Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 15-TC/CN

Hà Nội, ngày 06 tháng 3 năm 1993

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 15 TC/CN NGÀY 06/3/1993 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ BẢO TOÀN VÀ PHÁT TRIỂN VỐN ĐẾN 01/01/1993 ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

Thi hành chỉ thị số 138/CT ngày 25/4/1991 "Về việc mở rộng diện trao quyền sử dụng và trách nhiệm bảo toàn vốn SXKD cho đơn vị cơ sở quốc doanh" và Quyết định số 332/HĐBT ngày 23/10/1991 của Hội đồng Bộ trưởng "Về bảo toàn và phát triển vốn kinh doanh đối với các doanh nghiệp Nhà nước", Bộ Tài chính đã có các văn bản hướng dẫn:

Thông tư số 31 TC/CN ngày 27/5/1991 hướng dẫn chế độ bảo toàn và phát triển vốn.

Thông tư số 82 TC/CN ngày 31/12/1991 hướng dẫn bổ sung và sửa đổi Thông tư 31 TC/CN nói trên;

Thông tư số 05 TC/CNXD ngày 24/3/1992 hướng dẫn cụ thể việc xác định số vốn cố định và vốn lưu động phải bảo toàn ở từng doanh nghiệp Nhà nước tính đến thời điểm 01/01/1992.

Nội dung và phương thức xác định số liệu bảo toàn vốn cho các doanh nghiệp quốc doanh vẫn áp dụng theo các quy định hiện hành trong các văn bản nói trên.

Thông tư này hướng dẫn cụ thể việc thực hiện bảo toàn và phát triển vốn tính đến thời điểm 01/01/1993.

I. VỀ BẢO TOÀN VỐN CỐ ĐỊNH

1. Những TSCĐ là máy móc thiết bị, nhà cửa kho tàng vật kiến trúc đã được nâng giá đến thời điểm 01/01/1992 theo các hệ số quy định tại Thông tư số 05 TC/CNXD ngày 24/3/1992 của Bộ Tài chính thì tính đến thời điểm 01/01/1993 được áp dụng hệ số bảo toàn vốn bằng 1 so với thời điểm 01/01/1992.

Tuy nhiên đối với những TSCĐ trong dịp quyết toán năm 1991 nếu có trường hợp xác định hệ số chưa chính xác, hoặc tính mức bảo toàn vốn chưa đủ, phải lùi do giá cả đầu ra chưa chịu đựng được v.v... thì nay cần phải xem xét điều chỉnh lại cho chính xác.

2. Trường hợp những TSCĐ sau khi áp dụng hệ số bảo toàn vốn bằng "1" nhưng do giá gốc tính chưa đúng hoặc tỷ giá không tăng nhưng giá gốc nhập khẩu bằng ngoại tệ có tăng thì nay phải căn cứ vào mức giá hiện hành để điều chỉnh lại nguyên giá TSCĐ cho từng trường hợp cụ thể :

- Nếu là máy móc thiết bị nhập khẩu thì theo mức giá nhập khẩu hiện hành.

- Nếu là máy móc thiết bị sản xuất trong nước thì theo mức giá hiện hành.

- Nếu là nhà cửa kho tàng vật kiến trúc thì theo mức đơn giá XDCB hiện hành trong nước.

Trường hợp nhà cửa, công trình kiến trúc sử dụng vào các mục đích kinh doanh có nhiều lợi thế như khách sạn, thương mại, du lịch v.v... thì phải xác định giá trị có tính đến các yếu tố lợi thế và phải trên cơ sở mặt bằng giá có thể chấp nhận được.

Các cơ quan có thẩm quyền giao vốn cho doanh nghiệp và xét duyệt quyết toán hàng năm cho doanh nghiệp là Bộ Tài chính và Bộ chủ quản (đối với doanh nghiệp TW). Sở Tài chính và Sở chủ quản (đối với doanh nghiệp địa phương) chịu trách nhiệm xác định và xét duyệt các mức giá nói trên cho các doanh nghiệp trong dịp xét duyệt quyết toán hàng năm của doanh nghiệp.

