Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/2019/TT-BGDĐT

Hà Nội, ngày 30 tháng 8 năm 2019

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN XÂY DỰNG, THẨM ĐỊNH, BAN HÀNH ĐỊNH MỨC KINH TẾ - KỸ THUẬT VÀ PHƯƠNG PHÁP XÂY DỰNG GIÁ DỊCH VỤ GIÁO DỤC ĐÀO TẠO ÁP DỤNG TRONG LĨNH VỰC GIÁO DỤC ĐÀO TẠO

Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021; Nghị định số 145/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính;

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư hướng dẫn xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật và phương pháp xây dựng giá dịch vụ giáo dục đào tạo áp dụng trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này hướng dẫn xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật và phương pháp xây dựng giá dịch vụ giáo dục đào tạo áp dụng trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.

2. Thông tư này áp dụng đối với:

a) Các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm: cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường cao đẳng sư phạm, trường trung cấp sư phạm (sau đây gọi là cơ sở giáo dục) và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;

b) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật đối với các ngành đào tạo, các dịch vụ giáo dục đào tạo do Nhà nước tổ chức đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ từ nguồn kinh phí ngân sách nhà nước;

c) Các đối tượng khác tham gia đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ dịch vụ giáo dục đào tạo từ nguồn kinh phí ngân sách nhà nước.

3. Đối với các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc lực lượng vũ trang nhân dân thực hiện theo quy định đặc thù của từng lĩnh vực và quy định của pháp luật liên quan.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, một số từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng trong lĩnh vực giáo dục đào tạo (sau đây gọi là định mức kinh tế - kỹ thuật) là lượng tiêu hao các yếu tố về lao động, thiết bị, vật tư để hoàn thành việc giáo dục đào tạo cho 01 người học đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Định mức kinh tế - kỹ thuật bao gồm 03 định mức thành phần cơ bản: Định mức lao động, định mức thiết bị và định mức vật tư.

2. Định mức lao động là mức tiêu hao về sức lao động cần thiết của người lao động theo chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành việc giáo dục đào tạo cho 01 người học đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

3. Định mức thiết bị là mức tiêu hao giá trị đối với từng loại máy móc, thiết bị cần thiết để hoàn thành việc đào tạo cho 01 người học đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

4. Định mức vật tư là mức tiêu hao từng loại nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu cần thiết để hoàn thành việc đào tạo cho 01 người học đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

5. Giá dịch vụ giáo dục đào tạo là toàn bộ chi phí tiền lương, chi phí vật tư, chi phí quản lý, chi phí khấu hao/hao mòn tài sản cố định (tích lũy đầu tư) và chi phí, quỹ khác phục vụ trực tiếp và gián tiếp hoạt động giáo dục đào tạo.

Điều 3. Mục tiêu xây dựng và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật

1. Định mức kinh tế - kỹ thuật là căn cứ để các cơ quan có thẩm quyền xây dựng, phê duyệt đơn giá, giá dịch vụ giáo dục đào tạo, dự toán kinh phí cung cấp dịch vụ giáo dục đào tạo sử dụng ngân sách nhà nước và quản lý kinh tế trong hoạt động giáo dục đào tạo theo quy định của pháp luật.

2. Các cơ sở giáo dục công lập xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật để phục vụ cho hoạt động chuyên môn của cơ sở giáo dục; xây dựng giá dịch vụ giáo dục đào tạo để thực hiện các dịch vụ giáo dục đào tạo do cơ sở giáo dục cung cấp.

Chương II

XÂY DỰNG, THẨM ĐỊNH VÀ BAN HÀNH ĐỊNH MỨC KINH TẾ - KỸ THUẬT LĨNH VỰC GIÁO DỤC ĐÀO TẠO

Điều 4. Phân loại định mức kinh tế - kỹ thuật

1. Định mức kinh tế - kỹ thuật cấp Bộ là định mức kinh tế - kỹ thuật do các Bộ, cơ quan ngang Bộ xây dựng, thẩm định và ban hành đối với các dịch vụ giáo dục đại học để áp dụng đối với các cơ sở giáo dục thuộc quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ.

