Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 16/LĐTBXH-TT

Hà Nội, ngày 02 tháng 6 năm 1993

THÔNG TƯ

CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 16/LĐTBXH-TT NGÀY 2 THÁNG 6 NĂM 1993 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP THU HÚT

Thi hành Nghị định số 25/CP ngày 23-5-1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ tiền lương mới đối với công chức, viên chức hành chính, sự nghiệp lực lượng vũ trang và Nghị định số 26/CP ngày 23-5-1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ tiền lương mới trong các doanh nghiệp, sau khi có sự thoả thuận của Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp thu hút như sau:

I. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA

Phụ cấp thu hút nhằm khuyến khích công nhân, viên chức, công chức đến làm việc ở những vùng kinh tế mới, cơ sở kinh tế, đảo xa đất liền, ở đó thời gian đầu chưa có cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến đời sống vật chất và tinh thần của người lao động.

II. ĐỐI TƯỢNG, ĐIỀU KIỆN ÁP DỤNG

Công chức, viên chức hành chính sự nghiệp (kể cả lao động hợp đồng), công nhân, viên chức trong các doanh nghiệp; cán bộ, công nhân viên trong cơ quan Đảng, đoàn thể được điều động đến làm việc tại vùng kinh tế mới, cơ sở kinh tế, đảo xa đất liền có điều kiện sinh hoạt đặc biệt khó khăn do chưa có cơ sở hạ tầng như: xa xôi hẻo lánh, xa khu dân cư, chưa có mạng lưới giao thông, đi lại khó khăn, chưa có hệ thống cung cấp điện, nước sinh hoạt, nhà ở thiếu thốn, chưa có trường học, nhà trẻ, bệnh viện....

III. MỨC PHỤ CẤP VÀ CÁCH TÍNH TRẢ

1. Mức phụ cấp

- Phụ cấp thu hút gồm 4 mức: 20%, 30%, 50% và 70% tính trên lương cấp bậc, chức vụ, lương chuyên môn, nghiệp vụ.

- Thời gian hưởng phụ cấp thu hút từ 3 đến 5 năm tuỳ thuộc vào thực tế điều kiện sinh hoạt khó khăn dài hay ngắn của từng vùng kinh tế mới, cơ sở kinh tế và đảo xa đất liền.

Mức và thời gian hưởng phụ cấp thu hút do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định, sau khi trao đổi ý kiến với Bộ Tài chính trên cơ sở đề nghị của Bộ, ngành và địa phương.

2. Cách trả

- Phụ cấp thu hút được tính theo công thức sau:


Phụ cấp thu hút


=

Lương cấp bậc chức vụ, kể cả phụ cấp chức vụ (nếu có)


x

Tỷ lệ %
phụ cấp
được hưởng

- Phụ cấp thu hút được tính trả cùng kỳ lương hàng tháng. Đối với các đối tượng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, phụ cấp thu hút do ngân sách Nhà nước chi trả theo phân cấp ngân sách hiện hành. Đối với doanh nghiệp, phụ cấp thu hút được tính vào đơn giá tiền lương và hạch toán vào giá thành hoặc phí lưu thông.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Chủ tịch uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thủ trưởng Bộ, ngành căn cứ vào các điều kiện áp dụng nên trên và thực tế vùng kinh tế mới, cơ sở kinh tế, đảo xa đất liền thuộc phạm vi quản lý, đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để trao đổi với Bộ Tài chính xem xét quyết định phụ cấp thu hút.

Hồ sơ gồm:

a. Công văn đề nghị của Chủ tịch uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, thủ trưởng Bộ, ngành.

b. Thuyết minh điều kiện xác định phụ cấp thu hút và đề nghị mức, thời gian áp dụng.

c. Dự án xây dựng, phát triển kinh tế mới, cơ sở kinh tế đã được cấp có thẩn quyền duyệt.

d. Dự tính kế hoạch số đối tượng và quỹ chi trả phụ cấp thu hút, trong đó có tính riêng phần thuộc ngân sách chi trả.

2. Sau khi có quyết định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các Bộ, ngành, uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố hướng dẫn các đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện.

3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Tài chính vật giá và các cơ quan liên quan giúp uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét đề nghị các đơn vị để uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1-4-1993. Mọi quy định trái với những quy định tại Thông tư này đều bãi bỏ.

Trần Đình Hoan

(Đã ký)