Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

eBỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 116/2018/TT-BTC

Hà Nội, ngày 28 tháng 11 năm 2018

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG

Căn cứ Luật giá số 12/2012/QH13 ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá; Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý giá;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định chế độ báo cáo giá thị trường.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh: Thông tư này quy định về nguyên tắc, phương pháp thu thập thông tin và chế độ báo cáo giá thị trường của một số hàng hóa, dịch vụ trong nước (sau đây gọi là chế độ báo cáo giá thị trường) phục vụ cho công tác tổng hợp, phân tích, dự báo, chỉ đạo, điều hành, bình ổn giá của các cơ quan có thẩm quyền tại trung ương và địa phương.

2. Đối tượng áp dụng:

a) Các đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính gồm: Cục Quản lý giá, Cục Tin học và Thống kê tài chính, Tổng cục Hải quan;

b) Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

c) Các cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ báo cáo giá thị trường.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Giá thị trường là giá hàng hóa, dịch vụ hình thành do các nhân tố chi phối và vận động của thị trường quyết định tại một thời điểm, địa điểm nhất định.

2. Giá bán buôn là mức giá được hình thành dựa trên hoạt động bán hàng hóa, dịch vụ cho thương nhân, tổ chức, cá nhân khác, không bao gồm hoạt động bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng cuối cùng.

3. Giá bán lẻ là mức giá bán hàng hóa, dịch vụ trực tiếp cho người tiêu dùng cuối cùng.

4. Giá niêm yết là mức giá mà các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thông báo công khai đến khách hàng về mức giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bằng Đồng Việt Nam.

5. Giá đăng ký là mức giá hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quyết định, đã thực hiện đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thời gian nhà nước áp dụng biện pháp bình ổn giá.

6. Giá kê khai là mức giá hàng hóa, dịch vụ do các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quyết định, đã thực hiện kê khai với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 3. Nguyên tắc, phương pháp khảo sát, thu thập thông tin giá thị trường hàng hóa, dịch vụ

1. Công tác khảo sát, thu thập thông tin giá thị trường hàng hóa, dịch vụ phải được thực hiện theo các nguyên tắc sau:

a) Khách quan, kịp thời, là giá thực mua, thực bán phổ biến trên thị trường tại thời điểm thu thập thông tin. Trường hợp thu thập theo giá đăng ký hoặc giá kê khai thì phải chú thích rõ mức giá gắn với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tương ứng.

b) Đúng địa điểm cần báo cáo giá và thời điểm báo cáo giá thị trường.

c) Khu vực khảo sát thu thập giá thị trường phải là những nơi có hoạt động sản xuất, kinh doanh thường xuyên, ổn định, đại diện cho khu vực thành thị, nông thôn tại tỉnh, thành phố.

d) Phân định rõ giá khảo sát, thu thập là giá bán buôn, giá bán lẻ, giá kê khai hay giá đăng ký; chú thích rõ thông tin về các yếu tố khác liên quan như: thuế giá trị gia tăng (nếu có), giá bán tại cửa hàng, nơi sản xuất, giá bán tới địa điểm người mua (nơi giao hàng), tính đặc thù thị trường.

2. Công tác thu thập thông tin giá thị trường hàng hóa, dịch vụ được thực hiện theo các phương pháp sau:

a) Phương pháp khảo sát, thu thập thông tin trực tiếp: Cán bộ thị trường trực tiếp đến các nhà máy sản xuất, chế biến; trung tâm bán buôn, chợ đầu mối; các trung tâm thương mại, siêu thị, các chợ; các cơ sở giáo dục đào tạo (đối với dịch vụ đào tạo); các cơ sở khám chữa bệnh (đối với dịch vụ khám chữa bệnh), để khảo sát, thu thập thông tin.

b) Phương pháp thu thập thông tin gián tiếp: Cơ quan báo cáo giá thị trường có công văn yêu cầu các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cung cấp thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục báo cáo giá thị trường; hoặc tổ chức tổng hợp trên các phương tiện thông tin đại chúng, kết quả thống kê đăng ký, kê khai giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh; hoặc giá do cơ quan báo cáo giá thị trường mua thông tin. Trong trường hợp này, phải chú thích rõ nguồn thông tin.

c) Cán bộ thị trường quy định tại tiết a Khoản 2 Điều này được hưởng tiền công tác phí khoán theo tháng theo quy định tại Điều 8 Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị.

Điều 4. Cơ quan, tổ chức báo cáo giá thị trường

Cơ quan, tổ chức báo cáo giá thị trường bao gồm:

1. Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính.

2. Phòng Tài chính - kế hoạch cấp huyện thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

3. Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, Sở Tài chính tham mưu trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh giao nhiệm vụ báo cáo giá thị trường cho các đơn vị có liên quan (nếu cần thiết).

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5. Kỳ báo cáo

1. Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương định kỳ ngày cuối cùng hàng tháng, quý, năm thực hiện tổng hợp số liệu báo cáo giá thị trường trên địa bàn tỉnh, thành phố; gửi báo cáo giá thị trường về Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá) trước ngày 05 tháng tiếp theo của kỳ báo cáo; đối với các tháng cuối quý (tháng 3, tháng 6, tháng 9 và tháng 12), thực hiện báo cáo giá thị trường tương ứng 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng và 12 tháng (gọi chung là báo cáo dài hạn).

Trường hợp có biến động bất thường về giá hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Sở Tài chính có trách nhiệm thực hiện báo cáo đột xuất về tình hình biến động giá của một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu tại địa phương gửi cơ quan có thẩm quyền đồng thời gửi Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá).

2. Cục Quản lý giá chịu trách nhiệm tổng hợp báo cáo của các Sở Tài chính; đồng thời trên cơ sở theo dõi nắm bắt tình hình chung giá cả thị trường trên phạm vi cả nước để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính hàng tháng, quý, năm và công khai thông tin giá cả thị trường tới các Sở Tài chính, các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tài chính, các cơ quan khác có liên quan trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá phân hệ “Công khai dữ liệu” và trang thông tin điện tử của Bộ Tài chính.

Điều 6. Nội dung báo cáo

1. Báo cáo tháng và báo cáo dài hạn

a) Phần thứ nhất: Tổng quan về tình hình thị trường, giá cả trong kỳ

- Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của địa phương trong kỳ báo cáo;

- Phân tích thực trạng, nguyên nhân của các yếu tố tác động đến CPI;

- Thống kê mức giá hàng hóa, dịch vụ theo danh mục quy định tại Điều 7 Thông tư này.

b) Phần thứ hai: Đánh giá tình hình thực hiện công tác quản lý nhà nước về giá của địa phương đã triển khai trong kỳ báo cáo, bao gồm các nội dung sau:

- Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giá;

- Tình hình triển khai chương trình bình ổn thị trường và các biện pháp bình ổn giá tại địa phương (nếu có);

- Công tác quản lý giá các hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền định giá của địa phương, phương án điều chỉnh giá (nếu có);

- Tình hình thực hiện kê khai giá tại địa phương;

- Công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về giá tại địa phương;

- Các nội dung liên quan khác.

c) Phần thứ ba: Dự báo diễn biến mặt bằng giá thị trường tại địa phương trong kỳ tiếp theo.

2. Báo cáo đột xuất:

a) Diễn biến giá thị trường của hàng hóa, dịch vụ có giá biến động bất thường hoặc giá hàng hóa, dịch vụ được yêu cầu báo cáo.

b) Phân tích nguyên nhân biến động giá của mặt hàng báo cáo.

c) Kiến nghị các giải pháp bình ổn thị trường, giá cả.

d) Báo cáo phải có biểu thống kê về mức giá của loại hàng hóa, dịch vụ trước, trong và sau ngày có biến động giá.

Điều 7. Danh mục hàng hóa, dịch vụ báo cáo giá

1. Danh mục giá thị trường hàng hóa, dịch vụ báo cáo gồm các mặt hàng thiết yếu, phù hợp với yêu cầu công tác tổng hợp, phân tích, dự báo, chỉ đạo, điều hành, bình ổn giá của các cơ quan có thẩm quyền tại trung ương và địa phương; bảo đảm tính đại diện cho các nhóm hàng hóa dịch vụ: lương thực, thực phẩm; vật tư nông nghiệp; đồ uống; vật liệu xây dựng, chất đốt và nước sinh hoạt; thuốc chữa bệnh cho người; dịch vụ y tế; giao thông; dịch vụ giáo dục; giải trí và du lịch; vàng, đô la Mỹ và các mặt hàng thuộc danh mục kê khai, đăng ký giá trên địa bàn nếu có (danh mục chi tiết tại Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư này).

2. Trường hợp tại địa phương không có mặt hàng trong danh mục báo cáo giá, cơ quan báo cáo được thay bằng mặt hàng tương tự (nếu có) và cần ghi rõ quy cách, nhãn hiệu và chú thích rõ ràng. Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động chọn khảo sát thêm các mặt hàng đặc trưng cho thị trường từng địa phương.

3. Đối với hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai và đăng ký giá, Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ thẩm quyền để quy định danh mục phù hợp với tình hình thực tế công tác tiếp nhận kê khai, đăng ký giá.

Điều 8. Phương thức gửi báo cáo

1. Sở Tài chính gửi báo cáo giá thị trường định dạng thống nhất vào hòm thư điện tử csgia@mof.gov.vn; đồng thời cập nhật vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá, phân hệ “Báo cáo giá thị trường” được tích hợp trong hệ thống tại địa chỉ https://csdlgiaquocgia.mof.gov.vn (nếu có).

