Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NỘI VỤ
********

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 16-NV

Hà Nội, ngày 09 tháng 2 năm 1965

THÔNG TƯ

CỦA BỘ NỘI VỤ SỐ 16-NV NGÀY 9 THÁNG 2 NĂM 1965 VỀ VIỆCTĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC THỐNG NHẤT QUẢN LÝ ĐẤT Ở CÁC THÀNH PHỐ, THỊ XÃ

BỘ NỘI VỤ

Kính gửi: Uỷ ban hành chính khu, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Thi hành Thông tư số 73/TTg ngày 7-7-1962 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý đất của tư nhân cho thuê, đất vắng chủ, đất bỏ hoang ở nội thành, nội thị và Nghị định số 114-CP ngày 29-7-1964 của Hội đồng Chính phủ về chính sách thống nhất quản lý nhà, đất ở thành phố, thị xã, đến nay nhiều địa phương đã căn bản xoá bỏ được chế độ cho thuê đất của tư nhân và chấm dứt được việc chiếm dụng đất công một cách trái phép. Một số nơi đã thống nhất việc quản lý và phân phối sử dụng đất vào Uỷ ban hành chính. Tuy nhiên, trong vần đề này, vẫn còn một số thiếu sót như sau:

- Việc phân phối sử dụng đất ở một số địa phương còn do nhiều cơ quan cùng làm, gây nên tình trạng chồng chéo lên nhau, hoặc cấp đất tràn lan, thiếu kế hoạch, khi Nhà nước cần lấy đất để sử dụng lại phải đền bù, gây phiền phức cho nhân dân và tốn kém cho công quỹ.

- Một số công việc về địa chính như đo đạc, xây dựng các tài liệu và bản đồ về đất, đã từ lâu bị xem nhẹ, chưa có sự chỉ đạo đúng mức của địa phương, nên việc theo dõi quản lý đất còn lỏng lẻo, các tài liệu bản đồ cũ chưa được tu chỉnh lại nên không phản ánh đúng thực trạng đất đai hiện nay, hoặc do bảo quản kém nên tài liệu bị mất mát khá nhiều.

- Ở một số địa phương chưa áp dụng thuế thổ trạch, sau khi xóa chế độ cho thuê đất của tư nhân đã xảy ra hai hiện tượng: hoặc không thu gì cả đối với người sử dụng đất, gây thất thu cho Nhà nước, hoặc vẫn tiếp tục thu theo mức tiền cho thuê đất của tư nhân để lại làm cho nhân dân thắc mắc, và như vậy không phù hợp với tinh thần của chính sách, quy định trong Thông tư 73/TTg ngày 7-7-1962 của Thủ tướng Chính phủ.

Tình trạng trên kéo dài từ năm 1963 đến nay đã gây một phần khó khăn cho việc quản lý đất của Nhà nước.

Hiện nay, tuy nước ta đang ở trong tình trạng có chiến tranh, nhưng các địa phương vẫn tiếp tục thi hành Thông tư 73/TTg ngày 7-7-1962 của Thủ tướng Chính phủ để hoàn thành việc này trong một thời gian nhất định, đồng thời phải đưa việc quản lý, phân phối, sử dụng đất vào nề nếp, chuẩn bị dần các tài liệu, số liệu cần thiết phục vụ cho việc xây dựng quy hoạch thành phố, thị xã khi hoà bình lập lại.

Vì vậy, Bộ Nội vụ yêu cầu các Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố lưu ý tăng cường chỉ đạo công tác thống nhất quản lý đất ở các thành phố, thị xã và thực hiện một số việc cụ thể sau đây:

1. Đối với đất cho thuê của tư nhân đã giao cho Nhà nước quản lý theo Thông tư 73/TTg ngày 7-7-1962 của Thủ tướng Chính phủ thì xoá bỏ hẳn việc thu tiền cho thuê mà Nhà nước sẽ thu thuế thổ trạch (nếu là đất dùng vào việc xây dựng nhà cửa) hoặc thuế nông nghiệp (nếu là đất dùng để tăng gia sản xuất). Ở những nơi chưa áp dụng đúng chính sách thuế thổ trạch, thì trong khi chờ đợi bổ sung chính sách, các địa phương cần dựa theo biểu thuế thổ trạch chung mà nghiên cứu đề nghị Trung ương duyệt một mức thu tạm thời của địa phương về lệ phí sử dụng đất, để tránh thất thu cho Nhà nước.

2. Việc phân phối và sử dụng đất, các Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố nên giao cho cơ quan quản lý nhà, đất, là cơ quan giúp việc Uỷ ban hành chính, thống nhất việc xét cấp đất để việc quản lý, sử dụng đất được tiết kiệm và hợp lý. Những đất đai đã được cấp trước đây, nếu thấy có trường hợp nào dùng không hết hoặc chưa dùng đến, thì tạm thu hồi lại, bao giờ cần đến sẽ cấp sau. Đất thu hồi về sẽ phân phối sử dụng vào các yêu cầu khác hợp lý hơn, hoặc tạm giao cho các hợp tác xã nông nghiệp dùng vào việc sản xuất lương thực, thực phẩm, không để đất bỏ trống một cách lãng phí.

3. Việc quản lý đất đòi hỏi phải có bản đồ và có số liệu khoa học chính xác. Vì vậy, cần làm gấp một số công việc về địa chính ở các thành phố,thị xã như: điều tra, đo đạc, để thiết lập các bình đồ giải thửa mới về các loại đất ở nội thành, nội thị, hoặc tu chỉnh lại những bình đồ giải thửa cũ theo thực trạng đất đai hiện nay. Trên cơ sở đó, xây dựng lại hồ sơ, sổ sách đăng ký, làm cho việc quản lý đất có nề nếp và đi dần vào kế hoạch. Đối với những hồ sơ, bản đồ cũ về đất đai lưu trữ rải rác ở các ngành khác cần đề nghị các ngành đó sưu tầm và trả laị cho cơ quan quản lý nhà, đất, để khai thác những số liệu cần thiết và có ích.

Về tổ chức bộ phận quản lý đất, trước mắt cần có ngay một, hai cán bộ chuyên trách để có người đi sâu nghiên cứu giải quyết các công việc nói trên.

Những cán bộ trước đây đã làm công tác địa chính, có trình độ kỹ thuật khá và hiểu biết về tình đất đai ở địa phương, nếu đã chuyển sang công tác ở ngành khác, nay xét thấy cần thiết; Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố nên điều động trở lại để tăng cường cho bộ phận này.

4. Những máy móc và dụng cụ đo đạc trước đây đã phân tán cho nhiều cơ quan sử dụng nếu cần thiết thì thu hồi lại. Những máy móc, dụng cụ đo đạc còn thiếu, cần lập dự trù để Bộ trình Chính phủ duyệt và cho phép mua sắm dần.

Đề nghị các Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố tích cực thi hành Thông tư này và báo cáo cho Bộ biết những khó khăn mắc mứu trong công tác quản lý đất ở thành phố, thị xã hiện nay cùng với dự kiến về hướng giải quyết của địa phương.

Lê Tất Đắc

(Đã ký)