BỘ Y TẾ ******* | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM ******* |
Số: 18-BYT/TT | Hà Nội, ngày 22 tháng 6 năm 1979 |
Theo quyết định số 168-CP ngày 08-07-1974, Hội đồng Chính phủ đã cho thành lập Viện giám định y khoa, bổ sung và sửa đổi theo quyết định số 135-CP ngày 04-08-1976 của Hội đồng Chính phủ;
Căn cứ quyết định trên, liên Bộ Y tế - Thương binh và xã hội đã ban hành thông tư số 05-TT/LB ngày 21-03-1977 hướng dẫn tổ chức hệ thống giám định y khoa ở địa phương cho phù hợp với hệ thống tổ chức y tế địa phương theo nghị quyết số 15-CP ngày 14-01-1975 của Hội đồng Chính phủ đã quy định và thay thế cho thông tư số 44-TT/LB ngày 26-11-1970 của liên Bộ Y tế - Nội vụ;
Tiếp theo có các thông tư số 09-TT/LB ngày 13-04-1977 của liên Bộ Y tế - Tài chính quy định việc quản lý chi tiêu về công tác giám định y khoa tại địa phương, chỉ thị số 16-BYT/CT ngày 26-04-1978 về tăng cường và nâng cao chất lượng giám định y khoa, công văn số 1406-BYT/TC ngày 26-04-1978 về tổ chức bộ máy của Viện giám định y khoa và quyết định số 59-BYT/QĐ ngày 11-01-1979 về việc củng cố Hội đồng giám định y khoa trung ương;
Nay để tiện cho việc theo dõi và thi hành, Bộ tổng hợp tất cả văn bản trên và hướng dẫn thêm như sau.
1. Viện giám định y khoa với chức năng là cơ quan nghiên cứu khoa học kỹ thuật trực thuộc Bộ Y tế về mặt khám giám định thương tật, tai nạn lao động, tiêu chuẩn sức khỏe để xác định khả năng lao động cho công nhân, viên chức Nhà nước, quân đội xuất ngũ và những người được hưởng các chính sách, chế độ ưu đãi như thương binh.
Viện có nhiệm vụ:
a) Tổ chức khám lại các trường hợp giám định y khoa do tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các ngành gửi đến; làm nhiệm vụ thường trực cho hội đồng giám định y khoa trung ương.
b) Phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan như Bộ Thương binh và xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động, Tổng công đoàn Việt Nam,… nghiên cứu xây dựng và bổ sung các tiêu chuẩn cụ thể, xác định về thương tật và về mất sức lao động để Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, hướng dẫn, kiểm tra việc chấp hành các tiêu chuẩn ấy.
c) Nghiên cứu, hướng dẫn việc chọn ngành nghề phù hợp với khả năng lao động còn lại của những đối tượng nói trên sát hợp với hoàn cảnh lao động của nước ta.
d) Phối hợp với các tổ chức có liên quan của Bộ Y tế để đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ làm công tác giám định y khoa, hướng dẫn về chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ cho hệ thống giám định y khoa các cấp, các ngành.
e) Theo dõi tổng hợp tình hình về mặt số lượng, chất lượng của công tác giám định y khoa; tổ chức lưu trữ các hồ sơ về giám định y khoa.
Để thực hiện các nhiệm vụ trên, tổ chức của việc dựa vào một bệnh viện đa khoa, hiện nay là bệnh viện E, để kết hợp sử dụng cán bộ, phương tiện, thiết bị sẵn có. Viện có trách nhiệm cử cán bộ tham gia Hội đồng giám định y khoa trung ương và có một phòng khám phúc quyết và làm thường trực cho Hội đồng giám định y khoa trung ương, để chuẩn bị hồ sơ tình hình đương sự để Hội đồng giám định y khoa trung ương họp quyết định.
Ngoài ra, tại viện còn có các tổ chức công tác và tổ nghiên cứu
Biên chế của viện hàng năm căn cứ vào khối lượng nhiệm vụ công tác và khả năng về lao động, Nhà nước sẽ ghi chỉ tiêu.
