- 1 Chỉ thị 10-NV/TB năm 1960 về phổ biến rộng rãi tiêu chuẩn liệt sĩ trong cán bộ và nhân dân, hoàn thành tốt việc xác nhận và ghi công liệt sĩ do Bộ Nội vụ ban hành
- 2 Thông tư 80-TT/LB năm 1958 về các trường hợp mất quyền bầu cử, ứng cử do Bộ Nội Vụ- Bộ Công An- Bộ Tư Pháp ban hành
- 3 Thông tư 59-TB-SL5 năm 1956 giải thích và hướng dẫn thi hành Điều lệ ưu đãi gia đình liệt sĩ do Bộ Thương binh ban hành
- 4 Thông tư 5815-TB/LS4 năm 1959 về việc giúp đỡ gia đình liệt sĩ, tử sĩ do Bộ Nội Vụ ban hành.
- 5 Sắc lệnh số 054/SL về việc đặt Huân chương "Quân giải phóng Việt nam", Huân chương "Chiến thắng" và Huy chương "Quân giải phóng Việt nam", Huy chương "Chiến thắng" do Chủ tịch nước ban hành
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 15-TTg | Hà Nội, ngày 12 tháng 01 năm 1961 |
Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 15 ngày thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, ngày 29 tháng 8 năm 1960 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ra pháp lệnh tặng thưởng huân chương và huy chương cho những cá nhân, tập thể và địa phương có nhiều công lao và thành tích trong kháng chiến. Pháp lệnh này đã được công bố do lệnh của Chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa số 24-LCT ngày 4 tháng 9 năm 1960 (đăng Công báo số 38 ngày 7 tháng 9 năm 1960).
Hội đồng Chính phủ đã thảo luận những biện pháp để thi hành pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Căn cứ vào Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ, thông tư này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành bản điều lệ khen thưởng kèm theo pháp lệnh (đăng Công báo số 11 ngày 19 tháng 10 năm 1960) như sau:
I. Ý NGHĨA, MỤC ĐÍCH, TÍNH CHẤT VIỆC KHEN THƯỞNG THÀNH TÍCH KHÁNG CHIẾN
Trong 8, 9 năm kháng chiến lâu dài và gian khổ, nhân dân ta đã đoàn kết chặt chẽ, nêu cao tinh thần bất khuất và anh dũng chiến đấu trên khắp các mặt trận nên đã giành được những thắng lợi vẻ vang.
Để biểu dương thành tích ấy, đồng thời phát huy truyền thống yêu nước của cán bộ và nhân dân ta và động viên mọi người ra sức thi đua hoàn thành nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Hội đồng Chính phủ trong phiên họp tháng 9 năm 1954 đã quyết định khen thưởng cho cán bộ, công nhân, viên chức và đồng bào có nhiều cống hiến cho kháng chiến. Chủ trương ấy rất phù hợp với nguyện vọng của cán bộ, công nhân, viên chức và đồng bào.
Nhưng sau đó việc khen thưởng tiến hành trên cơ sở bình nghị thành tích của mỗi người đã phải tạm ngừng vì gặp những khó khăn trong việc thẩm tra và xác minh những thành tích đã lâu ngày cũng như việc cân nhắc, so sánh và đánh giá những thành tích ấy. Ngoài ra qua quá trình công tác cũng thấy rằng vì dưới huân chương Kháng chiến không có một thứ huy chương để khen thưởng những người có thành tích thấp hơn, nên việc khen thưởng chưa được thỏa đáng.
Trong kháng chiến, nói chung mỗi người đều có đóng góp ít hoặc nhiều công lao vào thành tích chung của dân tộc. Nhưng trong công tác, giữa người này và người khác đều có liên quan mật thiết với nhau và công lao, thành tích của mỗi người đều gắn liền với công lao, thành tích của tập thể. Vì vậy, để được công bằng và hợp lý, chủ trương khen thưởng thành tích kháng chiến lần này đối với cán bộ, công nhân, viên chức và du kích, là khen thưởng công lao, thành tích suốt trong 8, 9 năm kháng chiến gộp lại và có tính chất tổng kết một giai đoạn lịch sử đấu tranh của dân tộc đã được kết thúc thắng lợi. Việc khen thưởng sẽ không dựa vào sự đánh giá những thành tích riêng lẻ của mỗi người trong quá trình công tác kháng chiến, mà căn cứ vào sự cống hiến của mỗi người thể hiện qua thời gian phục vụ kháng chiến và các chức vụ đã phụ trách. Tiêu chuẩn khen thưởng được định cụ thể hơn, phù hợp với tình hình hiện nay là bộ máy trong thời kỳ kháng chiến có nhiều thay đổi trong cán bộ, công nhân, viên chức, từ ngày hòa bình lập lại, đã có nhiều sự thuyên chuyển.
Ngoài ra về các hình thức khen thưởng, dưới huân chương Kháng chiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đặt ra huy chương Kháng chiến để tặng thưởng những người có công lao và thành tích dưới mức được thưởng huân chương. Đối với những người có những cống hiến to lớn đặc biệt thì ngoài huân chương và huy chương Kháng chiến sẽ tùy từng trường hợp cụ thể mà xét định khen thưởng thêm các loại huân chương Độc lập, Hồ Chí Minh và Sao vàng.
Như vậy diện người được khen thưởng sẽ rộng hơn và nói lên được rằng cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, kháng chiến thắng lợi là do công lao đóng góp của quảng đại quần chúng nhân dân ta.
Việc thi hành quyết định khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành vào lúc này có một tầm quan trọng đặc biệt, nó sẽ là một dịp để nhắc nhở, nêu cao lòng yêu nước thiết tha và tinh thần đấu tranh anh dũng của cán bộ và đồng bào cả nước, động viên mọi người phấn khởi chấp hành những nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ III, ra sức thi đua thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất nhằm đưa miền Bắc tiến mạnh lên chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở cho cuộc đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà. Đó cũng là một sự cổ vũ mạnh mẽ đối với đồng bào ta ở miền Nam trong cuộc đấu tranh chống Mỹ - Diệm để giải phóng miền Nam, thực hiện thống nhất đất nước.