3. Thông tư 05 TC/CNXD đã quy định hệ số hao mòn vô hình tính đến thời điểm 01/01/1992 là từ 0,5 - 0,9 đối với mọi loại TSCĐ có bị lạc hậu về kỹ thuật và không phù hợp với mặt bằng giá hiện hành. Trong năm 1992 (tức đến thời điểm 01/01/1993) nếu có trường hợp tiếp tục bị lạc hậu kỹ thuật và phải giảm giá thì chỉ được áp dụng hệ số hao mòn, vô hình không quá 10% tức là hệ số không thấp hơn 0,9.

TSCĐ có hao mòn vô hình của từng doanh nghiệp Nhà nước phải do các cơ quan có thẩm quyền xét duyệt quyết toán năm xem xét quyết định trên cơ sở kết quả giám định điều tra và đề nghị của doanh nghiệp.

II. VỀ VỐN LƯU ĐỘNG

Các doanh nghiệp tự bảo toàn vốn lưu động trên cơ sở mức tăng giá tài sản lưu động thực tế tồn kho của doanh nghiệp ở thời điểm có thay đổi về giá.

Đối với vật tư nguyên vật liệu nhập khẩu, mức chênh lệch giá để bảo toàn vốn được xác định trên cơ sở mức tăng giá gốc nhập khẩu (tính bằng ngoại tệ) và mức tăng (nếu có) tỷ giá ngoại tệ đã được sử dụng để nhập khẩu.

Đối với vật tư nguyên vật liệu trong nước, mức chênh lệch giá xác định trên cơ sở mức tăng giá thực tế của vật tư đó ở thời điểm có thay đổi về giá.

Số vốn lưu động phải bảo toàn xác định như hướng dẫn tại Thông tư số 31 TC/CN ngày 27/5/1991 và Thông tư số 82 TC/CN ngày 31/12/1991 của Bộ Tài chính.

Đối với vật tư là tài sản lưu động trước đây có trượt giá tăng lên và đã điều chỉnh tăng VLĐ tương ứng, nay có trường hợp giá vật tư tồn kho giảm xuống thì: Nói chung là không điều chỉnh giảm vốn tương ứng, nhằm đảm bảo cho xí nghiệp duy trì và phát triển được vốn một cách gián tiếp.

Chỉ điều chỉnh giảm số dư tài khoản chênh lệch giá vật tư và chênh lệch tỷ giá (TK 65) nếu số dư đó trước đây được treo lại để chờ trường hợp giảm giá, hoặc chỉ giảm vốn trong trường hợp giá bán sản phẩm đầu ra giảm nhiều và dẫn đến kết quả kinh doanh bị lỗ và những khó khăn về tài chính phát sinh. Việc xử lý cụ thể sẽ do các cơ quan có thẩm quyền xét duyệt quyết toán hàng năm của doanh nghiệp quyết định.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ chủ quản (Sở chủ quản đối với doanh nghiệp địa phương) cùng với Bộ (Sở) Tài chính xét duyệt mức vốn cố định và vốn lưu động phải bảo toàn tính đến thời điểm 01/01/1993 cùng với việc xét duyệt quyết toán năm 1992 cho các doanh nghiệp Nhà nước.

Cơ quan chủ quản và cơ quan tài chính cần cử các tổ chuyên viên thẩm tra số liệu quyết toán và tính toán số vốn phải bảo toàn đến thời điểm 01/01/1993 để trình các cấp có thẩm quyền nói trên xét duyệt chính thức.

Việc xét duyệt mức bảo toàn vốn cùng với việc xét duyệt quyết toán năm 1992 cần phải hoàn thành. Không chậm hơn 01/7/1993.

3. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày ký và áp dụng để xét duyệt quyết toán 1992 và tính bảo toàn vốn từ thời điểm 01/01/1993.

Những quy định trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc cần phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để có ý kiến giải quyết.

Phạm Văn Trọng

(Đã Ký)