Quyết định số 168-CP của Hội đồng Chính phủ về việc thành lập Viện giám định y khoa và thông tư số 05-TT/LB của liên Bộ Y tế - Thương binh và xã hội hướng dẫn kiện toàn hệ thống tổ chức giám định y khoa ở địa phương đã thay thế tất cả các văn bản quy định về quyền hạn, nhiệm vụ của Hội đồng giám định y khoa trung ương và về hệ thống tổ chức Hội đồng giám định y khoa đã ban hành trước tháng 7 năm 1974.
2. Các hội đồng giám định y khoa.
a) Hội đồng giám định y khoa trung ương là một tổ chức của liên Bộ gồm một số thành viên kiêm nhiệm của các Bộ cử vào, không có biên chế riêng.
Hội đồng giám định y khoa trung ương do Bộ trưởng Bộ Y tế ra quyết định thành lập, cử chủ tịch, phó chủ tịch và các ủy viên trong đó có đại diện các Bộ Thương binh và xã hội, Lao động và tổng công đoàn Việt Nam; những thành viên của Hội đồng thuộc Bộ nào thì do Bộ trưởng của Bộ đó ra quyết định bổ nhiệm.
Phó chủ tịch Hội đồng giám định y khoa trung ương là Viện trưởng Viện giám định y khoa, có thêm một đại diện Viện giám định y khoa làm ủy viên thường trực. Giúp việc cho ủy viên thường trực của Hội đồng là phòng khám phúc quyết thuộc biên chế của Viện giám định y khoa để chuẩn bị cho Hội đồng họp và quyết định. Ngoài ra Hội đồng giám định y khoa trung ương cần lập danh sách các giám định viên giúp Hội đồng trong việc giám định chuyên khoa để đề nghị Bộ duyệt, chỉ định.
Hội đồng giám định y khoa trung ương sẽ họp thường kỳ theo quyết định về lề lối làm việc của Hội đồng, và có sự thống nhất giữa Hội đồng và Viện giám định y khoa.
Hội đồng giám định y khoa trung ương là cơ quan giám định y khoa cao cấp của cả nước, có nhiệm vụ khám phúc quyết đối với các trường hợp do các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và hội đồng giám định y khoa của các ngành gửi đến. Các hội đồng giám định y khoa của địa phương và của các ngành chỉ làm nhiệm vụ giám định thông thường, nếu có trường hợp khiếu nại đều phải chuyển về Hội đồng giám định y khoa trung ương.
b) Phân hội đồng giám định y khoa trung ương I (thành phố Hồ Chí Minh) dựa vào bệnh viện Chợ Rẫy và Phân hội đồng giám định y khoa trung ương II (thành phố Đà Nẵng) dựa vào bệnh viện C Đà Nẵng, thành lập theo quyết định số 1412-BYT/QĐ ngày 26-11-1976 để làm nhiệm vụ giám định y khoa tại các tỉnh từ Bình Trị Thiên và Gia Lai – Công Tum trở vào.
Hai phân hội đồng đều thuộc cơ cấu của Hội đồng giám định y khoa trung ương, đặt tại hai khu vực trên để giải quyết cho đương sự được thuận lợi và nhanh chóng theo sự phân cấp và chỉ đạo thống nhất của Hội đồng giám định y khoa trung ương.
Ngoài các thành phần đã quy định trong quyết định trên, các phân hội đồng cần được bổ sung thêm đại diện của Bộ Thương binh và xã hội, Bộ Lao động và Tổng công đoàn Việt Nam làm các ủy viên chính thức của phân hội đồng. Biên chế chuyên trách của Phân hội đồng I có 5 người tính vào biên chế của bệnh viện Chợ Rẫy; của Phân hội đồng II có 3 người tính vào biên chế của bệnh viện C Đà Nẵng. Các bộ phận chuyên trách trên, ngoài nhiệm vụ phụ giúp các phân hội đồng còn có nhiệm vụ giúp viện theo dõi, hướng dẫn về công tác giám định y khoa cho các tỉnh, thành trong phạm vi đã được phân công và theo sự chỉ đạo của viện.
