Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIÁO DỤC
********

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 12/TT

Hà Nội, ngày 28 tháng 6 năm 1973

THÔNG TƯ

CỦA BỘ GIÁO DỤC SỐ 12/TT NGÀY 28 THÁNG 6 NĂM 1973 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CÁC BẢN TIÊU CHUẨN ĐỒ DÙNG DẠY HỌC CỦATRƯỜNG PHỔ THÔNG CẤP I, CẤP II, CẤP III

Từ năm 1963 đến năm 1968, Bộ Giáo dục đã ban hành các bản dự thảo tiêu chuẩn thiết bị cho các trường phổ thông cấp 1, cấp 2, cấp 3. Các tiêu chuẩn trên đã có tác dụng tăng cường trang bị cho các trường học mạnh mẽ và đúng phương hướng hơn, góp phần nâng cao một bước chất lượng giáo dục của nhà trường phổ thông các cấp.

Tuy nhiên, các bản tiêu chuẩn trên đều là dự thảo. Trong quá trình thực hiện, Bộ Giáo dục và các địa phương đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm. Vì vậy, Bộ Giáo dục chính thức ban hành các tiêu chuẩn đồ dùng dạy học cho các trường phổ thông cấp 1, cấp 2, cấp 3 để đẩy mạnh hơn nữa việc trang bị cho các trường, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng dạy và học, và góp phần chuẩn bị cho cải cách giáo dục.

Các bản tiêu chuẩn này sẽ là cơ sở để các Sở, Ty, Phòng giáo dục lập kế hoạch trang bị, xin kinh phí hàng năm và lập kế hoạch chỉ đạo các trường tự làm và bảo quản sử dụng đồ dùng dạy học. Các bản tiêu chuẩn này cũng là cơ sở để các trường xây dựng kế hoạch toàn diện, về công tác thiết bị dạy học cho trường.

I- NHỮNG CĂN CỨ ĐỂ XÂY DỰNG TIÊU CHUẨN

Các bản tiêu chuẩn này được xây dựng trên 2 căn cứ:

1. Chương trình và sách giáo khoa hiện nay, đảm bảo những thí nghiệm chứng minh và thực hành tối thiểu. Sau này, khi có chương trình cải cách giáo dục, sẽ ban hành tiêu chuẩn đồ dùng dạy học phù hợp với chương trình mới.

2. Tình hình phát triển kinh tế và phát triển giáo dục trong những năm tới, cụ thể là khả năng kinh phí của Nhà nước, khả năng sản xuất đồ dùng dạy học của nước ta khả năng nhập hàng các nước ngoài và khả năng tự sưu tầm, chế tạo của các trường học.

II- NHỮNG ĐIỀU CẦN CHÚ Ý TRONG NỘI DUNG CÁC TIÊU CHUẨN

1. Các bản tiêu chuẩn thiết bị này là tối thiểu. Các trường có thể tuỳ khả năng mà mua sắm, tự làm thêm một số dụng cụ khác nữa, tuy không ghi trong tiêu chuẩn nhưng cũng có tác dụng tốt cho việc dạy và học.

2. Mỗi đồ dùng dạy học đều có 3 số lượng phù hợp với 3 loại trường: ít lớp, trung bình, nhiều lớp... Căn cứ vào tình hình phát triển giáo dục những năm tới, số lượng lớp quy định cho mỗi loại trường như sau:

Loại trường

Số lớp cho loại trường

Ít lớp

Trung bình

Nhiều lớp

Đặc biệt

Trường cấp 1

9 lớp trở xuống

10 - 15 lớp

16 - 25 lớp

26 lớp trở lên

Trường cấp 2

5 lớp -

6 - 9 lớp

10 - 15 lớp

16 -

Trường cấp 3

9 lớp -

10 - 15 lớp

16 - 20 lớp

21 -

Cần chú ý các trường miền núi, tuy ít lớp nhưng các lớp thường xa nhau nên tuỳ tình hình có thể trang bị số lượng cao hơn trong tiêu chuẩn.

3. Giá cả các dụng cụ ghi trong các tiêu chuẩn này là ước tính theo giá hiện nay. Giá cả có thể thay đổi do nhiều nguyên nhân: nguyên vật liệu thay đổi (ví dụ: một bộ ảnh in bản kẽm giá 3 đồng, in trên giấy ảnh giá 20 đồng); quy cách thay đổi (ví dụ: mô hình máy hơi nước quy cách đơn giản giá 30 đồng, quy cách phức tạp có thể giá 80 đồng); nguồn sản xuất hoặc nhập khác nhau (ví dụ: điện kế chứng minh của Trung quốc giá 170 đồng, điện kế chứng minh của Ba-lan chất lượng tốt hơn giá tới 460 đồng)...

4. Ở cột ghi chú thường có ghi một số chỉ dẫn như:

- Tự làm, tự kiếm: là những dụng cụ Bộ không tổ chức sản xuất hay nhập, các trường cần tự làm lấy.

- Trường có điện: là những dụng cụ chỉ trang bị cho trường có nguồn điện xoay chiều 110 von hoặc 220 von.

- Trường trọng điểm: là những dụng cụ vì vật tư có hạn, giá tiền nhiều, nên trang bị trước hết cho các trường trọng điểm, và sẽ trang bị dần cho tất cả các trường khác.

5. Máy chiếu phim kèm theo phim giáo khoa, tuy chưa ghi vào các tiêu chuẩn này, nhưng đều là những thiết bị rất cần thiết cho nhiều môn học. Vì vậy, các địa phương vẫn phấn đấu thực hiện dần từng bước, nhất là trường cấp 3. Sau này Bộ sẽ chính thức đưa vào tiêu chuẩn.

III- NHỮNG BIỆN PHÁP ĐỂ THỰC HIỆN TIÊU CHUẨN

Thời gian thực hiện các tiêu chuẩn này đối với tất cả các trường là khoảng 7, 8 năm. Tuy nhiên, Bộ khuyến khích các địa phương phấn đấu thực hiện các tiêu chuẩn này trong thời gian sớm hơn, nhất là đối với các trường cấp 3.

Để đảm bảo việc trang bị tất cả các trường theo các tiêu chuẩn tối thiểu này, các địa phương cần chú trọng các biện pháp sau:

1. Xây dựng quy hoạch dài hạn:

Các Sở, Ty căn cứ vào các tiêu chuẩn này mà lập qui hoạch dài hạn trang bị từng bước cho tất cả các loại trường. Muốn xây dựng quy hoạch, cần tổ chức tốt việc điều tra thống kê các loại dụng cụ hiện còn và các dụng cụ đã hư hỏng, mất mát.

2. Đảm bảo đủ kinh phí hàng năm:

Mức kinh phí hàng năm cần dựa vào giá trị ước tính toàn bộ tiêu chuẩn của các loại trường như sau:

Trường ít lớp

Trường trung bình

Trường nhiều lớp

Trường cấp 1

1.940 đ

2.250đ

2.930đ

Trường cấp 2

6.650đ

7.050đ

8.700đ

Trường cấp 3

19.000đ

20.300đ

25.700đ

Đối với loại trường đặc biệt, nói chung số lượng từng đồ dùng tính gấp 2 lần số lượng của loại trường ít lớp.

Mức kinh phí tối thiểu hàng năm theo mỗi học sinh hoặc đơn vị trường, sẽ do liên Bộ Giáo dục - Tài chính quy định. Mức kinh phí của trường miền núi phải cao hơn của trường miền xuôi.

Cùng với việc sử dụng ngân sách các tỉnh để mua sắm thiết bị, cần tích cực vận động các trường tự mua sắm thêm bằng tiền lao động, tiết kiệm, hoặc dựa vào sự giúp đỡ của chính quyền địa phương.

3. Phát động mạnh mẽ các trường tự sưu tầm và chế tạo:

Trong tiêu chuẩn một số dụng cụ có ghi chú "tự làm, tự kiếm". Đó là những dụng cụ tương đối đơn giản, tất cả các trường đều có thể tự làm được. Các dụng cụ này cần đảm bảo chính xác khoa học và lâu bền, dùng ít nhất được 2, 3 năm. Các trường học cần đưa việc tự làm đồ dùng dạy học tự làm thành một công tác quan trọng trong kế hoạch công tác hàng năm, từng học kỳ, hàng tháng. Để giúp thêm điều kiện cho các trường cần tăng thêm kinh phí mua sắm nguyên vật liệu làm đồ dùng dạy học. Các Sở, Ty và Phòng huyện cần tổ chức bồi dưỡng phương pháp tự làm lấy đồ dùng dạy học, tổ chức thi, triển lãm, trao đổi kinh nghiệm về tự làm đồ dùng dạy học một cách thiết thực, tránh hình thức, lãng phí.

4. Coi trọng việc bảo quản và sử dụng các loại đồ dùng dạy học.

Các trường cần coi trọng việc bảo quản, không để hư hỏng, mất mát các loại đồ dùng dạy học. Các loại tranh, ảnh, bản đồ phim đèn chiếu phải giữ được ít nhất 3 năm; Các loại mô hình thạch cao, mẫu vật động thực vật ít nhất 5 năm; các loại dụng cụ chính xác và phức tạp như cân, đồng hồ đo điện, hộp cơ học, hộp điện từ... ít nhất 5 năm, các loại dụng cụ khác như kính hiển vi, lúp, máy phát điện quay tay, quả địa cầu... ít nhất 7 năm; các loại dụng cụ đơn giản, ít hư hỏng như tủ đựng và giá để đồ dùng dạy học... ít nhất được 10 năm. Muốn vậy phải có phòng, tủ đúng quy cách, phải có sổ tài sản, sổ cho mượn đầy đủ, phải có phụ tá hoặc giáo viên được phân công chịu trách nhiệm. Mỗi khi mất mát hư hỏng phải có biên bản xét duyệt nghiêm túc.

Nói chung, phải thực hiện đầy đủ những điều quy định trong bản "quy chế tạm thời quản lý đồ dùng dạy học" do Bộ Giáo dục ban hành ngày 18 tháng 3 năm 1972.

Và điều quan trọng nhất đối với các trường là phải có kế hoạch sử dụng tất cả các loại đồ dùng dạy học của trường, tuyệt đối tránh tình trạng có đồ dùng dạy học mà lại dạy chay, hoặc không tận dụng hiệu suất đồ dùng dạy học mà chỉ sử dụng qua loa, chiếu lệ.

5. Các bản tiêu chuẩn này phải được cung cấp đến tận trường:

Tất cả các giáo viên đều phải nghiên cứu tiêu chuẩn của lớp và môn mình dạy để có thể vạch kế hoạch tự làm, trang bị thêm và sử dụng các loại dụng cụ.

Giáo sinh các trường sư phạm phải được học tập bản tiêu chuẩn của cấp và môn mà họ sẽ ra dạy học.

Các Sở, Ty, Phòng giáo dục, các trường học cần ra sức phấn đấu thực hiện đầy đủ Thông tư này, đẩy mạnh việc xây dựng, bảo quản và sử dụng, phát huy tác dụng thiết thực của đồ dùng dạy học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và chuẩn bị cho cải cách giáo dục.

Hồ Trúc

(Đã ký)