Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NỘI THƯƠNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 15-NT

Hà Nội, ngày 23 tháng 9 năm 1982

THÔNG TƯ

CỦA BỘ NỘI THƯƠNG SỐ 15-NT NGÀY 23 THÁNG 9 NĂM 1982 HƯỚNG DẪN VIỆC KÝ HỢP ĐỒNG TIÊU THỤ SẢN PHẨM GIỮA XÍ NGHIỆP THƯƠNG NGHIỆP VỚI XÍ NGHIỆP SẢN XUẤT THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 146-HĐBT CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Thi hành Quyết định số 146-HĐBT ngày 25-8-1982 của Hội đồng Bộ trưởng về việc sửa đổi và bổ sung Quyết định số 25-CP ngày 21-1-1981 của Hội đồng Chính phủ. Bộ hướng dẫn việc ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm giữa xí nghiệp thương nghiệp với xí nghiệp sản xuất như sau.

I. NGUYÊN TẮC CƠ BẢN

1. Điều 3 Quyết định số 146-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng quy định: "về nguyên tắc, toàn bộ sản phẩm do xí nghiệp làm ra đều phải bán cho các cơ quan thương nghiệp quốc doanh và các đơn vị kinh tế của Nhà nước theo kế hoạch phân phối sản phẩm đã được cơ quan giao kế hoạch sản xuất duyệt. Các cơ quan nói trên có trách nhiệm ký và thực hiện đầy đủ hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho xí nghiệp theo chế độ hợp đồng kinh tế hiện hành ...". Như vậy là:

a) Các xí nghiệp sản xuất quốc doanh phải bán toàn bộ sản phẩm hàng tiêu dùng (kể cả hàng tiêu dùng thuộc sản phẩm phụ của xí nghiệp) cho các xí nghiệp thương nghiệp quốc doanh. Chỉ những sản phẩm mà thương nghiệp quốc doanh không có chức năng kinh doanh mà do các tổ chức kinh tế khác của Nhà nước kinh doanh, hoặc các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước đã có kế hoạch phân phối cho các đơn vị tiêu thụ trực tiếp nhận ở xí nghiệp sản xuất, thì xí nghiệp sản xuất mới theo kế hoạch mà bán cho các đơn vị kinh tế khác.

b) Các xí nghiệp thương nghiệp phải kịp thời ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các xí nghiệp sản xuất, tạo điều kiện cho các xí nghiệp phát triển sản xuất.

Các xí nghiệp thương nghiệp quốc doanh ký kết hợp đồng với các xí nghiệp sản xuất quốc doanh theo sự phân công sau đây:

Đối với những mặt hàng lưu thông trong cả nước hoặc ở nhiều vùng mà trung ương có trách nhiệm cân đối tiêu dùng thì các Công ty Trung ương ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, hoặc công ty Trung ương mua qua công ty thương nghiệp địa phương (đối với một số mặt hàng của công nghiệp địa phương mà công ty trung ương không có điều kiện trực tiếp ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm).

Đối với những mặt hàng sản xuất và tiêu dùng ở địa phương hoặc tiêu thụ sang địa phương khác ngoài cân đối của Trung ương thì các công ty thương nghiệp địa phương ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Xí nghiệp thương nghiệp nào được phân công tiêu thụ sản phẩm chính của xí nghiệp sản xuất thì cũng có trách nhiệm tiêu thụ sản phẩm phụ của xí nghiệp đó. Nếu sản phẩm phụ không thuộc danh mục mặt hàng kinh doanh của mình thì giới thiệu cho xí nghiệp thương nghiệp khác đến ký hợp đồng tiêu thụ hoặc đại lý mua cho xí nghiệp thương nghiệp khác.

c) Trường hợp các xí nghiệp thương nghiệp quốc doanh không tiêu thụ loại sản phẩm phụ nào đó thì hợp tác xã mua bán và hợp tác xã tiêu thụ đảm nhiệm việc tiêu thụ sản phẩm cho xí nghiệp. Thương nghiệp xã hội chủ nghĩa không được để vì khuyết điểm chủ quan của mình mà xí nghiệp sản xuất không tiêu thụ được sản phẩm. Đối với mặt hàng tiêu dùng nào thuộc sản phẩm phụ mà thương nghiệp xã hội chủ nghĩa không có khả năng tiêu thụ, thì thương nghiệp xã hội chủ nghĩa báo trước để xí nghiệp tự tổ chức tiêu thụ.