c) Các hội đồng giám định y khoa khác ở trung ương: Sau khi đã có quyết định số 168-CP ngày 08-07-1974 của Hội đồng Chính phủ thành lập Viện giám định y khoa, liên Bộ Y tế - Thương binh và xã hội đã ban hành thông tư số 05-TT/LB ngày 21-03-1977 hướng dẫn tổ chức hệ thống giám định y khoa ở địa phương cho phù hợp với hệ thống tổ chức y tế địa phương quy định trong nghị quyết số 15-CP ngày 14-01-1975 của Hội đồng Chính phủ; tới nay Hội đồng giám định y khoa của các tỉnh, thành phố đã được thành lập, củng cố và kiện toàn vững mạnh đủ khả năng đáp ứng cho yêu cầu khám giám định y khoa cho các đối tượng đã sinh sống, công tác tại địa phương. Căn cứ vào tình hình đó và để thống nhất chỉ đạo công tác giám định y khoa, thuận tiện cho các đối tượng trong việc khám giám định, Bộ Y tế thấy các hội đồng giám định y khoa thuộc các ngành ở trung ương mà trước đây do Bộ Y tế ra quyết định thành lập hoặc công nhận nay không còn phù hợp và không cần thiết, sẽ không còn hiệu lực, nhất là đối với các ngành đang và sẽ thực hiện việc thống nhất quản lý công tác y tế vào ngành y tế (trừ Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và Tổng cục đường sắt).
Công tác giám định y khoa đối với cán bộ, công nhân, viên chức của các ngành thuộc trung ương đóng trên lãnh thổ nào sẽ do hội đồng giám định y khoa tỉnh, thành phố ở nơi đó đảm nhiệm.
Cũng theo tinh thần trên, đối với hội đồng giám định y khoa tại bệnh viện hữu nghị Việt-Xô, trước đây trong quyết định của Bộ số 930-BYT/QĐ ngày 03-11-1970 đã ghi “…các cán bộ thuộc diện bệnh viện hữu nghị Việt-Xô quản lý sức khỏe của các tỉnh, thành phố thì do địa phương phụ trách giám định y khoa “ (điều 2), nay Bộ quy định như sau:
Công tác giám định y khoa cho các đối tượng thuộc bệnh viện hữu nghị Việt-Xô và bệnh viện E quản lý sức khỏe đều do các hội đồng giám định y khoa địa phương đảm nhiệm, nhưng riêng đối với số cán bộ thuộc diện bệnh viện hữu nghị Việt-Xô quản lý sức khỏe hiện đang ở tại Hà Nội, mỗi lần hội đồng giám định y khoa Hà Nội giám định sức khỏe cần mời một đại diện của bệnh viện hữu nghị Việt-Xô tham dự với tư cách là ủy viên chính thức của hội đồng trong phiên họp đó để cùng hội chuẩn và phát biểu về đối tượng do mình quản lý. Tất cả các đối tượng giám định trên khi cần thiết đều sẽ do hội đồng giám định y khoa trung ương khám phúc quyết. Riêng các đối tượng thuộc bệnh viện hữu nghị Việt-Xô, khi khám phúc quyết, hội đồng giám định y khoa trung ương cũng mời một đại diện của bệnh viện hữu nghị Việt-Xô làm ủy viên chính thức của phiên họp đó.
Quy định này sẽ thay thế tất cả những quyết định của Bộ trước đây về việc thành lập hội đồng giám định y khoa tại bệnh viện hữu nghị Việt-Xô và quyết định số 20-BYT/QĐ ngày 05-01-1977 công nhận hội đồng giám định y khoa tại bệnh viện G1.
