Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ Y TẾ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1363-BYT/TT

Hà Nội, ngày 18 tháng 12 năm 1958

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC THI HÀNH LUẬT CÔNG ĐOÀN TRONG NGÀNH Y TẾ

Cuộc cách mạng Việt Nam có nhiều thắng lợi to lớn là do giai cấp công nhân và Đảng tiền phong của nó lãnh đạo. Điều đó là sự thật hiển nhiên gần 30 năm nay trong đấu tranh cách mạng, trong kháng chiến cũng như trong công cuộc kiến thiết hòa bình, trên mặt trận chiến đấu cũng như trên mặt trận sản xuất, giai cấp công nhân đã luôn luôn dẫn đầu lực lượng toàn dân và đã lập nhiều thành tích vẻ vang.

Đến nay, nhiệm vụ cách mạng ở miền Bắc đã chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, vai trò của công nhân trong sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa càng phải được nâng cao hơn.

Để phát huy hơn nữa nhiệt tình cách mạng và thực hiện thật sự quyền làm chủ đất nước của công nhân và lao động, đồng thời rèn luyện cho công nhân và lao động trong việc quản lý nhà nước, cũng như để phát huy triệt để tính tích cực của mọi người cán bộ, công nhân, viên chức là những người lao động chân tay và trí óc nói chung hăng hái hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước nhằm đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng miền Bắc tiến lên xã hội chủ nghĩa làm cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà, Đảng và Chính phủ đã ban hành Luật công đoàn ngày 9/4/1958.

Luật công đoàn và nghị định thi hành Luật công đoàn là một thắng lợi lớn về chính trị của toàn dân ta, đồng thời thể hiện rõ rệt tính chất thật sự dân chủ của chế độ ta.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ. Sau khi thống nhất ý kiến với Ban Chấp hành Công đoàn Y tế Việt Nam, Bộ quyết định tiến hành từng bước việc thi hành Luật công đoàn trong toàn ngành Y tế trên cơ sở những nguyên tắc đã quy định trong nghị định thi hành Luật công đoàn.

Thực hiện Luật công đoàn là nghị định thi hành Luật công đoàn càng sớm và tốt, nhất định sẽ tạo điều kiện cho toàn thể công nhân, viên chức càng hiểu sâu sắc thêm nhiệm vụ và sẽ nâng cao thêm tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức và kỷ luật, do đó mà anh chị em càng thêm phấn khởi, quyết tâm ra sức đẩy mạnh sản xuất, đẩy mạnh công tác, đề cao tinh thần phục vụ nhân dân vô điều kiện, bảo đảm tốt kế hoạch chuyên môn của ngành.

Vì vậy, nhân dịp tiến hành kiện toàn tổ chức, Bộ nhắc các Sở, các Ty, các cơ quan y tế cần nghiên cứu kỹ và sâu Luật công đoàn và nghị định thi hành luật ấy rồi phối hợp chặt chẽ với các Công đoàn Y tế đồng cấp để thực hiện được tốt. Các cấp cần nhận rõ trách nhiệm của mình và lợi ích của việc thi hành Luật công đoàn để tránh tình trạng phó mặc cho tổ chức công đoàn.

Bộ yêu cầu các cấp hết sức lưu ý tạo điều kiện về cán bộ và phương tiện để công đoàn hoạt động được tốt. Trước hết là mỗi khu, mỗi tỉnh, mỗi bệnh viện lớn, mỗi cơ quan đều cần bố trí cho có cán bộ làm công tác công đoàn (tiêu chuẩn lựa chọn do Công đoàn Y tế Việt Nam đề ra).

Có cán bộ công đoàn chuyên trách hay chỉ để một số thì giờ (trong giờ chính quyền) làm công tác công đoàn, số cán bộ chuyên trách công đoàn nhiều hay ít sẽ tùy theo tầm quan trọng của từng cơ quan hoặc đơn vị mà quy định. Riêng về cán bộ chuyên trách, có hay không và số cán bộ này bao nhiêu sẽ do Bộ chính thức quyết định theo đề nghị của các cấp và Công đoàn Y tế Việt Nam. Còn đối với các cơ quan có biên chế độ trên 100 người, cần dành cho cán bộ công đoàn một số thì giờ nhất định để làm công tác công đoàn như trong điểm b, điều 19 của nghị định thi hành Luật công đoàn.

Về kinh phí công đoàn, trong khi chờ đợi nghiên cứu thêm về khoản tiền trích 2% trong tổng số tiền lương như đã quy định ở điều 19 nghị định thi hành Luật công đoàn, các cấp vẫn tiếp tục đài thọ lương cho cán bộ chuyên trách công đoàn như cán bộ thuộc biên chế Nhà nước và cung cấp đủ văn phòng phẩm và phương tiện làm việc cần thiết cho công đoàn.

Mong các cấp nghiêm chỉnh thi hành thông tư này. Trong quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn trở ngại, sẽ báo cáo lên Bộ để nghiên cứu và giúp đỡ ý kiến giải quyết.

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ




Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch