Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ THƯƠNG NGHIỆP
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 136-TN

Hà Nội, ngày 07 tháng 03 năm 1959

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH THỦ TƯỚNG PHỦ SỐ 175-TTG NGÀY 03-04-1958 VỀ VIỆC ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU THƯƠNG PHẨM

BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG NGHIỆP

Kính gửi:

- Ô. Giám đốc Sở quản lý thủ công nghiệp và công nghiệp tư bản tư doanh
- Trưởng ty quản lý thủ công nghiệp và công nghiệp tư bản tư doanh
- Trưởng ty thương nghiệp

Để thi hành Nghị định Thủ tướng phủ số 175-TTg về đăng ký nhãn hiệu thương phẩm, Bộ Thương nghiệp hướng dẫn, giải thích thêm chi tiết sau đây:

I. TÌNH HÌNH SỬ DỤNG NHÃN HIỆU THƯƠNG PHẨM

Lâu nay nhiều thương phẩm buôn bán trên thị trường đều có dán nhãn hiệu. Vì có dán nhãn hiệu, người tiêu thụ dễ phân biệt được các loại hàng khác nhau để mua theo thị hiếu của mình. Còn người kinh doanh thì quan niệm việc dùng nhãn hiệu là nhằm mục đích quảng cáo hàng hóa cho mình chứ không có ý chịu trách nhiệm về phẩm chất quy cách trước pháp luật và người tiêu thụ.

Từ hòa bình lập lại, công tác đăng ký nhãn hiệu vẫn do Tòa án cấp tỉnh, thành đảm nhận. Việc làm của Tòa án chỉ mới thừa nhận quyền dùng nhãn hiệu. Còn vấn đề trách nhiệm của họ về phẩm chất qui cách đối với người tiêu thụ thì chưa được đề cập đến một cách rõ ràng. Do đó họ đã sử dụng nhãn hiệu rất bừa bãi:

1. Vẽ nhãn hiệu thật hào nhoáng, đặt tên thương phẩm thật kêu để lừa bịp về phẩm chất. Ví dụ nhãn hiệu đề “Sâm nhung bổ thận” “Hổ cốt tam xà” nhưng thực chất thương phẩm thì không có sâm nhung, hổ cốt, tam xà.

2. Lợi dụng thị hiếu của người tiêu thụ quen dùng hàng ngoài, họ đã dùng nhãn hiệu tương tự hoặc giống nhãn hiệu hàng ngoại như: dầu cao sản xuất tại Việt Nam thì dán nhãn hiệu con hổ, vành, phanh xe đạp nội thị dán nhãn hiệu “Mavic, Lam” hoặc ghi tên hiệu hoàn toàn Tây như hiệu thuốc Lê văn Thuần thì viết là Elveté hiệu thuốc Nguyên Khôi thì viết Enka.

3. Họ lợi dụng uy tín của cơ quan Nhà nước ghi vào nhãn hiệu “nhãn hiệu đã tình tòa” nhưng thật ra thì chưa đăng ký lần nào.

4. Họ lợi dụng uy tín các dấu hiệu của chế độ ta để quảng cáo hàng hóa trước quần chúng tiêu thụ như vẽ hình quốc kỳ, quốc huy của nước ta trong nhãn hiệu như nhãn hiệu “Cà chua Sao vàng, chỉ Cộng đồng, gương soi v.v… làm giảm sự tôn nghiêm Quốc kỳ, Quốc huy của nước ta.

Tóm lại tình hình trên đây đã gây nên nhiều tác hại cho người tiêu thụ; cạnh tranh gây thiệt hại lẫn nhau trong giới công thương, do đó vấn đề đặt ra là cần thiết phải quản lý nhãn hiệu thương phẩm”

II. NỘI DUNG CỦA NGHỊ ĐỊNH ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU THƯƠNG PHẨM

Thủ tướng phủ ban hành Nghị định số 175-TTg về đăng ký nhãn hiệu thương phẩm là nhằm mục đích:

Khuyến khích nâng cao phẩm chất hàng hóa sản xuất trong nước, ấn định trách nhiệm của người sản xuất trước pháp luật và quần chúng tiêu thụ.

Bảo hộ quyền lợi cho người tiêu thụ, bảo hộ quyền lợi hợp pháp cho người kinh doanh công thương nghiệp.

Như vậy đăng ký nhãn hiệu là một biện pháp góp phần vào công cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, tăng cường quản lý sản xuất, khuyến khích việc sáng chế và bước đầu chuẩn bị điều kiện tiến tới phổ biến rộng rãi kỹ thuật tiến bộ làm cho phẩm chất hàng hóa nội địa ngày càng tăng. Đồng thời nó cũng là một cơ sở pháp lý để quần chúng cùng với cơ quan nhà nước thường xuyên kiểm tra theo dõi phẩm chất hàng hóa trên thị trường:

A. VIỆC DÙNG NHÃN HIỆU THƯƠNG PHẨM

a) Nói chung Nhà nước chưa bắt buộc tất cả các loại thương phẩm sản xuất ra đều phải dùng nhãn hiệu, mà chỉ mới bắt buộc ba loại dưới đây phải dùng nhãn hiệu (điều 1 Nghị định số 175-TTg):

1. Các loại thuốc chữa bệnh:

Thuốc Đông y, cao đơn hoàn tán, tán dược (kể cả thuốc bổ).

2. Các loại thực phẩm có dùng hóa chất để chế biến:

Nước cam, nước chanh, nước ngọt hoặc những thức ăn khác có dùng những chất bicarbonate de suode, acide citrique, acétique, v.v…

3. Những thương phẩm do các cơ sở công nghiệp sản xuất:

Cơ sở công nghiệp là những cơ sở có thuê mướn trên 3 công nhân, kể cả người học nghề, bất luận có dùng hoặc không dùng máy móc (theo tiêu chuẩn đăng ký của Cục thống kê quy định). Những cơ sở làm gia công cho Mậu dịch có thuê từ 4 công nhân trở lên cũng vẫn gọi là cơ sở công nghiệp.

b) Tất cả nhãn hiệu ở trong diện bắt buộc phải dùng nhãn hiệu đều phải theo đúng đều 2, 3, 4 và 5 của Nghị định 175-TTg.

B. VIỆC ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU THƯƠNG PHẨM

a) Trong ba loại thương phẩm bắt buộc phải dùng nhãn hiệu riêng hai loại thuốc chữa bệnh và thực phẩm thì nhãn hiệu bắt buộc phải đăng ký, đồng thời trong nhãn hiệu phải ghi thêm công thức chế biến và ngày hết hạn dùng nếu thương phẩm đó có hiệu nghiệm hoặc công dụng trong một thời gian nhất định.

Đối với những cơ sở làm thuốc gia truyền mà phát hành rộng rãi trong nhiều tỉnh thì bắt buộc phải xin đăng ký nhãn hiệu. Những cơ sở làm theo tính chất gia đình không phát hành rộng rãi thì chưa phải thi hành quy định này.

b) Ngoài hai loại thương phẩm bắt buộc phải đăng ký kể trên còn các loại thương phẩm khác thì không bắt buộc phải đăng ký nhãn hiệu, trừ trường hợp công thương gia muốn được độc quyền dùng nhãn hiệu thì phải xin đăng ký nhãn hiệu đó.

Như vậy đối với những người thủ công nghiệp Nhà nước chỉ bắt buộc phải đăng ký hai loại thương phẩm thuốc và thực phẩm có hóa chất. Vì những loại này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của nhân dân. Còn những nhãn hiệu của những loại thương phẩm thuộc các cơ sở công nghệ sản xuất thì chưa bắt buộc phải đăng ký mà chỉ bắt buộc phải có nhãn hiệu là vì loại hàng này sản xuất nhiều, phát hành rộng rãi nên trách nhiệm của người sản xuất phải được đề ra để đảm bảo phẩm chất, hạn chế bớt sự lừa bịp gian dối.

C. THỦ TỤC VỀ ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU

1. Đối với nhãn hiệu xin đăng ký:

Người xin đăng ký nhãn hiệu phải có giấy phép đăng ký công thương nghiệp.

Sau khi chuẩn bị đủ các thủ tục giấy tờ (hồ sơ làm thành 2 bản mẫu nhãn hiệu mỗi loại 35 bản) đương sự trực tiếp nạp cho Sở, Ty Quản lý thủ công nghiệp và công nghiệp tư bản tư doanh nơi mình ở; nếu nơi nào chưa có Sở, Ty Quản lý thủ công nghiệp và công nghiệp tư bản tư doanh thì nạp cho Ty thương nghiệp,

Các Sở, Ty giữ lại 1 bản hồ sơ, 1 mẫu nhãn hiệu để lưu chiểu và 1 mẫu nhãn hiệu để niêm yết đồng thời gửi về Cục Quản lý thủ công nghiệp và công nghiệp tư bản tư doanh Bộ thương nghiệp 1 bản hồ sơ và 33 bản mẫu nhãn hiệu.

Cục Quản lý thủ công nghiệp và công nghiệp tư bản tư doanh nhận hồ sơ xong, sẽ ghi vào sổ đăng ký và chuyển đến mỗi Ty, Sở 1 bản mẫu nhãn hiệu để niêm yết tại các địa phương trong thời gian 1 tháng.

Thời gian thẩm tra mẫu nhãn hiệu là một tháng rưỡi kể từ ngày niêm yết. Trong thời gian thẩm tra nếu không thấy ai khiếu nại thì Cục Quản lý thủ công nghiệp và công nghiệp tư bản tư doanh sẽ cấp giấy chứng nhận “đăng ký nhãn hiệu” gửi về cho Ty, Sở sở quan để chuyển giao cho đương sự.

Sau khi chuyển giao Ty, Sở sở quan phải thu của đương sự 5 đồng tiền lệ phí để nạp vào kho bạc theo điều 5 mới của Nghị định số 135-TN.

2. Đối với nhãn hiệu làm sai quy định:

(Chỉ áp dụng đối với những cơ sở sản xuất, không áp dụng đối với các nhà buôn).

a) Về nhãn hiệu thuộc loại bắt buộc phải đăng ký:

Nếu thương phẩm chưa có nhãn hiệu thì người sản xuất phải xin đăng ký nhãn hiệu. Trong thời gian chờ đợi xin đăng ký nhãn hiệu, để khỏi đình trệ kinh doanh, họ có thể tạm dùng theo mẫu nhãn hiệu mới xin đăng ký nhưng họ phải chịu trách nhiệm nếu có người khác khiếu nại vì nhãn hiệu đó bị trùng.

Nếu thương phẩm đã có nhãn hiệu rồi trong thời gian chờ đợi xin đăng ký Ty, Sở cho phép họ tạm thời sử dụng nhãn hiệu cũ nhưng phải sửa chữa lại cho đúng với thể lệ hiện hành.

Cụ thể là: Cho phép họ sửa chữa những phần sai phạm và in thêm những phần thiếu sót như địa chỉ, công thức v.v…, để dán thêm vào nhãn hiệu cũ. Nếu thương phẩm bé quá không dán bên ngoài được thì phải để bên trong. Số nhãn hiệu này chỉ được tạm thời dùng tối đa là hai tháng (thời gian cần thiết để họ xin đăng ký).

b) Về nhãn hiệu cho các loại thương phẩm do các cơ sở công nghệ sản xuất:

Nếu chưa có nhãn hiệu thì cơ quan Quản lý thủ công nghiệp và công nghiệp tư bản tư doanh nên hạn định cho một thời gian phải có nhãn hiệu.

Nếu đã có nhãn hiệu rồi mà có sai phạm thì phải sửa chữa lại như trên.

c) Về nhãn hiệu cho những loại thương phẩm không bắt buộc phải đăng ký:

Dù không thuộc trong diện bắt buộc phải đăng ký và không bắt buộc phải dùng nhãn hiệu nhưng nếu thương phẩm mang nhãn hiệu vi phạm các điều 4, 5 của Nghị định số 175-TTg, bất luận thương phẩm ấy thuộc của quốc doanh hay tư doanh sản xuất ra cũng không được đưa ra bán trên thị trường.

Tóm lại tất cả những trường hợp vi phạm Nghị định về nhãn hiệu đã nêu ở phần “tình hình sử dụng nhãn hiệu thương phẩm” trong thông tư này đều được xử lý theo điều 12 của Nghị định số 175-TTg.

3. Đối với nhãn hiệu đã trình tòa trước đây:

Những nhãn hiệu đã đăng ký tại các tòa án của ta hay của Pháp đều được xác nhận lại nếu nhãn hiệu đó không có điều gì sai trái với Nghị định này.

Nhãn hiệu được xác nhận không phải qua thủ tục niêm yết, không phải nạp tiền lệ phí. Nhưng phải làm 2 bản hồ sơ và 2 bản mẫu nhãn hiệu để nạp cho Ty, Sở 1 bản và nạp cho Cục Quản lý thủ công nghiệp và công nghiệp tư bản và tư doanh 1 bản, phải kèm theo các giấy tờ cũ đã đăng ký tại Tòa án để làm cơ sở cho việc xác nhận.

Trường hợp không được xác nhận.

Nếu những nnhi thuộc chữa bệnh và thực phẩm có hoá chất và một điều kiện sai trái nào mà không được xác nhận thì phải xin đăng ký lại.

Nếu những nhãn hiệu thuộc các loại hàng công nghệ hoặc những loại hàng không bắt buộc phải đăng ký mà không được xác nhận lại thì đương sự phải sửa đổi lại chổ sai phạm hoặc thay đổi nhãn hiệu khác cho hợp với thể lệ hiện hành. Không bắt buộc phải đăng ký lại. (Thời gian sửa đổi quy định tối đa là 2 tháng).

