Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 16/2001/TT-BGTVT

Hà Nội, ngày 05 tháng 9 năm 2001

THÔNG TƯ

CỦA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI SỐ 16/2001/TT-BGTVT NGÀY 05 THÁNG 9 NĂM 2001 HƯỚNG DẪN MỘT SỐ ĐIỂM VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH ĐỐI VỚI HÀNH VI VI PHẠM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ VÀ TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐÔ THỊ

Căn cứ Nghị định số 36/2001/NĐ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2001 của Chính phủ về việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị;
Căn cứ Điều 21 Nghị định số 39/2001/NĐ-CP ngày 13 tháng 7 năm 2001 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị;
Để lực lượng Thanh tra giao thông đường bộ thực hiện nhiệm vụ theo đúng thẩm quyền đã được quy định trong Nghị định số 39/2001/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan được áp dụng thống nhất trong cả nước, Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn một số điểm sau đây:

I- Các hành vi vi phạm mà Nghị định số 39/2001/NĐ-CP quy định cho lực lượng Thanh tra giao thông đường bộ có thẩm quyền xử phạt.

1- Về nguyên tắc Thanh tra giao thông đường bộ chỉ xem xét, xử lý các hành vi vi phạm của người tham gia giao thông quy định tại Điều 21 Nghị định số 39/2001/NĐ-CP ngày 13 tháng 7 năm 2001 ở những nơi, những điểm giao thông tĩnh như bến xe, trạm cân xe, nhà ga, bến cảng hoặc tại nơi mà phương tiện đang dừng, đỗ, đậu. Thanh tra giao thông đường bộ không dừng phương tiện giao thông đường bộ để kiểm tra, việc dừng phương tiện giao thông đường bộ đang lưu hành để kiểm tra, kiểm soát chỉ được thực hiện trong trường hợp phát hiện rõ vi phạm có thể gây tác hại cho công trình giao thông và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. Nghiêm cấm mọi hành vi lạm dụng nhiệm vụ , quyền hạn của Thanh tra giao thông đường bộ để gây phiền hà, sách nhiễu đối với người điều khiển phương tiện.

2- Hướng dẫn một số điểm mới về xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Nghị định số 39/2001/NĐ-CP thuộc thẩm quyền của Thanh tra giao thông đường bộ.

a- Đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều 9, Thanh tra giao thông đường bộ chỉ xử lý người điều khiển xe thô sơ, xe súc vật kéo, xe do người kéo, đẩy chở hàng cồng kềnh vượt quá quy định; dừng, đỗ trên đường, hè phố mà pháp luật không cho phép dừng, đỗ và các điểm giao thông tĩnh khác gây cản trở đến giao thông; xếp dỡ hàng hoá gây tiếng động lớn từ 22 giờ đến 5 giờ; chở vật liệu, chất phế thải để rơi vãi trên đường giao thông, làm mất vệ sinh đô thị. Dùng xe đẩy làm quầy hàng lưu động trên đường trái quy định làm cản trở giao thông.

b- Đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 13, Thanh tra giao thông đường bộ chỉ được xử lý việc dừng xe, đỗ xe không đúng quy định như : xe đỗ ngoài bến, đón, trả khách không đúng nơi quy định hoặc xe dừng, đỗ trên các điểm gây hại đến công trình giao thông, nơi có báo hiệu cấm dừng, đỗ làm khuất tầm nhìn gây nguy hiểm cho các phương tiện khác.

c- Đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm e Khoản 4 Điều 13, Thanh tra giao thông đường bộ chỉ được xử lý khi người hướng dẫn giao thông là nhân viên giao thông đường bộ có phù hiệu, báo hiệu tại những nơi phải có sự hướng dẫn cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ như tại bến phà, bến cảng, nhà ga, bến xe, điểm đỗ đậu xe, tại các nơi đang sửa chữa, thi công các công trình giao thông, tại trạm cân kiểm tra tải trọng xe.

d- Đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm k Khoản 4, điểm c, d, đ khoản 5 Điều 13, Thanh tra giao thông chỉ tiến hành kiểm tra xử lý tại điểm xe dừng, đỗ trên đường, tại bến xe, trạm cân kiểm tra tải trọng xe, nhà ga, bến cảng. Riêng khi kiểm tra mà phát hiện hành vi điều khiển xe không có đăng ký, không chuyển vùng theo quy định của pháp luật, thì Thanh tra giao thông đường bộ xử lý và phải thông báo ngay cho cơ quan Công an biết.

đ- Đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a và điểm b Khoản 2 Điều 14, Thanh tra giao thông đường bộ cũng chỉ được xử lý khi xe đang ở trong bến, bãi hoặc khi xe đang dừng, đang đỗ trên đường.

e- Đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều 19, Thanh tra giao thông xử lý các hành vi quy định tại các Khoản: 2, 3, 5, 6 liên quan đến trật tự an toàn của người, phương tiện và công trình giao thông. Riêng Khoản 1 Điều 19 Thanh tra giao thông đường bộ chỉ được xử lý các vi phạm tại những nơi nhân viên giao thông đường bộ được giao nhiệm vụ hướng dẫn giao thông mà không có Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ.

II- Tổ chức thực hiện.

Bộ Giao thông vận tải giao cho Cục Đường bộ Việt nam và các Sở Giao thông vận tải, Sở giao thông công chính phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra lực lượng

Thanh tra giao thông đường bộ thực hiện đúng quy định của Thông tư này và các văn bản trước đây có liên quan đến thẩm quyền xử phạt của Thanh tra giao thông đường bộ.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc các cơ quan, đơn vị và cá nhân cần phản ánh kịp thời về Bộ để xem xét, giải quyết.

Phạm Thế Minh

(Đã ký)