỉnh nào nhiều hơn thì về tỉnh ấy, nên có cán bộ Phòng tổ chức và cán bộ của Ủy ban Hành chính khu đi giúp việc).
Sau khi đã tham dò ý kiến các hội viên Hội đồng nhân dân tỉnh, các cơ quan, đoàn thể tỉnh và một số thân sĩ trí thức ở địa phương, Ủy ban Hành chính liên khu, khu làm một bản dự kiến kế hoạch kiện toàn sắp xếp chính quyền tỉnh đưa ra Ủy ban Hành chính tỉnh thảo luận xây dựng.
Đối với các tỉnh trực thuộc trung ương, Bộ Nội vụ sẽ cử cán bộ về cùng Ủy ban Hành chính tỉnh làm dự kiến kế hoạch kiện toàn sắp xếp chính quyền tỉnh.
Ủy ban Hành chính các tỉnh trực thuộc trung ương phân công uỷ viên đi các huyện làm dự kiến kế hoạch kiện toàn sắp xếp chính quyền huyện, đưa ra Ủy ban Hành chính huyện thảo luận xây dựng.
Việc kiện toàn Ủy ban Hành chính cần tiến hành thật dân chủ, để cho các uỷ viên tự phát biểu: ai làm chủ tịch, phó chủ tịch, ai làm uỷ viên, ai xin từ chức hoặc xin chuyển đi công tác khác.
3) Ủy ban Hành chính liên khu, khu và các tỉnh trực thuộc trung ương duyệt xong cử người lên báo cáo Bộ Nội vụ và xin ý kiến các Bộ để về tiến hành sắp xếp.
4) Họp hội nghị Ủy ban Hành chính tỉnh có các trưởng phó ty (cả cũ lẫn mới), đại biểu các đoàn thể tỉnh, đại biểu các Ủy ban Hành chính huyện (4 tỉnh trực thuộc trung ương thì Bộ Nội vụ sẽ về dự). Trong hội nghị cần chú ý:
- Nói rõ vai trò và nhiệm vụ của chính quyền dân chủ nhân dân, trách nhiệm nặng nề của Ủy ban Hành chính tỉnh, huyện lúc này trong công tác sửa chữa sai lầm kết hợp với các công tác khác.
- Mục đích ý nghĩa và chủ trương kiện toàn tổ chức và sắp xếp cán bộ.
- Tuyên bố việc kiện toàn và sắp xếp.
Ủy ban Hành chính mới nhận trách nhiệm trước hội nghị.
- Trong hội nghị này, các đại biểu sẽ cùng Ủy ban xây dựng chủ trương công tác và lề lối làm việc cho chính quyền tỉnh.
5) Ủy ban Hành chính tỉnh ra thông báo cho các ngành và các huyện; họp các Ty chuyên môn để tuyên bố sắp xếp các ty.
Về phương pháp tiến hành kiện toàn Ủy ban Hành chính và sắp xếp cán bộ do khu và tỉnh quản lý, Ủy ban liên khu, khu sẽ chỉ thị cụ thể cho các Ủy ban Hành chính tỉnh thi hành và báo cáo lên Bộ Nội vụ. Trong khi thi hành thông tư này, nếu các địa phương còn gặp khó khăn gì, thì báo cáo ngay lên Thủ tướng phủ.
K.T THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
- 1 Thông tư 845-HCP/3 năm 1957 giải quyết quyền lợi cho cán bộ đi sửa chữa sai lầm về cải cách ruộng đất khi hoàn thành công tác do Bộ Tài chính ban hành
- 2 Nghị quyết về vấn đề kiện toàn tổ chức Quốc hội do Quốc hội ban hành
- 3 Thông tư 1169-TTg năm 1956 về việc kiện toàn chính quyền xã trong sửa chữa sai lầm về cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức do Phủ thủ tướng ban hành
- 4 Nghị quyết về mấy chính sách cụ thể để sửa chữa sai lầm về cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 1 Thông tư 845-HCP/3 năm 1957 giải quyết quyền lợi cho cán bộ đi sửa chữa sai lầm về cải cách ruộng đất khi hoàn thành công tác do Bộ Tài chính ban hành
- 2 Thông tư 1169-TTg năm 1956 về việc kiện toàn chính quyền xã trong sửa chữa sai lầm về cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức do Phủ thủ tướng ban hành
- 3 Nghị quyết về vấn đề kiện toàn tổ chức Quốc hội do Quốc hội ban hành