BỘ LAO ĐỘNG | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 15-LĐ/TT | Hà Nội , ngày 01 tháng 08 năm 1959 |
HƯỚNG DẪN THI HÀNH TIÊU CHUẨN NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG Ở CÁC NÔNG TRƯỜNG KIẾN THIẾT CƠ BẢN
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG
Kính gửi: | - Các Bộ, |
Trong phong trào thi đua hoàn thành kế hoạch Nhà nước và trong quá trình thực hiện chế độ lương theo sản phẩm, năng suất lao động của công nhân trên các công trường kiến thiết cơ bản đã dần dần được nâng lên. Những tiêu chuẩn năng suất áp dụng từ trước đến nay đã trở nên lạc hậu, nếu nay vẫn tiếp tục thi hành thì chẳng những sẽ ảnh hưởng đến giá thành công trình, gây lãng phí cho công quỹ mà còn tạo nên những bất hợp lý trong quan hệ tiền lương và ảnh hưởng đến nhiệt tình thi đua của quần chúng.
Mặt khác, nhiệm vụ kiến thiết cơ bản trong kế hoạch Nhà nước 3 năm rất to lớn. Trước mắt trong 6 tháng cuối năm 1959, nhiều công trường kiến thiết cơ bản phải tiến hành xây dựng một cách khẩn trương để bù vào mức bị hụt trong 6 tháng đầu năm và hoàn thành kế hoạch cả năm một cách thắng lợi.
Vì thiết bị và kỹ thuật sản xuất luôn luôn được cải tiến, trình độ kỹ thuật và văn hóa của công nhân ngày càng cao, khả năng sáng tạo và nhiệt tình lao động xã hội chủ nghĩa của công nhân càng được phát huy nhiều, tổ chức lao động luôn luôn được cải tiến hợp lý hơn, cho nên việc thay đổi kịp thời các tiêu chuẩn năng suất là rất cần thiết và là kết quả tất yếu của việc nâng cao không ngừng năng suất lao động dưới chế độ xã hội chủ nghĩa. Năng suất lao động không ngừng tăng lên là nhân tố chủ yếu làm cho giá thành hạ xuống, tái sản xuất được mở rộng, đời sống quần chúng được nâng lên.
Trước tình hình nói trên, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước đã phối hợp với Bộ Lao động và các Bộ quản lý công trường nghiên cứu và ban hành 271 tiêu chuẩn năng suất lao động mới cho các công trường kiến thiết cơ bản, tại Thông tư số 1073-CQL ngày 15-5-59 của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Qua kiểm tra và thí điểm tại một số công trường ở Hà nội, Hải-phòng, Sơn tây, vv… thì thực tế nhiều công nhân đã đạt được những tiêu chuẩn năng suất mới.
Việc lãnh đạo thực hiện tốt các tiêu chuẩn năng suất lao động có một ý nghĩa rất quan trọng đối với việc đẩy mạnh tốc độ thi công, giảm bớt giá thành công trình, tiết kiệm công quỹ, nâng cao nhiệt tình thi đua của quần chúng, đảm bảo quan hệ thu nhập tiền lương được hợp lý hơn.
Thông tư này nhằm hướng dẫn việc áp dụng các tiêu chuẩn năng suất mới và cách tính đơn giá trả lương theo sản phẩm.
I. NHỮNG BIỆN PHÁP CẦN THỰC HIỆN ĐỂ ĐẠT VÀ VƯỢT TIÊU CHUẨN NĂNG SUẤT MỚI
Việc nghiên cứu quy định những tiêu chuẩn năng suất mới đã căn cứ vào tình hình thực tế và khả năng có thể nâng cao năng suất của các công trường kiến thiết cơ bản, chứ không phải căn cứ vào mức tiền tiến nhất. Trong thực tế có những công trường đã thi hành một số tiêu chuẩn cao hơn tiêu chuẩn năng suất mới do Ủy ban Kế hoạch Nhà nước quy định. Đối với các công trường đó, không đặt vấn đề hạ thấp tiêu chuẩn để thi hành cho thống nhất với tiêu chuẩn năng suất mới. Cũng không nên thỏa mãn với những tiêu chuẩn đã đạt được, mà cần cố gắng không ngừng nâng cao năng suất lao động của công nhân.
Hiện nay, còn có nhiều công trường chưa đạt được tiêu chuẩn năng suất mới quy định, nguyên nhân chính là việc lãnh đạo tư tưởng, giáo dục chính sách lương theo sản phẩm chưa được coi trọng, việc tổ chức lao động, bố trí địa điểm làm việc, cung cấp dụng cụ, nguyên vật liệu chưa được hợp lý, việc hướng dẫn cải tiến phương pháp làm việc cho công nhân còn xem nhẹ. Đối với những công trường nói trên nhất thiết phải tìm mọi biện pháp để đạt và vượt tiêu chuẩn năng suất lao động do Ủy ban Kế hoạch Nhà nước quy định. Muốn đạt được như vậy, ngoài việc tăng cường lãnh đạo tư tưởng và kiện toàn tổ chức, các công trường cần kịp thời giải quyết các vấn đề cụ thể có quan hệ trực tiếp đến việc nâng cao năng suất lao động của công nhân:
1. Cải tiến tổ chức lao động cho hợp lý, sử dụng công nhân cho hợp khả năng, bố trí người cho sát với yêu cầu của từng bộ phận, tránh chỗ thừa, chỗ thiếu.
Một trong những nguyên nhân chủ yếu và phổ biến làm cho năng suất lao động bình quân trên các công trường thấp là do việc bố trí sử dụng nhân công có nhiều lãng phí, tổ chức cồng kềnh. Qua thực tế kiểm tra một vài công trường thì thấy rằng chỉ mới giải quyết riêng vấn đề tổ chức lao động cũng đã làm cho năng suất lao động bình quân tăng lên rõ rệt. Ví dụ: ở một công trường tại Hải phòng trong việc đổ bê-tông móng cầu, lúc đầu bố trí một tổ 44 người, năng suất bình quân chỉ đạt 0320. Sau khi nghiên cứu bố trí lại lao động hợp lý hơn rút xuống lần đầu còn 27 người, lần thứ 2 còn 12 người, do đó năng suất bình quân tăng lên 0370, rồi lên đến 0550 (tăng 71,5%).
Trong các tiêu chuẩn năng suất đã có quy định trình độ cấp bậc thợ theo yêu cầu mỗi công tác.
Ví dụ: xây 1200 tường, móng dày 0,33 thì phải 1 công thợ bậc 3 4 (thang lương 7 bậc kiến thiết cơ bản). Vì vậy muốn đảm bảo được tiêu chuẩn năng suất và chất lượng thì cần phải bố trí sử dụng công nhân cho đúng khả năng và sát với yêu cầu sản xuất của mỗi bộ phận. Về nguyên tắc, cũng một cấp bậc thợ, cùng làm một việc điều kiện làm việc như nhau thì tiêu chuẩn năng suất phải như nhau.
2. Bố trí địa điểm làm việc cho hợp lý, cung cấp nguyên vật liệu và dụng cụ cho đầy đủ, kịp thời, để bảo đảm sản xuất được liên tục, tránh thời giờ chết vì phải chờ đợi dụng cụ, nguyên vật liệu.
3. Phổ biến kinh nghiệm, sáng kiến và hướng dẫn cho công nhân áp dụng phương pháp sản xuất tiến bộ, hợp lý hóa các động tác - Những tiêu chuẩn năng suất mới đã xây dựng trên phương pháp sản xuất tiến bộ và phổ biến của nước ta chứ không phải trên cơ sở sản xuất tiền tiến của các nước bạn (ví dụ: trong việc xây tường). Cho nên ở những công trường đã bước đầu áp dụng những phương pháp tiên tiến của các nước bạn thì năng suất đã vượt lên nhiều so với tiêu chuẩn năng suất mới quy định.
