Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/2018/TT-BTP

Hà Nội, ngày 16 tháng 10 năm 2018

THÔNG TƯ

BAN HÀNH QUY TẮC ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP ĐẤU GIÁ VIÊN

Căn cứ Luật đấu giá tài sản số 01/2016/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2016;

Căn cứ Nghị định số 96/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp;

Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư ban hành Quy tắc đạo đức nghề nghiệp đấu giá viên.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Ban hành kèm theo Thông tư này Quy tắc đạo đức nghề nghiệp đấu giá viên.

Điều 2. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12 tháng 12 năm 2018.

Điều 3. Trách nhiệm thi hành và tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng, đấu giá viên và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.


Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình (để báo cáo);
- Ủy ban Pháp luật của Quốc hội;
- Ủy ban Tư pháp của Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Bộ Tư pháp: Bộ trưởng, các Thứ trưởng, các đơn vị thuộc Bộ;
- Công báo; Website Chính phủ;
- Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp;
- Lưu: VT, BTTP.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Tiến Dũng

QUY TẮC

ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP ĐẤU GIÁ VIÊN
(Ban hành kèm theo Thông tư số 14/2018/TT-BTP ngày 16/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)

Lời nói đầu

Đấu giá tài sản là một trong những hình thức bán tài sản phổ biến trong nền kinh tế thị trường nhằm tối đa hóa giá trị tài sản của người có tài sản đấu giá. Bằng hoạt động nghề nghiệp của mình, đấu giá viên góp phần vào việc xử lý tài sản công khai, minh bạch, công bằng, khách quan, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người có tài sản đấu giá, đặc biệt là tài sản Nhà nước và tài sản mà theo quy định của pháp luật phải xử lý dưới hình thức đấu giá.

Với đặc thù là một nghề bổ trợ tư pháp, ngoài việc tuân thủ pháp luật, đấu giá viên còn phải tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong quá trình hành nghề.

Quy tắc đạo đức nghề nghiệp đấu giá viên quy định các chuẩn mực đạo đức, hành vi ứng xử của đấu giá viên trong hành nghề đấu giá, là cơ sở để đấu giá viên tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức trong hành nghề và trong đời sống xã hội nhằm nâng cao trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm nghề nghiệp, tính chuyên nghiệp của đấu giá viên, nâng cao uy tín của hoạt động đấu giá tài sản trong xã hội.

Chương I

QUY TẮC CHUNG

Điều 1. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức

Đấu giá viên có nghĩa vụ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, người mua được tài sản đấu giá, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức liên quan.

Điều 2. Nguyên tắc hành nghề đấu giá viên

Trong hoạt động hành nghề, đấu giá viên phải tuân thủ những nguyên tắc sau đây:

1. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, không trái đạo đức xã hội.

2. Bảo đảm tính độc lập, trung thực, công khai, minh bạch, công bằng, khách quan khi thực hiện đấu giá, không vì bất kỳ lý do nào mà làm ảnh hưởng đến kết quả đấu giá tài sản.

3. Trực tiếp điều hành cuộc đấu giá tài sản, chịu trách nhiệm trước pháp luật, tổ chức đấu giá tài sản về cuộc đấu giá do mình thực hiện, bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra cho tổ chức đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật.

4. Tuân thủ các quy định của Quy tắc đạo đức nghề nghiệp đấu giá viên này và Điều lệ của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của đấu giá viên mà mình là thành viên.

Điều 3. Tôn trọng, bảo vệ uy tín nghề nghiệp

1. Đấu giá viên có trách nhiệm coi trọng, giữ gìn uy tín nghề nghiệp, không được có hành vi làm tổn hại đến uy tín của tổ chức đấu giá tài sản nơi mình làm việc, danh dự, uy tín của nghề đấu giá.

2. Đấu giá viên phải ứng xử văn minh, lịch sự trong hoạt động hành nghề đấu giá.

Điều 4. Rèn luyện, tu dưỡng bản thân

Đấu giá viên phải không ngừng trau dồi đạo đức, nâng cao kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ, tích cực tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và nỗ lực học hỏi để nâng cao chất lượng công việc, đạo đức nghề nghiệp, tính chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa của hoạt động đấu giá tài sản.

Điều 5. Trách nhiệm nghề nghiệp

1. Đấu giá viên không được lợi dụng danh nghĩa đấu giá viên để trục lợi.

2. Đấu giá viên phải tận tâm và có trách nhiệm với công việc, phát huy năng lực, sử dụng kiến thức chuyên môn, các kỹ năng nghiệp vụ để bảo đảm thực hiện đấu giá tài sản hiệu quả và đúng quy định của pháp luật.

3. Đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá có nghĩa vụ nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật, tài liệu liên quan đến tài sản đấu giá, trình tự, thủ tục đấu giá, lập và hoàn thiện hồ sơ đấu giá tài sản, điều hành cuộc đấu giá theo đúng quy định pháp luật. Sau khi cuộc đấu giá kết thúc, đấu giá viên bàn giao đầy đủ hồ sơ đấu giá cho tổ chức đấu giá tài sản để lưu trữ theo quy định của pháp luật.

4. Đấu giá viên có nghĩa vụ bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật và theo thỏa thuận với các bên tham gia đấu giá, không được sử dụng thông tin biết được từ việc thực hiện đấu giá tài sản để phục vụ lợi ích cá nhân.

Chương II

QUAN HỆ VỚI NGƯỜI CÓ TÀI SẢN ĐẤU GIÁ, NGƯỜI THAM GIA ĐẤU GIÁ VÀ TỔ CHỨC ĐẤU GIÁ TÀI SẢN

Điều 6. Quan hệ với người có tài sản đấu giá

1. Đấu giá viên không được thông đồng, móc nối với người có tài sản đấu giá để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, dìm giá, làm sai lệch hồ sơ đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản.

2. Đấu giá viên không được đưa, nhận bất kỳ một khoản tiền, tài sản hoặc lợi ích nào từ người có tài sản đấu giá để làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản.

3. Trong trường hợp đấu giá viên phát hiện người có tài sản đấu giá thông đồng, móc nối với cá nhân, tổ chức khác để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, dìm giá, làm sai lệch hồ sơ đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản, nhận bất kỳ một khoản tiền, tài sản hoặc lợi ích nào từ cá nhân, tổ chức khác để làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản hoặc có hành vi vi phạm pháp luật khác thì phải có ý kiến với tổ chức đấu giá tài sản; nếu có cơ sở về việc vi phạm pháp luật thì phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Quan hệ với người tham gia đấu giá

1. Đấu giá viên không được thông đồng, móc nối, nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ người tham gia đấu giá để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản.

2. Đấu giá viên không được có hành vi hạn chế cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá không đúng quy định của pháp luật, sách nhiễu, gây khó khăn cho người tham gia đấu giá.

3. Đấu giá viên không được tiết lộ thông tin mà mình biết được về người tham gia đấu giá, giá mà người tham gia đấu giá đã trả trước khi công bố kết quả đấu giá trong trường hợp cuộc đấu giá được thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu gián tiếp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

4. Trong trường hợp đấu giá viên phát hiện người tham gia đấu giá cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật, sử dụng giấy tờ giả mạo để đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá, thông đồng, móc nối với cá nhân, tổ chức khác để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản, cản trở hoạt động đấu giá tài sản, gây rối, mất trật tự tại cuộc đấu giá, đe dọa, cưỡng ép người tham gia đấu giá khác nhằm làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản hoặc có hành vi vi phạm pháp luật khác thì phải truất quyền tham dự cuộc đấu giá của người tham gia đấu giá hoặc dừng cuộc đấu giá, thông báo tổ chức đấu giá tài sản để có giải pháp xử lý theo quy định của pháp luật.

5. Đấu giá viên không được phân biệt đối xử về giới tính, tuổi, dân tộc, chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, địa vị xã hội, khả năng tài chính giữa những người tham gia đấu giá khi họ đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định pháp luật để tham gia đấu giá, bảo đảm đối xử bình đẳng giữa những người tham gia đấu giá.

Điều 8. Quan hệ với tổ chức đấu giá tài sản

1. Đấu giá viên phải tuân thủ nội quy, quy chế của tổ chức đấu giá tài sản, chấp hành sự quản lý, phân công, điều động của tổ chức đấu giá tài sản.

2. Đấu giá viên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp thông qua tổ chức đấu giá tài sản để dự phòng giải quyết rủi ro, tai nạn nghề nghiệp.

3. Trong trường hợp đấu giá viên phát hiện tổ chức đấu giá tài sản có hành vi thông đồng, móc nối với người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, tổ chức thẩm định giá, tổ chức giám định tài sản đấu giá, cá nhân, tổ chức khác để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, dìm giá, làm sai lệch hồ sơ đấu giá, kết quả đấu giá tài sản, cản trở, gây khó khăn cho người tham gia đấu giá trong việc đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá, để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá nhằm mục đích trục lợi, nhận bất kỳ một khoản tiền, tài sản hoặc lợi ích nào từ người có tài sản đấu giá để làm sai lệch kết quả đấu giá hoặc có hành vi vi phạm pháp luật khác thì phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