2. Mục đích cuối cùng của sản xuất là để tiêu dùng, cho nên sản xuất phải gắn với nhu cầu tiêu dùng. Các xí nghiệp thương nghiệp quốc doanh phải điều tra, nghiên cứu, tổng hợp nhu cầu tiêu dùng, trên cơ sở đó đặt hàng cho xí nghiệp. Vận dụng đúng đắn chính sách giá tiêu thụ sản phẩm, đồng thời cộng tác chặt chẽ, hết sức giúp đỡ xí nghiệp khắc phục khó khăn về vật tư nguyên liệu và về tổ chức đời sống của người lao động để xí nghiệp có thể phát huy mọi khả năng phát triển sản xuất theo yêu cầu của bên đặt hàng.

Các xí nghiệp công nghiệp dựa vào đơn đặt hàng của thương nghiệp để cụ thể hoá kế hoạch sản xuất của Nhà nước và của xí nghiệp làm cho kế hoạch gắn với thị trường, sản phẩm sản xuất ra đáp ứng nhu cầu của thị trường về số lượng và chủng loại mặt hàng, về chất lượng sản phẩm và thời gian đưa vào lưu thông.

Hợp đồng tiêu thụ sản phẩm thể hiện cụ thể mối quan hệ giữa công nghiệp với thương nghiệp, nó ràng buộc trách nhiệm và bảo đảm quyền lợi của mỗi bên, nhằm mục đích chung là phát triển sản xuất, phục vụ tốt tiêu dùng, nâng cao hiệu quả của sản xuất và kinh doanh, củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa.

Các tổ chức thương nghiệp xã hội chủ nghĩa phải thực hiện nghiêm chỉnh việc ký kết và thực hiện hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh.

II. NỘI DUNG HỢP ĐỒNG TIÊU THỤ SẢN PHẨM

Căn cứ vào Nghị định số 54-CP ngày 10-3-1975 của Hội đồng Chính phủ về hợp đồng kinh tế và các hiệu quả về giao nộp sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm tại các Quyết định số 25-CP ngày 21-1-1981, số 64-CP ngày 23-2-1981 của Hội đồng Chính phủ và Quyết định số 146-HĐBT ngày 25-8-1982 của Hội đồng Bộ trưởng, nội dung hợp đồng tiêu thụ sản phẩm giữa xí nghiệp thương nghiệp quốc doanh với xí nghiệp công nghiệp gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

1.Khối lượng và cơ cấu mặt hàng:

Xí nghiệp thương nghiệp và xí nghiệp sản xuất quốc doanh đều hoạt động theo kế hoạch Nhà nước. Vì vậy, khối lượng và cơ cấu mặt hàng trong hợp đồng tiêu thụ sản phẩm phải dựa vào chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước đã giao cho các xí nghiệp sản xuất và kinh doanh. Xí nghiệp sản xuất có nghĩa vụ hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch sản xuất của Nhà nước về khối lượng và cơ cấu sản phẩm. Xí nghiệp thương nghiệp có nghĩa vụ tiêu thụ nhanh số sản phẩm được sản xuất ra theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước. Khối lượng sản phẩm ghi trong hợp đồng tiêu thụ sản phẩm bao gồm:

- Những sản phẩm được sản xuất ra theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước giao và được cung ứng đủ vật tư chủ yếu.

- Những sản phẩm thuộc kế hoạch bổ sung của xí nghiệp do xí nghiệp tự tìm kiếm thêm nguyên liệu để sản xuất.

- Những sản phẩm thuộc kế hoạch sản xuất phụ của xí nghiệp do xí nghiệp tận dụng phế liệu, phế phẩm của sản xuất chính và nguyên vật liệu phụ mua thêm để sản xuất ra.

Hợp đồng tiêu thụ sản phẩm dựa trên cơ sở kế hoạch cụ thể của xí nghiệp sẽ quy định khối lượng và cơ cấu mặt hàng.

Về khối lượng sản phẩm, hợp đồng phải ghi rõ khối lượng hiện vật và tổng trị giá (theo giá bán buôn công nghiệp).

Về cơ cấu mặt hàng, ghi rõ khối lượng và trị giá từng mặt hàng, chủng loại của các mặt hàng đó như cỡ, số, màu sắc, hình dáng v.v...

Xí nghiệp thương nghiệp và xí nghiệp sản xuất có thể ký hợp đồng cao hơn chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước. Nếu ký thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước thì phải báo cáo rõ lý do để Bộ chủ quản hai bên xem xét.

2. Về phẩm chất hàng hoá.

Hợp đồng tiêu thụ sản phẩm phải hết sức coi trọng vấn đề chất lượng hàng hoá. Hàng hoá nhất thiết phải đạt tiêu chuẩn phẩm chất (tiêu chuẩn Nhà nước, tiêu chuẩn ngành hoặc tiêu chuẩn xí nghiệp).

Tất cả các nguyên tắc và thủ tục Nhà nước quy định về quản lý phẩm chất hàng hoá đều phải được ngành sản xuất và thương nghiệp nghiêm chỉnh chấp hành và phải được thể hiện trong hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Để bảo đảm phẩm chất hàng hoá trong quá trình lưu thông, hợp đồng phải quy định rõ quy cách bao bì, đóng gói và thời gian bảo hành hàng hoá.

Nếu do khó khăn về vật tư, nguyên liệu, bao bì hoặc do hư hỏng thiết bị mà chất lượng hành hoá không bảo đảm được như trước thì việc châm chước về chất lượng chỉ được thực hiện theo nguyên tắc sau đây:

- Đối với các sản phẩm đã có tiêu chuẩn cấp Nhà nước thì bên sản xuất và bên thương nghiệp phải cùng báo cáo lên cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước xét cho hạ cấp bậc theo tiêu chuẩn.

- Đối với những sản phẩm đã có tiêu chuẩn ngành, thì báo cáo lên Bộ chủ quản xem xét cho hạ cấp bậc tiêu chuẩn hoặc cho tạm thời điều chỉnh lại tiêu chuẩn cho phù hợp với tình hình thực tế.

- Đối với những sản phẩm đã có tiêu chuẩn xí nghiệp thì xí nghiệp sản xuất và xí nghiệp thương nghiệp cùng nhau thoả thuận trong hợp đồng sau khi đã trao đổi với cơ quan quản lý phẩm chất hàng hoá của Nhà nước.

Trong cả 3 trường hợp trên, xí nghiệp thương nghiệp phải báo cáo với cơ quan quản lý vật giá của Nhà nước để xem xét về giá cả.

Những trường hợp sau đây thương nghiệp không nhận tiêu thụ và xí nghiệp sản xuất cũng không được bán ra thị trường:

- Các sản phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn tối thiểu về phẩm chất, do đó không có giá trị sử dụng.

- Những sản phẩm chưa được các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước xác định độ độc hại có ảnh hưởng như thế nào đến sức khoẻ người tiêu dùng.

3.Về giá cả hàng hoá.

Hợp đồng tiêu thụ sản phẩm phải ghi rõ đơn giá sản phẩm và tổng giá trị bằng tiền.

Đối với những sản phẩm sản xuất bằng vật tư chủ yếu do Nhà nước cung ứng và theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước thì hai bên thanh toán với nhau theo giá bán buôn công nghiệp theo chế độ hiện hành.

Đối với những sản phẩm sản xuất bằng vật tư chủ yếu do xí nghiệp tự tìm kiếm cũng được thanh toán theo giá bán buôn công nghiệp. Trường hợp do giá mua vật tư cao hơn (phần vật tư xí nghiệp tự lo) mà giá thành và giá bán buôn xí nghiệp tăng lên thì theo quy định tại tiết c, Điều 4 của Quyết định số 146-HĐBT, xí nghiệp, sản xuất được cơ quan thu quốc doanh giảm mức nộp tương ứng với mức tăng giá mua vật tư. Việc điều chỉnh tăng giá bán buôn công nghiệp chỉ được phép tiến hành khi có quyết định chính thức của cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước.

Những nguyên tắc trên cũng áp dụng đối với những sản phẩm sản xuất vượt mức kế hoạch Nhà nước.

Đối với những sản phẩm thuộc kế hoạch sản xuất phụ của xí nghiệp thì thương nghiệp mua theo giá xí nghiệp đã đăng ký với cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của xí nghiệp có sự thương lượng thoả thuận giữa hai công nghiệp và thương nghiệp với tinh thần là vừa bảo đảm lợi ích của xí nghiệp sản xuất và kinh doanh, vừa chiếu cố lợi ích của người tiêu dùng và hai bên cùng nhau đấu tranh lãnh đạo được giá cả trên thị trường tự do.

4 . Giao nhận và thanh toán .

Hợp đồng tiêu thụ sản phẩm phải ghi rõ thời gian giao hàng (ngày, tháng, quý ). Những sản phẩm sản xuất cả năm nhưng giao hàng từng chuyến, từng lô phải được quy định về thời gian cụ thể.

Địa điểm giao nhận hàng tại kho nhà máy hay tại kho thương nghiệp, bên nào chịu trách nhiệm vận chuyển, bốc dỡ, cũng phải được quy định rõ trong hợp đồng.

Thể thức thanh toán tiền mua hàng phải theo đúng quy định của ngân hàng nhà nước, giữa hai xí nghiệp quốc doanh không được dùng tiền mặt để thanh toán.

Xí nghiệp thương nghiệp và xí nghiệp sản xuất đều có trách nhiệm thi hành nghiêm chỉnh những quy định về thời gian, địa điểm, cách thức giao nhận và thanh toán đã ghi trong hợp đồng.

Trường hợp có sự thay đổi do những lý do khách quan thì hai bên phải kịp thời bàn bạc giải quyết trên cơ sở bảo đảm quyền lợi của cả hai bên một cách thoả đáng.

III. CHẤP HÀNH CHẾ ĐỘ HỢP ĐỒNG TIÊU THỤ SẢN PHẨM

1. Thương nghiệp phải gửi đơn đặt hàng cho xí nghiệp sản xuất ít nhất là 3 tháng trước khi bước vào kế hoạch sản xuất. Trong trường hợp xí nghiệp bố trí kế hoạch sản xuất hàng quý thì gửi đơn đặt hàng cho xí nghiệp ít nhất là 1 tháng trước khi bước vào kế hoạch quý. Nếu xí nghiệp sản xuất thực tế có khó khăn không thể thoả mãn được đơn đặt hàng của thương nghiệp thì hai bên cùng nhau bàn bạc giải quyết cho thoả đáng theo sự chỉ đạo của kế hoạch Nhà nước. Đối với những sản phẩm thuộc kế hoạch sản xuất phụ, nếu xí nghiệp không chủ động bố trí được kế hoạch sản xuất theo đơn đặt hàng cả thương nghiệp thì việc mua bán được tiến hành theo sự thoả thuận, bằng hợp đồng đối với từng lô hàng.

2. Hàng năm, sau khi đã có số kiểm tra của kế hoạch Nhà nước trên cơ sở đơn đặt hàng của thương nghiệp, xí nghiệp thương nghiệp và xí nghiệp sản xuất tiến hành ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Hợp đồng ký càng sớm càng tốt, chậm nhất phải ký xong trong 12 tháng năm trước.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu kế hoạch Nhà nước có sự điều chỉnh, thì hai bên kịp thời bàn bạc với nhau để bổ sung, sửa đổi hợp đồng cho phù hợp với việc điều chỉnh kế hoạch.

Trong trường hợp xí nghiệp sản xuất sản phẩm mới, xí nghiệp công nghiệp sẽ thông báo cho xí nghiệp thương nghiệp đến ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Sau 30 ngày kể từ khi gửi thông báo đi, nếu xí nghiệp thương nghiệp không đến ký hợp đồng thì xí nghiệp công nghiệp có quyền ký hợp đồng với xí nghiệp thương nghiệp khác để tiêu thụ sản phẩm.

Hợp đồng tiêu thụ sản phẩm là văn bản pháp quy, bắt buộc các xí nghiệp ký kết phải thực hiện nghiêm chỉnh. Từng tháng, từng quý phải kiểm tra việc thực hiện hợp đồng và cung cấp cho nhau những thông tin cần thiết, giúp đỡ nhau khắc phục khó khăn nhằm hoàn thành tốt hợp đồng đã ký. Các xí nghiệp thương nghiệp cần có bộ phận phụ trách công tác hợp đồng và đặt phái viên bên cạnh giám đốc các xí nghiệp là bạn hàng lớn của mình. Phái viên phải là người nắm vững chính sách, chế độ quản lý kinh tế, có trình độ nghiệp vụ, kỹ thuật về mặt hàng được phân công phụ trách, có tinh thần hợp tác xã hội chủ nghĩa. Phái viên có thể thay mặt giám đốc công ty giải quyết tại chỗ những mắc mứu trong quá trình thực hiện hợp đồng trong phạm vi quyền hạn được giám đốc uỷ quyền cụ thể.

3. Mọi sự tranh chấp về hợp đồng đã ký cần đưa ra hai bên bàn bạc giải quyết. Nếu không giải quyết được thì bên bị vi phạm có quyền khiếu nại lên trọng tài kinh tế các cấp để giải quyết. Theo kết quả xử lý của trọng tài kinh tế, bên vi phạm phải chịu trách nhiệm bồi thường mọi thiệt hại cho bên bị vi phạm hợp đồng.

Các Sở, Ty thương nghiệp và các công ty kinh doanh cần tổ chức cho các cán bộ, nhân viên quan hệ mua bán với các xí nghiệp sản xuất quán triệt tinh thần và nội dung Quyết định số 146-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng và nắm vững thông tư này để làm cho đúng.

Quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc gì thì báo cáo và kiến nghị cụ thể với Bộ.

Lê Đức Thịnh

(Đã ký)