2. Định mức kinh tế - kỹ thuật cấp địa phương là định mức kinh tế - kỹ thuật do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, thẩm định và ban hành đối với các ngành, nghề thuộc dịch vụ giáo dục mầm non và phổ thông, dịch vụ giáo dục trung cấp sư phạm và cao đẳng sư phạm, dịch vụ giáo dục thường xuyên của địa phương để áp dụng trong phạm vi các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục trực thuộc địa phương.

3. Định mức kinh tế - kỹ thuật cấp cơ sở là định mức kinh tế - kỹ thuật do các cơ sở giáo dục xây dựng, thẩm định và ban hành, phục vụ cho hoạt động chuyên môn của cơ sở giáo dục.

Điều 5. Căn cứ xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật

1. Quy định về chương trình giáo dục, chương trình đào tạo, chuẩn khối lượng kiến thức, chuẩn năng lực đầu ra của người học tương ứng mỗi cấp học và trình độ đào tạo.

2. Quy định điều lệ trường mầm non; điều lệ trường tiểu học; điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học; trường trung cấp sư phạm, trường cao đẳng sư phạm, trường đại học; định mức, chế độ làm việc của nhà giáo, nhân viên hành chính, nhân viên phục vụ; định mức trang thiết bị giảng dạy, học tập.

3. Điều kiện thực tế hoạt động của các cơ sở giáo dục về cơ sở vật chất, bao gồm: công trình xây dựng, nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị, sách giáo khoa, tài liệu.

4. Quy định về tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị và phương tiện làm việc của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước.

5. Số liệu thống kê hằng năm và các tài liệu có liên quan.

Điều 6. Phương pháp xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật

1. Phương pháp tiêu chuẩn: Căn cứ các tiêu chuẩn, quy định đã ban hành để xác định mức tiêu hao đối với từng công việc, làm cơ sở tính toán xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật.

2. Phương pháp tính toán thực tế theo chương trình đào tạo: Căn cứ việc thực hiện chương trình đào tạo thực tế tại các cơ sở giáo dục để tính toán, xác định từng yếu tố cấu thành định mức. Hướng dẫn tính định mức chi phí đào tạo một lớp đại học chính quy theo chương trình đào tạo tại Phụ lục kèm theo Thông tư.

Điều 7. Nội dung của định mức kinh tế - kỹ thuật

Áp dụng một hoặc đồng thời các phương pháp được quy định tại Điều 6 của Thông tư này để xây dựng các định mức thành phần như sau:

1. Định mức lao động

Định mức lao động = Định mức lao động trực tiếp (giảng dạy lý thuyết; hướng dẫn thực hành; hướng dẫn tiểu luận, luận án, luận văn...) + Định mức lao động gián tiếp (chi phí quản lý; phục vụ...).

Định mức lao động gián tiếp được tính theo tỷ lệ % của lao động trực tiếp.

2. Định mức thiết bị

Định mức thiết bị = Mức giá thiết bị ban đầu x Tỷ lệ % hao mòn theo chế độ quy định.

(Là giá trị khấu hao/hao mòn tài sản cố định theo quy định của Bộ Tài chính).

3. Định mức vật tư

Là mức tiêu hao về nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu và được xác định theo chủng loại, số lượng/khối lượng.

Điều 8. Xây dựng, thẩm định và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật

1. Căn cứ quy định tại Điều 3 của Thông tư này, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ sở giáo dục quyết định thành lập bộ phận chủ trì hoặc giao nhiệm vụ chủ trì cho cơ quan chuyên môn giúp việc nghiên cứu, xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật thuộc phạm vi quản lý theo phương pháp và nội dung quy định tại Điều 6, Điều 7 của Thông tư này.

2. Căn cứ điều kiện thực tế về nhân lực, tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ được giao, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các cơ sở giáo dục tổ chức thẩm định hoặc giao nhiệm vụ cho cơ quan chuyên môn chủ trì thẩm định định mức kinh tế - kỹ thuật thuộc phạm vi quản lý để trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Thủ trưởng cơ sở giáo dục ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật theo thẩm quyền.

