Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 16-NV

Hà Nội, ngày 26 tháng 07 năm 1967

THÔNG TƯ

VỀ CHẾ ĐỘ CẤP PHÁT CHÂN, TAY GIẢ

Kính gửi: Các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Tiếp theo các thông tư số 08-NV ngày 29-4-1967 và số 09-NV ngày 18-5-1967, nay Bộ ấn định chi tiết về chế độ, thủ tục cấp phát chân, tay giả như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC CẤP CHÂN, TAY GIẢ

Những người do bị tai nạn chiến tranh, tai nạn lao động, bệnh tật v.v… mà cụt chân, tay đều được Bộ cấp chân, tay giả để giúp họ có điều kiện đi lại, sinh hoạt và lao động. Trước hết cấp cho những người bị tai nạn chiến tranh, cho những người trẻ tuổi, và người còn sức lao động.

Việc cấp chân, tay giả cho cán bộ công nhân, viên chức Nhà nước và thương binh cụt chân, tay có chế độ quy định riêng.

II. TIÊU CHUẨN CẤP PHÁT VÀ THỜI HẠN SỬ DỤNG CHÂN, TAY GIẢ

Những người cụt chân hoặc một tay, cụt hai chân hoặc hai tay được cấp chân, tay giả thông thường. Nếu là chân giả thì được cấp thêm một đôi nạng, một đôi dép cao su và băng bao, bít tất.

Trường hợp người cụt chân, tay yêu cầu cấp loại chân tay lao động thì cấp theo nguyện vọng của họ và không cấp dép cao su kèm như loại chân thông thường.

Thời hạn tối thiểu dùng chân, tay giả ấn định là 3 năm. Trong thời hạn 3 năm này, nếu chân, tay giả bị hư hỏng mà người dùng không tự lo liệu được việc sửa chữa thì đến xí nghiệp chân tay giả sửa chữa lại không mất tiền. Quá thời hạn sử dụng và chân, tay giả đã hỏng, người sử dụng được cấp chân tay giả mới.

Hướng của Bộ hiện nay là cấp chân giả trước, còn tay giả sẽ cấp sau.

III. CÁC CHẾ ĐỘ ĂN VÀ BỒI DƯỠNG TRONG THỜI GIAN LÀM CHÂN, TAY GIẢ

a) Tiền ăn và gạo: Người tàn tật đến xí nghiệp làm chân, tay giả phải tự túc gạo, tiền ăn của mình trong hai tháng, mỗi tháng nộp cho xí nghiệp 18đ00 và 13,500kg gạo. Gạo nộp bằng tem hoặc giấy giới thiệu mua gạo của cơ quan lương thực địa phương. Nếu người đó đời sống khó khăn túng thiếu thì hợp tác xã trích quỹ công ích giúp đỡ hoặc Ủy ban hành chính địa phương trợ cấp vào quỹ cứu tế, bảo đảm cho đương sự có đủ mức tiền và gạo nói trên.

Nếu chân, tay làm hai tháng chưa xong thì Bộ sẽ cấp tiền và gạo ăn những ngày ở lại thêm.

b) Tiền tàu, xe và tiền ăn đường : Mỗi người phải tự giải quyết lấy, nếu gặp khó khăn thì hợp tác xã giúp đỡ hoặc Ủy ban hành chính địa phương trợ cấp vào quỹ cứu tế.

c) Tiền thuốc và tiền bồi dưỡng: Trong thời gian lắp chân, tay giả, người tàn tật bị ốm đau được cấp phát thuốc thông thường, nếu ốm nặng được đưa đến bệnh viện điều trị, viện phí do Bộ đài thọ.

Những ngày lắp chân tập đi xét cần thiết mà bác sĩ, y đề nghị, người tàn tật được bồi dưỡng 0đ30 ăn thêm mỗi ngày. Tiền bồi dưỡng cũng do Bộ đài thọ.

IV. THỦ TỤC TIẾN HÀNH

Hàng năm, Ủy ban hành chính, thành phố lập danh sách những người được địa phương giới thiệu làm chân, tay giả đưa về Bộ duyệt (danh sách gửi về Bộ 3 bản, Bộ duyệt xong, lưu 1 bản, gửi trả địa phương 1 bản, gửi xí nghiệp chân tay giả 1 bản). Từng tháng hoặc từng quý Bộ có lịch báo số lượng người được làm chân, tay giả cho địa phương. Căn cứ vào số lượng đó, tỉnh, thành phố báo cho từng người và cấp giấy giới thiệu cho họ đến thẳng xí nghiệp chân tay giả (không giới thiệu về qua Bộ). Xí nghiệp chỉ tiếp nhận và làm chân, tay giả cho những người có danh sách đã được duyệt. Ngoài danh sách, xí nghiệp không giải quyết.

Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố cần giúp phương tiện cho người tàn tật đi từ địa phương đến xí nghiệp được thuận lợi dễ dàng.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG




Lê Tất Đắc