Hiện nay trong những công việc phổ biến như: làm đất, đóng cọc, trát tường, v.v…mỗi nơi làm một cách khác nhau. Bên cạnh những công trường đã áp dụng phương pháp tiến bộ và kinh nghiệm tiên tiến trong nước, thì còn nhiều công trường hãy còn dùng phương pháp cũ, lạc hậu theo tập quán cũ làm ảnh hưởng đến năng suất lao động.
Vì vậy giữa các công trường trong một địa phương, trong một ngành cần tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm lẫn nhau và phổ biến rộng rãi cho công nhân. Trong công tác xây dựng ở công trường, không nên coi thường những sáng kiến nhỏ. Có những sáng kiến tuy thông thường nhưng có tác dụng làm cho năng suất nâng cao rõ rệt. Ví dụ: Trong việc chuyển gạch lên dáo một công trường ở Sơn tây đã thay phương pháp tung gạch lên bằng tay qua mỗi tầng dáo năng suất tăng lên gấp đôi (trước gánh được 12 viên hết 12 phút nay chuyển sang bằng tay cũng 12 viên chỉ hết 5 phút).
Các công trường cần nghiêm chỉnh và thống nhất thi hành bản tiêu chuẩn năng suất mới, trừ những nơi đã áp dụng những tiêu chuẩn năng suất cao hơn thì không đặt vấn đề rút xuống. Qua thực tế thi hành xét có những tiêu chuẩn quy định quá cao nghĩa là sau khi đã tích cực áp dụng các biện pháp nói ở các điểm 1, 2, 3 trên đây mà vẫn không đạt được thì các công trường và các Bộ đề nghị Ủy ban Kế hoạch Nhà nước xét điều chỉnh lại cho thích hợp không nên tự ý quyết định điều chỉnh. Tuy nhiên công tác xây dựng ở công trường chịu ảnh hưởng nhiều của điều kiện thiên nhiên, thời tiết. Vì vậy trong những trường hợp cần thiết đã ảnh hưởng nhiều đến năng suất của công nhân như: nắng quá, rét quá, v.v… thì tạm thời trong một thời gian nhất định có thể hạ thấp ít nhiều tiêu chuẩn năng suất sau khi được cấp trên trực tiếp quản lý đồng ý. Nếu cự ly vận chuyển xa hơn cự ly quy định trong bản tiêu chuẩn mà không có điều kiện khắc phục thì có thể tăng thêm công phụ.
Ví dụ: tiêu chuẩn quy định xây 1m3 200 tường móng dầy 0,33 cự ly vận chuyển vật liệu trong vòng 30 thước thì phải một công thợ bậc 3 và 1c3 phụ. Nếu vì địa điểm công trường quá chật hẹp cự ly vận chuyển phải đến 40, 50m để đảm bảo tiêu chuẩn 1m3200 thì công phụ có thể tăng thêm trên 1c3, nhưng công chính không thay đổi.
II. CÁCH TÍNH ĐƠN GIÁ TRẢ LƯƠNG THEO SẢN PHẨM
Về cách tính đơn giá thì các công trường thi hành thống nhất theo Thông tư số 04-LĐ/TL ngày 11-02-1959 của Bộ Lao động, nghĩa là lấy lương cấp bậc (kể cả phụ cấp khu vực nếu có) chia cho mức năng suất.
Ví dụ: Xây móng gạch dày 0,57 tiêu chuẩn là 1m3500 một công chính bậc 3 hoặc bậc 4 (mức lương ngày: 1đ83 và 2đ11) và một công phụ bậc 2 (mức lương: 1đ59). Nếu công trường ở vùng có phụ cấp khu vực 12% thì đơn giá của 1m3 tường là:
(: 1m3500 = 3đ98: 1m3500 = 2đ65
Hiện nay ở một số địa phương thi hành hai mức lương khác nhau: một mức lương cho công nhân cố định (trong biên chế) theo thang lương chung do Bộ Lao động ban hành và một mức lương cho công nhân thuê mướn tại chỗ do Hội đồng tiền công địa phương quy định. Nếu hai loại công nhân nói trên, mức lương cao thấp khác nhau cùng làm một việc thì đơn giá sẽ tính thống nhất trên cơ sở mức lương thấp. Người lương cao sẽ được hưởng khoản chênh lệch giữa hai mức lương.
Ví dụ:
1. Một công trường ở Lào cai (khu vực 20%) khoán đổ một khối bê-tông trong 5 ngày cho một tổ 15 người gồm: 8 người trong biên chế bậc 2 thang lương 7 bậc kiến thiết cơ bản mức lương kể cả phụ cấp khu vực 20% là 1đ 90 và 7 công nhân thuê mướn tại chỗ hưởng mức lương do Hội đồng tiền công địa phương quy định là: 2đ27. Đơn giá sẽ tính thống nhất trên cơ sở mức lương thấp của 1 công nhân trong biên chế là 1đ 90. Những công nhân thuê mướn ở địa phương được hưởng mức chênh lệch: (2đ27 – 1đ 90) X 5 ngày = 1đ85.
2. Nếu khoán cho 1 tổ thợ như trên ở một công trường khác tại Hải dương, mức lương công nhân bậc 2 trong biên chế là: 1đ59 (không có phụ cấp khu vực) mức lương của công nhân thuê mướn tại địa phương là 1đ48. Những công nhân trong biên chế sẽ được hưởng chênh lệch:
(1đ59 – 1đ48) X 5 ngày = 2đ55.
Vì tiền lương giữa các địa phương cao thấp khác nhau (nơi có phụ cấp khu vực, nơi không, nơi tiền công cao, nơi tiền công thấp) cho nên tiêu chuẩn năng suất có thể thống nhất nhưng đơn giá thì không thể thống nhất giữa các địa phương.
Nhưng trong một công trường thì nếu cùng làm một loại việc cùng một cấp bậc thợ, cùng một tiêu chuẩn năng suất thì đơn giá phải thống nhất.
Định mức năng suất và đơn giá là hai vấn đề có liên quan mật thiết với nhau. Tiêu chuẩn năng suất được nâng lên thì đơn giá sẽ rút xuống, do đó sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của công nhân. So với bản tiêu chuẩn cũ, những tiêu chuẩn mới ban hành đều có tăng lên ít nhiều. Vì vậy, lãnh đạo phải đi sâu tích cực tạo điều kiện hướng dẫn giúp đỡ cho công nhân đạt và vượt mức tiêu chuẩn mới. Có như vậy mới đảm bảo cho thu nhập của công nhân khỏi tụt xuống (trừ trường hợp thu nhập trước đây quá cao) và có thể tăng lên nữa theo nhịp độ tăng năng suất lao động.
Vì thời gian thi hành những tiêu chuẩn năng suất mới hiện nay có tính chất khẩn trương, việc chuẩn bị ở một số công trường chưa được chu đáo, cho nên lúc đầu có thể có trường hợp công nhân đã cố gắng tích cực nhưng không đạt được tiêu chuẩn mới, do đó sẽ ảnh hưởng đến thu nhập về tiền lương của công nhân.
Để cho các công trường có thời gian chuẩn bị về tư tưởng, về tổ chức và phổ biến kinh nghiệm cho sản xuất đồng thời để cho công nhân an toàn làm việc, trong vòng ba tháng kể từ ngày thi hành tiêu chuẩn năng suất mới ở công trường nếu có trường hợp công nhân không đạt tiêu chuẩn mới thì vẫn được hưởng lương căn bản (kể cả phụ cấp khu vực nếu có).