3. Trong trường hợp định mức kinh tế - kỹ thuật đã ban hành không còn phù hợp với điều kiện mới về tổ chức thực hiện và tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ sở giáo dục thực hiện điều chỉnh, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật theo trình tự quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật.

Chương III

PHƯƠNG PHÁP XÂY DỰNG GIÁ DỊCH VỤ GIÁO DỤC ĐÀO TẠO

Điều 9. Nguyên tắc tính giá dịch vụ giáo dục đào tạo

1. Giá dịch vụ giáo dục đào tạo phải tiến tới tính đúng, tính đủ chi phí thành phần bao gồm chi phí tiền lương, chi phí vật tư, chi phí quản lý, chi phí khấu hao/hao mòn tài sản cố định (tích lũy đầu tư) và các chi phí, quỹ khác.

2. Giá dịch vụ giáo dục đào tạo được phân biệt theo cấp học, nhóm ngành và chương trình đào tạo.

3. Giá dịch vụ giáo dục đào tạo được điều chỉnh khi các yếu tố hình thành giá dịch vụ giáo dục đào tạo thay đổi.

Điều 10. Xác định giá dịch vụ giáo dục đào tạo

1. Giá dịch vụ giáo dục đào tạo xác định theo công thức sau:

Giá dịch vụ giáo dục đào tạo

=

Chi phí tiền lương

+

Chi phí vật tư

+

Chi phí quản lý

+

Chi phí khấu hao/hao mòn tài sản cố định (tích lũy đầu tư)

+

Chi phí, quỹ khác

2. Chi phí tiền lương

a) Chi phí tiền lương gồm các khoản tiền phải trả cho giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý và người lao động trực tiếp tham gia thực hiện dịch vụ giáo dục đào tạo gồm tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp có tính chất lương, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn và các chi phí khác phải chi trả theo quy định của pháp luật hiện hành.

Chi phí tiền lương

=

Định mức lao động

x

Đơn giá tiền lương hoặc chi phí tiền công

- Định mức lao động: Xây dựng theo hướng dẫn tại khoản 1, Điều 7 của Thông tư này;

- Đơn giá tiền lương thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành về tiền lương; chi phí tiền công là chi phí phải trả cho người lao động căn cứ vào hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể.

b) Căn cứ điều kiện và yêu cầu thực tế, chi phí tiền lương được xác định trên cơ sở quỹ tiền lương hoặc theo nguồn thu của cơ sở giáo dục đảm bảo hoạt động hiệu quả của đơn vị và phải được quy định chi tiết trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

2. Chi phí vật tư là chi phí phục vụ hoạt động giảng dạy, học tập, thực hành, thực nhiệm và nghiên cứu khoa học; hoạt động cung cấp dịch vụ, gồm: Chi phí văn phòng phẩm, công cụ dụng cụ, điện, nước, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu và các chi phí khác được xác định trên cơ sở mức tiêu hao vật tư và đơn giá vật tư:

a) Mức tiêu hao vật tư được xác định trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật như sau:

- Đối với sản phẩm đã có định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì áp dụng theo định mức kinh tế - kỹ thuật;

- Đối với sản phẩm chưa có định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì áp dụng theo định mức do Hiệu trưởng hoặc Thủ trưởng đơn vị ban hành và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của định mức kinh tế - kỹ thuật được áp dụng đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả.

b) Đơn giá vật tư được xác định như sau:

Đơn giá vật tư dùng để tính giá dịch vụ giáo dục đào tạo là giá bao gồm thuế giá trị gia tăng, được xác định phù hợp với tiêu chuẩn, chủng loại và chất lượng vật tư sử dụng. Cụ thể như sau:

- Đối với vật tư do Nhà nước định giá: tính theo giá do Nhà nước quy định cộng (+) chi phí lưu thông hợp lý (nếu có);

- Đối với vật tư mua ngoài:

Nếu không có đầy đủ chứng từ, hóa đơn theo quy định thì tính theo mức giá thấp nhất từ các nguồn thông tin như giá thị trường do tổ chức có chức năng cung cấp hoặc báo giá của nhà sản xuất, thông tin giá của nhà cung cấp;