Đối tượng được thưởng huân chương và huy chương Kháng chiến, theo quy định của điều lệ, là những người dưới đây đã tham gia kháng chiến ở trong nước và ở các mặt trận Lào và Miên trong giai đoạn từ ngày 19 tháng 12 năm 1946 đến ngày ký hiệp định Giơ-ne-vơ 20 tháng 7 năm 1954. Đối với miền Nam, từ vĩ tuyến thứ 16 trở vào (gồm Nam Bộ và nam phần Trung Bộ từ Đà Nẵng trở vào), thì giai đoạn kháng chiến tính từ ngày 23 tháng 9 năm 1945.
1. Cán bộ, công nhân, viên chức công tác ở các cơ quan Nhà nước từ cấp trung ương đến huyện.
2. Cán bộ chuyên trách và nhân viên công tác ở cơ quan các đoàn thể từ cấp trung ương đến huyện.
Các đoàn thể nói ở đây là: Đảng Cộng sản Đông Dương trước đây và sau này là Đảng Lao động Việt Nam. Mặt trận Việt Minh trước đây và sau là Mặt trận Liên Việt, Đảng Dân chủ Việt Nam, Đảng Xã hội Việt Nam, và các đoàn thể nhân dân đứng trong Mặt trận Việt Minh và Liên Việt.
Cán bộ chuyên trách của các đoàn thể là cán bộ thoát ly, thường xuyên làm công tác đoàn thể, các chức vụ nhất định trong các cơ quan đoàn thể.
Cán bộ lãnh đạo chủ chốt của cấp ủy là những Ủy viên thường vụ Ban Chấp hành các cấp Đảng bộ.
Riêng đối với cấp ủy xã, những cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp ủy xã – nói ở điều 4, đoạn 3, của điều lệ khen thưởng – bao gồm cả Chi ủy viên phụ trách các ngành công tác chính quyền của xã, các Ban của Chi bộ Đảng, các đoàn thể xã và các thôn.
3. Cán bộ, công nhân, viên chức các xí nghiệp quốc doanh.
4. Cán bộ ở các cơ quan chính quyền và đoàn thể ở xã như:
- Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban Kháng chiến hành chính.
- Bí thư, Phó Bí thư, Chi ủy viên Chi bộ Đảng, (không kể chi bộ thôn ở Liên khu V).
- Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành các đoàn thể.
- Cán bộ chỉ huy trong Ban xã đội, Trưởng và Phó ban Công an xã.
- Nhân viên chuyên nghiệp làm công tác giao thông liên lạc (tức là liên lạc viên chuyên trách chuyển công văn tài liệu và đưa đón cán bộ).
- Cán bộ phụ trách công tác địch vận xã.
5. Cán bộ chỉ huy và đội viên các đội du kích do Chính quyền địa phương tổ chức và lãnh đạo. Các đội du kích nói đây bao gồm cả các đội tự vệ thành và tự vệ khu phố của các thành phố, thị xã và thị trấn.
6. Thanh niên xung phong chuyên hoạt động phục vụ kháng chiến.
7. Những người ngoại quốc đã tham gia kháng chiến ở Việt Nam cũng được khen thưởng theo các thể lệ chung áp dụng đối với công dân Việt Nam.
Còn đối với nhân dân (kể cả cán bộ xã không thuộc diện nói ở điểm 4 trên đây). Các tập thể và các địa phương, theo điều lệ, sẽ tùy từng trường hợp cụ thể mà khen thưởng, Phủ Thủ tướng sẽ có thông tư hướng dẫn về việc này.
Điều kiện để được khen thưởng
Việc khen thưởng huân chương và huy chương Kháng chiến cho các đối tượng kể trên căn cứ vào những điều kiện dưới đây:
1. Đã hoàn thành chức trách, tức là các chức vụ đã giữ, trong một thời gian nhất định.
2. Đã chuyên hoạt động phục vụ kháng chiến, tức là đã tham gia kháng chiến ở mọi công tác thoát ly và công tác ở xã thuộc diện được khen thưởng nói ở mục II trên đây, trong một thời gian nhất định.
3. Đã tham gia kháng chiến một cách tích cực và liên tục đến ngày 20/7/1954.
4. Không phạm sai lầm lớn kể từ ngày tham gia kháng chiến cho đến nay.
QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ CÁC ĐIỀU KIỆN KHEN THƯỞNG
1. Thời gian hoàn thành chức trách:
1. Do nội dung nhiệm vụ và trách nhiệm công tác của mỗi người khác nhau nên phần cống hiến của mỗi người cũng khác nhau. Nói chung công tác và trách nhiệm của cán bộ nặng hơn của nhân viên, công tác và trách nhiệm của cấp trên nặng hơn của cấp dưới. Việc khen thưởng căn cứ vào thời gian hoàn thành chức trách là để nêu lên sự cống hiến nhiều hay ít theo cương vị công tác phụ trách cao hay thấp của mỗi người.
Trong việc khen thưởng này, theo tổ chức chính quyền trong thời kỳ kháng chiến, thành phố Hà Nội và Sài Gòn coi như khu, thành phố Hải Phòng và Đà Nẵng coi như tỉnh, các thị xã coi như huyện.
2. Hoàn thành chức trách nghĩa là đã thực hiện được nhiệm vụ mà không có phạm sai lầm lớn như quy định dưới đây. Khi xét về điểm này đối với một người nào thì không phải bình nghị hoặc nhận xét xem thế nào là đã hoàn thành chức trách mà chỉ cần xem người ấy trong thời gian đảm nhiệm các chức vụ có phạm sai lầm lớn hay không.
3. Thời gian hoàn thành chức trách tính từ ngày thực sự đảm nhiệm chức vụ công tác cho đến ngày thôi không giữ chức vụ ấy nữa.
Thời gian quyền chức vụ được coi như thời gian giữ chức vụ.
4. Thời gian đi chữa bịnh hoặc đi học trên 18 tháng (không kể thời gian đi và về) không được tính vào thời gian giữ chức vụ, nhưng được tính thời gian chuyên hoạt động phục vụ kháng chiến.
5. Thời gian đi công tác các đợt công tác như: phát động quần chúng giảm tô, cải cách ruộng đất và các công tác đột xuất lâu dài khác coi như thời gian công tác ở chức vụ giữ trước khi đi làm các công tác ấy.
6. Người nào trong cùng một thời gian mà kiêm nhiệm nhiều chức vụ thì được khen thưởng căn cứ vào chức vụ chính của người ấy.
Đối với những người trong các cấp ủy Đảng thường xuyên công tác ở các ngành Dân, Chính thì khen thưởng theo chức vụ nào được thưởng cao hơn.
7. Đối với người đã liên tiếp giữ nhiều chức trách thì căn cứ vào chức trách cấp trên nhất mà khen thưởng theo chức trách liền dưới hay dưới nữa, theo nguyên tắc: thời gian giữ chức trách cấp trên sẽ cộng vào thời gian giữ chức trách cấp dưới để tính thâm niên.
Thí dụ: một cán bộ đã có thời gian giữ các chức trách như sau:
- Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính khu: | 0 năm 4 tháng | (1) |
- Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh: | 0 – 7 - | (2) |
- Ủy viên Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh: | 4 – 6 - | (3) |
5 năm 5 tháng |
Người ấy không đủ thâm niên giữ chức trách ở các chức Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính khu (1) Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh (2) để được thưởng huân chương Kháng chiến hạng nhất và hạng nhì, thì được xét thưởng theo chức vụ Ủy viên Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh. Thâm niên giữ chức trách ở cấp này (3) cộng với thâm niên giữ hai chức trên là 5 năm 5 tháng, thì được thưởng huân chương Kháng chiến hạng nhì.
8. Người phạm lỗi bị giáng chức thì coi như đã không hoàn thành chức trách ở chức vụ đã phạm lỗi. Đối với người này, việc khen thưởng căn cứ vào chức vụ giữ sau khi bị giáng chức. Thời gian giữ chức vụ trên được cộng vào thời gian giữ chức vụ dưới sau khi bị giáng chức để tính thâm niên.
Thí dụ: một cán bộ đã giữ các chức trách trong thời gian cụ thể như sau:
- Ủy viên Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh từ 1/2/1949 đến hết năm 1952: 3 năm 11 tháng 0 ngày
- Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh từ 1/1/1953 đến hết tháng 4/1954: 1 năm 4 tháng
- Bị giáng chức xuống Ủy viên Ủy ban Kháng chiến hành chính huyện từ 1/5/1954 và giữ chức này đến 20/7/1954: 2 tháng 20 ngày
Cộng: 5 năm 5 tháng 20 ngày
Người ấy không được thưởng huân chương Kháng chiến hạng nhì ở chức Chủ tịch Ủy ban tỉnh, cũng không được thưởng theo chức liền dưới là Ủy viên Ủy ban tỉnh, mà chỉ được thưởng huân chương Kháng chiến hạng ba ở chức Ủy viên Ủy ban Kháng chiến hành chính huyện là chức vụ được giữ sau khi bị giáng chức. Thâm niên được tính ở chức này là 5 năm 5 tháng 20 ngày.
9. Đối với những người giữ những chức trách không nói trong điều lệ, việc khen thưởng căn cứ vào bảng quy định khen thưởng tương đương kèm theo thông tư này.
10. Đối với cán bộ làm công tác nghiên cứu, việc xét khen thưởng do cơ quan quyết định căn cứ vào:
a) Các chức vụ đã giữ trước khi làm công tác này (nếu có).
b) Thâm niên công tác kháng chiến và thời gian làm công tác nghiên cứu.
c) Trình độ năng lực của người ấy đối với các công tác đã phụ trách.
d) Quan hệ ngang với cán bộ nghiên cứu khác cùng công tác trong thời kỳ kháng chiến và với những người được khen thưởng theo tiêu chuẩn chức vụ.
e) Cán bộ nghiên cứu không thể được khen thưởng cao hơn mức định cho chức vụ của cán bộ phụ trách đơn vị công tác của mình.
Đối với những người đã giữ những chức vụ thì việc xét khen thưởng căn cứ trước tiên vào những chức vụ ấy tính đến ngày 20/7/1954, nhưng đồng thời cũng có dựa vào các điểm b, c, d để định mức độ khen thưởng cho thích đáng.
Còn đối với những người chưa giữ chức vụ nào thì khi xét phải vận dụng các điểm b, c và d.
2. Thời gian chuyên hoạt động phục vụ kháng chiến.
Thời gian chuyên hoạt động phục vụ kháng chiến tức là thâm niên công tác biểu hiện sự thử thách, tôi luyện và tinh thần bền bỉ trong công tác cũng như sự đóng góp tích cực của người cán bộ, công nhân, viên chức cho kháng chiến.
1. Thời gian chuyên hoạt động phục vụ kháng chiến bao gồm các thời gian đảm nhiệm các công tác thoát ly từ huyện trở lên và thời gian đảm nhiệm các chức vụ ở xã nằm trong diện khen thưởng, không kể thời gian gián đoạn như là:
- Đối với các chức vụ bầu: đã không được bầu lại sau khi hết nhiệm kỳ.
- Đối với các chức vụ khác: đã được phép nghỉ công tác một thời gian vì việc riêng, đã phải ngừng công tác vì mất liên lạc, đã tự ý bỏ công tác nhưng sau lại được tiếp tục, đã bị đình chỉ công tác tạm thời vì kỷ luật.
2. Thời gian được nghỉ công tác vì ốm đau hoặc để dự các lớp học tập, và thời gian được phép nghỉ việc vì lý do chính đáng mà vẫn được hưởng lương thì được tính vào thời gian chuyên hoạt động phục vụ kháng chiến.
Nhân viên các cơ quan có thời gian được chỉ định cho đi học ở các trường, lớp văn hóa hay chuyên môn trong một thời gian trên 18 tháng chỉ được xét thưởng nếu đã tham gia công tác thoát ly được quá nửa thời gian tối thiểu quy định để được khen thưởng, tức là:
- 3 năm 6 tháng, đối với việc thưởng huân chương Kháng chiến hạng 3.
- 2 năm 6 tháng, đối với việc thưởng huy chương Kháng chiến hạng nhất.
- 1 năm 6 tháng, đối với việc thưởng huy chương Kháng chiến hạng nhì.
Chú ý:
1. Trong việc tính thâm niên chức vụ và thâm niên tham gia kháng chiến, nếu đối với một số trường hợp cá biệt cần phải tính ra ngoài các mốc thời gian chung định trên đây để đủ điều kiện được khen thưởng thì có thể được tính từ ngày đã thực sự tham gia chiến đấu khi thực dân Pháp gây hấn ở một số địa phương trước ngày toàn quốc kháng chiến, hoặc được tính đến ngày chính thức ngưng bắn ở một số nơi ở miền Nam, sau ngày 20/7/1954.
2. Trong việc ghi ngày và tính các thời gian giữ chức vụ, thời gian ốm đau, thời gian nghỉ việc v.v… về nguyên tắc phải ghi và tính từng năm, từng tháng và từng ngày. Nếu không nhớ rõ ngày thì có thể ghi tháng và năm, và khi tính thì kể từ đầu tháng. Thí dụ: một người khai: từ tháng 4/1950 đến tháng 8/1953 làm Ủy viên Ủy ban Kháng chiến hành chính xã, người ấy được coi như giữ chức vụ này từ ngày 1/4/1950 và thôi giữ từ ngày 1/8/1953, nghĩa là thời gian làm Ủy viên tính từ 1/4/1950 đến 31/7/1953, tức là 3 năm 4 tháng.
Khi vận dụng các tiêu chuẩn về thời gian giữ chức vụ và thời gian chuyên hoạt động phục vụ kháng chiến, nếu thiếu không đến một tháng thì tùy từng trường hợp có thể châm chước.
Thời gian công tác của những người đã thực sự tham gia kháng chiến từ khi còn ít tuổi (dưới 18 tuổi) được tính để xét thưởng.
3. Điều kiện tích cực và liên tục công tác đến ngày 20/7/1954:
1. Tích cực và liên tục công tác đến ngày 20/7/1954 nghĩa là đã thường xuyên đảm nhiệm những trách nhiệm nhất định không có thời gian bị gián đoạn.
Đặc biệt những trường hợp dưới đây cũng được xét thưởng:
a) Cán bộ, công nhân, viên chức công tác thoát ly, cán bộ xã nằm trong diện được khen thưởng và thanh niên xung phong chuyên phục vụ kháng chiến được thôi công tác trước ngày 20/7/1954 vì bị bệnh tật, già yếu không còn đủ sức khỏe để tiếp tục công tác.
b) Người thôi việc ở các trường hợp khác (như vì chấn chỉnh tổ chức cơ quan, không được bầu vào các chức vụ cũ nữa hoặc vì có sự phân công lại trong tổ chức) mà từ đó đến nay vẫn chấp hành đúng các chính sách và luật lệ của Nhà nước, làm đầy đủ các nghĩa vụ công dân của mình.
c) Phụ nữ đã phải nghỉ công tác một thời gian không quá 18 tháng vì chửa đẻ, nuôi em bé.
Tuy nhiên, những người ở trong 3 trường hợp trên đây chỉ được khen thưởng nếu tính đến ngày thôi việc hoặc thôi giữ những chức vụ trong diện được khen thưởng đã có đủ điều kiện để được khen thưởng như quy định trong điều lệ.
2. Cán bộ chỉ huy và đội viên du kích phải là những người đã thiết thực và liên tục hoạt động trong kháng chiến như: luôn luôn tích cực tham gia sinh hoạt, học tập, tập luyện của đội, làm tròn nhiệm vụ tuần phòng, canh gác, bảo vệ an ninh thôn xóm, tham gia chiến đấu chống địch khi địch đến, nói chung đã làm tròn nhiệm vụ trên giao cho.
Đối với những người đã thôi hoạt động trong tổ chức du kích trước ngày 20/7/1954, việc xét khen thưởng cũng theo các điều quy định ở điểm 1 trên đây.
4. Điều kiện không phạm sai lầm lớn từ ngày tham gia kháng chiến cho đến nay:
Những người được khen thưởng phải là người không phạm những sai lầm lớn không những trong thời kỳ kháng chiến, mà kể cả từ ngày hòa bình lập lại đến nay.
1. Điều lệ chỉ loại trừ những người sai lầm lớn tức là những sai lầm làm tổn thương nhiều đến lợi ích của nhân dân, đến uy tín của Đảng, của chính quyền, của cách mạng.
2. Những trường hợp dưới đây thì không được khen thưởng:
- Bị tước quyền công dân (Về các trường hợp mất quyền công dân, xem thông tư giải thích của Liên Bộ Nội vụ - Công an – Tư pháp số 80 TT/LB ngày 6/12/1958 đăng trong Công báo 1958 số 11. Tr.7/2) (1)
- Có hành động phản bội, đầu hàng, làm tay sai cho dịch.
- Bị thải hồi.
3. Đối với những trường hợp phạm sai lầm trong khi thực hiện nhiệm vụ mà đã bị thi hành kỷ luật của chính quyền hoặc đoàn thể từ cảnh cáo trở lên thì sẽ tùy theo tính chất sai lầm nặng hay nhẹ và thái độ hối cải của người đã phạm sai lầm mà xét định khen thưởng theo đúng mức của tiêu chuẩn, theo mức thấp hơn, hoặc không khen.
4. Đối với những người bị buộc phải thôi việc sau ngày hòa bình lập lại thì sẽ tùy theo sự đóng góp của họ trước đây cho kháng chiến, tính chất của sai lầm và thái độ của họ sau khi bị buộc phải thôi việc mà khen thưởng theo mức thấp hơn hoặc không khen.
5. Đối với những người đã bị tòa án xử phạt tù thì nói chung không khen thưởng. Riêng đối với những người đã mãn hạn tù mà sau lại được tiếp tục công tác thì sẽ căn cứ vào tính chất của sai lầm đã phạm, thái độ hối cải của người phạm lỗi trong thời gian ở tù cũng như thời gian công tác về sau mà xét định khen thưởng có thể không khen hoặc khen thưởng mức thấp hơn.
