BỘ VĂN HOÁ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 16-VH/TT | Hà Nội, ngày 27 tháng 03 năm 1968 |
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ SỐ 168-CP NGÀY 07-12-1967 VỀ VIỆC SỬA ĐỔI NGUYÊN TẮC TRẢ TIỀN NHUẬN BÚT ĐỐI VỚI NHỮNG TÁC PHẨM VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT, KHOA HỌC, KỸ THUẬT
BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA
Nghị định của Hội đồng Chính phủ số 168-CP ngày 07-12-1967 về việc sửa đổi nguyên tắc trả tiền nhuận bút đối với những tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật và nhằm sửa đổi những điểm không hợp lý cho hợp với tình hình hiện nay trong những nguyên tắc quy định ở điểm 3 và 4 Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ số 25-CP ngày 24-02-1961 về chế độ nhuận bút trả cho những tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật.
Căn cứ nguyên tắc sửa đổi bổ sung đã quy định trong nghị định của Hội đồng Chính phủ số 168-CP ngày 07-12-1967 nói trên, Bộ Văn hóa giải thích nguyên tắc đó như sau:
Tác giả của một tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật được dùng để in thành sách hoặc văn hóa phẩm được hưởng một số tiền nhuận bút tính theo giá trị của tác phẩm và công lao sáng tác của tác giả, tức là tiền đền bù xứng đáng với số lượng, chất lượng lao động mà tác giả đã tiêu phí.
Bãi bỏ nguyên tắc hưởng tiền nhuận bút theo số lượng bản in cũng như số lượt biểu diễn, số lượng sản xuất, v.v… là vì nhuận bút trả theo số lượng tác phẩm xét cho cùng là bổ sung cho nhuận bút cơ bản, nếu nhuận bút cơ bản trả xứng đáng với giá trị tác phẩm và công lao sáng tác của tác giả rồi, thì nhuận bút số lượng không cần thiết nữa. Nhuận bút trả theo số lượng chưa thể hiện được việc khuyến khích tác phẩm có giá trị, và tác phẩm có giá trị không nhất thiết phải có số lượng nhiều, vì in nhiều ít tùy thuộc vào lúc xuất bản và đối tượng phục vụ rộng hay hẹp. Trong thực tế có một số tác phẩm trung bình do yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng và nhu cầu quần chúng cần phải in nhiều bản thường được trả tiền nhuận bút cao hơn một số tác phẩm hay vì phục vụ đối tượng hẹp nên chỉ in ít bản. Nhuận bút trả theo số lượng có phần dựa vào doanh thu, có phần lệ thuộc vào thị hiếu nhất thời của quần chúng, nên chưa khuyến khích tác phẩm có giá trị một cách thích đáng, trái lại khuyến khích một số tác phẩm chưa cần thiết.
Đối với một số tác phẩm được dùng dưới nhiều hình thức như đã dùng làm kịch bản sân khấu hay điện ảnh sau lại được in thành sách, hoặc tác phẩm văn học đã in thành sách lại được dùng làm kịch bản, thì tác giả chỉ được hưởng tiền nhuận bút trả cho hình thức sử dụng đầu tiên. Trường hợp nhuận bút tính cho hình thức sử dụng lần sau cao hơn nhuận bút trả cho hình thức sử dụng đầu tiên, thì tác giả được hưởng thêm số tiền chênh lệch.
Nhuận bút cơ bản là trả cho tác giả một số tiền gốc xứng với giá trị tác phẩm và công lao sáng tác của tác giả, nhuận bút cơ bản không trả nhiều lần cho một tác phẩm được dùng dưới nhiều hình thức khác nhau, mà chỉ trả thêm số tiền chênh lệch nếu hình thức lần sau cao hơn nhuận bút trả cho hình thức sử dụng đầu tiên. Ví dụ: kịch bản A in thành sách là hình thức sử dụng đầu tiên được trả 700 đồng. Sau đó lại được dùng làm kịch bản sân khấu được trả 1.000 đồng thì tác giả kịch bản A được trả số tiền chênh lệch thêm là 300 đồng.
Trong thực tế, một số tác phẩm có giá trị được dùng dưới nhiều hình thức hoặc chỉ dùng dưới một hình thức, còn tùy thuộc vào yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng và trình độ văn hóa, kinh tế chung trong từng giai đoạn nhất định. Vì thế, nếu trả nhuận bút lần đầu đã xứng với công lao và giá trị tác phẩm, thì khi dùng lại, dùng dưới hình thức khác không trả thêm, vì công lao đã được đền bù xứng đáng, vì tác giả không phải làm gì thêm.
Đối với tác phẩm được người khác dùng để cải biên chuyển thể, thì tên của tác giả và tên tác phẩm nguyên bản phải được ghi rõ trên tác phẩm cải biên, chuyển thể.
Bãi bỏ nguyên tắc trả một số tiền bằng từ 20% đến 30% “nhuận bút cơ bản” của người cải biên, chuyển thể cho tác giả nguyên bản.
Sở dĩ quy định như vậy là để bảo đảm quyền lợi về tinh thần cho tác giả nguyên bản mãi mãi, tránh tình trạng người cải biên chuyển thể làm hỏng mất, có ảnh hưởng không hay đến chất lượng tác phẩm và thanh danh của tác giả nguyên bản còn quyền lợi về vật chất của tác giả nguyên bản đã được trả nhuận bút cơ bản tương xứng với giá trị tác phẩm và công lao sáng tác của tác giả rồi, nên không cần thiết trả nhuận bút thêm cho tác giả nguyên bản nữa.
Đối với các sách dịch thì nhuận bút cơ bản được tính bằng từ 20% đến 30% mức nhuận bút của loại sách sáng tác. Trường hợp những sách thật khó, mà dịch thật hay, nhuận bút có thể trả cao hơn, nhưng không quá 50% nhuận bút của loại sách sáng tác. Một vài cuốn đặc biệt có thể cao hơn nữa.
Đối với các sách dịch, các tài liệu dịch, các kịch bản dịch v.v… đều áp dụng theo tỷ lệ phần trăm (%) đã quy định ở trên.
Những sách khó dịch thường là sách kinh điển, văn học và những sách có nhiều tiếng chuyên môn, đòi hỏi người dịch phải tốn công nghiên cứu sưu tầm để dịch được đúng nguyên bản. Những sách khó dịch mà dịch có chất lượng cao sẽ được trả 40% hoặc 50% nhuận bút của loại sáng tác.
Đặc biệt trường hợp dịch những sách rất khó và dịch rất tốt, rất hay thì nhuận bút có thể trả tới 80% nhuận bút của loại sách sáng tác.
Những điều sửa đổi và bổ sung quy định trong nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 12 năm 1967.
Các cơ quan dùng tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật ở trung ương cũng như ở địa phương căn cứ vào nghị định của Hội đồng Chính phủ số 168-CP ngày 07-12-1967 và thông tư này thi hành. Trường hợp nơi nào thi hành chậm mà đã trả tiền cho tác giả theo chế độ nhuận bút cũ rồi thì dù có thừa chút ít cũng không đòi tác giả trả lại, nhưng nếu thiếu thì những cơ quan dùng tác phẩm nên trả thêm.
Phải đình chỉ ngay việc tính trả tiền nhuận bút đối với những tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật trái với nghị định nói trên và thông tư này.
K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA |
- 1 Nghị định 61/2002/NĐ-CP về chế độ nhuận bút
- 2 Nghị quyết số 125-CP về chế độ nhuận bút đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học kỹ thuật do Hội Đồng Chính Phủ ban hành
- 3 Thông tư 223-VH/TT năm 1961 giải thích Nghị quyết 25-CP (đăng Công báo số 08 ngày 08-03-1961) về chế độ nhuận bút trả cho những tác phẩm văn học nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật do Bộ Văn hoá ban hành
- 4 Nghị quyết số 25-CP về chế độ nhuận bút trả cho nhưng tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học kỹ thuật do Hội Đồng Chính Phủ ban hành.
- 1 Nghị quyết số 125-CP về chế độ nhuận bút đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học kỹ thuật do Hội Đồng Chính Phủ ban hành
- 2 Thông tư 223-VH/TT năm 1961 giải thích Nghị quyết 25-CP (đăng Công báo số 08 ngày 08-03-1961) về chế độ nhuận bút trả cho những tác phẩm văn học nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật do Bộ Văn hoá ban hành
- 3 Nghị quyết số 25-CP về chế độ nhuận bút trả cho nhưng tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học kỹ thuật do Hội Đồng Chính Phủ ban hành.
- 4 Nghị định 61/2002/NĐ-CP về chế độ nhuận bút