Nếu có đầy đủ chứng từ, hóa đơn theo quy định thì tính theo giá mua ghi trên hóa đơn mua/bán hàng; hoặc giá trúng thầu, giá trúng đấu giá, giá niêm yết cộng (+) chi phí hợp lý, hợp lệ để đưa vật tư về đến cơ sở giáo dục (nếu có);

- Đối với vật tư trực tiếp nhập khẩu đưa vào sử dụng: Tính theo giá vốn nhập khẩu theo quy định của cơ quan có thẩm quyền (+) các chi phí thực tế hợp lý để đưa vật tư về đến cơ sở giáo dục (nếu có);

- Đối với vật tư tự chế: Tính theo giá thực tế xuất kho cộng (+) chi phí thực tế phát sinh trong quá trình đưa vật tư về đến cơ sở giáo dục (nếu có);

- Đối với vật tư thuê gia công chế biến: Tính theo giá thực tế xuất kho giao gia công cộng (+) chi phí gia công cộng (+) các chi phí hợp lý để đưa vật tư về đến cơ sở giáo dục (nếu có);

Giá các loại vật tư và các khoản chi phí về gia công chế biến, vận chuyển, bảo quản, thu mua,... phải được ghi trên hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.

3. Chi phí quản lý là chi phí phục vụ các phòng, ban của bộ phận quản lý trong cơ sở giáo dục, bao gồm:

a) Chi phí tuyển sinh;

b) Chi phí dịch vụ mua ngoài phục vụ cho công tác quản lý; các khoản chi mua và sử dụng các tài liệu kỹ thuật, bằng sáng chế... (không đủ tiêu chuẩn ghi nhận tài sản cố định) được tính theo phương pháp phân bổ dần vào chi phí quản lý; tiền thuê tài sản cố định; chi phí trả cho nhà thầu (nếu có);

c) Chi phí bằng tiền khác thuộc quản lý chung, ngoài các chi phí đã nêu trên như: chi phí hội nghị, tiếp khách, công tác phí, tàu xe, khoản chi cho lao động nữ, nghiên cứu, đào tạo, chi nộp phí tham gia hiệp hội và chi phí hợp lý khác;

Chi phí quản lý được xác định trên cơ sở số liệu thống kê trung bình các nội dung chi phí quản lý trong 3 năm liền kề (theo mục lục ngân sách nhà nước) của cơ sở giáo dục đảm bảo hoạt động hiệu quả của đơn vị. Tổng chi phí quản lý tối đa không vượt quá 10% tổng các chi phí cấu thành giá dịch vụ đào tạo và phải được quy định chi tiết trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

4. Chi phí khấu hao hoặc hao mòn tài sản cố định là chi phí khấu hao hoặc hao mòn nhà cửa, vật kiến trúc, máy móc thiết bị và các tài sản cố định khác sử dụng trong hoạt động cung cấp dịch vụ giáo dục đào tạo được tính theo quy định của Bộ Tài chính và lộ trình kết cấu chi phí khấu hao hoặc hao mòn tài sản cố định vào giá dịch vụ giáo dục đào tạo do cấp có thẩm quyền quy định.

5. Chi phí khác gồm thuế môn bài, tiền thuê đất và các khoản phí, lệ phí khác

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các cơ sở giáo dục công lập

1. Căn cứ các quy định tại Thông tư này xây dựng và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng trong lĩnh vực giáo dục đào tạo theo phân cấp.

2. Định kỳ rà soát, điều chỉnh, bổ sung đối với định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng trong lĩnh vực giáo dục đào tạo theo phân cấp đã ban hành bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế và quy định hiện hành. Hướng dẫn xây dựng và thẩm định định mức kinh tế - kỹ thuật của các cơ sở giáo dục trực thuộc theo quy định của Thông tư này và trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật của ngành.

3. Theo dõi, tổng hợp và thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về tình hình thực hiện định mức kinh tế - kỹ thuật tại các cơ sở giáo dục trực thuộc gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 20 tháng 12 hằng năm.

