Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIÁO DỤC
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 17-TT

Hà Nội, ngày 10 tháng 07 năm 1967

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH DANH HIỆU VÀ TIÊU CHUẨN THI ĐUA CÁ NHÂN VÀ TẬP THỂ TRONG NGÀNH BỔ TÚC VĂN HÓA

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC

Để giúp cho phong trào thi đua hai tốt trong ngành học bổ túc văn hóa đi vào nề nếp, Bộ Giáo dục quy định những danh hiệu thi đua và tiêu chuẩn xét tặng các danh hiệu đó cho các cá nhân và tập thể trong ngành bổ túc văn hóa.

A. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA, NỘI DUNG THI ĐUA “HAI TỐT” TRONG NGÀNH BỔ TÚC VĂN HÓA

Trong những năm qua phong trào thi đua yêu nước và phong trào thi đua hai tốt trong ngành bổ túc văn hóa đã góp phần quan trọng vào việc động viên cán bộ và nhân dân ta hoàn thành thắng lợi kế hoạch bổ túc văn hóa 5 năm lần thứ nhất và đang góp phần thực hiện tốt chủ trương chuyển hướng giáo dục trong ngành bổ túc văn hóa. Trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, phong trào bổ túc văn hóa vẫn duy trì và phát triển mạnh mẽ với nhiều hình thức học phong phú (tập trung, nửa tập trung, tại chức, các loại trường thanh niên dân tộc, trường ba đảm đang, trường bổ túc văn hóa và kỹ thuật cấp II, cấp III nông thôn, trường học văn hóa trong các đội thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước tập trung, v.v...), ngành bổ túc văn hóa đang trưởng thành dần thành ngành học người lớn. Đến nay phong trào thi đua đã phát triển sâu rộng và mang thêm nhiều nội dung mới và cụ thể: phong trào thi đua xây dựng đơn vị bổ túc văn hóa tiên tiến, trường bổ túc văn hóa tiên tiến chống Mỹ, cứu nước, phong trào đăng ký trở thành tổ lao động xã hội chủ nghĩa, phong trào thi đua trở thành giáo viên bổ túc văn hóa giỏi và học viên bổ túc văn hóa giỏi…

Bên cạnh các địa phương chú ý lãnh đạo sâu sát phong trào thi đua hai tốt trong ngành bổ túc văn hóa cũng còn có địa phương chưa chú ý chỉ đạo chặt chẽ phong trào thi đua đó, hoặc có phong trào thi đua nhưng không có tổng kết, khen thưởng kịp thời, do đó phong trào phát triển không đều và ảnh hưởng không tốt đến việc bồi dưỡng những tập thể cá nhân tiên tiến đã đóng góp nhiều công sức vào việc hoàn thành kế hoạch và nâng cao chất lượng bổ túc văn hóa.

Căn cứ vào tình hình nói trên và phương hướng, nội dung thi đua yêu nước của Trung ương Đảng và Chính phủ hiện nay, Bộ Giáo dục ra thông tư này nhằm mục đích:

1. Động viên cán bộ và nhân dân ta từ các cấp lãnh đạo đến cán bộ và giáo viên các cấp chuyên làm công tác bổ túc văn hóa đến đông đảo học viên nêu cao ý chí quyết chiến thắng và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ra sức thi đua xây dựng và phát triển phong trào bổ túc văn hóa một cách mạnh mẽ, vững chắc trong mọi tình huống, từng bước nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập.

2. Xây dựng, bồi dưỡng và phát huy kịp thời những tập thể cá nhân tiên tiến, xuất sắc trong phong trào thi đua hai tốt của ngành bổ túc văn hóa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi hiện nay và phong trào thi đua chung của toàn ngành giáo dục.

3. Đưa phong trào thi đua hai tốt trong ngành bổ túc văn hóa đi vào nề nếp, vững chắc, nhằm hoàn thành thắng lợi kế hoạch bổ túc văn hóa hai năm 1966-1967 và 1967-1968 và đưa công tác bổ túc văn hóa tiến lên một giai đoạn phát triển mới.

Các cá nhân và tập thể có thành tích trong phong trào thi đua hai tốt của ngành bổ túc văn hóa, tùy theo từng mức độ, sẽ được xét tặng các danh hiệu thi đua sau đây:

Cho cá nhân, có các danh hiệu

- Lao động tiên tiến,

- Chiến sĩ thi đua,

- Giáo viên bổ túc văn hóa giỏi,

- Học viên bổ túc văn hóa giỏi.

