Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/2021/TT-BNNPTNT

Hà Nội, ngày 26 tháng 10 năm 2021

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VIỆC THU GOM, XỬ LÝ CHẤT THẢI CHĂN NUÔI, PHỤ PHẨM NÔNG NGHIỆP TÁI SỬ DỤNG CHO MỤC ĐÍCH KHÁC

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020;

n cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Cục trưởng Cục Chăn nuôi,

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư hướng dẫn việc thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp tái sử dụng cho mục đích khác.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này hướng dẫn việc thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp tái sử dụng cho mục đích khác.

2. Thông tư này không điều chỉnh đối với việc thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi ở vùng có dịch.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến việc thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp tái sử dụng cho mục đích khác.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Chất thải chăn nuôi để tái sử dụng cho mục đích khác bao gồm chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ và nước thải chăn nuôi.

2. Xử lý chất thải chăn nuôi là việc áp dụng giải pháp công nghệ, biện pháp kỹ thuật phù hợp xử lý chất thải chăn nuôi để làm phân bón, nước tưới cho cây trồng, làm thức ăn cho thủy sản hoặc tái sử dụng cho mục đích khác.

3. Phụ phẩm nông nghiệp (phụ phẩm cây trồng) là sản phẩm phụ phát sinh trong quá trình tiến hành hoạt động chăm sóc, thu hoạch, sơ chế sản phẩm cây trồng tại khu vực canh tác cây trồng.

4. Mục đích khác là làm nguyên liệu, nhiêu liệu, vật liệu cho hoạt động sản xuất khác.

Chương II

THU GOM, XỬ LÝ CHẤT THẢI CHĂN NUÔI, PHỤ PHẨM NÔNG NGHIỆP ĐỂ TÁI SỬ DỤNG CHO MỤC ĐÍCH KHÁC

Điều 4. Thu gom chất thải chăn nuôi

1. Thu gom chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ

a) Chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ trong chăn nuôi nông hộ phải thu gom để xử lý theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Thông tư này, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường;

b) Chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ trong chăn nuôi trang trại phải thu gom, vận chuyển đến vị trí tập trung trong khuôn viên cơ sở chăn nuôi trang trại và xử lý theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 Thông tư này, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường. Việc thu gom chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ được thực hiện hàng ngày đối với cơ sở chăn nuôi gia súc, thu gom theo đợt đối với cơ sở chăn nuôi gia cầm và cơ sở chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học;

c) Vị trí tập trung chất thải rắn trong khuôn viên cơ sở chăn nuôi trang trại để xử lý phải xa khu chuồng nuôi, xa nơi cấp nước, khu vực kho thức ăn chăn nuôi.

2. Nước thải chăn nuôi phải thu gom bằng hệ thống riêng để xử lý theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này.

Điều 5. Xử lý chất thải chăn nuôi

1. Xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ

a) Chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ trong chăn nuôi nông hộ được xử lý bằng một hoặc một nhóm các biện pháp sau: ủ compost, công nghệ khí sinh học (biogas), chế phẩm sinh học, đệm lót sinh học hoặc các giải pháp khác để sử dụng cho cây trồng;

b) Chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ trong chăn nuôi trang trại đã qua xử lý đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được sử dụng cho cây trồng hoặc làm thức ăn cho thủy sản. Trong thời gian chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, việc xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ thực hiện theo hướng dẫn của các cơ quan quản lý chuyên ngành;

c) Việc vận chuyển chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ chưa được xử lý ra khỏi cơ sở chăn nuôi thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

2. Xử lý nước thải chăn nuôi

a) Nước thải chăn nuôi trong chăn nuôi nông hộ được xử lý bằng một hoặc một nhóm các biện pháp sau: công nghệ khí sinh học, ao sinh học, chế phẩm sinh học hoặc các biện pháp khác được sử dụng cho cây trồng phải đảm bảo hạn chế phát sinh mùi hôi, thối và không để chảy tràn ra môi trường xung quanh;

b) Nước thải chăn nuôi trong chăn nuôi trang trại đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng, được sử dụng tưới cho cây trồng hoặc mục đích khác trong khuôn viên trang trại. Việc sử dụng nước thải chăn nuôi phải đảm bảo hạn chế phát sinh mùi hôi, thối và không để chảy tràn ra môi trường xung quanh.

3. Khuyến khích sử dụng chế phẩm sinh học, ứng dụng tiến bộ công nghệ, kỹ thuật mới trong quá trình xử lý chất thải chăn nuôi.

Điều 6. Thu gom, xử lý phụ phẩm nông nghiệp tái sử dụng cho mục đích khác

Việc thu gom, xử lý phụ phẩm nông nghiệp tái sử dụng cho mục đích khác thực hiện theo Thông tư số 19/2019/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc thu gom, xử lý, sử dụng phụ phẩm cây trồng.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Trách nhiệm các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường theo dõi, tổng hợp báo cáo Bộ tình hình thực hiện Thông tư này.

2. Cục Chăn nuôi, Cục Trồng trọt

a) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này theo lĩnh vực được phân công; báo cáo kết quả về Bộ (qua Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường) để tổng hợp;

b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng tài liệu kỹ thuật hướng dẫn việc thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi và phụ phẩm nông nghiệp để tái sử dụng cho mục đích khác phù hợp với điều kiện thực tế.

Điều 8. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

1. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp tái sử dụng cho mục đích khác trên địa bàn.

2. Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này tại địa phương và báo cáo kết quả về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường).

Điều 9. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp tái sử dụng cho mục đích khác

1. Tuân thủ quy định tại Thông tư này và pháp luật có liên quan.

2. Cung cấp thông tin, phản ánh kịp thời về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương các khó khăn, vướng mắc trong việc thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi và phụ phẩm nông nghiệp để tái sử dụng cho mục đích khác.

Điều 10. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

Trong quá trình thực hiện Thông tư, nếu có phát sinh vướng mắc, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường) để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- UBND các tỉnh thành phố trực thuộc TW;
- Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Cổng TTĐT Chính phủ, Công báo Chính phủ, Cổng TTĐT Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Lưu: VT, KHCN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Quốc Doanh