Điều 12. Trách nhiệm của các cơ sở giáo dục

1. Căn cứ quy định tại Điều 7 Thông tư này; định mức kinh tế - kỹ thuật của cơ quan quản lý trực tiếp tại Điều 11 Thông tư này xây dựng và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật của cơ sở giáo dục.

2. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về tình hình thực hiện định mức kinh tế - kỹ thuật cho các cơ quan quản lý trực tiếp, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo tại địa phương trước ngày 15 tháng 12 hằng năm.

Điều 13. Kinh phí xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật và xây dựng giá dịch vụ giáo dục đào tạo

Các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục sử dụng nguồn kinh phí của cơ quan, đơn vị mình để thực hiện xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật và xây dựng giá dịch vụ giáo dục đào tạo theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và văn bản hướng dẫn.

Điều 14. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 10 năm 2019.

2. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Giám đốc sở giáo dục và đào tạo; Giám đốc Đại học, học viện; Hiệu trưởng trường đại học; Hiệu trưởng trường cao đẳng sư phạm; Hiệu trưởng trường trung cấp sư phạm và các tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện Thông tư này./.


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương và các Ban Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Như Điều 14 (để thực hiện);
- Công báo;
- Website của Chính phủ;
- Website của Bộ GDĐT;
- Lưu: VT, Vụ KHTC, Vụ PC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Hải An

PHỤ LỤC

VÍ DỤ VỀ TÍNH ĐỊNH MỨC CHI PHÍ ĐÀO TẠO MỘT LỚP ĐẠI HỌC CHÍNH QUY THEO CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
(Kèm theo Thông tư số 14/2019/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 8 năm 2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Mục

Nội dung chi

Diễn giải nội dung chi phí

Thuyết minh phương pháp xác định

Tỷ trọng (%)

A

TỔNG CHI PHÍ ĐÀO TẠO

Tổng các hạng mục chi phí đào tạo cấu thành: = I + II + III

I

CÁC CHI PHÍ TRỰC TIẾP

62%

1

Các nội dung chi phí ban đầu để mở mã ngành, mở lớp, xây dựng (XD) khung chương trình, đề cương chi tiết môn học, biên soạn tài liệu giáo trình, tuyển sinh và quảng bá tuyển sinh

Gồm các chi phí: XD khung chương trình, đề cương chi tiết môn học, biên soạn tài liệu giáo trình; CP ban đầu để mở mã ngành, mở lớp; tuyển sinh và quảng bá tuyển sinh

1 = 1.1+ 1.2 + 1.3

14%

1.1

Chi phí xây dựng khung chương trình, biên soạn đề cương chi tiết, biên soạn giáo trình tài liệu (hàng năm phải sửa đổi, điều chỉnh)

Chiếm G% tổng chi phí (theo thực tế), trong đó gồm:

- XD khung chương trình: tiền tác giả; phản biện; Hội đồng nghiệm thu; Xử lý hồ sơ đăng ký nghiệm thu; ....

- XD đề cương chi tiết gồm chi phí: tiền tác giả; phản biện; Hội đồng nghiệm thu; Xử lý hồ sơ đăng ký nghiệm thu; ....

- Chi tài liệu giáo trình cũng gồm các chi phí: tiền tác giả; phản biện; Hội đồng nghiệm thu; Xử lý hồ sơ đăng ký nghiệm thu; ....

= G % x Tổng chi phí đào tạo. Mức tối đa 5%

3%

1.2

Các chi phí khác liên quan việc mở mã ngành

Khảo sát nhu cầu xã hội, lập hồ sơ mở mã ngành, công tác phí và các khoản chi khác phục vụ mở mã ngành chiếm H% tổng chi phí (chi phí theo thực tế)

= H% x Tổng chi phí đào tạo. Mức tối đa 2%

1%

1.3

Chi phí tuyển sinh và quảng bá tuyển sinh

Chiếm I% trong tổng chi phí đào tạo

= 1% x Tổng chi phí đào tạo. Mức tối đa 10%.