Cho tập thể, có các danh hiệu

- Tổ giáo viên bổ túc văn hóa tiên tiến chống Mỹ, cứu nước,

- Trường bổ túc văn hóa tiên tiến chống Mỹ, cứu nước,

- Đơn vị bổ túc văn hóa tiên tiến chống Mỹ, cứu nước,

- Tổ lao động xã hội chủ nghĩa.

B. TIÊU CHUẨN, DANH HIỆU THI ĐUA CHO CÁ NHÂN

Danh hiệu thi đua cho cá nhân trong ngành bổ túc văn hóa lao động tiên tiến và chiến sĩ thi đua xét tặng sau mỗi học kỳ và năm học cho những người làm công tác sau đây: giáo viên chuyên trách bổ túc văn hóa ở các trường bổ túc văn hóa tập trung và tại chức, giáo viên kiêm nhiệm, cán bộ bổ túc văn hóa ở xã, cơ quan, xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường và đội thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước tập trung.

Danh hiệu giáo viên bổ túc văn hóa giỏi chỉ tặng cho những người làm công tác giảng dạy, danh hiệu học viên bổ túc văn hóa giỏi chỉ dành cho học viên các loại trường, lớp bổ túc văn hóa tại chức và tập trung.

Các cán bộ bổ túc văn hóa làm việc ở các cơ quan nghiên cứu và chỉ đạo giáo dục vẫn xét tặng danh hiệu thi đua theo thể lệ hiện hành, nhưng khi xét chọn cần tham khảo thêm các tiêu chuẩn quy định ở thông tư này.

1. Tiêu chuẩn lao động tiên tiến.

Danh hiệu lao động tiên tiến xét tặng sau mỗi học kỳ theo các tiêu chuẩn sau:

a) Hoàn thành tốt nhiệm vụ: đối với cán bộ, làm nhiệm vụ tổ chức thực hiện kế hoạch bổ túc văn hóa của đơn vị: đối với giáo viên, là nhiệm vụ tổ chức giảng dạy ở trường lớp được giao. Có tinh thần trách nhiệm trong việc xây dựng ngành học người lớn, thể hiện tinh thần đoàn kết giúp nhau nâng cao trình độ chính trị, văn hóa và nghiệp vụ bổ túc văn hóa, tự lực cánh sinh, chủ động sáng tạo trong công tác.

b) Tích cực lao động sản xuất, tích cực công tác, chấp hành đúng đắn các chính sách của Đảng và Nhà nước, có tư cách đạo đức tốt thể hiện tinh thần cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, chống tham ô, lãng phí, quan liêu.

2. Tiêu chuẩn chiến sĩ thi đua.

Danh hiệu chiến sĩ thi đua tặng cho các lao động tiên tiến sau mỗi lần tổng kết năm học với tiêu chuẩn:

a) Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tổ chức thực hiện kế hoạch bổ túc văn hóa của đơn vị và nhiệm vụ giảng dạy ở các trường lớp bổ túc văn hóa với chất lượng tốt. Có tinh thần trách nhiệm cao trong việc xây dựng ngành học người lớn. Đoàn kết và lôi cuốn cả tổ công tác cùng nhau nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, nghiệp vụ bổ túc văn hóa, nâng cao lòng yêu ngành, yêu nghề. Có kinh nghiệm tốt cả về mặt vận động, xây dựng phong trào bổ túc văn hóa và trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy theo mục đích, phương châm bổ túc văn hóa và mục đích, mục tiêu từng loại trường, từng cấp học.

b) Tích cực lao động sản xuất và công tác, chấp hành tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước, cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, chống tham ô, lãng phí, quan liêu.

3. Tiêu chuẩn giáo viên bổ túc văn hóa giỏi.

Những lao động tiên tiến xuất sắc và chiến sĩ thi đua làm công việc giảng dạy bổ túc văn hóa sẽ được lựa chọn để tặng danh hiệu giáo viên bổ túc văn hóa giỏi và nếu có thành tích xuất sắc có thể đề nghị lên Hồ Chủ Tịch khen thưởng.

Giáo viên bổ túc văn hóa giỏi, ngoài các tiêu chuẩn của lao động tiên tiến và chiến sĩ thi đua, cần có thành tích xuất sắc trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy bổ túc văn hóa; có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng và quản lý nhà trường, trong việc cải tiến nội dung và phương pháp giảng dạy, học tập đóng góp vào việc xây dựng khoa học giáo dục người lớn; trước mắt phải làm cho sự nghiệp bổ túc văn hóa ở địa phương hoặc trường, lớp mình phụ trách có kết quả vững chắc, có tác dụng đến việc nâng cao tư tưởng, đẩy mạnh sản xuất, chiến đấu và tổ chức đời sống nhân dân.

