Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ LAO ĐỘNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 13-LĐ-TT

Hà Nội, ngày 23 tháng 07 năm 1964

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC SẮP XẾP VÀ ĐIỀU CHỈNH LƯƠNG CHO NHÂN VIÊN PHỤC VỤ CÁC NHÀ ĂN TẬP THỂ

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG

Kính gửi:
Đồng kính gửi

- Các ông Bộ trưởng các Bộ, thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộcHội đồng Chính phủ, cơ quan và đoàn thể trung ương,
- Các ông Chủ tịch, Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh,
- Các ông Giám đốc Sở, Trưởng ty, Trưởng phòng Lao động,
- Ban Thư ký Tổng Công đoàn Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 127-TTg người 01-04-1961 và liên Bộ Lao động - Nội vụ - Nội thương – Tài chính đã ra thông tư số 16-TT-LB ngày 12-10-1961 về việc chuyển chế độ nhà ăn theo hình thức phúc lợi tập thể.

Tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ ra công văn số 3316-TH ngày 09-12-1963 quy định thêm một số vấn đề về tăng cường và cải tiến quản lý các nhà ăn tập thể, áp dụng chế độ lương ở ngành ăn uống công cộng cho người phục vụ ở các nhà ăn ấy. Chủ trương này không phải là cải tiến chế độ tiền lương và tăng lương riêng cho những người phục vụ ở các nhà ăn tập thể, mà nhằm thống nhất chế độ tiền lương giữa những người làm công việc có nghiệp vụ giống nhau (ăn uống công cộng và ăn uống tập thể) để các nhân viên phục vụ ở các nhà ăn tập thể an tâm, phấn khởi công tác, nâng cao tinh thần phục vụ, trình độ nghiệp vụ của mình góp phần làm cho chế độ ăn uống của cán bộ, công nhân, viên chức ở các nhà ăn tập thể mỗi ngày một tốt hơn.

Để thực hiện việc thống nhất chế độ tiền lương ấy, Bộ Lao động nhất trí với Bộ Tài chính, Bộ Nội thương, Tổng Công đoàn Việt Nam để hướng dẫn các vấn đề sau đây:

I. CÁC BẢNG LƯƠNG ÁP DỤNG ĐỐI VỚI CÁC NGƯỜI PHỤC VỤ CÁC NHÀ ĂN TẬP THỂ

Các nhân viên phục vụ các nhà ăn tập thể: nhân viên nấu ăn, nhân viên phục vụ, nhân viên tiếp phẩm, thủ kho, tùy theo tính chất nghiệp vụ của công việc được giao sẽ sắp xếp theo các mức lương thuộc bảng lương của công nhân ngành ăn uống công cộng mậu dịch quốc doanh.

Bậc 1

Bậc 2

Bậc 3

Bậc 4

Bậc 5

Nhân viên nấu ăn

34đ

40đ

47đ

55đ

63đ

Nhân viên phục vụ, tiếp phẩm, thủ kho

29đ

34đ

39đ

44đ

49đ

Còn các loại cán bộ, nhân viên khác như quản lý nhà ăn, thủ quỹ, kế toán vẫn sắp xếp theo các thang lương cũ.

II. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI, NGUYÊN TẮC, TIÊU CHUẨN XẾP THEO BẢNG LƯƠNG NÓI TRÊN

1. Đối tượng:

- Nhân viên phục vụ ở các nhà ăn tập thể được xếp lương bao gồm: nhân viên nấu ăn (kể cả công nhân sản xuất bánh mì ở các nhà ăn tập thể), nhân viên phục vụ, nhân viên tiếp phẩm, thủ kho trong biên chế và nhân viên phụ động hợp đồng đã làm việc thường xuyên, liên tục trong các nhà ăn tập thể của cơ quan, xí nghiệp.

Những người làm việc theo hợp đồng ngắn hạn, theo vụ, theo mùa, công nhật tạm thời thì không thuộc đối tượng xếp theo bảng lương nói trên.

- Đối với quản lý, kế toán, thủ quỹ ở các nhà ăn tập thể nếu kỳ xếp lương năm 1960 có trường hợp xếp lương thật bất hợp lý thì được xét điều chỉnh theo thông tư số 16-TTg ngày 24-02-1964 của Thủ tướng Chính phủ và công văn số 353-LD-TL ngày 19-03-1964 của Bộ Lao động.

2. Nguyên tắc và tiêu chuẩn xếp lương:

Khi xếp lại lương phải căn cứ vào công việc hiện giao cho mỗi người để xét trình độ, khả năng nghiệp vụ, tinh thần thái độ phục vụ và kết quả công tác; bảng tiêu chuẩn kỹ thuật kèm theo chỉ để tham khảo, còn việc xếp lương chủ yếu phải dựa vào đặc điểm phân công lao động và yêu cầu công tác ở mỗi nhà ăn tập thể.

- Ở các nhà ăn mà việc phân công lao động đã tương đối rành mạch thì cần sắp xếp nhân viên phục vụ theo đúng bảng lương định cho mỗi loại nghiệp vụ.

- Ở các nhà ăn chưa có điều kiện phân công lao động rành mạch, nếu có nhân viên kiêm nhiệm (vừa thủ quỹ và thủ kho, hoặc vừa nấu ăn và phục vụ v.v...) thì cơ quan, xí nghiệp cần xét cụ thể và xếp lương theo phần nghiệp vụ chính.

- Khi xếp lương nếu đặc biệt có trường hợp xếp theo đúng bảng lương của nhân viên nấu ăn mà gặp khó khăn, thì có thể vận dụng bảng lương nhân viên phục vụ, tiếp phẩm, thủ kho để sắp xếp cho thỏa đáng, và ngược lại.

- Việc xếp lương này là để thống nhất chế độ tiền lương, không phải là tăng lương và cải tiến chế độ tiền lương nên khi xếp lương không nhất thiết người nào cũng phải được xếp bằng hay cao hơn mức lương hiện hưởng, nếu có trường hợp trình độ nghiệp vụ, kỹ thuật thấp nhưng trước đây đã xếp mức lương cao rồi thì nay không vì chuyển thang lương mà lại xếp cao hơn nữa, mà chỉ được giữ nguyên mức lương cũ. Đối với quân nhân chuyển ngành vẫn áp dụng thông tư số 03-TT-LB ngày 25-01-1961 của liên Bộ Lao động - Nội vụ.

3. Phạm vị xếp lương:

Chỉ những nhân viên phục vụ ở các nhà ăn tập thể của các cơ quan, trường học, xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường mà tiền lương được trả trong khoản kinh phí 2đ70 một đầu người ăn một tháng thì mới xếp lại lương. Riêng những cấp dưỡng cho bệnh nhân ở các bệnh viện, bệnh xá thì cũng áp dụng theo bảng lương của nhân viên phục vụ nhà ăn tập thể nhưng số tiền lương tăng thêm do việc chuyển xếp lương này do quỹ tiền lương đài thọ (có công văn số 1081 ngày 23-07-1964 của Bộ Lao động hướng dẫn riêng).

III. KẾ HOẠCH TIẾN HÀNH

Chủ trương thống nhất chế độ tiền lương đối với nhân viên phục vụ ở các nhà ăn tập thể nhằm góp phần vào việc tăng cường và cải tiến các nhà ăn tập thể nên trước khi thi hành, các cấp, các ngành cần soát lại việc tổ chức, quản lý các nhà ăn tập thể để có kế hoạch bổ cứu cần thiết.

Sau đây là một số quy định để tiến hành:

1. Vấn đề kinh phí: Số tiền tăng thêm do việc sắp xếp lương cho nhân viên phục vụ và do điều chỉnh một số trường hợp thật bất hợp lý của quản lý, kế toán, thủ quỹ của các nhà ăn tập thể đều nằm trong kinh phí 2đ70; do đó có hai trường hợp:

a) Những nhà ăn tập thể còn đủ tiền thì được tiến hành sắp xếp và điều chỉnh lương ngay.

b) Những nhà ăn tập thể nào không đủ tiền thì cần xem xét, kiểm tra lại thật đầy đủ, việc thi hành Chỉ thị số 127-TTg ngày 01-04-1961 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 16-TT-LB ngày 12-10-1961 của liên Bộ về mặt bảo đảm thu và tiết kiệm chi, nâng cao tiêu chuẩn phục vụ, phấn đấu, làm tốt công tác quản lý như các nhà ăn khác và cần chú ý việc mua sắm dụng cụ phục vụ cho nhà ăn. Sau khi đã làm như vậy mà khoản kinh phí 2đ70 vẫn không đủ chi cho việc sắp xếp và điều chỉnh lương thì cần tính toán cụ thể số tiền còn thiếu và báo cáo lên cấp có thẩm quyền, khi nào được cấp thêm kinh phí mới được thi hành việc sắp xếp lương và điều chỉnh lương.

2. Tổ chức thực hiện:

Các nhà ăn tập thể hiện nay thuộc địa phương nào, ngành nào thì do Ủy ban hành chính địa phương ấy, Bộ hoặc cơ quan chủ quản ngành ấy căn cứ vào thông tư này mà tiến hành sắp xếp lương cho nhân viên phục vụ và điều chỉnh lương cho những trường hợp thật bất hợp lý của quản lý, kế toán, thủ quỹ; những nhà ăn tập thể hiện nay, kinh phí 2đ70 không đủ để sắp xếp và điều chỉnh lương thì thuộc địa phương nào, ngành nào sẽ do địa phương ấy, ngành ấy tổng hợp số kinh phí cần cấp thêm, báo cáo với Bộ Lao động và Bộ Tài chính để xét giải quyết (mẫu báo cáo số 1 kèm theo)(1)

3. Ngày hưởng lương.

Những người được sắp xếp lại lương hoặc được điều chỉnh lương, được hưởng lương mới từ 01-06-1964. Đối với các nhà ăn tập thể mà kinh phí 2đ70 không đủ thì sẽ giải quyết sau.

Để đảm bảo việc sắp xếp và điều chỉnh lương cho cán bộ, nhân viên nhà ăn tập thể được nhanh, gọn, tốt, đề nghị các Bộ, các địa phương có kế hoạch chỉ đạo tốt làm cho cán bộ, nhân viên nhà ăn tập thể hiểu rõ chủ trương của Chính phủ, để người được tăng lương cũng như người không được tăng đều yên tâm, phấn khởi công tác.

Sau khi thực hiện xong việc sắp xếp và điều chỉnh lương, đề nghị các Bộ, các địa phương báo cáo kết quả cho Bộ Lao động biết (mẫu báo cáo số 2 kèm theo)(2).

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG




Nguyễn Văn Tạo


(1)(2) Các mẫu báo cáo 1 và số 2 không đăng Công báo.