10%

2

Các khoản tiền lương tiền công giảng dạy, đào tạo và bộ phận hành chính trực tiếp hỗ trợ, phục vụ lớp học tại giảng đường 1 năm học

Xác định giảng viên dạy đại học có học vị Thạc sĩ trở lên, với 20 năm công tác, phụ cấp đứng lớp khối ngành i

33%

a

Tiền lương, tiền công bình quân của 1 giảng viên giảng dạy theo chương trình đào tạo trong 01 năm

- Lương cơ bản chưa bao gồm các khoản phải đóng theo lương (hệ số lương = J)

- Phụ cấp đứng lớp bằng K% lương cơ bản (VD: ngành sư phạm là 40%)

- Phụ cấp thâm niên bằng L% lương cơ bản

- Các khoản BH đóng góp theo lương, trong đó Cơ sở giáo dục đóng 21,5%

- Kinh phí công đoàn 2%

Lương cơ bản: = J x Mức lương cơ bản x 12 (tháng)

- Phụ cấp đứng lớp: = K x J x Mức lương cơ bản x 12 (tháng)

- Phụ cấp thâm niên: = L x J x Mức lương cơ bản x 12 (tháng)

- Các khoản BH 21,5% = 21,5% x (Lương cơ bản + PC thâm niên)

- Kinh phí công đoàn: = 2% x (Lương cơ bản + PC thâm niên)

b

Đơn giá bình quân 1 tiết giảng dạy lý thuyết

- Thông tư số 47/2014/TT-BGDĐT ngày 31/12/2014 của Bộ trưởng Bộ GDĐT quy định chế độ làm việc đối với giảng viên, định mức lao động của giảng viên là 1.760 giờ cơ học/năm học và trong đó có quy đổi thành 270 tiết chuẩn giảng dạy (giờ lý thuyết), còn lại là giờ NCKH, giờ học tập và hoạt động chuyên môn khác do Thủ trưởng cơ sở giáo dục quy định. Căn cứ Thông tư liên tịch số 06/2011/TTLT-BNV-BGDĐT, việc quy đổi giờ NCKH và giờ hoạt động chuyên môn khác được xác định như sau: 270 giờ chuẩn giảng dạy = 900 giờ cơ học, như vậy quy đổi 1.760 cơ học = 528 tiết chuẩn. Thực tế tại các Tổ bộ môn được miễn giảm giờ do đảm nhận chức danh quản lý, đi học, nghỉ sinh sản, nuôi con nhỏ dưới 36 tháng, các chế độ miễn giảm khác tính bình quân miễn giảm M%. Số tiết còn phải đảm nhận theo định mức là 528 x (1-M%). Đơn giá 1 tiết lý thuyết = tiền lương, tiền công bình quân năm của giảng viên/ [528 x (1-M%)]

= Tiền lương, tiền công bình quân năm/Định mức số tiết chuẩn [528 x (1-M%)];

2.1

Chi phí giảng dạy lý thuyết cho 1 năm học

Kinh phí giảng dạy số tiết lý thuyết bình quân năm theo chương trình đào tạo của ngành đào tạo

= Số tín chỉ lý thuyết bình quân năm (theo chương trình đào tạo) x 16.5 (hệ số quy đổi TC sang tiết chuẩn) x Đơn giá bình quân 1 tiết giảng dạy lý thuyết

2.2

Chi phí giảng dạy thực hành, thí nghiệm (THTN), thực tập, thực tế 1 năm học

Chi phí giảng dạy thực hành, thí nghiệm, thực tập, thực tế khối ngành i có hệ số chi phí bằng F lần so với tiết dạy lý thuyết (do phát sinh các chi phí: mua vật tư, mẫu vật, công cụ dụng cụ, bảo hộ lao động trong phòng THTN, vật rẻ tiền mau hỏng và số GV của 1 lớp tăng do 1 lớp lý thuyết phải chia thành nhiều nhóm nhỏ để THTN (Từ 5 đến 10 SV nhóm), tiền công tác phí giảng viên, chi phí trả cho cơ sở thực tập, thực tế,...)

* (chi tiết phương pháp tính mục ghi chú)

= Số tín chỉ THTN bình quân năm x 16.5 (hệ số quy đổi tín chỉ sang tiết chuẩn) x Đơn giá bình quân 1 tiết giảng dạy lý thuyết x F (F là hệ số chi phí giữa giảng dạy tiết THTN với giảng dạy)

Lưu ý: Số tín chỉ theo chương trình đào tạo = số tín chỉ lý thuyết + số tín chỉ THTN

2.3

Tiền lương tiền công bộ phận hành chính, hỗ trợ, phục vụ trực tiếp lớp học tại giảng đường (vệ sinh, đóng mở phòng học, phòng THTN....)

Gồm bộ phận hành chính, hỗ trợ, phục vụ tại giảng đường giảng dạy, học tập như: nhân viên vệ sinh, đóng mở phòng học, nước uống trên giảng đường xác định bằng k% tiền lương tiền công đội ngũ trực tiếp giảng dạy, đào tạo

= k% x Các khoản tiền lương tiền công đội ngũ GV giảng dạy, đào tạo. Mức tối đa 5%

3

Chi phí coi thi, chấm thi

Mỗi sinh viên toàn khóa phải dự thi kết thúc học phần, thi kết thúc các tín chỉ thực hành thí nghiệm

2%

3.1

Tiền coi thi

Kinh phí chi cho công tác coi thi bình quân lớp/ năm

KP coi thi năm/ lớp = ĐM chi trả cho 1 CB coi thi của cơ sở đào tạo x 2 CB phòng thi x Số phòng thi x số học phần thi bq năm/ lớp

* Trường hợp số SV 1 lớp > 30 thì thêm phòng thi (mỗi phòng thi bình quân 30 SV).

3.2

Tiền chấm bài thi

Kinh phí chi cho công tác chấm bài thi bình quân lớp/ năm

KP chấm thi = ĐM trả kinh phí chấm thi/ bài của cơ sở đào tạo x Số học phần bq năm/ lớp x số SV/ lớp.

* Số học phần thi bình quân năm = Số học phần toàn khóa/số năm đào tạo

4

Các khoản chi theo quy định về học bổng, nghiên cứu khoa học của cơ sở giáo dục, của sinh viên; chi khai giảng, bế giảng

8%

4.1

Tiền học bổng khuyến khích học tập tối thiểu theo Thông tư số 31/2013/TT-BGDĐT ngày 01/8/2013 của Bộ GDĐT và mức thu học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ.

Tỷ lệ trích KP học bổng là: P % trong tổng học phí thu được/ năm

= P% x Tổng học phí thu được NĐ86. Mức tối thiểu 8%

4.2

Chi cho sinh viên và người học hoạt động NCKH theo Nghị định số 99/2014/NĐ-CP ngày 25/10/2014 của Chính phủ. Kinh phí từ nguồn thu học phí.

Tỷ lệ trích KP NCKH là: Q% trong tổng học phí thu được/ năm

= Q% x Tổng học phí thu được NĐ86. Mức tối thiểu 3%

4.3

Kinh phí đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động KHCN theo Nghị định số 99/2014/NĐ-CP. Tỷ lệ trích từ nguồn thu hợp pháp.

Tỷ lệ trích KP phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động KHCN là: S% trong tổng học phí thu được/ năm

= S% x Tổng học phí thu được NĐ86. Mức tối thiểu 5%

4.4

Chi khai giảng, bế giảng phát bằng tốt nghiệp (gồm cả phôi, in ấn bằng tốt nghiệp)

Theo thực tế chi phí Hội trường, sân khấu, khách mời, đại biểu, nước uống, văn nghệ, đồng phục cử nhân, chi phí khác. Mỗi SV chi phí bình quân R ngàn đồng/khóa học

= R : (chia) số năm đào tạo x Số SV lớp

5

Chi phí khấu hao TSCĐ trực tiếp phục vụ công tác giảng dạy, đào tạo

Khấu hao TSCĐ trực tiếp phục vụ giảng dạy, đào tạo chiếm tỷ lệ T % tổng chi phí đào tạo.

