BỘ Y TẾ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 14-BYT/TT | Hà Nội, ngày 09 tháng 05 năm 1977 |
HƯỚNG DẪN VIỆC TỔ CHỨC TRẠM Y TẾ TẠI CÁC XÍ NGHIỆP, CƠ QUAN, TRƯỜNG HỌC
Nghị quyết số 15-CP ngày 14-1-1975 của Hội đồng Chính phủ đã quy định tổ chức y tế tại các xí nghiệp, cơ quan, trường học (trường đại học, trung học chuyên nghiệp, và trường công nhân học nghề) và thống nhất lấy tên là trạm y tế.
Căn cứ vào tình hình tổ chức và hoạt động của mạng lưới y tế hiện nay và căn cứ vào các chế độ, chính sách của Nhà nước đã ban hành, Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện như sau:
I. VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG VÀ NHIỆM VỤ:
1.1 Trạm y tế ở các xí nghiệp, cơ quan, trường học là tuyến y tế cơ sở, tuyến đầu tiên trực tiếp với đối tượng phục vụ, bảo đảm quản lý và chăm sóc kịp thời, tại chỗ sức khỏe cho cán bộ, công nhân viên, học sinh, nhằm bảo vệ sức lao động phục vụ sản xuất, công tác, học tập. Vì vậy trạm có một tầm quan trọng đặc biệt trong việc chăm sóc sức khỏe cán bộ, công nhân viên, học sinh, cho nên trước mắt và lâu dài phải được củng cố về mọi mặt.
Trạm do thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý về mọi mặt và được tổ chức y tế tuyến trên thuộc ngành y tế chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ, trạm làm tham mưu cho thủ trưởng đơn vị về các mặt công tác y tế.
1.2 Những nhiệm vụ cơ bản của trạm y tế được quy định trong nghị quyết số 15-CP của Hội đồng Chính phủ (xem phụ lục II).
Cần chú ý đặc biệt:
- Trong các nhiệm vụ quy định cho các trạm y tế nói chung, trạm y tế tại các xí nghiệp, cơ quan, trường học phải đặt lên hàng đầu nhiệm vụ quản lý sức khỏe toàn bộ cán bộ, công nhân viên, học sinh mà mình phụ trách. Phải làm được ít nhất cũng như những xã hiện nay đang làm công tác này. Phải tổ chức kiểm tra sức khỏe và làm hồ sơ sức khỏe cho từng người, trên cơ sở đó mà làm kế hoạch bảo vệ sức khỏe một cách cụ thể nhằm phục vụ một cách có hiệu quả nhất cho sản xuất, học tập và đời sống cán bộ, công nhân và học sinh.
- Nhiệm vụ đỡ đẻ thường chỉ áp dụng cho trạm y tế ở các xí nghiệp mà giao thông không thuận tiện, xa các bệnh viện, nhà hộ sinh.
- Nhiệm vụ cụ thể về công tác vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, vệ sinh phòng chống dịch, phục vụ phòng bệnh, chữa bệnh của trạm y tế cơ sở sản xuất (xem phụ lục III chỉ thị số 31-BYT/VS ngày 17-8-1976 của Bộ y tế).
2.1 Tiêu chuẩn thành lập trạm:
Có đủ số lượng cán bộ, công nhân viên và học sinh theo quy định để có ít nhất 2 biên chế cán bộ y tế trở lên; có y sĩ hoặc bác sĩ làm trưởng trạm; có đủ cơ sở nhà cửa, trang bị, dụng cụ chuyên môn, phương tiện làm việc đáp ứng với yêu cầu chức năng, nhiệm vụ.
Khi có đủ điều kiện trên, đơn vị phải đăng ký đã được sự thỏa thuận của Sở, Ty y tế địa phương, lúc đó thủ trưởng xí nghiệp, cơ quan, trường học mới ra quyết định thành lập trạm y tế.
Những xí nghiệp, cơ quan, trường học không đủ tiêu chuẩn thành lập trạm thì có cán bộ y tế phục vụ.
Những đơn vị không có đủ tiêu chuẩn có biên chế cán bộ y tế thì y tế địa phương căn cứ vào tổng số cán bộ, công nhân viên, học sinh của một số đơn vị gần nhau mà bố trí cán bộ y tế phục vụ, số cán bộ này do phòng khám bệnh đa khoa nơi đó trực tiếp quản lý.
Những cán bộ, công nhân viên, học sinh của các cơ quan, xí nghiệp, trường học, sản xuất, công tác lưu động, phân tán thì do các cơ sở y tế địa phương nơi đó phục vụ.
Trường hợp xí nghiệp có quy mô lớn khoảng 5000 cán bộ, công nhân viên trở lên, đóng tập trung, xí nghiệp đó có thể tổ chức một phòng khám bệnh đa khoa phục vụ riêng cho xí nghiệp. Phòng khám bệnh đa khoa này có hai bộ phận: một bộ phận (thuộc biên chế phòng khám bệnh đa khoa) làm chức năng của phòng khám bệnh đa khoa và làm tham mưu cho giám đốc xí nghiệp về các mặt công tác y tế; một bộ phận gồm các cán bộ y tế (thuộc biên chế y tế cơ sở) phụ trách sức khỏe cho cán bộ, công nhân viên ở từng cụm (xưởng, liên xưởng).
Hiện nay phòng khám bệnh đa khoa nói trên do giám đốc xí nghiệp tổ chức, xây dựng và quản lý trực tiếp; các Sở, Ty y tế địa phương chỉ đạo chuyên môn, nghiệp vụ. Trường hợp này chỉ áp dụng cho những nơi chưa thống nhất quản lý y tế vào ngành y tế.
2.2. Phân loại trạm: Có bốn loại trạm y tế: xí nghiệp, cơ quan, trường học như quy định trong thông tư Liên Bộ Y tế - Tài chính số 32-TT/LB ngày 24-4-1974.
2.3 Số giường lưu và giường bệnh của trạm:
Thực hiện như quy định trong thông tư số 42-BYT/TT ngày 6-11-1976 của Bộ Y tế. Thời gian bệnh nhân nằm tại giường lưu có tính chất tạm thời (vài ba ngày đến một tuần) không để kéo dài ngày như giường bệnh xá trước đây.
2.4. Biên chế của trạm:
a) Biên chế của trạm tùy thuộc vào số lượng cán bộ, công nhân viên, học sinh và theo loại trạm; thực hiện như quy định trong thông tư số 42-BYT/TT của Bộ Y tế, trong đó có một trưởng trạm. Trong khi chưa quy định thống nhất được chế độ lương của trưởng trạm có thể xét tương quan trong đơn vị mà xếp theo lương chuyên môn hoặc xếp tương đương lương của các trưởng phòng, ban khác của xí nghiệp, co quan, trường học như hiện nay đang thực hiện.
b) Biên chế phục vụ giường bệnh, giường lưu: Căn cứ vào công văn số 364-BYT/TC ngày 29-1-1976 của Bộ Y tế hướng dẫn cơ cấu tổ chức, biên chế cán bộ của các cơ sở y tế địa phương theo nghị quyết số 15-CP của Hội đồng Chính phủ, vận dụng như sau:
- Giường bệnh (thuộc trạm y tế loại 1): cứ 2 giường có 1 biên chế phục vụ (như biên chế phục vụ giường điều dưỡng).
- Giường lưu (thuộc trạm y tế loại 2 – 3 – 4): Cứ 4 giường có 1 biên chế phục vụ.
c) Biên chế phục vụ các cháu tập trung ở nhà trẻ, mẫu giáo do đơn vị quản lý; dưới 100 cháu không có biên chế riêng, từ 100 đến 200 cháu có 1 y tá phục vụ, trên 200 cháu được sử dụng y sĩ (tốt nhất là y sĩ đã được bổ túc chuyên khoa nhi).
III. CÁC TIÊU CHUẨN, ĐỊNH MỨC CHI TIÊU VÀ THỰC PHẨM CHO GIƯỜNG LƯU VÀ GIƯỜNG BỆNH
3.1. Về cơ sở và trang bị: Đơn vị tổ chức xây dựng cơ sở nhà cửa, trang bị phương tiện phục vụ ban đầu và bổ sung hàng năm theo hướng dẫn của Bộ Y tế (xem phụ lục kèm theo).
3.2. Tiền thuốc và tiền bồi dưỡng: Căn cứ vào nghị quyết số 15-CP cùa Hội đồng Chính phủ, thông tư số 42-BYT/TT của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện nghị quyết số 15-CP, thông tư liên Bộ Y tế - Tài chính số 17-TT/LB ngày 7-4-1966 thực hiện như sau:
- Đối với giường lưu thực hiện như giường bệnh xá trước đây;
- Đối với giường bệnh thực hiện như giường bệnh viện (Đối với những nơi giao thông không thuận tiện, xa các bệnh viện).
Cụ thể mức kinh phí dự trù là:
Từ 1 đ đến 1,10đ cho 1 giường lưu một ngày,
Từ 1,20đ đến 1,50đ cho 1 giường bệnh một ngày.
Mức ăn bồi dưỡng: Thực hiện như quy định của Bộ Nội vụ trong nghị địnhsố 4173-PQC ngày 23-10-1956 và công văn số 3599-BYT/CB ngày 7-11-1966 của Bộ Y tế, cụ thể là:
- Giường lưu: Từ 1đ đến 1,20đ một ngày, bệnh nhân phải trả 0,60đ, nếu là cán sự 6 trở lên phải trả 0,80đ.
- Giường bệnh: Từ 1,20đ đến 1,60đ một ngày, bệnh nhân phải trả 0,60đ, nếu là cán sự 6 trở lên phải trả 0,80đ.
3.3. Tiêu chuẩn thực phẩm: Căn cứ vào công văn số 911-NT/KH ngày 14-5-1968 của Bộ Nội thương, thực hiện như sau:
Giường lưu | Thịt | Sữa đặc | Đường | Mỳ chính |
1 kg | 1 hộp | 0,500kg | 0,006kg | |
Giường bệnh | 2 kg | 1 hộp | 0,500kg | 0,010kg |
IV. QUYỀN HẠN VÀ QUAN HỆ CÔNG TÁC
4.1. Trạm y tế là một bộ phận trong bộ máy giúp việc trực thuộc thủ trưởng xí nghiệp, cơ quan, trường học như các phòng, ban khác. Trưởng trạm y tế chịu trách nhiệm toàn diện trước thủ trưởng về công tác y tế, đồng thời chịu trách nhiệm trước tổ chức y tế tuyến trên về mặt thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ.
4.2. Được tham dự các hội nghị của xí nghiệp, cơ quan, trường học bàn về kế hoạch sản xuất, công tác, học tập để đề xuất các vấn đề y tế và có kế hoạch phục vụ sát yêu cầu sản xuất, công tác, học tập.
4.3. Được thủ trưởng ủy quyền hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các kế hoạch và biện pháp về công tác y tế của các cơ sở thuộc xí nghiệp, cơ quan, trường học.
4.4. Kiểm tra việc chấp hành điều lệ vệ sinh và điều lệ bảo hộ lao động, kiến nghị với thủ trưởng các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc, trang thiết bị vệ sinh, an toàn lao động. Khi có dịch lan tới cơ sở, phải kiến nghị các biện pháp chống dịch. Các kiến nghị ấy nếu không được thủ trưởng chấp nhận thì được quyền báo cáo lên cơ quan y tế cấp trên để có biện pháp giải quyết.
4.5. Khám bệnh, chữa bệnh, kiểm tra sức khỏe, gửi bệnh nhân đi các cơ sở điều trị, điều dưỡng theo tuyến quy định; sử dụng y dược phí phục vụ cho cán bộ, công nhân viên, học sinh theo chế độ quy định của Nhà nước; cho cán bộ, công nhân viên nghỉ việc khi ốm đau theo quy định trong thông tư liên Bộ Y tế - Tổng công đoàn số 12-TT/LB ngày 3-6-1971 và cho học sinh nghỉ theo chế độ hiện hành.
4.6. Được sử dụng con dấu riêng theo mẫu quy định để giao dịch trong phạm vi công tác chuyên môn.