III. KẾ HOẠCH THI HÀNH

Để công tác đăng ký nhãn hiệu đạt được kết quả tốt, Bộ quy định trách nhiệm giữa địa phương và trung ương như sau:

Trước đây công tác đăng ký nhãn hiệu ở trung ương do Vụ Quản lý công thương, ở địa phương do Sở, Ty thương nghiệp đảm nhận, nay Bộ quy định ở trung ương do Cục Quản lý thủ công nghiệp và công nghiệp tư bản tư doanh, ở địa phương do Sở, Ty Quản lý thủ công nghiệp và công nghiệp tư bản tư doanh đảm nhận (địa phương nào chưa có Ty Quản lý thủ công nghiệp và công nghiệp tư bản tư doanh thì Ty thương nghiệp đảm nhận).

a) Nhiệm vụ của Cục Quản lý thủ công nghiệp và công nghiệp tư bản tư doanh:

1. Thu nhận đơn xin đăng ký nhãn hiệu do Ty, Sở chuyển đến (những đơn nào, nếu đương sự trực tiếp đưa đến Cục mà không thông qua Ty, Sở thì sẽ không thừa nhận, coi như không hợp lệ).

2. Hướng dẫn việc niêm yết mẫu nhãn hiệu, bố trí ngày niêm yết các địa phương.

3. Cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Sau thời gian nếu không nhận được đơn khiếu nại thì Cục sẽ cấp giấy chứng nhận gửi qua Ty, Sở để chuyển giao cho đương sự.

4. Giải quyết những đơn xin khiếu nại.

5. Tham gia ý kiến với các Ty, Sở trong việc xử lý những vụ phạm pháp về nhãn hiệu thương phẩm.

b) Nhiệm vụ của Sở, Ty quản lý thủ công nghiệp và công nghiệp tư bản tư doanh:

1. Tuyên truyền, phổ biến các Nghị định về đăng ký nhãn hiệu:

Tổ chức học tập cho những cơ sở sản xuất quốc doanh, tư doanh và các cơ sở gia công v.v…

Ra thông cáo về việc niêm yết và quy định thời gian thi hành cho từng ngành, nghề.

2. Hướng dẫn các thủ tục:

Đối với thương phẩm bắt buộc phải đăng ký nhãn hiệu thì hướng dẫn thủ tục làm đơn. Đương sự phải làm 2 bản. Nạp cho Ty, Sở 1 bản, còn 1 bản thì gửi về Bộ. Bản gửi về Bộ phải qua Ty, Sở duyệt y có đóng dấu và ký tên cán bộ phụ trách đăng ký.

Đối với thương phẩm bắt buộc phải dùng nhãn hiệu không bắt buộc phải đăng ký thì không làm thủ tục đơn từ nhưng các Ty, Sở cần phải quản lý chặt chẽ loại nhãn hiệu này:

Các cơ sở sản xuất dùng loại nhãn hiệu này phải được Ty, Sở xét duyệt để tránh tình trạng vi phạm những điều 4, 5 Nghị định số 175-TTg.

Ty, Sở không cấp giấy phép chứng nhận mà chỉ xét nếu thấy nhãn hiệu đó không có điều gì sai phạm thì để cho họ được lưu hành.

3. Xử lý những vụ vi phạm về nhãn hiệu:

Đối với những vụ vi phạm về nhãn hiệu, các Ty, Sở căn cứ theo mức độ nặng nhẹ mà áp dụng xử lý theo tinh thần điều 12 Nghị định số 175-TTg.

Cần nắm vững nguyên tắc giáo dục là chính, trước khi xử lý cần tranh thủ ý kiến của Ủy ban địa phương.

Đối với những thương phẩm ở các tỉnh khác đưa vào nếu mang nhãn hiệu không hợp pháp thì Ty, Sở địa phương cần có biện pháp ngăn cản không cho vào địa phương mình. (Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế). Đồng thời báo cáo cho Bộ có ý kiến với những địa phương sở quan.

Trên đây là một số điểm chính để giúp các Ty, Sở tiến hành công tác đăng ký nhãn hiệu.

Trong khi thi hành địa phương có gặp trở ngại khó khăn gì, cần báo cáo ngay để bộ kịp thời nghiên cứu giải quyết.

K.T. BỘ TRƯỞNG
BỘ THƯƠNG NGHIỆP
THỨ TRƯỞNG





Lê Trung Toản