Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO
VÀ DU LỊCH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/2018/TT-BVHTTDL

Hà Nội, ngày 14 tháng 03 năm 2018

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHUYÊN MÔN VỀ TIÊU CHUẨN TRỌNG TÀI, GIÁM SÁT, CƠ SỞ VẬT CHẤT, TRANG THIẾT BỊ NHÂN VIÊN CHUYÊN MÔN CỦA DOANH NGHIỆP TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG ĐUA NGỰA ĐỂ KINH DOANH ĐẶT CƯỢC

Căn cứ Luật Thể dục, thể thao ngày 29 tháng 11 năm 2006;

n cứ Nghị định số 106/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định Điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao;

Căn cứ Khoản 4 Điều 74 Nghị định số 06/2017/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế;

Căn cứ Nghị định số 79/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao;

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư quy định chuyên môn về tiêu chuẩn trọng tài, giám sát, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân viên chuyên môn của doanh nghiệp tổ chức hoạt động đua ngựa để kinh doanh đặt cược.

Điều 1. Phạm vi Điều chỉnh

Thông tư này quy định chuyên môn về tiêu chuẩn trọng tài, giám sát, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân viên chuyên môn của doanh nghiệp tổ chức hoạt động đua ngựa để kinh doanh đặt cược.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Doanh nghiệp tổ chức hoạt động đua ngựa để kinh doanh đặt cược.

2. Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa tại Việt Nam.

Điều 3. Cơ sở vật chất

1. Kích thước đường đua

a) Đường đua thẳng có chiều dài ít nhất là 1.000m; chiều rộng ít nhất là 16m; có đoạn đường thẳng sau đích dài ít nhất là 200m để ngựa đua giảm dần tốc độ.

b) Đường đua khép kín có chiều dài ít nhất là 1.500m; chiều rộng ít nhất là 16m; phải có đoạn đường thẳng trước khi tiếp nối với đoạn đường vòng của đường đua dài ít nhất là 300m; bán kính của đoạn đường vòng dài ít nhất là 135m.

2. Mặt đường đua được phủ bằng cát hoặc trồng cỏ bảo đảm các yêu cầu sau:

a) Đối với mặt đường đua được phủ bằng cát, lớp cát phủ có độ dày ít nhất là 0,2m; hạt cát có đường kính từ 0,1mm đến 3mm; không lẫn vật thủy tinh, sắc, nhọn hoặc các vật khác có thể gây thương tích cho ngựa đua;

b) Đối với mặt đường đua bằng cỏ, loại cỏ được trồng là cỏ bermuda (có tên gọi khác là cỏ chỉ) hoặc cỏ lá gừng,

3. Hàng rào bảo vệ hai bên đường đua có chiều cao ít nhất là 0,8m, Khoảng cách từ hàng rào bảo vệ bên ngoài đường đua đến khu vực khán giả ít nhất là 10m.

4. Khu vực xuất phát

a) Khu vực xuất phát tại đường đua thẳng có chiều dài ít nhất là 60m; chiều rộng ít nhất là 30m.

b) Chuồng xuất phát được làm bằng vật liệu cứng; có chiều cao ít nhất là 3,8m; chiều rộng ít nhất là 0,82m; chiều dài ít nhất là 1,95m; có cửa xuất phát được Điều khiển tự động và bảo đảm khi có lệnh xuất phát của trọng tài đều được mở cùng một lúc.

5. Khu vực đích đến

a) Hệ thống camera kỹ thuật số chụp ảnh đích đến có khả năng chụp ít nhất 2.000 vạch trong 01 giây và ghép lại thành ảnh để xác định chính xác thành tích ngựa đua khi về đích.

b) Bảng điện tử hiển thị các thông số kết quả cuộc đua được đặt ở vị trí bảo đảm trọng tài, giám sát và khán giả dễ quan sát; có chiều rộng ít nhất là 01m; chiều dài ít nhất là 3,5m.

c) Gương soi đích đến được đặt vuông góc với vạch đích đến và đối diện với camera chụp ảnh đích đến; có chiều rộng ít nhất là 0,35m; chiều dài ít nhất là 1,7m.

6. Khu vực cân nài ngựa có trang bị cân điện tử, có khu vực cách ly các nài ngựa sau khi cân xong với tất cả các đối tượng khác.

7. Có khu vực thay đồ, nhà vệ sinh.

Điều 4. Trang thiết bị

1. Trang thiết bị cho nài ngựa bao gồm: Mũ bảo hiểm, áo giáp, giáp bảo vệ ống quyển, giày đua, túi đựng chì, roi da.

2. Trang thiết bị cho ngựa đua bao gồm: Hàm thiếc, mặt nạ, bộ đồ đầu, yên ngựa, số đeo.

3. Trang thiết bị cho các thành viên trọng tài, giám sát bao gồm: Ống nhòm và bộ đàm liên lạc dùng trong nội bộ, được phát trước cuộc đua.

4. Hệ thống camera tại khu vực chuẩn bị, khu vực cân nài ngựa, khu vực xuất phát, trên đường đua và khu vực đích đến phải đầy đủ, được liên kết chặt chẽ với nhau và đang hoạt động tốt bảo đảm tính chính xác, trung thực trong việc tổ chức cuộc đua và xác định kết quả cuộc đua.