4.7. Trạm y tế phải quan hệ chặt chẽ với cơ quan y tế tuyến trên trực tiếp với mình, tùy trường hợp có thể là Sở, Ty y tế, phòng y tế huyện, thị, khu phố, phòng khám bệnh đa khoa khu vực phụ trách mình để nhận sự chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ. Khi mới thành lập hoặc di chuyển địa điểm của đơn vị, trạm y tế phải đến đăng ký với cơ quan y tế trực tiếp chỉ đạo mình.
4.8. Quan hệ chặt chẽ, báo cáo cung cấp tài liệu có liên quan đến công tác y tế cho cán bộ làm tham mưu về y tế (đặt trong cơ quan tổ chức, lao động, tiền lương) của xí nghiệp, của ngành quản lý mình để giúp giám đốc xí nghiệp, thủ trưởng ngành nắm được tình hình sức khỏe, các vấn đề về bảo hộ lao động, thực hiện các chế độ chính sách về y tế; từ đó có kế hoạch và biện pháp nhằm bảo đảm nâng cao sức khỏe cho cán bộ, công nhân viên, học sinh của toàn xí nghiệp, toàn ngành.
Thủ trưởng các xí nghiệp, cơ quan, trường học là người chịu trách nhiệm toàn diện đối với trạm y tế và đối với sức khỏe của cán bộ, công nhân viên, học sinh trong đơn vị mình, do đó thủ trưởng phải có kế hoạch xây dựng, củng cố, kiểm tra, theo dõi và tạo điều kiện cho trạm y tế hoạt động tốt; quan hệ chặt chẽ với ngành y tế địa phương để phối hợp đẩy mạnh hoạt động của trạm, phục vụ tốt cho kế hoạch sản xuất, công tác và học tập của đơn vị mình.
Sở, Ty y tế địa phương có trách nhiệm;
- Đăng ký, theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện chế độ chính sách về y tế, các quy tắc chuyên môn, nghiệp vụ về y tế;
- Quy định tuyến khám và chữa bệnh, cung cấp thuốc men, dụng cụ y tế, bồi dưỡng, đào tạo cung cấp cán bộ y tế;
- Tham gia ý kiến với thủ trưởng xí nghiệp, cơ quan, trường học trong việc thành lập trạm, trong việc bố trí, sử dụng, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật đối với cán ộ y tế của trạm y tế;
- Xét duyệt các thiết kế, thiết bị về vệ sinh phòng bệnh của các công trình xây dựng công nghiệp, sự nghiệp dân dụng tại địa phương và giao cho trạm y tế theo dõi, báo cáo việc thực hiện;
- Thanh tra việc chấp hành điều lệ vệ sinh và điều lệ bảo hộ lao động của xí nghiệp, cơ quan, trường học do trạm y tế phụ trách.
Trạm y tế là khâu rất quan trọng của mạng lưới y tế phục vụ cán bộ, công nhân viên, học sinh, Bộ y tế đề nghị các ngành, các địa phương căn cứ vào tình hình sản xuất, công tác, học tập của các cơ sở thuộc mình quản lý, thực hiện tốt thông tư này nhằm bảo đảm việc chăm lo sức khỏe cán bộ, công nhân viên, học sinh ngày càng tốt hơn. Trong quá trình thực hiện và đúc rút kinh nghiệm, nếu có vấn đề gì cần bổ sung, sửa đổi, các ngành, các địa phương phản ánh cho Bộ Y tế biết để nghiên cứu giải quyết.
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ |
- 1 Quyết định 3005/QĐ-BYT năm 2014 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật về y tế tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2013 do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 2 Quyết định 3005/QĐ-BYT năm 2014 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật về y tế tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2013 do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 1 Thông tư 42-BYT/TT-1977 hướng dẫn thi hành Thông tư 255-TTg-1977 về việc thống nhất quản lý hệ thống y tế của ngành vào ngành y tế do Bộ Y tế ban hành
- 2 Nghị quyết số 15-CP về việc việc cải tiến tổ chức y tế địa phương do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 3 Quyết định 3005/QĐ-BYT năm 2014 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật về y tế tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2013 do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành