TỔNG CỤC THỐNG KÊ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1310-TCTK/PPCĐ | Hà Nội, ngày 16 tháng 10 năm 1982 |
Thi hành Quyết định số 146-HĐBT ngày 25-8-1982 của Hội đồng Bộ trưởng, Tổng cục thống kê hướng dẫn một số điểm về công tác hạch toán và báo cáo thống kê trong các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh như sau:
1. Trong khi kế hoạch sản xuất của xí nghiệp còn có phần do Nhà nước giao được cân đối vật tư, có phần kế hoạch bổ sung bằng vật tư do xĩ nghiệp chủ động tìm kiếm và phần sản xuất phụ, xí nghiệp phải tổ chức hạch toán theo các phần kế hoạch trên về các chỉ tiêu liên quan như vật tư,giá thành,sản lượng sản phẩm, tiêu thụ, lỗ lãi, các khoản nộp ngân sách... làm căn cứ cho việc kiểm tra, quyết toán kế hoạch chung thống nhất của xí nghiệp, đồng thời kiểm tra được từng phần riêng của kế hoạch.
2. Xí nghiệp vẫn sử dụng các chứng từ ghi chép ban đầu, sổ sách trung gian, chế độ báo cáo hiện hành, riêng phần vật tư tự tìm kiếm, xí nghiệp phải mở thêm sổ sách chi tiết để hạch toán riêng và phải báo cáo thêm phụ biểu ban hành theo Thông tư này.
II. HẠCH TOÁN VẬT TƯ TỰ TÌM KIẾM
1. Vật tư xí nghiệp tự tìm kiếm để bổ sung vào sản xuất phải được mở sổ sách hạch toán riêng về hiện vật, giá trị từ khâu thu mua, nhập, xuất, sử dụng làm căn cứ tính giá thành phần kế hoạch bổ sung đồng thời làm căn cứ để đánh giá mặt tích cực, chủ động tự tìm kiếm vật tư đưa vào sản xuất của xí nghiệp.
2. Vật tư tự tìm kiếm, mua bất kỳ từ nguồn nào đều phải có chứng từ hợp lệ xác minh. Trên phiếu nhập, xuất phải có ký hiệu, dấu hiệu riêng, phải ghi rõ nguồn nhập, đối tượng xuất để tiện việc theo dõi kiểm tra. Khi thu mua phải theo khung giá đã quy định trong quyết định số 146-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng. Giá để hạch toán vật tư xí nghiệp tự tìm kiếm là giá thực tế thu mua.
Để đơn giản công việc tính toán, trong kỳ báo cáo, xí nghiệp có thể sử dụng giá chỉ đạo làm giá hạch toán áp dụng thống nhất cho cả với phần vật tư do Nhà nước cung cấp. Cuối kỳ báo cáo, xí nghiệp tiến hành điều chỉnh chênh lệnh giữa giá chỉ đạo với giá thực tế thu mua để tính ra giá thực tế phần vật tư tự tìm kiếm. Trong trường hợp này, xí nghiệp phải mở sổ chi tiết để hạch toán riêng phần chênh lệnh (+, -) giữa giá chỉ đạo và giá thực tế thu mua sau mỗi lần thu mua. Việc điều chỉnh từ giá hạch toán thành giá thực tế thu mua áp dụng theo phương pháp kế toán do Bộ Tài chính hướng dẫn.
III. HẠCH TOÁN GIÁ THÀNH SẢN PHẨM
1. Giá thành sản phẩm phần kế hoạch Nhà nước giao được hạch toán theo quy định của Nhà nước đã ban hành trước đây.
Trường hợp xí nghiệp có sử dụng một phần vật tư phụ do Nhà nước cung cấp để sản xuất sản phẩm phần kế hoạch bổ sung, thì phải tính theo giá chỉ đạo của Nhà nước, nếu sử dụng vật tư tự tìm kiếm để sản xuất sản phẩm phần kế hoạch Nhà nước giao thì phần vật tư này phải tính theo giá thực tế thu mua.