6. Những người trong thời kỳ kháng chiến đã tự ý bỏ công tác nhưng sau lại được tiếp tục công tác cho đến 20/7/1954 thì được xét theo tiêu chuẩn chung, nhưng thường thấp hơn một bậc. Thời gian phục vụ trước khi nghỉ được cộng vào thời gian phục vụ sau khi nghỉ để tính niên hạn; còn thời gian nghỉ việc thì không được tính. Nếu đã nghỉ quá 1 năm thì không được tính thời gian trước khi bỏ việc.
7. Đối với những người có đủ tiêu chuẩn để được xét khen thưởng, nhưng trong kháng chiến vì bị ép buộc hoặc bị lừa phỉnh mà đã có thời gian làm ngụy quân, ngụy quyền, nếu những người ấy không có tội ác đối với nhân dân, không làm hại kháng chiến và được nhân dân đồng tình thì cũng được xét thưởng.
8. Những người từ hòa bình lập lại đã có những thái độ xấu như bất mãn, không tuân theo kỷ luật, mà sau đã có nhiều cố gắng sửa chữa thì được xét khen thưởng. Trường hợp chưa sửa chữa thì hoãn xét khen thưởng, tiếp tục giáo dục và đề nghị khen thưởng sau, khi nào xứng đáng.
5. Đối với những người công tác ở vùng hậu địch.
Niên hạn công tác ở vùng hậu địch được tính ngắn hơn ở vùng tự do để chiếu cố đến hoàn cảnh công tác khó khăn nguy hiểm của cán bộ, công nhân, viên chức ở các vùng ấy. Vùng du kích và vùng tạm bị chiếm đều coi là vùng hậu dịch.
Ủy ban hành chính các tỉnh sẽ căn cứ vào các quy định chung mà xác định cụ thể các vùng trong địa phương mình được coi là vùng hậu địch trong thời kỳ kháng chiến để làm công tác khen thưởng này.
1. Thời gian công tác ở vùng hậu địch tính từ ngày bắt đầu công tác ở vùng bị địch tạm chiếm hoặc vùng du kích (hoặc từ ngày vùng đang công tác bị địch chiếm đóng) đến ngày chuyển sang công tác ở vùng tự do (hoặc ngày vùng đang công tác được giải phóng).
2. Nếu thời gian công tác ở vùng hậu địch không đủ để được xét thưởng theo tiêu chuẩn riêng định cho cán bộ vùng hậu địch thì được tính như sau:
- Nếu đã ở vùng hậu địch được một nửa thời gian định ở điều lệ thì được quy thời gian công tác hậu địch ra thời gian công tác ở vùng tự do để xét thưởng theo tiêu chuẩn đã định đối với người công tác ở vùng tự do. Tỷ lệ quy thời gian này căn cứ vào niên hạn ở vùng hậu địch và niên hạn ở vùng tự do cho chức vụ đã giữ. Thí dụ:
Một Chủ tịch UBKCHC xã đã công tác ở vùng do được 1 năm 9 tháng và ở hậu địch được 2 năm 3 tháng. Niên hạn quy định đối với Chủ tịch xã để được thưởng huân chương Kháng chiến hạng 3 là 5 năm công tác ở vùng tự do hoặc 3 năm công tác ở hậu địch. Như vậy tỷ lệ quy thời gian ở vùng hậu địch ra thời gian ở vùng tự do là 5/3 (3 tháng ở hậu địch bằng 5 tháng ở vùng tự do).
Người Chủ tịch nói trên đã quá nửa niên hạn hậu địch là 1 năm 6 tháng thì được quy thời gian đã ở hậu địch là 2 năm 3 tháng (27 tháng) ra thời gian ở vùng tự do theo tỷ lệ 5/3 là:
= 45 tháng tức là 3 năm 9 tháng
Tổng cộng thời gian ở vùng tự do được tính là
1 năm 9 tháng 3 năm 9 tháng |
5 năm 9 tháng |
Như vậy, đồng chí Chủ tịch xã nói trên được thưởng huân chương Kháng chiến hạng 3.
- Nếu ở vùng hậu địch chưa được nửa thời gian định ở điều lệ thì không được quy tỷ lệ thời gian như trường hợp trên.
Thời gian công tác ở hậu địch sẽ cộng vào thời gian công tác ở vùng tự do để xét thưởng theo tiêu chuẩn chung.
3. Những người đang công tác ở vùng hậu địch mà ở trong những trường hợp sau đây:
- Được cử ra vùng tự do để dự hội nghị hoặc học tập;
- Bị thương, bị đau ốm mà được ra vùng tự do để điều trị;
- Bị địch gây ép mà được cấp trên cho tạm lánh ra vùng tự do;
Nếu sau đó lại trở về tiếp tục công tác ở vùng hậu địch thì thời gian ở vùng tự do được tính như thời gian công tác ở vùng hậu địch.
Nếu liền sau đó không trở lại công tác ở vùng hậu địch nữa thì thời gian công tác ở vùng hậu địch chỉ tính đến ngày bắt đầu ra vùng tự do.
4. Theo điều lệ những người thuộc diện thưởng huân chương Kháng chiến hạng 3 và huy chương Kháng chiến mà có thời gian công tác ở vùng hậu địch được áp dụng những tiêu chuẩn riêng về thời gian giữ chức vụ và thời gian chuyển hoạt động phục vụ kháng chiến.
Đối với cán bộ cấp khu, tỉnh và Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính huyện và Ủy viên Thường vụ huyện ủy thuộc diện thưởng huân chương Kháng chiến hạng nhất và hạng nhì có thời gian hoạt động ở vùng hậu địch trong thời kỳ kháng chiến, nay mở rộng việc áp dụng những tiêu chuẩn riêng về thâm niên chức vụ và thâm niên kháng chiến như sau:
a) Đối với cán bộ mà điều lệ quy định thời gian hoàn thành chức trách là 1 năm và thời gian chuyên hoạt động phục vụ kháng chiến là 5 năm thì thời gian chuyên hoạt động phục vụ kháng chiến được rút xuống 3 năm nếu là ở hậu địch.
b) Đối với cán bộ mà điều lệ quy định thời gian hoàn thành chức trách là 5 năm và thời gian chuyên hoạt động phục vụ kháng chiến là 5 năm thì thời gian hoàn thành chức trách được rút xuống 3 năm nếu là ở hậu địch.
1. Những quân nhân đã có thời gian công tác ở các ngành dân chính, hoặc ở các tổ chức du kích nói trên đây đều được xét khen thưởng theo các chức vụ và thời gian đã hoạt động phục vụ kháng chiến ở các ngành dân, chính và các tổ chức du kích ấy.
2. Những quân nhân được phép thoát ly quân ngũ để tham gia công tác ở các ngành dân, chính mà không đủ điều quy định trong sắc lệnh số 054-SL ngày 2/2/1958 để được thưởng huân chương hoặc huy chương Chiến thắng, thì thời gian công tác trong quân đội được cộng vào thời gian công tác ở ngành dân, chính để tính thời gian hoạt động phục vụ kháng chiến.
7. Đối với những người đã bị địch bắt
Những người trong khi công tác hoặc chiến đấu bị địch bắt mà đã được xác minh là trong thời gian bị cầm tù không hàng phục, không làm chỉ điểm, gián điệp cho địch, không làm điều gì có hại cho kháng chiến, thì thời gian bị địch cầm tù được tính như là thời gian chuyên hoạt động phục vụ kháng chiến, về thời gian giữ chức vụ thì chỉ tính đến ngày bị bắt.
Đối với những người trong khi bị cầm tù đã tích cực tham gia hoạt động chống địch và có nhiều thành tích thì thời gian bị tù được tính như thời gian giữ chức vụ trước khi bị bắt.
8. Đối với cán bộ là địa chủ kháng chiến
Những người có đủ tiêu chuẩn để được khen thưởng mà là địa chủ kháng chiến, nếu đã được thay đổi thành phần thì được xét khen thưởng, nếu chưa được thay đổi thành phần thì nhân dịp này sẽ được xét việc thay đổi thành phần và khen thưởng. Người nào chưa được thay đổi thành phần thì hoãn việc xét thưởng.
9. Đối với người bị tàn phế vì chiến đấu hoặc vì bị tai nạn trong khi làm nhiệm vụ.
Nếu người ấy không còn khả năng lao động thì được coi như vẫn tham gia kháng chiến, thời gian hoàn thành chức trách và thời gian chuyên hoạt động phục vụ kháng chiến cũng được tính đến ngày 20/7/1954.
Nếu người ấy còn khả năng lao động nhưng không thể tiếp tục công tác được thì được coi như liên tục tham gia kháng chiến nhưng thời gian giữ chức vụ chỉ tính đến ngày thôi công tác.
10. Đối với những người đã từ trần và người mất tích.
1. Những người đã từ trần và có đủ các tiêu chuẩn thì được truy tặng huân chương hoặc huy chương.
Đối với những người đã từ trần trong thời kỳ kháng chiến thì khen thưởng căn cứ vào thời gian hoàn thành chức trách và thời gian chuyên hoạt động phục vụ kháng chiến tính đến ngày từ trần.
2. Riêng đối với tử sĩ và liệt sĩ thì xét khen thưởng như sau: thời gian hoàn thành chức trách và thâm niên phục vụ kháng chiến được tính tới ngày 20/7/1954.
Tử sĩ, liệt sĩ hy sinh vì chiến đấu với thực dân Pháp khi chúng gây hấn ở một số địa phương trước ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946) cũng được xét truy tặng huân chương hoặc huy chương.
Về định nghĩa liệt sĩ và tử sĩ, xem điều lệ về ưu đãi gia đình liệt sĩ ban hành ngày 27/7/1956 (Công báo 1956 số 29 tr 270). Thông tư Bộ Thương binh số 59-TB ngày 17/10/1956 (Công báo 1956 số 38 tr 379), Thông tư Bộ Nội vụ số 5815-TB/LS4 ngày 19/10/1959 (Công báo 1959 số 45 tr 764) và Chỉ thị Bộ Nội vụ số 10-NV/TB ngày 25/2/1960 (Công báo 1960 số 10 tr 110).
3. Những người đã được chính quyền công nhận là mất tích trong khi đang công tác thì được coi như là người đã từ trần trong việc xét truy tặng huân chương hoặc huy chương cho gia đình.
11. Đối với những người trước đây đã được tặng huân chương về thành tích kháng chiến.
1. Những người đã được thưởng huân chương các loại trong thời kỳ kháng chiến về thành tích kháng chiến đột xuất thì nay được thưởng thêm huân chương hoặc huy chương về thành tích tổng kết giai đoạn kháng chiến.
2. Những người đã được thưởng huân chương Kháng chiến về thành tích kháng chiến sau ngày hòa bình lập lại, nếu theo tiêu chuẩn khen thưởng tổng kết mà được thưởng cao hơn thì được thưởng huân chương mới và phải trả lại huân chương cũ, nếu được thưởng đúng như cũ, hoặc thấp hơn thì được giữ huân chương cũ.
3. Những người đã được thưởng huân chương Lao động về thành tích kháng chiến sau ngày hòa bình lập lại thì được đổi lấy huân chương Kháng chiến, nếu không muốn đổi lấy huân chương Kháng chiến thì vẫn được giữ huân chương Lao động, nhưng không được thưởng thêm huân chương Kháng chiến khác.
4. Những người đã được thưởng huân chương Độc lập về thành tích kháng chiến sau ngày hòa bình lập lại thì coi như là đã được thưởng về thành tích đặc biệt và được thưởng thêm huân chương hoặc huy chương Kháng chiến về thành tích tổng kết theo quy định chung.
IV. TỔ CHỨC VÀ LÃNH ĐẠO KHEN THƯỞNG
1. Theo điều lệ, việc tặng thưởng các loại huân chương do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định và việc tặng thưởng các hạng huy chương do Hội đồng Chính phủ quyết định.
2. Việc xét thưởng sẽ căn cứ chủ yếu vào bản tự khai quá trình tham gia kháng chiến của mỗi người sau khi đã được giải thích rõ về mục đích, ý nghĩa, nội dung chính sách và yêu cầu của công tác khen thưởng này.
