Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 13/2002/BLĐTBXH-TT

Hà Nội, ngày 10 tháng 9 năm 2002

THÔNG TƯ

CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 13/2002/BLĐTBXH-TT NGÀY 10 THÁNG 9 NĂM 2002 HƯỚNG DẪN BỔ SUNG THÔNG TƯ SỐ 17/1999/TTLT-BLĐTBXH-BTC-BTCCBCP NGÀY 21-7-1999 HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 23/1999/NĐ-CP NGÀY 15-4-1999 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI QUÂN NHÂN, CÁN BỘ ĐI CHIẾN TRƯỜNG B, C, K TRONG THỜI KỲ CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC KHÔNG CÓ THÂN NHÂN PHẢI TRỰC TIẾP NUÔI DƯỠNG VÀ QUÂN NHÂN, CÁN BỘ ĐƯỢC ĐẢNG CỬ Ở LẠI MIỀN NAM HOẠT ĐỘNG SAU HIỆP ĐỊNH GIƠNEVƠ NĂM 1954

Thực hiện Nghị định số 23/1999/NĐ-CP ngày 15-4-1999 của Chính phủ và ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 831/CP-VX ngày 18 tháng 7 năm 2002 của Văn phòng Chính phủ. Sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính tại công văn số... ngày.. tháng 8 năm 2002, Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) tại Công văn số 96/BTCCBCP-TL ngày 6-8-2002, Bộ Quốc phòng tại công văn số 2684/BQP ngày 13 tháng 8 năm 2002, Bộ Công an tại công văn số 2375/CV-BCA ngày 7 tháng 8 năm 2002 và Ban tổ chức Trung ương tại công văn số 1631 CV/TCTW ngày 21 tháng 8 năm 2002, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội hướng dẫn thực hiện như sau:

I- ĐỐI TƯỢNG, THỜI GIAN ÁP DỤNG CHẾ ĐỘ

Các đối tượng dưới đây cũng được hưởng chế độ B, C, K theo quy định tại Nghị định số 23/1999/NĐ-CP ngày 15-4-1999 của Chính phủ, gồm :

1- Những cán bộ công tác ở Quảng Trị (Nam vĩ tuyến 17) sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954 được tổ chức phân công tập kết ra Bắc vĩ tuyến 17, sau đó được tổ chức phân công về miền Nam hoạt động (trừ những người hưởng lương ở miền Bắc). Thời gian tính hưởng chế độ từ khi được phân công về miền Nam hoạt động.

2- Cán bộ, quân nhân là người miền Nam, sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954 tập kết ra Bắc, sau đó trở lại chiến trường (B, C, K) làm nhiệm vụ, khi đi vẫn là hạ sĩ quan, chiến sĩ không có thân nhân phải trực tiếp nuôi dưỡng ở miền Bắc. Thời gian tính hưởng chế độ từ khi trở lại chiến trường làm nhiệm vụ.

3- Cán bộ xã, phường không thoát ly trước Hiệp định Giơnevơ năm 1954 hoạt động tại xã, phường, sau Hiệp định (tính từ tháng 7/1954 đến tháng 5/1955) vẫn tiếp tục hoạt động tại xã, phường thuộc các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị trở vào. Thời gian tính hưởng chế độ từ tháng 7/1954.

4- Trường hợp vợ và chồng hoặc chỉ có vợ hoặc chồng tập kết ra miền Bắc, sau đó trở lại chiến trường (B, C, K) làm nhiệm vụ, nếu có con gửi lại ở miền Bắc (con dưới 18 tuổi) không hưởng trợ cấp của Nhà nước. Thời gian tính hưởng chế độ từ khi trở lại chiến trường làm nhiệm vụ.

II- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1- Về cách tính thời gian, mức hưởng chế độ một lần; thủ tục hồ sơ và tổ chức thực hiện theo quy định tại Thông tư số 17/1999/TTLT-BLĐTBXH-BTC-BTCCBCP ngày 21 tháng 7 năm 1999 của Liên Bộ Lao động - Thương binh và xã hội - Bộ Tài chính - Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ hướng dẫn thực hiện Nghị định số 23/1999/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 1999 của Chính phủ.

2- Đối với đối tượng quy định tại điểm 2, mục 1 nêu trên, nếu có thời gian đã được hưởng chế độ một lần (là sĩ quan hoặc người hưởng lương) theo quy định tại Nghị định số 23/1999/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 1999 của Chính phủ thì phải trừ thời gian đã hưởng chế độ một lần trước đó.

3- Đối với cán bộ xã, phường quy định tại điểm 3, mục I nêu trên, Ban thường vụ Tỉnh uỷ, Thành uỷ thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Ban, ngành, các cấp uỷ Đảng, chính quyền tại địa phương xem xét và quyết định từng trường hợp cán bộ xã, phường được hưởng chính sách quy định tại Nghị định số 23/1999/NĐ-CP. Sau khi Tỉnh uỷ, Thành uỷ có quyết định cụ thể, Ban chỉ đạo thực hiện chế độ B, C, K có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân lập đầy đủ hồ sơ, thủ tục theo quy định tại Thông tư số 17/1999/TTLT-BLĐTBXH-BTC-BCTCBCP ngày 21 tháng 7 năm 1999 nói trên.

4- Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị các Bộ, ban, ngành địa phương phản ánh về Liên Bộ xem xét, giải quyết.

Nguyễn Thị Hằng

(Đã ký)