Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO
VÀ DU LỊCH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 17/2013/TT-BVHTTDL

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2013

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN XÁC ĐỊNH CHI PHÍ LẬP QUY HOẠCH, DỰ ÁN, BÁO CÁO KINH TẾ-KỸ THUẬT BẢO QUẢN, TU BỔ, PHỤC HỒI DI TÍCH

Căn cứ Luật di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình;

Căn cứ Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh;

Căn cứ Nghị định số 76/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính tại Công văn số 14201/BTC-HCSN ngày 22 tháng 10 năm 2013 và của Bộ Xây dựng tại Công văn số 2785/BXD-KTXD ngày 26 tháng 12 năm 2013;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Di sản văn hóa;

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư hướng dẫn xác định chi phí lập quy hoạch, dự án, báo cáo kinh tế-kỹ thuật bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn việc xác định chi phí lập quy hoạch, dự án, báo cáo kinh tế-kỹ thuật bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh (sau đây gọi chung là di tích) sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng vốn ngân sách nhà nước để xác định chi phí lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi hệ thống di tích (sau đây gọi chung là quy hoạch hệ thống di tích), lập quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích (sau đây gọi chung là quy hoạch tổng thể di tích), lập dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, lập báo cáo kinh tế-kỹ thuật bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.

2. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn vốn khác vận dụng các quy định tại Thông tư này để xác định chi phí lập quy hoạch hệ thống di tích, quy hoạch tổng thể di tích, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, báo cáo kinh tế-kỹ thuật bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.

Điều 3. Quy định về phân cấp công trình bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích

Công trình bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích được phân cấp theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 10/2013/TT-BXD ngày 5 tháng 7 năm 2013 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng.

Điều 4. Nguyên tắc xác định chi phí tư vấn

1. Nguyên tắc xác định chi phí tư vấn lập quy hoạch hệ thống di tích và quy hoạch tổng thể di tích:

a) Chi phí cho các công việc xác định theo định mức quy định tại Thông tư này, đã bao gồm các khoản như: Chi phí thu thập các tài liệu có liên quan; chi phí văn phòng phẩm; chi phí chuyên gia; chi phí khấu hao máy, thiết bị; chi phí quản lý; chi phí xin ý kiến; chi phí hội nghị thông qua kết quả lập đồ án quy hoạch; chi phí đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ (của đơn vị tư vấn); các loại bảo hiểm (bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp, trách nhiệm nghề nghiệp) và thu nhập chịu thuế tính trước nhưng chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Khi xác định dự toán lập đồ án quy hoạch thì cần bổ sung thuế giá trị gia tăng theo quy định hiện hành;

b) Chi phí cho các công việc xác định theo định mức quy định tại Thông tư này, chưa bao gồm các khoản như: Mua các bản đồ lịch sử phục vụ lập đồ án quy hoạch; mua tài liệu, ảnh tư liệu và các tư liệu khác liên quan đến các vấn đề về lịch sử-văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ của di tích; khảo sát, đo vẽ, đánh giá hiện trạng di tích, các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo tại di tích và các vấn đề khác có liên quan; thăm dò, khai quật khảo cổ; thuê tổ chức tư vấn hoặc thuê chuyên gia tư vấn phản biện đồ án quy hoạch, hội thảo chuyên đề (nếu có); tổ chức lấy ý kiến cộng đồng góp ý cho đồ án quy hoạch (nếu có); các công việc khác phục vụ công tác lập đồ án quy hoạch.

2. Nguyên tắc xác định chi phí tư vấn lập dự án, báo cáo kinh tế-kỹ thuật bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích:

Chi phí cho các công việc lập dự án, báo cáo kinh tế-kỹ thuật bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quy định tại Thông tư này chưa bao gồm các khoản như: Thăm dò, khai quật khảo cổ; lập hồ sơ khảo sát, đo vẽ, đánh giá hiện trạng di tích; sưu tầm, mua tài liệu lịch sử liên quan đến di tích; hội nghị, hội thảo làm rõ các vấn đề về giá trị lịch sử-văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ của di tích; xin ý kiến nhân chứng lịch sử; làm mô hình tổng thể; các công việc khác phục vụ lập dự án, báo cáo kinh tế-kỹ thuật bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.

3. Đối với chi phí các công việc nêu tại điểm b khoản 1, khoản 2 Điều này được xác định bằng cách lập dự toán theo hướng dẫn xác định chi phí tư vấn bằng phương pháp lập dự toán quy định tại Phần II Phụ lục của Thông tư này. Việc thẩm định, phê duyệt dự toán chi phí thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng.

4. Trường hợp quy mô của quy hoạch hệ thống di tích, quy hoạch tổng thể di tích nằm trong khoảng giữa hai quy mô quy định tại Bảng số 1, Bảng số 2 Phần I Phụ lục của Thông tư này thì sử dụng phương pháp nội suy để xác định định mức chi phí.

Công thức nội suy như sau:

Trong đó:

- G: Định mức chi phí cần nội suy

- Ga: Định mức chi phí tương ứng với Qa

- Gb: Định mức chi phí tương ứng với Qb

- Q: Quy mô quy hoạch được lập

- Qa: Quy mô quy hoạch cận trên quy mô quy hoạch được lập

- Qb: Quy mô quy hoạch cận dưới quy mô quy hoạch được lập

5. Đối với những công việc chưa có quy định trị số định mức hoặc có quy mô lớn hơn quy mô quy định tại Bảng số 1, Bảng số 2 Phần I Phụ lục của Thông tư này thì xác định chi phí bằng phương pháp lập dự toán quy định tại Phần II Phụ lục của Thông tư này.

Chương 2.