Những người nào khai man không đúng sự thật, nếu sau này phát hiện ra thì ngoài việc thu hồi huân chương, huy chương sẽ còn bị thi hành kỷ luật.
3. Các Bộ, các Ủy ban hành chính các cấp, thủ trưởng các cơ quan Nhà nước, đoàn thể và xí nghiệp có nhiệm vụ chỉ đạo và thực hiện công tác khen thưởng tổng kết giai đoạn kháng chiến.
Các Bộ và các Ủy ban hành chính tỉnh, khu, thành phố được ủy nhiệm thẩm xét lần cuối cùng các đề nghị thưởng huy chương Kháng chiến và huân chương Kháng chiến hạng 3.
4. Nay thành lập các Hội đồng khen thưởng trung ương và ở các cấp: bộ, khu, tỉnh, thành phố, huyện, xã và ở mỗi đơn vị cơ quan, xí nghiệp.
Nhiệm vụ và quyền hạn của các Hội đồng khen thưởng định như sau:
- Giúp chính quyền cùng cấp chỉ đạo thực hiện công tác khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến đúng chính sách và hoàn thành tốt trong một thời gian nhất định.
- Xét các đề nghị khen thưởng để trình cấp trên.
- Xét các đơn khiếu nại về việc khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến.
- Sơ kết, tổng kết công tác khen thưởng.
Thành phần Hội đồng khen thưởng các cấp định như sau:
a) Hội đồng khen thưởng trung ương:
- Một Phó Thủ tướng ........................................................................................... Chủ tịch
- Bộ trưởng Phủ Thủ tướng ................................................................................. Phó Chủ tịch
- Một đại diện Bộ Nội vụ ....................................................................................... Hội viên
- Một đại diện Bộ Lao động:.................................................................................. Hội viên
- Một đại diện Ban tổ chức trung ương:................................................................. Hội viên
- Một đại diện Ủy ban Dân tộc trung ương:............................................................. Hội viên
- Một đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ chức trung ương:............................................... Hội viên
- Một đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam :................................................. .Hội viên
- Một đại diện Ban Chấp hành trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam:....... Hội viên
- Một đại diện Ban Chấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam:........................................ Hội viên
Viện Huân chương làm nhiệm vụ Thư ký của Hội đồng.
b) Hội đồng khen thưởng ở cấp Bộ và các cơ quan ngang Bộ.
- Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng, thủ trưởng cấp tương đương ở cơ quan ngang Bộ ...... Chủ tịch
- Đại diện Đảng ủy cơ quan..................................................................................... Hội viên
- Đại diện Công đoàn (Công đoàn cơ quan hoặc Công đoàn ngành đọc)....................... Hội viên
- Đại diện Vụ Tổ chức cán bộ ................................................................... Hội viên kiêm thư ký
c) Hội đồng khen thưởng các cấp địa phương (tỉnh, khu, thành phố, huyện, xã)
- Đại diện Ủy ban hành chính.................................................................... Chủ tịch
- Đại diện Ban Tổ chức của Đảng bộ ........................................................ Hội viên
- Đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc của địa phương ................................... Hội viên
- Đại diện các đoàn thể Công đoàn, Thanh niên, Phụ nữ (mỗi đoàn thể một người).......... Hội viên
- Đại diện Ban chỉ huy tổ chức dân quân (Tỉnh đội, Khu đội, Thành đội, Huyện đội, Xã đội) .... Hội viên
- Đại diện Phòng, bộ phận, hoặc cán bộ phụ trách công tác tổ chức cán bộ…Hội viên kiêm thư ký
d) Hội đồng khen thưởng ở mỗi đơn vị cơ quan, xí nghiệp:
- Thủ trưởng hoặc phó thủ trưởng cơ quan ............................................... Chủ tịch
- Đại diện cấp ủy Đảng............................................................................. Hội viên
- Đại diện công đoàn................................................................................ Hội viên
- Cán bộ phụ trách công tác tổ chức cán bộ .............................................. Hội viên kiêm thư ký
(Hội đồng khen thưởng các cấp ở mỗi đơn vị, cơ quan có thể có thêm hội viên và cử ra một Phó Chủ tịch để giúp Chủ tịch khi vắng mặt).
Trên đây là những điều giải thích và hướng dẫn thực hiện chung. Trong quá trình thi hành, các Bộ và Ủy ban thấy có những điểm gì chưa được sát còn thiếu sót thì xin phản ánh ngay lên Phủ Thủ tướng để nghiên cứu sửa chữa hoặc bổ sung.
Ngoài ra nếu các Bộ và Ủy ban thấy còn có những trường hợp cá biệt xét đáng được khen thưởng mà chưa được quy định thì xin báo cáo Phủ Thủ tướng biết.
KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
(Các chức vụ kê dưới đây là chức vụ giữ trong thời kỳ kháng chiến)
1. Được khen thưởng theo tiêu chuẩn áp dụng với Chủ tịch, Phó Chủ tịch khu:
Chánh, Phó văn phòng Phủ Chủ tịch, Phủ Thủ tướng.
Chánh, Phó văn phòng Trung ương Đảng.
Chánh, Phó ban và Ủy viên các Ban của Trung ương Đảng.
Ủy viên thường vụ Ban chấp hành trung ương các đoàn thể.
2. Được khen thưởng theo tiêu chuẩn áp dụng đối với Ủy viên Ủy ban Kháng chiến hành chính khu:
Chánh, Phó văn phòng các Bộ.
Chánh, Phó giám đốc Nha, Vụ, Viện, Trường Đại học thuộc Bộ.
Chánh, Phó văn phòng Ủy ban Kháng chiến hành chính khu.
Chánh, Phó giám đốc khu chuyên môn.
Chánh án, Phó chánh án, Phó biện lý, Công tố Ủy viên Tòa án nhân dân khu.
Ủy viên chuyên trách Ban chấp hành trung ương của các đoàn thể.
