PHỦ THỦ TƯỚNG | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 123-TTg | Hà Nội, ngày 30 tháng 03 năm 1959 |
Hiện nay đời sống của nông dân đã được bước đầu cải thiện; nhưng phong trào hợp tác xã còn chưa rộng, nông nghiệp của ta còn phụ thuộc vào thời tiết, gặp mùa bị thiệt hại thì nạn đói kém lại xẩy ra ở một số vùng. Gặp trường hợp này, tại xã chưa có một quỹ để kịp thời cứu tế, nạn đầu cơ như cho vay nặng lãi, mua lúa non…có dịp phát sinh. Chính phủ phải đưa lương thực ở nơi khác đến để bình ổn thị trường và cứu tế, gây ra nhiều tổn phí cho Nhà nước, mà có khi không kịp thời.
Căn cứ tình hình trên, theo đề nghị của một số địa phương, Thủ tướng phủ đồng ý cho các xã được thành lập quỹ nghĩa thương. Quỹ nghĩa thương là một quỹ dự trữ thóc của nhân dân, để nhân dân có sẵn một số thóc giúp đỡ nhau những khi đói kém. Sau đây Thủ tướng phủ nêu một số điểm để hướng dẫn chung việc tổ chức quỹ nghĩa thương. Các địa phương sẽ căn cứ tình hình cụ thể của địa phương mình mà áp dụng cho thích hợp.
I. TÍNH CHẤT QUỸ NGHĨA THƯƠNG VÀ NGUYÊN TẮC SỬ DỤNG
Quỹ nghĩa thương hoạt động nhằm mục đích tương trợ cứu tế, cho nên chỉ sử dụng quỹ đó trong những trường hợp có nạn đói kém.
Quỹ nghĩa thương hoạt động không để mất vốn, tức là trong những khi có nạn đói, nhân dân có thể vay thóc của quỹ, mùa sau sẽ trả lại, trừ trường hợp cứu tế những gia đình quá túng thiếu, người tàn tật, đau ốm, mất sức lao động, được nhân dân bình nghị là không có khả năng trả lại thì mới cấp hẳn. Khi cho vay thì quỹ không tính lãi.
Quỹ nghĩa thương không sử dụng vào những khoản chi hành chính hoặc kiến thiết trong xã.
Quỹ nghĩa thương không cho vay phát triển sản xuất: việc này đã có hợp tác xã tín dụng đảm nhiệm.
Quỹ nghĩa thương được chi một phần để làm cho kho thóc, bảo quản thóc và sổ sách cần thiết cho việc quản lý quỹ.
Quỹ nghĩa thương mỗi vụ sẽ cò thêm nhiều thóc. Khi nông thôn đã hợp tác hóa hoàn toàn, mọi người đều vào hợp tác xã cả rồi thì quỹ nghĩa thương có thể chuyển qua quỹ xã hội của các hợp tác xã.
II. THU NHẬP CHO QUỸ NGHĨA THƯƠNG
Quỹ nghĩa thương thu bằng thóc tẻ.
Mức thóc thu 56 kilô thóc một công mẫu (hectare) một năm (tức là một sào Bắc bộ thu 2 kilô thóc, một sào Trung bộ thu 2 kilô 6). Nơi nào cấy hai vụ thì mỗi vụ thu một nửa. Nơi nào chỉ cấy một vụ một năm thì có thể thu ít hơn hay là cũng có thể thu 56 kilô một công mẫu, là do kết quả cuộc vận động và do tinh thần tự giác tự nguyện của nhân dân. Thóc thu sau mỗi vụ gặt và thu theo đầu mẫu trên toàn bộ diện tích cấy lúa, giồng mầu, giồng cây công nghiệp.
Nơi nào bị mất mùa, tùy theo nặng nhẹ, mà Hội đồng nhân dân địa phương định tỷ lệ miễn giảm.
Mỗi xã cần làm cho một kho chắc chắn để chứa thóc quỹ nghĩa thương.
Việc quản lý quỹ nghĩa thương phải rất được coi trọng, phải sử dụng đúng tính chất và mục đích của nó, chống lãng phí tham ô.
Việc quản lý quỹ nghĩa thương là trách nhiệm của Hội đồng nhân dân xã. Hội đồng nhân dân xã sẽ cử ra một Ban Quản trị để thường xuyên xử lý công việc của quỹ nghĩa thương.
Hội đồng nhân dân xã quyết định nguyên tắc sử dụng quỹ nghĩa thương, theo đúng mục đích của quỹ.
Ban Quản trị thi hành những quyết định của Hội đồng nhân dân xã dưới sự kiểm tra đôn đốc của Ủy ban Hành chính xã. Gặp việc chi tiêu gì lớn mà Hội đồng nhân dân chưa quy định, thì Ban quản trị không được tự tiện quyết định mà phải chờ Hội đồng nhân dân quyết định.
Việc thành lập quỹ nghĩa thương là một việc cần thiết. Nó sẽ có lợi ích thiết thực cho việc nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân.
Ủy ban Hành chính các tỉnh cần chú ý lãnh đạo việc thành lập quỹ nghĩa thương cho tốt. Phải chú ý đến công tác tuyên truyền giáo dục để mọi người thấy rõ lợi ích của quỹ nghĩa thương mà tự nguyện, tự giác xây dựng quỹ nghĩa thương.
Mỗi tỉnh sẽ làm ngay thí điểm ở một số xã để rút kinh nghiệm rồi đặt kế hoạch mở ra diện rộng vào dịp thu hoạch vụ Đông Xuân này.
Sau khi rút kinh nghiệm ở các thí điểm, các tỉnh cần báo cáo kết quả lên Thủ tướng phủ trước ngày 15-5-1959, đồng thời làm một bản dự thảo điều lệ quỹ nghĩa thương để góp phần xây dựng một bản điều lệ chung.
KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |