Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ QUỐC PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 135/2017/TT-BQP

Hà Nội, ngày 26 tháng 05 năm 2017

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ, BẢO QUẢN VẬT CHỨNG LÀ CHẤT ĐỘC VÀ MỘT SỐ VẬT CHỨNG CẦN CÓ ĐIỀU KIỆN BẢO QUẢN ĐẶC BIỆT TRONG QUÂN ĐỘI

Căn cứ Nghị định số 35/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;

Căn cứ Nghị định số 18/2002/NĐ-CP ngày 18 tháng 02 năm 2002 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý kho vật chứng; Nghị định số 70/2013/NĐ-CP ngày 02 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý kho vật chứng ban hành kèm theo Nghị định số 18/2002/NĐ-CP ngày 18 tháng 02 năm 2002 của Chính phủ;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng;

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư quy định về quản lý, bảo quản vật chứng là chất độc và một số vật chứng cần có điều kiện bảo quản đặc biệt trong Quân đội.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về quản lý, bảo quản vật chứng là chất độc và một số vật chứng cần có điều kiện bảo quản đặc biệt, gồm: Vi khuẩn, siêu vi khuẩn, ký sinh trùng độc hại, mẫu máu, mô, bộ phận cơ thể người, vắc-xin và các vật chứng khác liên quan đến lĩnh vực y tế trong Quân đội (sau đây gọi chung là vật chứng).

2. Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong Quân đội; các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan đến công tác gửi, tiếp nhận, quản lý, bảo quản vật chứng.

Điều 2. Cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, bảo quản vật chứng

1. Kho phòng hóa thuộc Phòng Hóa học các quân khu, Quân chủng Hải quân và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội quản lý, bảo quản vật chứng là chất độc thuộc phạm vi quản lý của Ngành Hóa học.

2. Viện Y học dự phòng Quân đội, Trung tâm Y học dự phòng Quân đội, quản lý, bảo quản vật chứng là vi khuẩn, siêu vi khuẩn, ký sinh trùng độc hại, vắc-xin thuộc phạm vi quản lý của Ngành Quân y.

3. Viện Pháp y Quân đội, các bệnh viện Quân đội trên địa bàn quân khu và Thủ đô Hà Nội quản lý, bảo quản vật chứng là mẫu máu, mô, bộ phận cơ thể người và các vật chứng khác liên quan đến lĩnh vực y tế thuộc phạm vi quản lý của Ngành Quân y.

Điều 3. Trách nhiệm cơ quan, đơn vị gửi, quản lý, bảo quản vật chứng

1. Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị gửi vật chứng

a) Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong Quân đội đang thụ lý vụ án hoặc cơ quan, đơn vị có liên quan gửi vật chứng thuộc phạm vi Bộ Quốc phòng quản lý có trách nhiệm lập hồ sơ quản lý vật chứng, vận chuyển gửi cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, bảo quản vật chứng quy định tại Điều 2 của Thông tư này kèm theo tài liệu liên quan (nếu có);

b) Khi chuyển hồ sơ vụ án, cơ quan chuyển hồ sơ phải thông báo bằng văn bản đến cơ quan, đơn vị được giao quản lý, bảo quản vật chứng;

c) Khi vận chuyển vật chứng cần phải sử dụng phương tiện chuyên dùng thì cơ quan gửi vật chứng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan và cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, bảo quản vật chứng tổ chức vận chuyển đảm bảo an toàn cho vật chứng và môi trường.

2. Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị quản lý, bảo quản vật chứng

Cơ quan, đơn vị quy định tại Điều 2 của Thông tư này có trách nhiệm tiếp nhận ngay vật chứng, tài liệu và quản lý, bảo quản an toàn vật chứng khi cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong Quân đội, cơ quan, đơn vị có liên quan liên hệ và gửi vật chứng.

3. Trình tự, thủ tục giao nhận, quản lý, bảo quản vật chứng thực hiện theo quy định tại Chương III Quy chế quản lý kho vật chứng ban hành kèm theo Nghị định số 18/2002/NĐ-CP ngày 18 tháng 02 năm 2002 của Chính phủ.

Điều 4. Kinh phí bảo đảm

Kinh phí phục vụ cho việc quản lý, bảo quản vật chứng được chi trả từ nguồn ngân sách nhà nước hằng năm của cơ quan, đơn vị gửi vật chứng.

Điều 5. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 7 năm 2017.

2. Cục trưởng Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng triển khai thực hiện Thông tư này.

3. Tổng Tham mưu trưởng, Chỉ huy các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.


Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để b/c);
- Bộ Tư pháp, Bộ Công an;
- Bộ Tổng Tham mưu, các Tổng cục;
- Bộ Tư lệnh các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Thủ đô Hà Nội;
- Các cục: Thi hành án, Điều tra hình sự, Quân y, Tài chính, Bảo vệ an ninh Quân đội;
- Tòa án quân sự trung ương, Viện kiểm sát quân sự trung ương;
- Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL Bộ Tư pháp;
- Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Công báo;
- Cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng;
- Lưu: VT, CTHA; N59.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Thượng tướng Lê Chiêm