Chánh, Phó văn phòng, Trưởng, Phó ban và Ủy viên các Ban của Khu ủy
Chánh, Phó văn phòng, Trưởng, Phó ban của Ban chấp hành trung ương các đoàn thể.
Ủy viên thường vụ Ban chấp hành cấp khu của các đoàn thể.
Trưởng, Phó phòng nghiệp vụ, nghiên cứu của các Văn phòng Bộ.
Nha, Vụ, Viện và khu chuyên môn,
Trưởng, Phó phòng Hành chính quản trị của văn phòng Bộ.
Giáo sư đại học Trưởng, Phó phòng nghiệp vụ của Văn phòng ủy ban Kháng chiến hành chính khu.
Chánh, Phó văn phòng, Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh.
Thẩm phán Tòa án nhân dân khu.
Chánh án, Phó chánh án; Chánh, Phó biện lý, Công tố ủy viên, Thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh.
Trưởng, Phó ty ở tỉnh.
Giám đốc bệnh viện tỉnh, Bác sĩ, Kỹ sư làm công tác nghiệp vụ.
Hiệu trưởng, Giáo sư Trường phổ thông cấp III.
Phó văn phòng Ban chấp hành trung ương của các đoàn thể.
Chánh, Phó văn phòng, Trưởng, Phó ban chuyên môn cấp khu của các đoàn thể.
Ủy viên chuyên trách Ban chấp hành cấp khu của các đoàn thể.
Chánh, Phó văn phòng tỉnh ủy.
Trưởng, Phó ban Ủy viên các Ban thuộc tỉnh ủy.
Ủy viên thường vụ Ban chấp hành cấp tỉnh của các đoàn thể.
4. Được khen thưởng theo tiêu chuẩn áp dụng với Ủy viên Ủy ban Kháng chiến hành chính huyện
Trưởng, Phó phòng Hành chính quản trị của Ủy ban Kháng chiến hành chính khu, của Nha, Vụ, Viện khu chuyên môn, Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh.
Trưởng, Phó phòng nghiệp vụ Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh.
Trưởng, Phó phòng của Ty ở tỉnh.
Chánh, Phó văn phòng của Ủy ban Kháng chiến hành chính huyện.
Trưởng, Phó các ngành ở huyện.
Thẩm phán Tòa án nhân dân huyện.
Ủy viên chuyên trách Ban chấp hành cấp tỉnh của các đoàn thể.
Chánh, Phó văn phòng các đoàn thể tỉnh.
Cán bộ huyện phụ trách toàn diện vùng hoặc xã trong huyện.
Chánh, Phó văn phòng huyện ủy.
Trưởng, Phó các ban thuộc huyện ủy.
Phó bí thư các đoàn thể huyện.
Cán bộ chuyên môn trung cấp của các ngành.
Hiệu trưởng và giáo viên trường phổ thông cấp II.
Ủy viên thường vụ và Ủy viên chuyên trách Ban chấp hành cấp huyện của các đoàn thể.
Cán sự ngành và cán sự của các đoàn thể phụ trách vùng thuộc huyện.
Được khen thưởng theo tiêu chuẩn áp dụng với Ủy viên thường vụ ban chấp hành các đoàn thể xã.
Trưởng, Phó Ban thông tin xã.
Trưởng, Phó ban bình dân học vụ xã.
Trưởng thôn
Tổ trưởng Đảng
Đối với các Ban khác như Ban Kinh tài, Ban Địch vận, Ban Tôn giáo… thì:
- Trưởng ban được xét thưởng theo tiêu chuẩn quy định cho ủy viên Ủy ban Kháng chiến hành chính các cấp.
- Phó ban và ủy viên được xét thưởng theo tiêu chuẩn quy định cho ủy viên Ủy ban Kháng chiến hành chính cấp liền dưới.
NHỮNG TRƯỜNG HỢP MẤT QUYỀN CÔNG DÂN
Theo nguyên tắc hiện hành, những công dân sau đây bị tước quyền công dân:
1. Những người phạm tội phản cách mạng như là: Việt gian phản động, địa chủ cường hào gian ác, địa chủ và tay sai chống phá pháp luật; người vì mục đích phá hoại phạm tội phá hoại tài sản của Nhà nước, hợp tác xã và nhân dân, phá hoại việc thực hiện chính sách, kế hoạch Nhà nước; người đang bị quản chế vì hành vi phản cách mạng.
2. Những người phạm tội hình sự thường: người bị xử phạt tù hiện đang ở tù; người đang bị quản chế vì tội hình sự thường; người bị xử phạt tù trong bản án có tuyên bố mất quyền công dân; người can tội hình sự thường thuộc loại nghiêm trọng bị phạt từ 5 năm tù trở lên;
Nói chung tất cả những phạm nhân kể trên, kể cả người đang chịu án hoặc đã mãn án nhưng chưa được tòa án cho khôi phục công quyền thì chưa được sử dụng quyền công dân.
Những người phạm tội và bị xử phạt trước ngày 9/10/1954 đều được đại xá và được khôi phục công quyền. Riêng mấy loại phạm nhân sau đây không được đại xá là: địa chủ cường hào gian ác, bọn có nhiều nợ máu với nhân dân, bọn côn đồ chưa thực sự cải tạo.
(Theo Thông tư Liên Bộ Nội vụ - Công an – Tư pháp số 80-TT/LB ngày 6/12/1958)
- 1 Chỉ thị 10-NV/TB năm 1960 về phổ biến rộng rãi tiêu chuẩn liệt sĩ trong cán bộ và nhân dân, hoàn thành tốt việc xác nhận và ghi công liệt sĩ do Bộ Nội vụ ban hành
- 2 Thông tư 5815-TB/LS4 năm 1959 về việc giúp đỡ gia đình liệt sĩ, tử sĩ do Bộ Nội Vụ ban hành.
- 3 Thông tư 80-TT/LB năm 1958 về các trường hợp mất quyền bầu cử, ứng cử do Bộ Nội Vụ- Bộ Công An- Bộ Tư Pháp ban hành
- 4 Thông tư 59-TB-SL5 năm 1956 giải thích và hướng dẫn thi hành Điều lệ ưu đãi gia đình liệt sĩ do Bộ Thương binh ban hành