4. Tiêu chuẩn học viên bổ túc văn hóa giỏi

Cuối mỗi năm học và cấp học, những học viên đã mãn khóa, chuyển lớp hoặc tốt nghiệp, nếu có thành tích học tập đều đặn và xuất sắc trong năm học, sẽ được xét chọn để tặng danh hiệu học viên bổ túc văn hóa giỏi, với các tiêu chuẩn cụ thể sau đây:

a) Có động cơ và thái độ học tập đúng đắn, học tập chuyên cần và có kết quả tốt, không bị lưu lại 2 năm ở một lớp, điểm bài học và điểm làm bài tổng kết sau mỗi kỳ phải đạt từ 8 đến 10 điểm, thang điểm trên 10 hoặc từ 4 đến 5 điểm, thang điểm 5 bậc; tích cực áp dụng kiến thức văn hóa, kỹ thuật vào đời sống, công tác, sản xuất và chiến đấu.

b) Có đóng góp tích cực vào việc xây dựng trường, lớp, giúp đỡ giáo viên thực hiện tốt kế hoạch giảng dạy, chân tình giúp đỡ bạn trong học tập, góp phần nâng cao tỉ lệ học chuyên cần trong lớp và đảm bảo chất lượng học tập.

c) Có tư cách, đạo đức tốt, tích cực lao động sản xuất và công tác, chấp hành đầy đủ các chính sách của Đảng và Nhà nước, không phạm sai lầm, khuyết điểm nghiêm trọng, tối thiểu phải đạt danh hiệu lao động tiên tiến trong cương vị sản xuất và công tác.

C. TIÊU CHUẨN XÉT TẶNG DANH HIỆU THI ĐUA CHO TẬP THỂ

1. Quy định chung.

Những tập thể sau đây làm công tác bổ túc văn hóa sau mỗi năm học đều được xét chọn để tặng danh hiệu thi đua:

- Các tổ giáo viên bổ túc văn hóa thuộc các trường bổ túc văn hóa tập trung và tại chức. Các tổ giáo viên đã đạt danh hiệu tiên tiến mới có thể đăng ký phấn đấu trở thành tổ lao động xã hội chủ nghĩa.

- Các trường bổ túc văn hóa: trường bổ túc văn hóa cấp I của hợp tác xã, trường đoàn cấp I cho thanh niên, trường bổ túc văn hóa cấp I ba đảm đang cho phụ nữ, trường bổ túc văn hóa và kỹ thuật cấp II và III nông thôn, trường bổ túc văn hóa và vừa học vừa làm của cơ quan, xí nghiệp, công trường, nông trường, đội thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước tập trung; trường bổ túc văn hóa tập trung của các ngành, các đoàn thể đã hoạt động từ một năm trở lên, được ngành giáo dục công nhận và chỉ đạo về nghiệp vụ; các trường bổ túc văn hóa tập trung như trường bổ túc văn hóa công nông, trường phổ thông lao động các cấp và các trường thanh niên dân tộc vừa học, vừa làm. (Trường sư phạm bổ túc văn hóa được xét chọn theo tiêu chuẩn chung cho các trường sư phạm, như cần vận dụng tiêu chuẩn cho phù hợp).

- Các đơn vị cơ sở quản lý và thực hiện kế hoạch kinh tế, văn hóa và đơn vị hành chính, sự nghiệp gồm có: Đơn vị xã, thị trấn (và đơn vị tương đương ở thành phố và thị xã), hợp tác xã thủ công nghiệp, cơ quan, xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường và đội thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước tập trung.

2. Tiêu chuẩn tổ giáo viên bổ túc văn hóa tiên tiến chống Mỹ, cứu nước.

a) Hoàn thành tốt kế hoạch bổ túc văn hóa cả trong việc xây dựng trường lớp, vận động người học, thực hiện kế hoạch giảng dạy theo đúng yêu cầu nâng cao chất lượng, trong phạm vi phụ trách của tổ và chỉ tiêu được giao.

b) Xây dựng tổ vững mạnh, toàn tổ đoàn kết nhất trí, cầu tiến bộ, tự lực cánh sinh, giúp nhau nâng cao trình độ mọi mặt, thể hiện lòng thiết tha yêu ngành, yêu nghề, xây dựng ngành học người lớn và khoa học giáo dục người lớn.

c) Tổ phải có trên 50% tổ viên và lao động tiên tiến.

