NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 18/2021/TT-NHNN | Hà Nội, ngày 18 tháng 11 năm 2021 |
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng ngày 20 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật Các công cụ chuyển nhượng ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 16/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ;
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư quy định về hoạt động tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Thông tư này quy định về hoạt động tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Thông tư này áp dụng đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là bên tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng (sau đây gọi là bên tái chiết khấu) và bên được tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng (sau đây gọi là bên được tái chiết khấu) bao gồm: Ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính.
Điều 3. Nguyên tắc tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng
1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng khi trong Giấy phép do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước) cấp có nội dung hoạt động tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng.
2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng theo quy định tại Thông tư này, phù hợp quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Các công cụ chuyển nhượng và quy định của pháp luật có liên quan. Trường hợp tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng có yếu tố nước ngoài, các bên thực hiện theo quy định tại Thông tư này, Luật Các tổ chức tín dụng, quy định về áp dụng điều ước quốc tế, tập quán thương mại quốc tế trong quan hệ công cụ chuyển nhượng có yếu tố nước ngoài tại Luật Các công cụ chuyển nhượng và quy định của pháp luật về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.
3. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng bằng ngoại tệ phù hợp với phạm vi hoạt động ngoại hối được phép của từng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Điều 4. Công cụ chuyển nhượng được tái chiết khấu
1. Công cụ chuyển nhượng được tái chiết khấu khi:
a) Đã được bên được tái chiết khấu thực hiện chiết khấu đối với khách hàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động chiết khấu công cụ chuyển nhượng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng;
b) Thuộc sở hữu hợp pháp của bên được tái chiết khấu, được phép giao dịch theo quy định của pháp luật, không có tranh chấp, không trong tình trạng đang được sử dụng để bảo đảm cho nghĩa vụ khác;
c) Chưa đến hạn thanh toán;
d) Còn nguyên vẹn, không tẩy xóa, sửa chữa.
2. Bên tái chiết khấu có quyền yêu cầu bên được tái chiết khấu cung cấp các thông tin, tài liệu để chứng minh công cụ chuyển nhượng được tái chiết khấu theo quy định tại khoản 1 Điều này. Bên được tái chiết khấu có trách nhiệm cung cấp các thông tin, tài liệu về công cụ chuyển nhượng theo yêu cầu của bên tái chiết khấu và chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ của thông tin, tài liệu.
Điều 5. Phương thức tái chiết khấu
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thỏa thuận, lựa chọn một trong các phương thức tái chiết khấu sau đây:
1. Mua có kỳ hạn công cụ chuyển nhượng là việc bên tái chiết khấu mua và nhận chuyển nhượng công cụ chuyển nhượng chưa đến hạn thanh toán từ bên được tái chiết khấu, đồng thời bên được tái chiết khấu cam kết sẽ mua lại công cụ chuyển nhượng đó sau một khoảng thời gian được xác định theo thỏa thuận tái chiết khấu.
2. Mua có bảo lưu quyền truy đòi công cụ chuyển nhượng là việc bên tái chiết khấu mua và nhận chuyển nhượng công cụ chuyển nhượng chưa đến hạn thanh toán từ bên được tái chiết khấu; bên được tái chiết khấu phải có trách nhiệm thanh toán cho bên tái chiết khấu số tiền còn thiếu theo thỏa thuận trong trường hợp bên tái chiết khấu không nhận được đầy đủ số tiền được thanh toán từ người có trách nhiệm thanh toán công cụ chuyển nhượng đó.
Điều 6. Đồng tiền tái chiết khấu
1. Đối với công cụ chuyển nhượng ghi trả bằng đồng Việt Nam, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện tái chiết khấu bằng đồng Việt Nam.
2. Đối với công cụ chuyển nhượng ghi trả bằng ngoại tệ:
a) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện tái chiết khấu bằng loại ngoại tệ ghi trên công cụ chuyển nhượng đó hoặc bằng đồng Việt Nam theo thỏa thuận. Trường hợp tái chiết khấu bằng đồng Việt Nam, các bên thỏa thuận tỷ giá áp dụng phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước về tỷ giá;
b) Trường hợp tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng theo phương thức mua có kỳ hạn, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua lại công cụ chuyển nhượng bằng đồng tiền bán công cụ chuyển nhượng đó.
Điều 7. Thời hạn tái chiết khấu
1. Thời hạn tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng là khoảng thời gian được xác định từ ngày bên tái chiết khấu nhận tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng đến ngày bên được tái chiết khấu phải thực hiện nghĩa vụ cam kết mua lại hoặc đến ngày đến hạn thanh toán toàn bộ số tiền ghi trên công cụ chuyển nhượng đó, bao gồm cả ngày nghỉ và ngày lễ.
2. Bên tái chiết khấu và bên được tái chiết khấu thỏa thuận thời hạn tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng đảm bảo dưới 12 tháng và không vượt quá ngày bên được tái chiết khấu phải thực hiện nghĩa vụ bán lại công cụ chuyển nhượng đó cho khách hàng (đối với trường hợp bên được tái chiết khấu thực hiện chiết khấu công cụ chuyển nhượng từ khách hàng theo phương thức mua có kỳ hạn) hoặc ngày đến hạn thanh toán toàn bộ số tiền ghi trên công cụ chuyển nhượng đó (đối với trường hợp bên được tái chiết khấu thực hiện chiết khấu công cụ chuyển nhượng từ khách hàng theo phương thức mua có bảo lưu quyền truy đòi).
Điều 8. Giá tái chiết khấu, giá mua lại công cụ chuyển nhượng, lãi suất tái chiết khấu
1. Giá tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng là số tiền mà bên tái chiết khấu phải trả cho bên được tái chiết khấu khi thực hiện tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng.
2. Giá mua lại công cụ chuyển nhượng là số tiền mà bên được tái chiết khấu phải trả cho bên tái chiết khấu khi mua lại công cụ chuyển nhượng trong trường hợp tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng theo phương thức mua có kỳ hạn.
3. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thỏa thuận giá tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng, giá mua lại công cụ chuyển nhượng, lãi suất tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng, lãi suất áp dụng đối với khoản tiền tái chiết khấu quá hạn và các chi phí hợp pháp khác có liên quan đến hoạt động tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng phù hợp với quy định của pháp luật.
Điều 9. Thỏa thuận tái chiết khấu
1. Thỏa thuận tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải được thể hiện bằng hình thức phù hợp với quy định của pháp luật và bao gồm tối thiểu các nội dung sau:
a) Thông tin về bên tái chiết khấu, bên được tái chiết khấu;
b) Thông tin về công cụ chuyển nhượng được tái chiết khấu;
c) Phương thức tái chiết khấu;
d) Đồng tiền tái chiết khấu;
đ) Giá tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng, ngày thanh toán, phương thức thanh toán;
e) Thời hạn tái chiết khấu;
g) Lãi suất tái chiết khấu;
h) Quyền, nghĩa vụ các bên;
i) Xử lý vi phạm.
2. Trường hợp tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng theo phương thức mua có kỳ hạn, ngoài các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, thỏa thuận tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng phải có nội dung về cam kết mua lại công cụ chuyển nhượng, giá mua lại công cụ chuyển nhượng.
3. Trường hợp tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng theo phương thức mua có bảo lưu quyền truy đòi, ngoài các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, thỏa thuận tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng phải có nội dung về trách nhiệm của bên được tái chiết khấu trong việc thanh toán cho bên tái chiết khấu số tiền còn thiếu theo thỏa thuận trong trường hợp bên tái chiết khấu không nhận được đầy đủ số tiền được thanh toán từ người có trách nhiệm thanh toán công cụ chuyển nhượng.
4. Ngoài các nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều này, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có thể thỏa thuận các nội dung khác phù hợp với quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật.
Điều 10. Chuyển nhượng công cụ chuyển nhượng
1. Khi bên tái chiết khấu chấp thuận tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng, bên được tái chiết khấu thực hiện thủ tục về chuyển nhượng công cụ chuyển nhượng cho bên tái chiết khấu theo quy định của pháp luật.
2. Trường hợp tái chiết khấu theo phương thức mua có kỳ hạn, khi bên được tái chiết khấu hoàn thành nghĩa vụ cam kết mua lại công cụ chuyển nhượng, bên tái chiết khấu thực hiện thủ tục về chuyển nhượng công cụ chuyển nhượng cho bên được tái chiết khấu theo quy định của pháp luật.
Điều 11. Quy định nội bộ hoạt động tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng
1. Căn cứ quy định tại Thông tư này, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Các công cụ chuyển nhượng và quy định của pháp luật có liên quan, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ban hành Quy định nội bộ về hoạt động tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng phù hợp với mô hình quản lý, đặc điểm, điều kiện kinh doanh, đảm bảo an toàn hoạt động cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
2. Quy định nội bộ phải quy định rõ trách nhiệm của từng bộ phận và cá nhân có liên quan đến việc thực hiện hoạt động tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng.
3. Quy định nội bộ tối thiểu phải có nội dung về quy trình nghiệp vụ tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng, quản lý rủi ro đối với hoạt động tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng và thẩm định bên được tái chiết khấu, công cụ chuyển nhượng được tái chiết khấu.
Điều 12. Hạch toán kế toán, báo cáo thống kê
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện việc hạch toán kế toán, báo cáo thống kê đối với hoạt động tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng theo quy định của pháp luật hiện hành về chế độ hạch toán kế toán và chế độ báo cáo thống kê của Ngân hàng Nhà nước.
Điều 13. Trách nhiệm của các đơn vị
1. Vụ Chính sách tiền tệ
Đầu mối phối hợp với các đơn vị xử lý các vướng mắc phát sinh liên quan đến quy định tại Thông tư này.
2. Vụ Tài chính - Kế toán
Đầu mối phối hợp với các đơn vị xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến hạch toán kế toán khi thực hiện Thông tư này.
3. Sở Giao dịch
Theo dõi, tổng hợp thông tin về tình hình thực hiện hoạt động tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định về chế độ báo cáo thống kê của Ngân hàng Nhà nước.
4. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
Thanh tra, giám sát việc thực hiện các quy định tại Thông tư này và xử lý vi phạm theo thẩm quyền.
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 7 tháng 1 năm 2022.
2. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này./.
Nơi nhận: | KT.THỐNG ĐỐC |
- 1 Thông tư 04/2013/TT-NHNN quy định về hoạt động chiết khấu công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá khác của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành
- 2 Công văn 3212/NHNN-CSTT thực hiện chiết khấu công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá khác do Ngân hàng Nhà nước ban hành
- 3 Thông tư 21/2016/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 04/2013/TT-NHNN quy định về hoạt động chiết khấu công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá khác của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành