Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ THỦY LỢI VÀ ĐIỆN LỰC
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 12-TLĐL

Hà Nội, ngày 23 tháng 03 năm 1961

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH VIỆC TỔ CHỨC ĐỘI MÁY BƠM NHỎ TƯỚI RỘNG

BỘ TRƯỞNG BỘ THỦY LỢI VÀ ĐIỆN LỰC

Kính gửi:
Đồng kính gửi:

Ông Chủ tịch Ủy ban hành chính các khu, thành, tỉnh
Sở, Ty Thủy lợi các khu, tỉnh.

Thi hành hông tư số 41-TTg ngày 01-02-1961 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức quản lý và kinh doanh máy bơm nhỏ tưới ruộng, Bộ nêu một số vấn đề đây để các tỉnh nghiên cứu thi hành:

I. MỤC ĐÍCH VÀ Ý NGHĨA VIỆC TỔ CHỨC QUẢN LÝ VÀ KINH DOANH MÁY BƠM NHỎ TƯỚI RUỘNG

Tổ chức quản lý và kinh doanh máy bơm nhỏ tưới ruộng nhằm mục đích giúp đỡ nông dân (trước tiên là hợp tác xã sản xuất nông nghiệp) giải quyết nước tưới ruộng ở một số vùng chưa có công trình thủy lợi đảm bảo, hoặc đã có công trình nhưng còn bấp bênh, nhằm tăng vụ, tăng diện tích, tăng năng suất lúa, hoa màu và cây công nghiệp và giúpcho hợp tác xã nông nghiệp canh tác tiến dần đến đúng kỹ thuật. Sử dụng máy bơm nhỏ tưới ruộng còn nhằm giảm bớt công sức của nông dân bỏ vào việc tát nước chống hạn, để có thể dùng công sức đó vào việc phát triển nghề phụ có lợi hơn. Làm được như vậy là thiết thực góp phần tăng thu nhập của hợp tác xã, của nông dân nói chung, góp phần củng cố và phát triển phong trào hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, cải thiện đời sống nhân dân.

Để đạt mục đích trên, máy bơm nhỏ phải sử dụng vào việc: tưới lúa suốt vụ cho một số diện tích nhất định, tưới lúa chống hạn (phải có kế hoạch tưới), tưới hoa màu và cây công nghiệp. Trường hợp thật cần thiết mới dùng máy bơm nhỏ chống úng thủy.

Hiện nay ta có 584 máy bơm nhỏ, nếu việc sản xuất và nhập máy bơm đúng kế hoạch thì cuối tháng 04-1961 sẽ có thêm 242 máy nữa là 826 cái, và triển vọng mỗi năm số máy bơm nhỏ được tăng thêm. Vì vậy, việc chấn chỉnh và tăng cường tổ chức quản lý và kinh doanh máy bơm nhỏ phải đặt ra và tích cực thực hiện. Trước mắt phải hoàn thành tổ chức các đội máy bơm nhỏ kinh doanh theo nguyên tắc hạch toán kinh tế.

II. TỔ CHỨC VÀ KINH DOANH CỦA ĐỘI MÁY BƠM NHỎ TƯỚI RUỘNG

1.Tổ chức và kinh doanh của đội máy bơm nhỏ:

a) Tổ chức biên chế:

Những tỉnh có từ 5 máy bơm trở lên tổ chức 1 đội máy bơm nhỏ tước ruộng, gọi tắt “Đội máy bơm”.

Đội máy bơm thuộc loại xí nghiệp quốc doanh địa phương, nó là xí nghiệp đặc biệt chuyên phục vụ sản xuất nông nghiệp, kinh doanh theo nguyên tắc hạch toán kinh tế. Hoạt động của đội có tính chất thời vụ, phân tán, có khi lưu động chống hạn, tài sản của đội máy bơm khá lớn (có độ 50 vạn đồng, có nơi 1 triệu đồng bạc vốn), kinh doanh chưa có kinh nghiệm, thu chi nhiều khó khăn v .v… Vì vậy, tổ chức đội phải mạnh nhưng biên chế gọn, nhẹ, càng ít người càng tốt, do đó việc bố trí cán bộ, công nhân cần chú trọng chất lượng. Cụ thể là:

Những tỉnh có từ 5 đến 20 máy, thì Đội máy bơm gồm có:

- Đội trưởng 1 người (cán bộ chính trị trình độ huyện ủy viên)

- Nhân viên giúp việc đội trưởng về kế-toán, tài vụ, thủ kho, cung ứng: 1 người.

- 1 hoặc 2, 3 tổ công nhân chạy máy (tùy tình hình đặt máy mỗi nơi mà tổ chức, cứ 3 công nhân trở lên, tổ chức thành 1 tổ. Số lượng công nhân chạy máy căn cứ vào việc đặt máy "tập trung hay phân tán mà quy định).

- 1 tổ công nhân sửa chữa máy.

Những tỉnh có từ 21 máy đến 60 máy thì Đội máy bơm gồm có:

- Đội trưởng, đội phó: 2 người (1 cán bộ chính trị, trình độ thường vụ huyện ủy làm đội trưởng, 1 cán bộ kỹ thuật cơ khí làm đội phó).

- Nhân viên giúp việc ban chỉ huy đội viên về kế toán,tài vụ: 2 người.

- 2 hoặc 3, 4 tổ công nhân chạy máy.

- 1 tổ sửa chữa máy.

Những tỉnh có trên 60 máy, đội trưởng phải là 1 cán bộ tương đương Bí thư huyện ủy. Nhưng nếu tỉnh nào trên dưới 100 máy thì cần có 1 tỉnh ủy viên hoặc Bí thư huyện ủy làm đội trưởng. Cán bộ giúp viên đội trưởng ở những đội máy bơm này, Ủy ban hành chính tỉnh căn cứ yêu cầu công tác và tình hình thực tế địa phương mà quyết định.

b) Cách sử dụng máy bơm nhỏ tước ruộng của Đội máy bơm:

Nếu vùng ruộng đất trồng trọt có một diện tích tương đối lớn và tập trung thì nên tập trung một số máy bơm tổ chức thành 1 trạm máy bơm nhỏ tưới ruộng. Năm nay tổ chức 1, 2 trạm bơm nhỏ, sang năm (1962) cần tổ chức nhiều trạm bơm để dần dần đi đến tổ chức những trạm bơm nhỏ tưới cho lúa, hoa màu và cây công nghiệp ở những vùng khó làm các công trình thủy lợi khác hoặc chưa làm được.

Tổ chức trạm máy bơm nhỏ có lợi hơn là phân tán; vì giảm bớt được số lượng công nhân chạy máy, thuận tiện cho việc công nhân giúp nhau bảo quản và sử dụng máy …do đó giá thành tưới nước rẻ.

Trường hợp cần thiết dùng máy bơm chống hạn thì nên tổ chức thành tổ đi lưu động bơm thuê, nhưng phải vạch trước kế hoạch chống hạn, không để tình trạng lúa khô nẻ mới mang máy đến, vì như vậy việc chống hạn ít có tác dụng đối với sinh trưởng của cây trồng.

Máy bơm nhỏ tưới ruộng, chỉ cho thuê tưới lúa, hoa màu và cây công nghiệp, tuyệt đối không cho thuê dùng vào việc khác trong thời vụ tưới ruộng cho thuê dùng vào việc khác trong thời vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp.

c) Nguyên tắc kinh doanh của Đội máy bơm:

Đội máy bơm nhỏ phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhưng hiện tại phải phục vụ những diện tích khó khăn về nước và ưu tiên phục vụ tưới ruộng cho hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, cho những nông dân túng thiếu.

Chính phủ cho Đội máy bơm kinh doanh không lãi, nhưng đảm bảo không lỗ. Kinh doanh không lãi bởi vì Đội máy bơm là xí nghiệp đặc biệt chuyên phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nước ta là nước nông nghiệp còn lạc hậu, sản xuất nông nghiệp phát triển chậm, năng suất còn thấp. Để khuyến khích nông nghiệp phát triển, tăng thu, cải thiện đời sống nhân dân, Chính phủ chủ trương Đội máy bơm kinh doanh không lãi, là xuất phát từ lợi ích chung của nhân dân lao động, không riêng gì nông dân.

Nhưng phải đảm bảo không lỗ. Muốn kinh doanh không lỗ phải tính toán các khoản chi: hao mòn máy móc, tiền sửa chữa, vận chuyển, chi phí dầu mỡ, lương cán bộ, công nhân, v.v… để đảm bảo thu vào đủ vốn cho Nhà nước, đó là xét về lợi ích Nhà nước.

Kinh doanh của Đội máy bơm phải luôn luôn phấn đấu để có một kế hoạch tưới ruộng chống hạn được nhiều và kế hoạch giả tiền tưới nước, phải quản lý tốt, sử dụng hết công suất, chống tham ô lãng phí, tiết kiệm…, trên cơ sở đó giá thành tưới nước ngày càng rẻ, thì không những không lỗ mà còn phục vụ tốt sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần củng cố khối liên minh công nông.

Giá tưới nước cho 1 công mẫu, Bộ sẽ nghiên cứu thực tế ở 1, 2, đội để định giá chỉ đạo phổ biến sau.

đ) Vấn đề thu tiền tưới nước thống nhất thu bằng tiền, thu tiền trước, tưới nước sau, hoặc thu một phần tiền trước.Nhưng nếu những vùng nông dân túng thiếu thì tưới trước thu tiền sau (thu vào cuối vụ gặt).

Ban quản trị hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, chủ hộ nông dân cá thể, ký hợp đồng với Đội máy bơm về diện tích cần tưới, giá tiền tưới nước mỗi sào, mẫu…và chịu trách nhiệm thanh toán tiền tưới nước cho Đội máy bơm.

Nếu hợp tác xã hay nông dân cá thể nào dây dưa không thanh toán tiền nước, Đội máy bơm đưa ra Ủy ban hành chính xã giải quyết, thì Ủy ban hành chính xã có trách nhiệm thuộc Ban quản trị Hợp tác xã, nông dân cá thể đó phải thanh toán khoản nợ tiền tưới nước, đó là trách nhiệm của Ủy ban hành chính, của xã viên Hợp tác xã, của nông dân cá thể đối với các việc phát triển sản xuất nông nghiệp và đối với vấn đề thu hồi vốn cho Nhà nước.

Trường hợp vì thiên tai đặc biệt bị mất mùa từ 25 đến 30% so với chỉ tiêu về sản lượng, thì Ủy ban hành chính xã đề nghị hoãn thu tiền nước, Đội máy bơm xét đề nghị Ủy ban hành chính tỉnh quyết định việc hoãn đến vụ sau sẽ trả tiền tưới nước. Nhưng nếu diện tích trồng trọt nơi khác của hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, của nông dân cá thể không bị mất mùa thì không hoãn việc trả tiền nước.

e) Vốn hoạt động:

Vốn gồm có 2 phần: vốn cố định và vốn lưu động. Vốn cố định gồm có tiền mua máy bơm cũ, máy mới và mua những phụ tùng đắt tiền, dùng lâu (150đ trở lên và dùng trên 1 năm) tiền làm nhà kho, nhà để máy bơm nếu cần (nên cố gắng tận dụng đình chùa để máy và làm kho). Vốn lưu động gồm có tiền mua dụng cụ rẻ tiền, dùng mau hỏng, tiền mua xăng dầu mỡ, lương công nhân, v.v… Vốn cố định và vốn lưu động của Đội máy bơm do ngân sách địa phương cấp. Nhưng năm nay (năm đầu tiên tổ chức Đội máy bơm) địa phương chưa dự trừ, vì vậy việc giải quyết vốn như sau:

- Vốn cố định sẽ cấp cho tỉnh bằng máy bơm đã và sẽ phân phối, còn một phần cấp tiền mặt.

- Bộ sẽ tính giá trị từng loại máy bơm đã và sẽ phân phối cho mỗi tỉnh quy ra thành tiền cấp vốn cho địa phương, khi tính thành tiền số máy bơm cấp cho mỗi tỉnh, coi như Nhà nước cấp 100% vốn cố định xây dựng Đội máy bơm ở tỉnh. Tỉnh chỉ làm dự trù xin cấp phần vốn cố định bằng tiền mặt và vốn lưu động. Vốn lưu động để cho Đội máy bơm hoạt động trong năm nay sẽ được cấp một phần, nếu thiếu thì vay thêm Ngân hàng.

- Sang năm 1962 tỉnh cần lập dự trù vốn cố định cho Đội máy bơm sẽ do Ủy ban Kế hoạch Nhà nước xét duyệt, trình Chính phủ chuẩn cấp cho mỗi tỉnh.

Riêng việc dự trù mua máy mới và mua phụ tùng cho 1962 thì gửi về Bộ Thủy lợi và Điện lực (Cục Vật tư và Cục thủy nông) chậm nhất cuối tháng 03-1961 để kịp đặt hàng.

g) Bố trí công tác giáo dục, bồi dưỡng và giải quyết lương bổng cho công nhân, nhất là công nhân chạy máy bơm:

Để việc quản lý và sử dụng máy bơm được tốt, công nhân chạy máy bơm phải là những người tín nhiệm về chính trị, có tinh thần trách nhiệm, có trình độ chuyên môn v.v… không vì số lượng công nhân cao mà thải hồi công nhân khá để thuê người tập sự rẻ tiền chạy máy, vì rằng lợi không bù hại. Khi cho đơn vị sản xuất nông nghiệp nào thuê máy bơm phải có công nhân chạy máy đi phụ trách, nếu không thì không cho thuê.

Phải coi trọng việc giáo dục nâng cao lập trường tư tưởng và bồi dưỡng nghiệp vụ cho công nhân. Công nhân chạy máy ở nơi nào thì bố trí học tập chính trị, văn hóa chung với địa phương nơi đó. Sau mỗi vụ tưới nước có thể mở những lớp học tập chính trị, học tập nghiệp vụ cho công nhân để trau dồi lập trường tư tưởng và nâng cao trình độ chuyên môn.

Việc trả lương cho công nhân phải tương xứng với khả năng, với kỹ thuật nghề máy và chú ý việc khen thưởng những công nhân bảo quản máy tốt và tiết kiệm xăng dầu mỡ và thưởng tăng năng suất trong việc sử dụng công suất máy móc tưới ruộng.

Lương của công nhân chạy máy cần nghiên cứu một biện pháp tăng thu để lấy tiền trả lương, nhằm giảm bớt phần nào đài thọ của nông dân. Muốn làm việc này, cần tổ chức thêm việc làm cho công nhân chạy máy. Cụ thể là khi công nhân đang chạy máy nên tổ chức cho họ chăn nuôi, trồng tỉa một, hai sào lúa, khoai; khi máy nghỉ, rảnh việc, tổ chức họ sản xuất nông cụ, sửa chữa máy móc, làm các nghề đan lát v .v… để lấy tiền, nhớ đó tăng thu nhập cho công nhân, giảm phần nào chi phí cho sản xuất mà nông dân phải gánh vác.

2. Những tỉnh có từ 4 máy bơm trở xuống, tổ chức 1 tổ máy bơm do Ty Thủy lợi lãnh đạo mọi mặt. Tổ máy bơm kinh doanh theo lối sự nghiệp nhưng cố gắng tăng thu, giảm chi. Tăng thu nghĩa là đảm bảo không lỗ nhưng không lãi. Giảm chi là: quản lý sử dụng máy tốt, tiết kiệm xăng, dầu, mỡ, chống lãng phí, tham ô để giảm chi phí của Nhà nước và của nhân dân.

III. QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG MÁY BƠM NHỎ TƯỚI RUỘNG

Số máy bơm nhỏ đã và sẽ phân phối cho các tỉnh, Bộ giao cho Ủy ban hành chính tỉnh quản lý và sử dụng, và chịu trách nhiệm trước Nhà nước về kinh doanh và quản lý số tài sản mà Bộ đã giao.

Ủy ban hành chính tỉnh tổ chức và trực tiếp lãnh đạo Đội, máy bơm kinh doanh theođúngmục đích và nguyên tắc nói trên. Ty Thủy lợi giúp Ủy ban hành chính tỉnh lãnh đạo Đội máy bơm về mặt nghiệp vụquản lý, kinh doanh, nghiệp vụ tưới nước và lãnh đạo kỹ thuật.

Bộ Thủy lợi và Điện lực chỉ đạo các Đội máy bơm về nghiệp vụ quản lý, kinh doanh, tưới nước và kỹ thuật. Khi cần thiết chống hạn, Bộ sẽ căn cứ tình hình cụ thể mỗi nơi mà bàn với Ủy ban hành chính tỉnh điều động máy bơm và công nhân ở tỉnh này đi chống hạn cho tỉnh khác. Phí tổng của việc điều động và sử dụng máy bơm chống hạn sẽ do nông dân địa phương được chống hạn đài thọ và thanh toán với tỉnh đến chống hạn cho địa phương mình.

Đội máy bơm phải quản lý và bảo vệ tất cả máy bơm của đội cho tốt, hư hỏng phải tìm nguyên nhân và kết luận tại sao để có thái độ giải quyết cho đúng và cho sửa chữa kịp thời để kịp phục vụ tưới ruộng. Phải đề phòng và không phá hoại máy móc, cần xây dựng nội quy về sử dụng và bảo vệ máy móc để cán bộ và công nhân thi hành.

- Vấn đề bán máy bơm cho hợp tác xã sản xuất nông nghiệp :

Nói chung, máy bơm nhỏ là tập trung lại, tổ chức một Đội máy bơm kinh doanh tưới ruộng, nhưng nếu hợp tác xã nào có đủ những điều kiện quy định trong thông tư Liên bộ số 51-LB ngày 09-02-1961 thì Ủy ban hành chính tỉnh xét và quyết định việc bán. Nên ưu tiên bán cho hợp tác xã đã quen dùng máy bơm nếu có đủ điều kiện. Bán máy bơm chỉ bán cho hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, không bán cho đơn vị hành chính hay đơn vị nào khác.

Khi Ủy ban hành chính tỉnh đã quyết định bán máy bơm cho hợp tác xã sản xuất nông nghiệp thì lập Hội đồng vật giá, định giá bán theo nguyên tắc không lãi, nhưng không lỗ. Hợp tác xã nào mua máy phải trả tiền ngay, nếu không đủ tiền thì vay Ngân hàng để mua máy.

Trên đây Bộ quy định một số điểm chính nhằm hướng dẫn thi hành thông tư Thủ tướng Chính phủ về tổ chức, quản lý và kinh doanh máy bơm nhỏ tưới ruộng. Các tỉnh căn cứ tinh thần thông tư này và kinh nghiệm của địa phương vạch kế hoạch thi hành. Chậm nhất đến cuối tháng 03-1961 hình thành tổ chức Đội máy bơm. Trong quá trình thực hiện có gì khó khăn và có kinh nghiệm báo cho Bộ biết để giải quyết, bổ sung và để chuẩn bị tiến tới có một điều lệ chính thức về tổ chức, quản lý và kinh doanh máy bơm nhỏ tưới ruộng.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ THỦY LỢI VÀ ĐIỆN LỰC
THỨ TRƯỞNG




Trần Quý Kiên