Điều 5. Trọng tài, giám sát

1. Trọng tài do doanh nghiệp kinh doanh đặt cược đua ngựa lựa chọn phải bảo đảm các tiêu chuẩn sau đây:

a) Từ đủ 18 tuổi trở lên;

b) Có phẩm chất đạo đức tốt;

c) Nắm vững Điều lệ đua ngựa;

2. Một cuộc đua ngựa bảo đảm có Ban trọng tài, gồm ít nhất 09 trọng tài, cụ thể: Trọng tài chính, trọng tài cân, trọng tài xuất phát, trọng tài đích đến, trọng tài thư ký và ít nhất 04 trọng tài trên đường đua.

3. Nhiệm vụ của các trọng tài

a) Trọng tài chính có nhiệm vụ: Phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban trọng tài; quyết định ngựa đua bị loại trước khi diễn ra cuộc đua trong trường hợp có sự gian lận; ra các quyết định cuối cùng của Ban trọng tài về cuộc đua trên cơ sở xem xét kết quả thực hiện nhiệm vụ của các trọng tài khác; ký và gửi Hội đồng giám sát cuộc đua biên bản xác định kết quả cuộc đua;

b) Trọng tài cân có nhiệm vụ: Cân nài ngựa trước khi bắt đầu cuộc đua và sau khi kết thúc cuộc đua; bốc thăm số chuồng xuất phát cho nài ngựa và ngựa đua; nhận dạng ngựa đua căn cứ vào lý lịch ngựa đua; ký biên bản xác định kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao và gửi cho trọng tài thư ký;

c) Trọng tài xuất phát có nhiệm vụ: Đưa ngựa đua vào vị trí xuất phát; kiểm tra các trang thiết bị của nài ngựa và ngựa đua; phát lệnh xuất phát cuộc đua; giám sát việc đưa ngựa đua và nài ngựa về khu vực nhà cân sau khi ngựa đua về đích; ký biên bản xác định kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao và gửi cho trọng tài thư ký;

d) Trọng tài trên đường đua có nhiệm vụ: Giám sát, phát hiện các hành vi vi phạm Điều lệ đua của nài ngựa và ngựa đưa; ký biên bản xác định kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao và gửi cho trọng tài thư ký;

đ) Trọng tài đích đến có nhiệm vụ: Xác định thứ hạng về đích của từng ngựa đua; ký biên bản xác định kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao và gửi cho trọng tài thư ký;

e) Trọng tài thư ký có nhiệm vụ: Tổng hợp, ký và gửi biên bản xác định kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao của các trọng tài cho trọng tài chính.

4. Giám sát phải có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại điểm b và điểm c Khoản 1 Điều này và đã qua thực tế hoạt động trong lĩnh vực công tác từ đủ 5 năm trở lên.

Điều 6. Tập huấn nhân viên cứu hộ

1. Tổng cục Thể dục thể thao, tổ chức xã hội - nghề nghiệp về đua ngựa cấp quốc gia hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tập huấn chuyên môn cho nhân viên cứu hộ đua ngựa.

2. Tổng cục Thể dục thể thao có trách nhiệm xây dựng nội dung, Chương trình tập huấn chuyên môn cho nhân viên cứu hộ đua ngựa, trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định.

3. Giấy chứng nhận tập huấn chuyên môn cho nhân viên cứu hộ đua ngựa do cơ quan tổ chức tập huấn cấp. Mẫu giấy chứng nhận tập huấn chuyên môn cho nhân viên cứu hộ đua ngựa được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Tổng cục Thể dục thể thao có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.

2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.

Điều 8. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 05 tháng 5 năm 2018.

Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị các cơ quan tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để nghiên cứu, giải quyết.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng Chính phủ;
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Tòa án Nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát Nhân dân tối cao;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- Công báo; Cổng thông tin điện tử Chính phủ; Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật; Cổng thông tin điện tử Bộ VHTTDL;
- Bộ trưởng, các Thứ trưởng Bộ VHTTDL;
- Các Vụ, đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL;
- Các Vụ, đơn vị trực thuộc Tổng cục TDTT;
- Sở VHTT, Sở VHTTDL các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia;
- Lưu: VT, TCTDTT (30), Q (400).

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Ngọc Thiện

PHỤ LỤC

(Ban hành theo Thông tư số: 16/2018/TT-BVHTTDL ngày 14 tháng 3 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

Mẫu giấy chứng nhận tập huấn chuyên môn cho nhân viên cứu hộ đua ngựa

TÊN CƠ QUAN, TỔ CHỨC
CHỦ QUẢN (1)
TÊN CƠ QUAN, TỔ CHỨC (2)

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: /GCN-….(3)

…(4)…., ngày … tháng … năm 20…..

Ảnh
4x6

GIẤY CHỨNG NHẬN

Tập huấn chuyên môn cho nhân viên cứu hộ đua ngựa

................................................. (2)…………………………. chứng nhận:

Ông (Bà) .................................................................................................

Sinh ngày …..tháng ……năm..................................................................

Số CMND/thẻ căn cước công dân:..........................................................

.................................................................................................................

Nơi thường trú:.........................................................................................

..................................................................................................................

Đã hoàn thành Chương trình tập huấn chuyên môn cho nhân viên cứu hộ đua ngựa.

Thời gian: Từ ngày ……..đến ngày ……tháng …..năm …………………..

Tại: ...........................................................................................................

CƠ QUAN CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN
(Ký tên, đóng dấu, ghi rõ họ tên, chức vụ)

Ghi chú:

(1) Tên cơ quan, tổ chức chủ quản trực tiếp (nếu có).

(2) Tên cơ quan, tổ chức cấp giấy chứng nhận.

(3) Chữ viết tắt tên cơ quan, tổ chức cấp giấy chứng nhận.

(4) Địa danh.