Chương III

QUAN HỆ VỚI ĐỒNG NGHIỆP, TỔ CHỨC XÃ HỘI - NGHỀ NGHIỆP CỦA ĐẤU GIÁ VIÊN, NGƯỜI TẬP SỰ HÀNH NGHỀ ĐẤU GIÁ VÀ TỔ CHỨC, CÁ NHÂN KHÁC CÓ LIÊN QUAN

Điều 9. Quan hệ với đồng nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của đấu giá viên

1. Đấu giá viên có nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ danh dự của đồng nghiệp, giữ gìn và phát huy tinh thần đoàn kết, thân thiện, hợp tác giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ, không được gây áp lực, đe dọa hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội với đồng nghiệp để giành lợi thế cho mình trong hành nghề, không được thực hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác.

2. Đấu giá viên có trách nhiệm giám sát và giúp đỡ đồng nghiệp trong hoạt động hành nghề, kiên quyết đấu tranh loại bỏ những hành vi sai trái trong hoạt động đấu giá tài sản trên cơ sở tôn trọng đồng nghiệp, không ngừng học hỏi vì sự phát triển bền vững của nghề đấu giá.

3. Khi phát hiện đồng nghiệp có sai sót trong hành nghề, đấu giá viên có nghĩa vụ góp ý thẳng thắn nhưng không được hạ thấp danh dự, uy tín của đồng nghiệp và báo cáo với người có trách nhiệm nếu đó là hành vi vi phạm pháp luật hoặc làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

4. Đấu giá viên có trách nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ đồng nghiệp mới vào nghề.

5. Đấu giá viên tự nguyện tham gia vào các hoạt động nghề nghiệp và hoạt động xã hội khác do Nhà nước, tổ chức đấu giá tài sản, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của đấu giá viên tổ chức hoặc phát động nhằm đóng góp vào sự phát triển chung của nghề đấu giá.

Điều 10. Quan hệ với người tập sự hành nghề đấu giá

1. Đấu giá viên có bổn phận tham gia vào công tác hướng dẫn tập sự nghề đấu giá, nêu cao trách nhiệm, tận tâm truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm nghề nghiệp đối với người tập sự hành nghề đấu giá.

2. Đấu giá viên hướng dẫn người tập sự hành nghề đấu giá không được thực hiện những việc sau:

a) Phân biệt, đối xử mang tính cá nhân đối với những người đang tập sự hành nghề đấu giá mà mình hướng dẫn;

b) Đòi hỏi lợi ích vật chất, tinh thần từ người tập sự hành nghề đấu giá;

c) Thông đồng với người tập sự hành nghề đấu giá để báo cáo sai sự thật, báo cáo khống về kết quả tập sự hành nghề đấu giá;

d) Lợi dụng tư cách là đấu giá viên hướng dẫn để buộc người tập sự hành nghề đấu giá phải làm những việc không thuộc phạm vi tập sự hoặc những hành vi vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội nhằm đạt được những lợi ích cho mình.

Điều 11. Quan hệ với cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan

1. Đấu giá viên không được thông đồng, móc nối với tổ chức thẩm định giá, tổ chức giám định tài sản đấu giá, cá nhân, tổ chức khác để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, dìm giá, làm sai lệch hồ sơ đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản.

2. Đấu giá viên có thái độ lịch sự, tôn trọng các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động hành nghề đấu giá.

Chương IV

KIỂM TRA, THANH TRA, GIÁM SÁT, KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 12. Kiểm tra, thanh tra, giám sát việc tuân thủ Quy tắc đạo đức nghề nghiệp đấu giá viên

1. Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm tổ chức kiểm tra thanh tra giám sát việc tuân thủ Quy tắc đạo đức nghề nghiệp đấu giá viên trong phạm vi toàn quốc.

2. Giám đốc Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện Quy tắc đạo đức nghề nghiệp đấu giá viên đối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản trong phạm vi địa phương quản lý.

3. Tổ chức xã hội - nghề nghiệp của đấu giá viên có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Quy tắc đạo đức nghề nghiệp đấu giá viên đối với đấu giá viên trong tổ chức mình.

4. Tổ chức đấu giá tài sản có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Quy tắc đạo đức nghề nghiệp đấu giá viên đối với đấu giá viên tại tổ chức mình.

Điều 13. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Đấu giá viên gương mẫu trong thực hiện Quy tắc đạo đức nghề nghiệp đấu giá viên thì được Nhà nước, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của đấu giá viên ghi nhận và vinh danh.

2. Đấu giá viên thực hiện không đúng Quy tắc đạo đức nghề nghiệp đấu giá viên thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị nhắc nhở, phê bình, khiển trách xử lý kỷ luật theo Điều lệ của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của đấu giá viên bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật./.