2. Định dạng báo cáo

a) Báo cáo gửi điện tử phải bao gồm bản điện tử dùng thống nhất bộ mã tiếng Việt Unicode và văn bản quét có đủ chữ ký và dấu của đơn vị phát hành. Báo cáo giấy phát hành chỉ lưu bản gốc tại cơ quan báo cáo. Đối với trường hợp các báo cáo đột xuất, báo cáo theo yêu cầu của Bộ Tài chính, định dạng gửi báo cáo theo hướng dẫn tại văn bản yêu cầu báo cáo cụ thể.

b) Quy ước ký hiệu tệp văn bản báo cáo bằng hệ thống mạng thông tin: thực hiện theo quy định tại Phụ lục số 2 (ban hành kèm theo Thông tư này).

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức báo cáo giá thị trường

1. Các cơ quan thực hiện báo cáo giá thị trường theo quy định tại Điều 4 Thông tư này có trách nhiệm xây dựng, củng cố và hoàn thiện hệ thống thu thập thông tin giá thị trường; tổ chức công tác thu thập và báo cáo định kỳ, đột xuất về tình hình giá thị trường hàng hóa, dịch vụ tại địa phương, địa bàn do mình quản lý; chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về thực hiện chế độ báo cáo giá thị trường theo quy định tại Thông tư này.

Xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá tại trung ương và hệ thống Cơ sở dữ liệu về giá tại địa phương đảm bảo tính năng báo cáo giá thị trường gồm tạo lập, gửi, tiếp nhận, quản lý báo cáo giá thị trường theo quy định tại Thông tư số 142/2015/TT-BTC ngày 04 tháng 9 năm 2015 của Bộ Tài chính quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá.

2. Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm:

a) Bố trí cán bộ chuyên trách để theo dõi, thu thập, tổng hợp thông tin và xây dựng báo cáo giá thị trường; phân công một cán bộ đầu mối và đăng ký thông tin (gồm họ và tên, số điện thoại, địa chỉ thư điện tử) gửi Cục Quản lý giá-Bộ Tài chính để chủ động phối hợp khi phát sinh các vấn đề cần trao đổi trực tiếp.

b) Gửi báo cáo giá thị trường định kỳ, đột xuất cho Bộ Tài chính - Cục Quản lý giá theo đúng quy định.

3. Các đơn vị được giao nhiệm vụ quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 4 Thông tư này bố trí cán bộ chuyên trách thực hiện theo dõi, thu thập và báo cáo giá thị trường trong phạm vi phụ trách về Sở Tài chính và Ủy ban nhân dân cấp huyện theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

4. Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện Thông tư này; tổ chức triển khai các nhiệm vụ cụ thể sau:

a) Bố trí cán bộ giá thị trường theo dõi và tổng hợp thông tin giá thị trường trên phạm vi cả nước.

b) Lập và gửi báo cáo giá thị trường định kỳ, đột xuất theo đúng quy định. Định kỳ 3 tháng tổng hợp tình hình công tác quản lý, điều hành giá tại địa phương và từ các Bộ, ngành báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại các cuộc họp thường kỳ của Ban Chỉ đạo điều hành giá theo quy định.

c) Quản lý về nội dung toàn bộ cơ sở dữ liệu giá thị trường hàng hóa, dịch vụ của Sở Tài chính gửi về.

d) Phối hợp với Cục Tin học và Thống kê tài chính - Bộ Tài chính tổ chức hướng dẫn việc báo cáo theo hệ thống mạng giữa các Sở Tài chính với Cục Quản lý giá; hướng dẫn xử lý các vấn đề nghiệp vụ phát sinh trong quá trình cập nhật, khai thác, sử dụng hệ thống thông tin dữ liệu; bảo mật các thông tin được chia sẻ.

5. Cục Tin học và Thống kê tài chính - Bộ Tài chính có trách nhiệm:

a) Quản lý, duy trì và đảm bảo kỹ thuật cho hoạt động của hệ thống mạng thông tin và Chương trình phần mềm báo cáo giá thị trường phục vụ cho việc thực hiện chế độ báo cáo giá thị trường. Đảm bảo an ninh, an toàn về mặt kỹ thuật, lưu trữ và bảo mật số liệu đối với hệ thống dữ liệu giá.

b) Chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý giá hướng dẫn việc báo cáo theo hệ thống mạng giữa các Sở Tài chính với Cục Quản lý giá. Hướng dẫn xử lý các vấn đề về kỹ thuật phát sinh trong quá trình cập nhật, khai thác, sử dụng hệ thống thông tin dữ liệu giá; bảo mật các thông tin được chia sẻ.

6. Tổng cục Hải quan có trách nhiệm phối hợp gửi Cục Quản lý giá báo cáo trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu theo quy định tại Khoản 2 Điều 14 Thông tư số 142/2015/TT-BTC ngày 04 tháng 9 năm 2015 của Bộ Tài chính quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá để phục vụ quản lý nhà nước về giá trong trường hợp giá hàng hóa có biến động bất thường hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 10. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 2 năm 2019 và thay thế Thông tư số 55/2011/TT-BTC ngày 29 tháng 4 năm 2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ báo cáo giá thị trường hàng hóa, dịch vụ trong nước, giá hàng hóa nhập khẩu.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các đơn vị báo cáo về Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá) để hướng dẫn giải quyết và sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.