Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO
VÀ DU LỊCH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/2018/TT-BVHTTDL

Hà Nội, ngày 16 tháng 03 năm 2018

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ CƠ SỞ VẬT CHẤT, TRANG THIẾT BỊ VÀ TẬP HUẤN NHÂN VIÊN CHUYÊN MÔN ĐỐI VỚI MÔN MÔ TÔ NƯỚC TRÊN BIỂN

Căn cứ Luật Thể dục, thể thao ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 106/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định Điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao;

Căn cứ Nghị định số 79/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao;

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn nhân viên chuyên môn đối với môn Mô tô nước trên biển.

Điều 1. Phạm vi Điều chỉnh

1. Thông tư này quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn nhân viên chuyên môn đáp ứng yêu cầu hoạt động tập luyện, thi đấu và biểu diễn môn Mô tô nước trên biển.

2. Tiêu chuẩn cơ sở vật chất, trang thiết bị cho tập luyện và thi đấu thể thao thành tích cao môn Mô tô nước trên biển được thực hiện theo quy định tại Điều 43 Luật Thể dục, thể thao.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tổ chức tập luyện, thi đấu, biểu diễn và tập huấn nhân viên chuyên môn đối với môn Mô tô nước trên biển tại Việt Nam.

Điều 3. Cơ sở vật chất

1. Vùng hoạt động mô tô nước phải đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Được xác định bằng hệ thống phao neo, cờ định vị;

b) Phao neo, cờ định vị có màu sắc tương phản với màu nước và cảnh quan môi trường để dễ quan sát; Khoảng cách giữa các phao neo, cờ định vị nhiều nhất là 50m. Phao neo hình cầu; đường kính ít nhất là 30cm; chất liệu được sử dụng làm phao neo phải là các chất liệu không gây ô nhiễm môi trường. Cờ định vị hình chữ nhật, có kích thước 25cm x 30cm;

c) Có độ sâu ít nhất là 2m, không có đá ngầm, rạn san hô, công trình trên biển, khu vực bãi tắm hoặc chướng ngại vật khác;

d) Khoảng cách từ mép nước của bờ biển đến giới hạn ngoài của vùng hoạt động nhiều nhất là 650m và đến giới hạn trong của vùng hoạt động ít nhất là 60m.

2. Khoảng cách giữa cửa ra, cửa vào của mỗi bến bãi neo đậu phương tiện ít nhất là 250m. Cửa ra, cửa vào của bến bãi neo đậu phương tiện phải có chiều rộng ít nhất là 06m.

3. Có khu vực vệ sinh, thay đồ, nơi để đồ dùng cá nhân cho người tập; có túi sơ cứu và các thiết bị sơ cứu, cấp cứu ban đầu khác phù hợp với yêu cầu tập luyện, biểu diễn, thi đấu môn Mô tô nước trên biển.

4. Có bảng nội quy được đặt ở những vị trí dễ nhận biết trong khu vực xuất phát, cửa ra, cửa vào của bến bãi neo đậu.

Bảng nội quy quy định những nội dung chủ yếu sau: Giờ tập luyện; đối tượng không được tham gia tập luyện, thi đấu, biểu diễn; trang phục tập luyện, thi đấu, biểu diễn; biện pháp bảo đảm an toàn khi tập luyện, biểu diễn và thi đấu; không được Điều khiển các phương tiện ra khỏi vùng hoạt động được xác định bằng phao neo, cờ định vị và các quy định khác.

Điều 4. Trang thiết bị

1. Động cơ của mô tô nước phải có công suất tính bằng sức ngựa, phù hợp với thiết kế kỹ thuật của phương tiện.

2. Mô tô nước khi đưa vào hoạt động phải đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

3. Thông tin liên lạc và cứu hộ

a) Hệ thống thông tin bảo đảm yêu cầu liên lạc từ bộ phận Điều hành và cứu hộ đến các vùng hoạt động mô tô nước;

b) Trạm quan sát bảo đảm quan sát được toàn bộ vùng hoạt động mô tô nước;

c) Có ca nô cứu hộ; có ít nhất là 05 phao cứu sinh trên một ca nô cứu hộ;

d) Bảo đảm mỗi người có ít nhất 01 áo phao.

Điều 5. Mật độ hướng dẫn tập luyện

Mỗi người hướng dẫn tập luyện hướng dẫn không quá 01 người trong một lần tập.

Điều 6. Tập huấn nhân viên chuyên môn

1. Tổng cục Thể dục thể thao, tổ chức xã hội - nghề nghiệp về Mô tô nước trên biển cấp quốc gia hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tập huấn chuyên môn cho người hướng dẫn tập luyện, nhân viên cứu hộ môn Mô tô nước trên biển.

2. Tổng cục Thể dục thể thao có trách nhiệm xây dựng nội dung, Chương trình tập huấn chuyên môn cho người hướng dẫn tập luyện, nhân viên cứu hộ môn Mô tô nước trên biển, trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định.

3. Giấy chứng nhận tập huấn chuyên môn cho người hướng dẫn tập luyện, nhân viên cứu hộ môn Mô tô nước trên biển do cơ quan tổ chức tập huấn cấp. Mẫu giấy chứng nhận tập huấn chuyên môn cho người hướng dẫn tập luyện môn Mô tô nước trên biển được quy định tại Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư này. Mẫu giấy chứng nhận tập huấn chuyên môn cho nhân viên cứu hộ môn Mô tô nước trên biển được quy định tại Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Tổng cục Thể dục thể thao có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.

2. Cơ quan Thanh tra Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành thanh tra, xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định tại Thông tư này.

3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.

Điều 8. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 29 tháng 4 năm 2018.

2. Thông tư số 17/2010/TT-BVHTTDL ngày 31 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về Điều kiện hoạt động của cơ sở thể thao tổ chức hoạt động mô tô nước trên biển và Điều 2 Thông tư số 19/2014/TT-BVHTTDL ngày 08 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 88/2008/TT-BVHTTDL, Thông tư số 17/2010/TT-BVHTTDL, Thông tư số 03/2013/TT-BVHTTDL hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị các cơ quan tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để nghiên cứu, giải quyết./.