3. Tiêu chuẩn trường bổ túc văn hóa chống Mỹ, cứu nước.

a) Tổ chức và xây dựng tốt mọi mặt hoạt động của nhà trường theo đúng mục đích, yêu cầu đã đề ra đối với từng loại trường, kể cả tổ chức quản lý nhà trường, tổ chức hoạt động nghiệp vụ, xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị, v.v.…

b) Hoàn thành xuất sắc kế hoạch bổ túc văn hóa theo chỉ tiêu kế hoạch của đơn vị giao cho.

Huy động đúng đối tượng người học, xây dựng tinh thần học tập chuyên cần, bảo đảm chất lượng giảng dạy và học tập, theo đúng mục đích, phương châm bổ túc văn hóa và yêu cầu, nội dung của chương trình, tỉ lệ mãn khóa cao (từ 80 đến 90% học viên mãn khóa cuối cấp I, từ 70 đến 80% học viên mãn khóa cuối cấp II, 60% học viên mãn khóa cấp III; đối với trường tập trung các tỉ lệ phải cao hơn). Làm cho nhà trường gắn liền với đời sống, phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, quốc phòng của địa phương.

c) Xây dựng tập thể giáo viên vững mạnh, đoàn kết nhất trí quyết tâm vì sự nghiệp bổ túc văn hóa, giúp nhau nâng cao trình độ mọi mặt để đảm bảo tốt các mặt công tác, giảng dạy và học tập của nhà trường.

Trường phải có ít nhất một tổ giáo viên bổ túc văn hóa tiên tiến chống Mỹ, cứu nước. Các tổ khác tuy chưa đạt danh hiệu thi đua nhưng phải tương đối khá, không có sai sót lớn. Trường phải phấn đấu để có giáo viên và học viên bổ túc văn hóa giỏi.

4. Tiêu chuẩn đơn vị tiên tiến chống Mỹ, cứu nước.

a) Duy trì và phát triển mạnh mẽ, vững chắc phong trào bổ túc văn hóa trong bất kỳ tình huống nào nhằm hoàn thành tốt các chỉ tiêu đã định trong kế hoạch.

Kế hoạch bổ túc văn hóa của đơn vị phải gắn chặt với yêu cầu và quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công nhân, xã viên về mọi mặt, gắn chặt với yêu cầu cải tiến kỹ thuật phát triển sản xuất của đơn vị.

Có biện pháp tích cực và hình thức học thích hợp cho từng loại đối tượng theo đúng quy chế đã ban hành.

b) Quán triệt mục đích, phương châm bổ túc văn hóa, thực hiện tốt yêu cầu, nội dung chương trình học, có nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập bổ túc văn hóa một cách vững chắc, phát huy mạnh mẽ tác dụng bổ túc văn hóa trong sản xuất, chiến đấu và tổ chức đời sống.

Đơn vị phải có trường bổ túc văn hóa tiên tiến chống Mỹ, cứu nước và phải phấn đấu để có giáo viên và học viên bổ túc văn hóa giỏi.

c) Xây dựng tổ chức vững mạnh, lãnh đạo và chỉ đạo tốt, đưa ngành học bổ túc văn hóa vào nề nếp, vững chắc cụ thể là:

- Sự lãnh đạo chặt chẽ, thường xuyên và cụ thể của cấp ủy Đảng và chính quyền trên cơ sở nhận thức sâu sắc về mục đích, phương châm bổ túc văn hóa;

- Sự chỉ đạo chặt chẽ của cấp giáo dục, xây dựng nề nếp kết hợp bổ túc văn hóa với các công tác trung tâm và phối hợp chỉ đạo giữa các ngành liên quan với cấp giáo dục;

- Xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên ổn định chuyên môn hóa, có nhiệt tình công tác và đủ trình độ công tác;

- Có nhiều cố gắng trong việc xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị.

5. Tiêu chuẩn tổ lao động xã hội chủ nghĩa.

a) Hoàn thành vượt mức, xuất sắc nhiệm vụ bổ túc văn hóa về mọi mặt. Trong bất kỳ tình huống nào cũng phải bảo đảm hoàn thành vượt mức kế hoạch tổ chức trường lớp và kế hoạch giảng dạy theo đúng chỉ tiêu, trong phạm vi phụ trách của tổ.

Có nhiều kinh nghiệm trong việc huy động, tổ chức học viên học tập xây dựng trường lớp, giúp đỡ các tổ bạn, trường bạn cả kinh nghiệm và phương tiện để xây dựng tốt trường, lớp bổ túc văn hóa trong toàn đơn vị.