***
Thi hành bản tiêu chuẩn năng suất mới là một cuộc đấu tranh giữa lạc hậu và tiên tiến trên các mặt tư tưởng, tổ chức lao động, phương pháp sản xuất, v.v… Vì vậy không thể thi hành một cách đơn giản, gò ép, mệnh lệnh được. Phải coi trọng việc lãnh đạo tư tưởng, giáo dục chính sách, làm cho mỗi cán bộ, mỗi công nhân hiểu rõ mục đích ý nghĩa của việc trả lương theo sản phẩm và của việc thi hành tiêu chuẩn năng suất lao động mới. Nội dung giáo dục chính sách đã giải thích rõ trong Thông tư số 4 ngày 11-2-1959 về chế độ lương theo sản phẩm của Bộ Lao động. Trong khi thi hành bản tiêu chuẩn mới cần đề phòng, uốn nắn những khuynh hướng tư tưởng lệch lạc như: tư tưởng ngại khó, bảo thủ trong một số cán bộ, tư tưởng thỏa mãn với năng suất đã đạt, sợ quần chúng thắc mắc và không quyết tâm khắc phục khó khăn tạo điều kiện thực hiện tốt các tiêu chuẩn mới. Trong công nhân phải tăng cường giáo dục ý thức trách nhiệm, ý thức làm chủ, không tách rời quyền lợi cá nhân với quyền lợi Nhà nước, chống tư tưởng chỉ nhìn lợi ích cá nhân trước mắt mà làm ẩu, làm lấy nhiều không đảm bảo chất lượng.
Trên cơ sở lãnh đạo tư tưởng giáo dục chính sách tốt cho công nhân, cán bộ phải thực hiện dựa vào quần chúng để phát hiện hết những bất hợp lý về các mặt tổ chức lao động, cung cấp dụng cụ nguyên vật liệu, phương pháp sản xuất và định mức năng suất trước đây và cùng bàn bạc với quần chúng biện pháp giải quyết để nâng cao năng suất.
Thi hành chế độ lương theo sản phẩm nói chung và tiêu chuẩn năng suất ở công trường nói riêng là một vấn đề rất quan trọng và phức tạp. Vì vậy ở các công trường cũng như các ngành quản lý công trường cần kiện toàn tổ chức lãnh đạo, có cán bộ chuyên trách về công tác này. Phải tổ chức thực hiện tốt việc thống kê kiểm tra nghiệm thu sản phẩm.
Ở những công trường đã có thành lập Hội đồng làm khoán thì nay cần củng cố lại tổ chức, kiện toàn lề lối làm việc để lãnh đạo thi hành tốt tiêu chuẩn năng suất lao động mới.
Căn cứ vào thông tư này và Thông tư số 04 ngày 11-02-1959 của Bộ Lao động, Thông tư số 1073-CQL ngày 18-5-1959 của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, đề nghị các Bộ, các Ủy ban hành chính sẽ quy định hướng dẫn chi tiết thi hành trong ngành mình và địa phương mình, đồng thời có cán bộ xuống tận các công trường kiểm tra và giúp đỡ thi hành bản tiêu chuẩn năng suất mới được tốt. Từng thời gian một, cần tổ chức những cuộc hội nghị kiểm điểm việc thi hành, trao đổi kinh nghiệm giữa các công trường cùng một ngành, cùng một địa phương.
Trong quá trình thi hành nếu gặp những khó khăn mắc mứu gì kịp thời phản ảnh cho Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Lao động.
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG |
- 1 Thông tư 04-LĐTL năm 1959 tạm thời ấn định nguyên tắc, nội dung và giải thích hướng dẫn thi hành chế độ lương theo sản phẩm do Bộ Lao Động ban hành.
- 2 Thông tư 24-LĐ/TT năm 1957 hướng dẫn việc mở rộng thực hiện chế độ thưởng tăng năng suất do Bộ Lao động ban hành
- 3 Thông tư 22-LĐTT năm 1957 hướng dẫn thưởng tăng năng suất trên các công trường do Bộ Lao động ban hành