Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ LAO ĐỘNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 15-LĐ/TT

Hà Nội, ngày 16 tháng 05 năm 1958

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC BẢO HỘ LAO ĐỘNG Ở CÁC XÍ NGHIỆP TƯ DOANH

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG

Kính gửi:

Các ông Chủ tịch Ủy ban Hành chính các Khu, thành phố và tỉnh
Các ông Giám đốc Khu và sở Lao động
Các ông Trưởng ty, Trưởng phòng lao động

Việc bảo đảm vệ sinh và an toàn cho công nhân ở các xí nghiệp tư doanh đã được quy định trong chương V sắc lệnh 29-SL ngày 12 tháng 3 năm 1947 và được nhắc lại trong điều lệ tạm thời quan hệ giữa thợ và chủ số 646-TTg do Thủ tướng phủ ban hành ngày 27 tháng 12 năm 1955. Điều lệ số 646-TTg có ghi thành nhiệm vụ của chủ: “Dựa trên cơ sở sản xuất ngày càng phát triển mà chăm lo an toàn cho người làm công, cải thiện điều kiện làm việc và sinh hoạt cho người làm công”

Để đôn đốc thi hành, Bộ Lao động đã ra nghị định số 64-LĐ/NĐ và thông tư số 10-LĐ/TT cùng ngày 1 tháng 7 năm 1957 về khai báo việc giữ gìn vệ sinh, bảo đảm an toàn của người làm công trong các xí nghiệp tư doanh.

Trong năm 1957, công tác bảo hộ lao động ở các xí nghiệp tư doanh đã tiến bộ hơn trong năm 1956, nếu đem so với lúc mới tiếp quản các thành phố thì càng thấy rõ tính chất ưu việt của chế độ ta. Người lao động ở xí nghiệp tư cũng như ở xí nghiệp công đều được pháp luật bảo vệ.

Nhưng cần phải đẩy mạnh việc bảo vệ, sức khỏe và giữ gìn an toàn cho công nhân ở các xí nghiệp tư doanh hơn nữa để anh chị em có thể thực hiện tốt kế hoạch Nhà nước trong giai đoạn phát triển kinh tế.

Hiện nhiều chủ xí nghiệp còn thiếu trách nhiệm. Có người cho là tình hình bảo hộ lao động nay so với trước đã hơn nhiều rồi mà không chú ý đúng mức tới việc cải thiện điều kiện làm việc và sinh hoạt cho công nhân, chưa thi hành đúng những chế độ đề phòng tai nạn lao động:

1. Có nơi làm việc, nơi ở thiếu vệ sinh, hôi hám, thiếu ánh sáng quá chật chội: có chỗ gần sát nhà tiêu, cạnh đống rác lớn, mưa nắng hắt vào trong nhà. Có chỗ ướt ẩm suốt ngày, bên cạnh cống nổi đầy rác bẩn. Có chỗ thì không có nền nện, nên bụi bậm rất nhiều.

Ở nhà máy da Thụy khê ở Hà-nội, khi máy nạo da khô chạy là bụi bay khắp phòng làm việc, hay ở xưởng giày vải Lâm thịnh Hà-nội, khi máy chạy là bột để pha chế cao su và diêm sinh bay cùng nhà.

Việc trang bị phòng bộ nói chung còn quá sơ sài. Có nơi nấu thuốc hóa chất pha chế mà không có phương tiện đề phòng. Có nơi dây cua-roa, lưỡi cưa vòng, mày bào, đá mài không được che đậy. Những bàn giao điện phần lớn không có hộp đậy. Nơi có hộp thì lại mất nắp. Thậm chí có nơi đặt bàn dao điện ngay ngang hông người công nhân dùng mà cũng không che đậy. Lối đi lại giữa các máy, có nơi quá hẹp, công nhân đi phải nghiêng mình.

Riêng Hải phòng trong 6 tháng đầu năm 1957 ở các xí nghiệp tư doanh đã xảy ra 17 vụ tai nạn lao động từ việc đứt một ngón tay, một ngón chân đến bị lưỡi cưa vòng nghiến vào ngang lưng bị trọng thương, bị bỏng cơ-rếp, bỏng a-xít.