Có nhiều kinh nghiệm trong việc thực hiện chương trình, kế hoạch và phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập một cách toàn diện, qua đó làm sáng tỏ thêm mục đích và phương châm bổ túc văn hóa, góp phần vào việc xây dựng khoa học giáo dục cho người lớn, phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, quốc phòng và tổ chức đời sống của đơn vị.

b) Toàn tổ nêu cao tinh thần làm chủ tập thể, tự lực cánh sinh, cần kiệm xây dựng trường, chủ động và tích cực giúp nhau nâng cao lòng yêu ngành, yêu nghề, gương mẫu chấp hành mọi chính sách của Đảng và Nhà nước, chống tham ô, lãng phí, quan liêu.

c) Toàn tổ tích cực học tập chính trị, văn hóa và nhiệm vụ bổ túc văn hóa, xây dựng con người mới. Trong tổ không có người chậm tiến, phần lớn là lao động tiên tiến và phải có chiến sĩ thi đua. Tổ phải phấn đấu để có giáo viên bổ túc văn hóa giỏi.

Đối với các tổ giáo viên kiêm nhiệm thì các giáo viên này phải được ổn định và chuyên môn hóa, ít nhất dành nửa thời gian vào công tác bổ túc văn hóa, tổ phải có giáo viên chuyên nghiệp làm nòng cốt.

D. THỦ TỤC XÉT DUYỆT KHEN THƯỞNG

1. Các Ủy ban hành chính thành phố, tỉnh ủy nhiệm các sở, ty giáo dục chỉ đạo phong trào thi đua hai tốt trong ngành bổ túc văn hóa, chỉ đạo sơ kết, tổng kết, xét chọn để tặng các danh hiệu thi đua trong ngành bổ túc văn hóa.

2. Ủy ban hành chính thành phố, tỉnh tổ chức xét chọn, duyệt khen thưởng và đề nghị lên cấp trên khen thưởng các cá nhân và tập thể đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, giáo viên bổ túc văn hóa giỏi, đơn vị bổ túc văn hóa tiên tiến chống Mỹ, cứu nước, trường bổ túc văn hóa cấp II và cấp III tiên tiến chống Mỹ, cứu nước và tổ lao động xã hội chủ nghĩa.

3. Ủy ban hành chính cấp huyện, thị xã (và đơn vị tương đương) tổ chức xét chọn, duyệt khen thưởng và đề nghị lên cấp trên khen thưởng các tổ giáo viên bổ túc văn hóa tiên tiến chống Mỹ, cứu nước và các trường bổ túc văn hóa cấp I tiên tiến chống Mỹ, cứu nước.

Khi xét duyệt danh hiệu trường bổ túc văn hóa tiên tiến chống Mỹ, cứu nước cần hỏi ý kiến của Ủy ban hành chính thành phố, tỉnh và các sở, ty giáo dục trước khi công bố.

Việc xét duyệt lao động tiên tiến do chính quyền hoặc thủ trưởng cơ sở quyết định và báo cáo lên cấp trên.

4. Các phòng giáo dục huyện, thị xã (và đơn vị tương đương) tổ chức xét chọn học viên bổ túc văn hóa giỏi và báo cáo lên sở, ty giáo dục công nhận.

5. Những cá nhân và tập thể có thể được khen thưởng hơn mức khen thưởng của thành phố, tỉnh. Việc khen thưởng này do Ủy ban hành chính thành phố, tỉnh đề nghị theo thủ tục hiện hành.

Bộ giáo dục yêu cầu các Ủy ban hành chính thành phố, tỉnh và các sở, ty giáo dục phổ biến rộng rãi thông tư này đến từng cơ sở, từng giáo viên và học viên bổ túc văn hóa để đẩy mạnh phong trào thi đua hai tốt trong ngành bổ túc văn hóa, đẩy mạnh việc hoàn thành kế hoạch bổ túc văn hóa với chất lượng tốt, xây dựng ngành học bổ túc văn hóa vững mạnh, góp phần chống Mỹ, cứu nước thắng lợi.

Bộ yêu cầu các Ủy ban hành chính thành phố, tỉnh và các sở, ty giáo dục sau khi kết thúc năm học 1966-1967, hãy tổ chức xét chọn và tặng danh hiệu thi đua cho cá nhân và tập thể trong toàn ngành bổ túc văn hóa để gây khí thế và nề nếp cho những năm học tới.

Tất cả các chiến sĩ thi đua, giáo viên bổ túc văn hóa giỏi, trường và đơn vị bổ túc văn hóa tiên tiến chống Mỹ, cứu nước, tổ lao động xã hội chủ nghĩa cần có hồ sơ đầy đủ để báo cáo về Bộ và để theo dõi bồi dưỡng

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC




Nguyễn Văn Huyên