= T% x Tổng chi phí đào tạo. Mức tối đa 5%

5%

II

CÁC CHI PHÍ QUẢN LÝ, CHI PHÍ GIÁN TIẾP

25%

1

Các khoản chi thường xuyên như: tiền điện, nước sinh hoạt, nước uống, văn phòng phẩm, thông tin liên lạc, báo chí truyền thông, công tác phí, tiếp khách, khánh tiết, chuyên môn nghiệp vụ khác, hội nghị, hội thảo, chi phí quản lý,....

Các khoản chi thường xuyên chiếm khoảng U % tổng chi phí đào tạo. Tỷ lệ này chi phí chiếm tỷ trọng thấp so với ngành nghề khác

= U% x Tổng chi phí đào tạo. Mức tối đa 10%

10%

2

Chi phí tiền lương, tiền công bộ máy cán bộ quản lý, hành chính, phục vụ (không bao gồm bộ phận trực tiếp tại giảng đường SV học)

Chi phí tiền lương, tiền công bộ máy cán bộ quản lý, hành chính, hỗ trợ, phục vụ gián tiếp khoảng V % so với cán bộ giảng dạy, đào tạo là phù hợp với thực tiễn hiện nay

= V% x Tổng chi phí đào tạo. Mức tối đa 25%.

8%

3

Chi Khấu hao TSCĐ (nhà làm việc khối hành chính, văn phòng khoa, tổ bộ môn, TSCĐ dùng chung khác)

Khấu hao TSCĐ (nhà làm việc, tài sản khác của khối hành chính và các tài sản dùng chung khác; đầu tư nâng cấp mới cơ sở vật chất), tỷ lệ X% trong tổng chi phí.

= X% x Tổng chi phí đào tạo. Mức tối đa 5%

5%

4

Chi phí khác (như: hoạt động Đảng, Đoàn thể, Đoàn thanh niên, chi cho lao động nữ, các hoạt động phong trào của SV và CBVC, đoàn ra, đoàn vào, chi khác,....)

Chi phí khác (như: hoạt động Đảng, Đoàn thể, Đoàn thanh niên, chi cho lao động nữ, các hoạt động phong trào của SV và CBVC, đoàn ra, đoàn vào, chi khác,....) chiếm tỷ lệ Y% trong tổng chi phí.

= Y% x Tổng chi phí đào tạo. Mức tối đa 3%

2%

III

Chi phí chi thu nhập tăng thêm, phúc lợi lễ tết; trích lập các quỹ: khen thưởng phúc lợi, dự phòng ổn định thu nhập

Theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 và Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ

13%

1

Chi phí chi thu nhập tăng thêm, phúc lợi lễ tết

Chi phí chi thu nhập tăng thêm, phúc lợi lễ tết chiếm Z% tổng chi phí

= Z% x Tổng chi phí đào tạo (mức tối đa 5%)

3%

2

Trích lập các quỹ: khen thưởng phúc lợi, dự phòng ổn định thu nhập; Quỹ đầu tư phát triển

Tổng quy mô các quỹ trích lập ước tính khoảng W% tổng chi phí

= W% x Tổng chi phí đào tạo. Mức tối đa 15%.

10%

B

MỨC THU HỌC PHÍ THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 86/2015/NĐ-CP

Theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP

= Số SV/ lớp x ĐM học phí theo NĐ 86

Ghi chú:

- Tính quy đổi 01 tín chỉ = 16,5 tiết chuẩn giảng dạy lý thuyết, do 01 tiết học theo tín chỉ là 50 phút (Theo Quyết định số 17/VBHN-BGDĐT ngày 15/5/2014), nhưng giờ chuẩn giảng dạy 01 tiết lý thuyết trên lớp lại tính theo lớp niên chế (mỗi tiết là 45 phút) theo Thông tư số 47/2014/TT-BGDĐT ngày 31/12/2014.

- Quy mô lớp chuẩn là 40 SV là thực hiện theo Thông tư số 47/2014/TT-BGDĐT ngày 31/12/2014, cụ thể: 01 (Một) tiết giảng dạy lý thuyết trên lớp cho 40 SV được tính bằng 1,0 giờ chuẩn.