Khi tai nạn lao động xảy ra có nơi không báo cáo cho các cơ quan có trách nhiệm.

Tủ thuốc cấp cứu thì thiếu thuốc và có nơi chỉ có thuốc và bông băng một lần đầu, chỉ còn hình thức và đã biến thành nơi để quần áo.

Tình trạng chưa chú ý đúng mức tới bảo vệ lao động như trên là phổ biến ở các xí nghiệp đã ký cũng như chưa ký hợp đồng.

2. Trong các hợp đồng ký kết giữa chủ và thợ thường nhắc lại nhiệm vụ chung chung của chủ về bảo hộ lao động đã quy định trong điều lệ tạm thời số 646-TTg mà không cụ thể ra chủ phải sửa chữa, trang bị thêm những gì trong thời gian hợp đồng có hiệu lực do đó việc cải thiện điều kiện làm việc và sinh hoạt cho công nhân rất chậm.

3. Hàng tháng có cuộc kiểm điểm thi hành hợp đồng giữa thợ và chủ, nhưng nhiều nơi chỉ bàn giải quyết những mắc mứu trong sản xuất mà không bàn tới công tác bảo hộ lao động. Có nơi mỗi khi họp kiểm điểm thi hành hợp đồng thì chủ lại lảng sang chuyện khác, đề ra những khó khăn nhờ công nhân giải quyết như hàng không bảo đảm phẩm chất. Mậu dịch trả lại nhiều lần; hay đã làm xong kế hoạch cũ mà kế hoạch mới chưa có nên nay thừa nhân công làm cho công nhân không yên tâm.

Để thực sự dần dần cải thiện điều kiện làm việc, bảo vệ sức khỏe và giữ gìn an toàn cho công nhân ở các xí nghiệp tư doanh, Bộ Lao động nhắc lại:

1. Các chủ xí nghiệp thuộc đối tượng thi hành điều lệ tạm thời về quan hệ giữa chủ và thợ, các xí nghiệp xấp xỉ dưới tiêu chuẩn của loại xí nghiệp nói trên và các xí nghiệp tuy ít công nhân nhưng có sử dụng hóa chất, điện, hàn hơi, hàn điện, có động cơ phải nghiêm chỉnh thi hành những điều quy định về bảo đảm vệ sinh và an toàn cho lao động ghi ở chương 5, sắc lệnh 29-SL và những điều quy định trong điều lệ tạm thời 646-TTg. Cụ thể là phải áp dụng ngay những biện pháp đề phòng tai nạn cho những nơi có thể xảy ra tai nạn như che chắn giây cua-roa, bánh xe răng khế, đá mài, những bộ phận máy chuyển động, những bàn dao điện và phải có kế hoạch chống nóng, chống bụi, chống độc.

Muốn thi hành được tốt, các chủ tư doanh, phải cùng Công đoàn cơ sở kiểm điểm lại tình hình bảo hộ lao động trong xí nghiệp, căn cứ vào yêu cầu của công nhân mà đặt kế hoạch tiến hành cho sát với từng nơi và từng nghề.

2. Mỗi chủ xí nghiệp nói trên phải lập một sổ “nhận xét thi hành chế độ lao động” như điều 136 trong sắc lệnh số 29-SL đã quy định. Phải đưa sổ đó lên Sở Lao động hay Ty Lao động đóng dấu đánh số trang và chủ xí nghiệp phải trình số đó mỗi khi có cán bộ kiểm tra về kiểm tra xí nghiệp.

Nơi nào đã có sổ rồi cũng phải đem lên cơ quan Lao động để đóng dấu và đánh số trang. Hạn cuối cùng đem sổ lên Ty, hay Sở Lao động là 30-6-1958.

3. Từ nay mỗi khi có tai nạn nặng hay chết người, chủ tư doanh một mặt phải báo ngay cho cơ quan Lao động địa phương biết, mặt khác chậm nhất là 48 giờ sau khi xảy ra tai nạn (bất luận ngày chủ nhật hay ngày lễ) phải lập biên bản và gửi ngay tới cơ quan Lao động, Y tế, Tòa án (Công tố viện) địa phương biết để những cơ quan này kịp thời làm nhiệm vụ của mình.

Biên bản phải do đại diện công an, chủ xí nghiệp, đại diện công đoàn và nhân viên y tế của Nhà nước cùng ký. Đối với những tai nạn mà khi mới xảy ra cho là nhẹ không lập biên bản nhưng sau vì thương tích biến chứng phải điều trị trên 20 ngày mới khỏi thì trường hợp này cũng coi là tai nạn nặng và đơn vị phải lập biên bản gửi đến các cơ quan kể trên biết.

Ngoài ra mỗi khi có tai nạn lao động nhẹ, các chủ phải báo cáo ngay cho cơ quan Lao động và Y tế tỉnh biết. Những xây xát không phải nghỉ việc không báo cáo.

Để thông tư này thi hành có hiệu quả Bộ Lao động yêu cầu:

1. Ủy ban Hành chính ban hành chính các thành phố, các tỉnh căn cứ thông tư này, thông tri cho các xí nghiệp tư nhân trong địa phương biết và thi hành.

Các Ủy ban Hành chính cần chú ý khi phổ biến kế hoạch Nhà nước cho các công thương gia cần nhấn mạnh kế hoạch vệ sinh an toàn lao động phải được coi trọng, phải đề cao trách nhiệm của các chủ tư doanh đối với việc thi hành các thể lệ Nhà nước về giữ gìn sức khỏe và bảo đảm tính mệnh cho công nhân. Mỗi khi kiểm điểm việc thi hành kế hoạch cần kiểm điểm cả việc cải tiến điều kiện làm việc, giữ gìn vệ sinh trong xí nghiệp.

2. Các Khu, Sở, Ty, Phòng Lao động phải đôn đốc các xí nghiệp tư doanh thuộc đối tượng thi hành thông tư này thực hiện những điều đã nói trên. Thường xuyên phải có cán bộ đi kiểm tra, phải chấm dứt tình trạng có nơi đã bỏ lơi công tác bảo hộ lao động ở các xí nghiệp tư doanh như trước đây. Phải cùng Công đoàn đặt kế hoạch giáo dục, nâng cao ý thức tự bảo vệ cho công nhân khiến công nhân vừa đấu tranh đòi chủ thực hiện, vừa cùng chủ tự giải quyết những trường hợp thông thường mà xí nghiệp sẵn có vật liệu và dụng cụ. Phải chống những tư tưởng chủ quan, coi thường những biện pháp đề phòng của công nhân.

Khi duyệt hợp đồng ký kết giữa chủ và thợ phải yêu cầu ghi rõ, ngoài nhiệm vụ chung là chủ phải tìm cách cải tiến điều kiện làm việc cho công nhân thì chủ phải thực hiện một số việc cụ thể ví dụ: che đá mài, làm mái hiên, xây cống kín v.v… Số việc cụ thể này là dựa vào sự cần thiết để đảm bảo an toàn cho công nhân và trên cơ sở phát triển sản xuất của xí nghiệp mà đề ra.

Nhận được thông tư này, các cơ quan Lao động phải giúp Ủy ban Hành chính đồng cấp kế hoạch lãnh đạo tư tưởng, hướng dẫn và theo dõi việc thi hành cho có kết quả.

Cuối cùng Bộ Lao động xin nhắc lại: chủ xí nghiệp tư doanh nào không thi hành nghiêm chỉnh những thể lệ đề phòng tai nạn lao động và những việc nói trong thông tư này có thể bị truy tố trước Tòa án theo tinh thần những điều đã ghi trong sắc lện số 29-SL và điều 17 bản điều lệ tạm thời quy định về việc điều chỉnh quan hệ giữa người làm công và chủ xí nghiệp trong các xí nghiệp tư doanh.

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG




Nguyễn Văn Tạo