XÁC ĐỊNH CHI PHÍ LẬP QUY HOẠCH HỆ THỐNG DI TÍCH VÀ QUY HOẠCH TỔNG THỂ DI TÍCH

Điều 5. Xác định chi phí lập đồ án quy hoạch hệ thống di tích và quy hoạch tổng thể di tích

1. Định mức chi phí lập quy hoạch hệ thống di tích và quy hoạch tổng thể di tích được quy định tại Thông tư này tương ứng với nội dung công việc được quy định tại Điều 13 Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh.

2. Xác định chi phí lập đồ án quy hoạch hệ thống di tích và quy hoạch tổng thể di tích:

a) Chi phí lập đồ án quy hoạch hệ thống di tích được tính theo định mức chi phí tại Bảng số 1 Phần I Phụ lục của Thông tư này;

b) Chi phí lập đồ án quy hoạch tổng thể di tích được tính theo định mức chi phí tại Bảng số 2 Phần I Phụ lục của Thông tư này.

3. Các chi phí khác liên quan đến đồ án quy hoạch hệ thống di tích, quy hoạch tổng thể di tích thực hiện theo quy định về quản lý đầu tư xây dựng công trình bao gồm:

a) Chi phí quản lý nghiệp vụ lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch hệ thống di tích, quy hoạch tổng thể di tích (bao gồm thẩm định chuyên môn về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và xây dựng);

b) Chi phí thẩm định nhiệm vụ quy hoạch hệ thống di tích, nhiệm vụ quy hoạch tổng thể di tích (bao gồm thẩm định chuyên môn về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và xây dựng);

c) Chi phí thẩm định đồ án quy hoạch hệ thống di tích, quy hoạch tổng thể di tích (bao gồm thẩm định chuyên môn về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và xây dựng).

Điều 6. Xác định chi phí điều chỉnh quy hoạch hệ thống di tích, quy hoạch tổng thể di tích đã được phê duyệt

1. Quy mô điều chỉnh không vượt quy mô quy hoạch di tích đã được phê duyệt, chi phí điều chỉnh quy hoạch hệ thống di tích tính bằng 50% chi phí lập quy hoạch hệ thống di tích mới tương ứng; chi phí điều chỉnh quy hoạch tổng thể di tích tính bằng 70% chi phí lập quy hoạch tổng thể di tích mới tương ứng.

2. Quy mô điều chỉnh vượt quá 30% quy mô quy hoạch đã được phê duyệt thì chi phí điều chỉnh quy hoạch hệ thống di tích và quy hoạch tổng thể di tích được xác định như lập đồ án quy hoạch mới.

Chương 3.

XÁC ĐỊNH CHI PHÍ LẬP DỰ ÁN, BÁO CÁO KINH TẾ-KỸ THUẬT BẢO QUẢN, TU BỔ, PHỤC HỒI DI TÍCH

Điều 7. Xác định chi phí lập dự án, báo cáo kinh tế-kỹ thuật bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích

1. Xác định chi phí lập dự án, báo cáo kinh tế-kỹ thuật bảo quản, tu bổ di tích:

a) Chi phí lập dự án, báo cáo kinh tế-kỹ thuật bảo quản, tu bổ di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh tính theo định mức chi phí lập dự án, báo cáo kinh tế-kỹ thuật đầu tư đối với công trình dân dụng do Bộ Xây dựng ban hành có hiệu lực vào thời điểm áp dụng;

b) Chi phí lập dự án, báo cáo kinh tế-kỹ thuật bảo quản, tu bổ di tích quốc gia đặc biệt tính theo định mức chi phí lập dự án, báo cáo kinh tế-kỹ thuật đầu tư đối với công trình dân dụng do Bộ Xây dựng ban hành có hiệu lực vào thời điểm áp dụng và được nhân với hệ số K = 1,3.

2. Xác định chi phí lập dự án, báo cáo kinh tế-kỹ thuật phục hồi di tích:

Chi phí lập dự án, báo cáo kinh tế-kỹ thuật phục hồi di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh tính theo định mức chi phí quy định tại khoản 1 Điều này nhân với hệ số K = 1,2.

3. Chi phí lập dự án, báo cáo kinh tế-kỹ thuật bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích trước thuế tính bằng tổng chi phí bảo quản, tu bổ, phục hồi công trình và nội thất-đồ thờ di tích trước thuế giá trị gia tăng được duyệt nhân với tỷ lệ phần trăm (%) tương ứng của định mức chi phí lập dự án, lập báo cáo kinh tế-kỹ thuật bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.

4. Trường hợp một dự án, báo cáo kinh tế-kỹ thuật có nhiều nội dung khác nhau (bảo quản, tu bổ, phục hồi) thì việc xác định hệ số của dự án, báo cáo kinh tế-kỹ thuật được xác định bằng cách tách khối lượng từng phần theo một báo cáo quy mô đầu tư lập trước và điều chỉnh sau khi dự án, báo cáo kinh tế-kỹ thuật được phê duyệt.

Chương 4.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Xử lý chuyển tiếp

Các công việc lập quy hoạch, dự án, báo cáo kinh tế-kỹ thuật bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích đang thực hiện theo hợp đồng đã ký kết trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện theo hợp đồng đã ký kết.

Điều 9. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 18 tháng 02 năm 2014.

Điều 10. Tổ chức thực hiện

1. Cục Di sản văn hóa trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung.

3. Trường hợp có hướng dẫn mới về chi phí quản lý tư vấn đầu tư xây dựng công trình bao gồm cả chi phí lập quy hoạch, dự án, báo cáo kinh tế-kỹ thuật thì áp dụng theo hướng dẫn mới của Bộ quản lý nhà nước về xây dựng công trình./.