Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------

Số: 18/2009/TT-BTTTT

Hà Nội, ngày 28 tháng 5 năm 2009

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH MỘT SỐ YÊU CẦU VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CUNG CẤP DỊCH VỤ TRUYỀN HÌNH CÁP TƯƠNG TỰ TẠI ĐẦU CUỐI CỦA NGƯỜI SỬ DỤNG DỊCH VỤ

BỘ TRƯỞNG BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 187/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử,

QUY ĐỊNH:

Điều 1. Quy định chung

1. Truyền hình cáp quy định tại Thông tư này là một loại truyền hình trả tiền sử dụng phương tiện truyền dẫn trên mạng cáp (CATV) để cung cấp các chương trình truyền hình tương tự đến người sử dụng dịch vụ (sau đây gọi tắt là thuê bao) theo hợp đồng với đơn vị cung cấp dịch vụ.

2. Tín hiệu truyền hình cáp tương tự là tín hiệu hình tổng hợp và tín hiệu tiếng đi kèm được điều chế bằng kỹ thuật tương tự, truyền dẫn trên mạng cáp đến thiết bị thu hình tương tự của thuê bao.

3. Đầu cuối thuê bao là điểm cấp tín hiệu truyền hình cáp tương tự tại vị trí thuê bao đăng ký sử dụng dịch vụ truyền hình cáp.

4. Việc cấp phép, quản lý hoạt động của đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình cáp tương tự được thực hiện theo Quyết định số 79/2002/QĐ-TTg ngày 18/06/2002 của Thủ tướng Chính phủ và các quy định của Nhà nước đối với cơ quan báo chí.

5. Các đơn vị được cấp phép hoạt động truyền hình cáp phải tuân thủ chế độ báo cáo theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 2 Thông tư này và các yêu cầu về kỹ thuật tín hiệu truyền hình cáp tương tự tại đầu cuối thuê bao, quy định tại Điều 3 Thông tư này.

Điều 2. Chế độ báo cáo

1. Các đơn vị được cấp phép hoạt động truyền hình cáp phải thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hàng năm (trước ngày 15 tháng 12) theo các nội dung sau:

a) Phát triển thuê bao: Số lượng thuê bao phát triển theo quý và theo từng địa bàn hoạt động;

b) Phát triển hạ tầng: Chủng loại thiết bị, công nghệ truyền dẫn, cấu hình mạng, tổng chiều dài cáp mới phát triển (tính theo km);

c) Phát triển dịch vụ: Các loại hình dịch vụ (dịch vụ gia tăng, dịch vụ mới phát triển trong kỳ);

d) Phát triển nội dung chương trình: Số lượng chương trình (chương trình nước ngoài, chương trình sản xuất trong nước, chương trình tự sản xuất), chương trình mới tăng thêm trong kỳ;

đ) Công tác giải quyết khiếu nại, chăm sóc khách hàng: Tổng số đơn thư khiếu nại, tổng số đơn thư đã giải quyết, thời gian giải quyết khiếu nại, các dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng;

e) Công tác đảm bảo chất lượng: Công tác đo kiểm định kỳ chất lượng kỹ thuật, phương án đảm bảo chất lượng dịch vụ và khắc phục các sự cố kỹ thuật.

2. Trong trường hợp cần thiết, các đơn vị được cấp phép hoạt động truyền hình cáp chịu trách nhiệm báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.

Điều 3. Yêu cầu về kỹ thuật

1. Yêu cầu về dải tần số hoạt động

Dải tần số hoạt động của tín hiệu truyền hình cáp tương tự là dải tần số rất cao (VHF), dải tần số siêu cao (UHF) dùng cho truyền hình.

2. Yêu cầu về tín hiệu cao tần

a) Mức tín hiệu cao tần tại dải tần số VHF trong khoảng từ 60 decibel microvolt đến 80 decibel microvolt;

b) Mức tín hiệu cao tần tại dải tần số UHF trong khoảng từ 60 decibel microvolt đến 80 decibel microvolt;

c) Dải thông của mỗi kênh hệ màu PAL D/K là 08 Megahertz;

d) Dải thông của mỗi kênh hệ màu PAL G là 08 Megahertz;

đ) Dải thông của mỗi kênh hệ màu PAL B là 07 Megahertz;

e) Khoảng cách từ tần số sóng mang hình tới tần số sóng mang tiếng của mỗi kênh hệ màu PAL D/K là 6,5 Megahertz;

g) Khoảng cách từ tần số sóng mang hình tới tần số sóng mang tiếng của mỗi kênh hệ màu PAL B/G là 5,5 Megahertz;

h) Tỷ lệ công suất hình trên công suất tiếng trong dải giá trị từ 10 lần đến 20 lần.

3. Yêu cầu tín hiệu hình

a) Độ sâu điều chế trong mức giới hạn (87,5 ± 2)% của biên độ tín hiệu đỉnh - đỉnh xung đồng bộ;

b) Mức xung đồng bộ sau giải điều chế trong mức giới hạn (300 ± 15) mili-volt;

c) Méo khuếch đại vi sai trong mức giới hạn (± 7)% so với giá trị chuẩn biên độ tín hiệu sóng mang màu;

d) Méo pha vi sai trong mức giới hạn (± 5) độ so với giá trị chuẩn pha tín hiệu sóng mang màu;

đ) Trễ nhóm trong mức giới hạn (± 100 x 10-9) giây;

e) Tỷ số tín hiệu trên tạp âm tổng hợp không nhỏ hơn 45 decibel;

g) Sai lệch đáp tuyến biên độ tần số hình trong dải tần 0 Megahertz đến 5 Megahertz trong mức giới hạn (± 2) decibel;

h) Tỷ số công suất sóng mang hình trên tạp âm không nhỏ hơn 43 decibel.

4. Yêu cầu tín hiệu tiếng

Sai lệch đáp tuyến biên độ tần số âm thanh từ 30 Hertz đến 15000 Hertz trong mức giới hạn (± 1,5) decibel.

Điều 4. Tổ chức thực hiện

1. Cục Quản lý Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử chủ trì, hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị được cấp phép hoạt động truyền hình cáp thực hiện Thông tư này.

2. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Thông tư này trên địa bàn quản lý của Sở.

3. Các hành vi vi phạm quy định của Thông tư này sẽ xử lý theo quy định hiện hành của pháp luật.

4. Trong quá trình thực hiện, các đơn vị nếu có vướng mắc cần phản ánh kịp thời về Bộ Thông tin và Truyền thông để xem xét giải quyết.

Điều 5. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2009.

2. Chánh văn phòng, Cục trưởng Cục Quản lý Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc các Sở Thông tin và Truyền thông, Các đơn vị được cấp phép hoạt động truyền hình cáp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Bộ TT&TT: Bộ trưởng và các Thứ trưởng; các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Các sở Thông tin và Truyền thông;
- Các đơn vị hoạt động truyền hình cáp;
- TTĐT, Công báo;
- Lưu: VT, Cục QL PTTH&TTĐT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Quý Doãn