2. Trong giá thành sản phẩm phần kế hoạch bổ sung vật tư được tính theo giá thực tế thu mua (giá thanh toán với người bán theo khung giá quy định cộng các khoản chi phí thu mua, bảo quản có liên quan). Các khoản chi phí khác như tiền lương, khấu hao, chi phí phân xưởng, chi phí quản lý của xí nghiệp... được tính toán phân bổ theo quy định chung như đối với sản phẩm phần kế hoạch Nhà nước giao.
3. Giá của vật tư tự tìm kiếm đã tiêu hao cho sản xuất được xác định theo hai phương pháp:
a) Trường hợp xí nghiệp tiến hành hạch toán riêng rẽ hai phần kế hoạch (nhập, xuất, bảo quản riêng) thì tính theo giá thực tế bình quân thu mua, theo công thức:
Giá thực tế bình quân một đơn vị vật tư bằng (Giá trị vật tư tồn kho đầu kỳ cộng Giá trị vật tư nhập trong kỳ) chia cho (Lượng vật tư tồn kho đầu kỳ cộng Lượng vật tư nhập trong kỳ).
b) Trường hợp không tổ chức được hạch toán riêng rẽ, xí nghiệp có thể tính theo giá chỉ đạo áp dụng chung cho toàn bộ vật tư đã tiêu hao vào sản xuất (bao gồm cả vật tư Nhà nước cung cấp và vật tư tự tìm kiếm) sau đó tiến hành phân bổ tiếp khoản chênh lệnh (+, -) giữa giá chỉ đạo với giá thực tế thu mua cho phần vật tư tự tìm kiếm tiêu hao trong kỳ để điều chỉnh giá vật tư này từ giá chỉ đạo ra giá thành thực tế thu mua.
4. Việc xác định khối lượng vật tư tự tìm kiếm tiêu hao vào sản xuất trong kỳ được căn cứ và chứng từ gốc (phiếu xuất vật tư, phiếu xuất vật tư theo hạn mức..) Trường hợp không theo dõi được trên chứng từ gốc khối lượng vật tư xuất là thuộc phần kế hoạch nào (do bảo quản chung, xuất sử dụng chung, cùng chung mặt hàng, chung dây chuyền sản xuất...) thì áp dụng một trong các phương pháp sau đây để xác định:
a) Căn cứ vào số lượng thành phẩm nhập kho của từng phần kế hoạch và định mức tiêu hao vật tư cho một đơn vị sản phẩm để xác định khối lượng vật tư tự tìm kiếm tiêu hao thực tế.
b) Căn cứ vào tỷ trọng vật tư tự tìm kiếm tồn kho đầu kỳ và nhập trong kỳ so với vật tư Nhà nước cung cấp và vật tư tự tìm kiếm tồn kho đầu kỳ và nhập trong kỳ để xác định. Tỷ trọng này được tính trên cơ sở hiện vật hoặc giá chỉ đạo thống nhất, theo công thức:
T2: tồn kho đầu kỳ vật tư tự tìm kiếm
N1: vật tư Nhà nước cung cấp nhập trong kỳ.
N2: vật tư tự tìm kiếm nhập trong kỳ.
IV. HẠCH TOÁN SẢN LƯỢNG SẢN PHẨM
Hạch toán chính xác khối lượng sản phẩm sản xuất theo phần kế hoạch Nhà nước giao có vật tư cân đối và theo phần kế hoạch bổ sung do xí nghiệp tự tìm kiếm thêm vật tư là điều kiện cần thiết để quyết toán các phần kế hoạch trên, đánh giá được thành tích chủ động, tích cực của xí nghiệp trong việc khai thác thêm vật tư đưa vào sản xuất và làm căn cứ cho việc xác định giá thành, tiêu thụ sản phẩm trích nộp ngân sách theo đúng chế độ, chính sách Nhà nước đã ban hành.
Trường hợp xí nghiệp tổ chức sản xuất riêng hoặc có hạch toán riêng rẽ cho từng phần kế hoạch thì căn cứ phiếu nhập kho thành phẩm của từng phần kế hoạch để xác định. Sản phẩm hoàn thành theo kế hoạch bổ sung phải có quy cách phẩm chất, nhãn hiệu, ký hiệu riêng để phân biệt với sản phẩm thực hiện theo kế hoạch Nhà nước giao có vật tư cân đối.
Trường hợp ở khâu nhập kho thành phẩm cuối cùng không thể phân biệt được khối lượng sản phẩm thuộc phần kế hoạch nào (do bảo quản vật tư chung, xuất vật tư chung, hoặc sản xuất xen kẽ...) không thể tổ chức hạch toán riêng được thì căn cứ vào tỷ trọng vật tư chính tự tìm kiếm đã tiêu hao trong tổng số vật tư đã tiêu hao thực tế của hai phần kế hoạch để tính. Cách tính như sau: Khối lượng sản phẩm của kế hoạch bổ sung bằng Vật tư phần kế hoạch bổ sung thực tế tiêu hao chia cho Toàn bộ vật tư của hai phần kế hoạch thực tế tiêu hao nhân với Số lượng sản phẩm chung nhập kho của hai phần kế hoạch.
3. Căn cứ để hạch toán sản lượng sản phẩm tiêu thụ là hoá đơn kiêm phiếu xuất kho. Trên hoá đơn kiêm phiếu xuất kho phải ghi rõ:
- Từng đối tượng tiêu thụ: bán cho thương nghiệp quốc doanh; bán cho xí nghiệp, cơ quan; dùng để trao đổi vật tư hai chiều; tiêu thụ nội bộ xí nghiệp (phần được phép) v.v...
- Giá tiêu thụ thực tế (theo Quyết định số 146-HĐBT quy định. Ví dụ, xí nghiệp mua lại sản phẩm để thưởng cho công nhân, viên chức theo giá bán buôn công nghiệp, v.v...)
Số lượng sản phẩm tiêu thụ là cơ sở để hạch toán lỗ lãi và các khoản nộp ngân sách, thu quốc doanh, thuế, v.v... Xí nghiệp phải tổ chức hạch toán chính xác tạo điều kiện kiểm tra các chế độ, chính sách đã ban hành.
Trong lúc thi hành Quyết định số 146-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, các xí nghiệp cơ sở vẫn phải tiếp tục thực hiện chế độ báo cáo hiện hành. Để đánh giá đúng đắn thành tích của xí nghiệp, động viên khen thưởng thoả đáng những xí nghiệp đã cố gắng khai thác thêm các nguồn vật tư đưa vào sản xuất, riêng phần kế hoạch bổ sung bằng vật tư do xí nghiệp chủ động tự tìm kiếm, các xí nghiệp phải báo cáo thêm một phụ biểu phục vụ cho thông tin kinh tế của cơ quan quản lý và lãnh đạo.
Phụ biểu gồm những chỉ tiêu liên quan đến phần kế hoạch bổ sung như sau:
- Giá trị tổng sản lượng,
- Giá trị sản lượng hàng hoá,
- Sản phẩm chủ yếu,
- Sản phẩm tiêu thụ và xuất khẩu,
- Số lượng vật tư tự tìm kiếm,
- Giá thành sản phẩm,
- Lỗ, lãi, các khoản nộp ngân sách Nhà nước, trích lập quỹ xí nghiệp.
Phụ biểu phải được báo cáo hàng quý.
Tất cả các xí nghiệp công nghiệp có phần kế hoạch bổ sung bằng vật tư tự tìm kiếm phải chấp hành nghiêm chỉnh việc báo cáo phụ biểu này.
Trong quá trình thi hành Thông tư này, nếu các đơn vị cơ sở gặp khó khăn gì hoặc có kiến nghị gì, xin gửi về Tổng cục Thống kê để xem xét và giải quyết
Hoàng Trình (Đã ký) |