1. Hội đồng giám định y khoa tỉnh: tại mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có một hội đồng giám định y khoa đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và chịu sự chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Y tế (Viện giám định y khoa), làm nhiệm vụ giám định y khoa tại địa phương:
a) Giám định thương tật, bệnh tật, bệnh nghề nghiệp và khả năng lao động đối với thương binh, bệnh binh, quân nhân phục viên, xuất ngũ bị bệnh cũ, vết thương cũ tái phát, công nhân, viên chức Nhà nước (kể cả biên chế trung ương đóng tại địa phương) và những người được hưởng chính sách, chế độ như thương binh…
Đối với thương binh, hội đồng được quyền xếp hạng lần đầu và xếp hạn từ tạm thời sang vĩnh viễn.
Đối với công nhân, viên chức Nhà nước, hội đồng khám và cho nghỉ việc lần đầu và khám tái tuyển.
b) Hướng dẫn, đề xuất với các cơ quan cho các đối tượng nói trên làm những ngành nghề phù hợp với khả năng lao động còn lại và đề nghị cho hưởng các chế độ điều trị, điều dưỡng, chỉnh hình, tạo hình, chuyển nghề, chế độ nghỉ việc, thôi việc… theo điều lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội đối với công nhân, viên chức Nhà nước.
c) Giám định và kết luận về các trường hợp khiếu nại tuyển công nhân, viên chức, quân nhân nghĩa vụ, học sinh… của tuyến trước và các cơ quan địa phương.
d) Phát hiện, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Sở, Ty y tế những vấn đề thuộc phạm vi hội đồng giám định y khoa tỉnh, thành phố.
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định danh sách chủ tịch, các phó chủ tịch và ủy viên hội đồng theo đề nghị của ban tổ chức chính quyền và Sở, Ty y tế, bao gồm:
- Chủ tịch là bác sĩ giám đốc sở hoặc trưởng ty y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
- Các phó chủ tịch là:
Bệnh viện trưởng bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
Giám đốc sở, trưởng ty thương binh và xã hội;
Đại diện ban chấp hành liên hiệp công đoàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
- Ủy viên thường trực là một bác sĩ đa khoa chuyên trách công tác của hội đồng, phụ trách phòng giám định y khoa của tỉnh, thành phố.
Ngoài ra, thường xuyên giúp việc hội đồng có các giám định viên chuyên khoa là bác sĩ, y sĩ phụ trách các chuyên khoa mắt, tai mũi họng, tâm thần, thần kinh, y học lao động, điện quang, xét nghiệm… do giám đốc sở, trưởng ty y tế quyết định theo đề nghị của chủ tịch hội đồng giám định y khoa tỉnh, thành phố.
Những tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có địa dư rộng, có thể đặt thêm cơ sở ở bệnh viện đa khoa khu vực để thuận tiện cho các đối tượng đến khám. Các cơ sở này đều thuộc cơ cấu của hội đồng giám định y khoa tỉnh, thành phố. Trường hợp này, cần cử thêm phó chủ tịch là bác sĩ bệnh viện trưởng bệnh viện đa khoa khu vực và hai ủy viên là các bác sĩ trưởng khoa ngoại, nội của bệnh viện đó, các đại diện của sở, ty thương binh và xã hội, và của ban chấp hành liên hiệp công đoàn tỉnh, thành để làm nhiệm vụ giám định y khoa trong khu vực theo sự phân công của hội đồng giám định y khoa tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Các biên bản giám định của các cơ sở trên phải được chủ tịch hội đồng giám định y khoa tỉnh, thành phố duyệt và đóng dấu của hội đồng giám định y khoa tỉnh, thành phố; khi cần, hội đồng giám định y khoa tỉnh, thành phố có thể xét lại.
Hội đồng giám định y khoa tỉnh, thành phố có con dấu riêng, con dấu của hội đồng giám định y khoa tương đương với con dấu của Sở, Ty y tế.
2. Phòng giám định y khoa tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc biên chế sự nghiệp y tế, có từ 4 đến 6 cán bộ, đặt cơ sở làm việc tại phòng khám bệnh đa khoa tỉnh, thành phố (thông tư số 42-BYT/TT ngày 06-11-1976 của Bộ Y tế). Ở những tỉnh, thành phố lớn, căn cứ khối lượng cần giám định y khoa hàng năm tại địa phương, Sở, Ty có thể báo cáo và đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố tăng thêm biên chế, nếu cần thiết.
Phòng giám định y khoa chịu sự chỉ đạo trực tiếp và toàn diện của Sở, Ty y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đồng thời chịu sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của viện giám định y khoa.
Phòng giúp hội đồng giám định y khoa làm các nhiệm vụ chuyên môn nghiệp vụ và quản lý các mặt công tác giám định y khoa của địa phương và đảm nhiệm công tác thường trực của hội đồng. Hội đồng giám định y khoa tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương dựa vào bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố đó để hoạt động. Ủy viên thường trực của Hội đồng phụ trách trưởng phòng giám định y khoa, do đó biên chế cán bộ của phòng được duyệt riêng và cố định để chuyên khoa hóa cán bộ. Phòng không có con dấu riêng.
3. Tổ giám định y khoa huyện, thị xã (hoặc quận, khu).
Tổ giám định y khoa không phải là một cấp hội đồng. Ở các huyện, thị,… có nhiều đối tượng phải giám định y khoa và có bệnh viện bảo đảm về chuyên môn kỹ thuật thì có thể thành lập tổ giám định y khoa đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của Ủy ban nhân dân huyện, thị,… và chịu sự chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của Sở, Ty y tế. Danh sách thành viên của tổ do Ủy ban nhân dân huyện, thị,… quyết định theo đề nghị của trưởng ban y tế và thể dục thể thao huyện, thị,… gồm có:
- Bệnh viện trưởng bệnh viện đa khoa huyện, thị… tổ trưởng;
- Phụ trách thương binh và xã hội huyện, thị… tổ phó;
- Bác sĩ trưởng khoa ngoại, nội của bệnh viện đa khoa huyện, thị… ủy viên.
Tổ có nhiệm vụ:
a) Hướng dẫn các cơ quan, xí nghiệp trong địa phương chuẩn bị hồ sơ giám định, khám sơ bộ làm cơ sở cho hội đồng giám định y khoa tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khám quyết định;
b) Giám định định kỳ cho công nhân, viên chức nghỉ mất sức lao động làm cơ sở cho hội đồng giám định y khoa tỉnh, thành phố quyết định;
c) Phối hợp với thương binh và xã hội huyện, thị… quản lý sức khỏe thương binh, bệnh binh, quân nhân phục viên, xuất ngũ bị bệnh cũ, vết thương cũ tái phát, chủ yếu là những đối tượng đang xếp hạng tạm thời hoặc những đối tượng cần theo dõi;
d) Giám định mất sức lao động cho những thân nhân chủ yếu của liệt sĩ;
e) Giám định và kết luận những trường hợp mắc mứu trong việc khám tuyển công nhân, viên chức, quân nhân nghĩa vụ, học sinh… của ban y tế và thể dục thể thao huyện, thị…, những trường hợp khiếu nại về giám định khả năng lao động đối với xã viên hợp tác xã. Tổ giám định y khoa được sử dụng con dấu của bệnh viện đa khoa huyện, thị.
B. KINH PHÍ CHO CÔNG TÁC GIÁM ĐỊNH Y KHOA
Kinh phí hoạt động của Hội đồng giám định y khoa trung ương dự trù vào kinh phí thường xuyên của Viện giám định y khoa.
Các hội đồng giám định y khoa khác dự trù tổng hợp vào kinh phí của bệnh viện đa khoa mà hội đồng dựa vào để hoạt động.
Việc quản lý chi tiêu về công tác giám định y khoa quy định có hai loại chi như sau:
1. Chi theo định mức:
Định mức chi bình quân cho một lần-người đến để giám định y khoa là 2đ (hai đồng) cho mọi đối tượng được hội đồng giám định y khoa, tổ giám định y khoa khám xét và lập hồ sơ giám định y khoa.
Định mức này dành cho những khoản chi có tính chất thường xuyên về nghiệp vụ giám định y khoa như chi về chụp điện quang (bình quân hai người một phim), chi về các xét nghiệm để xác minh bệnh tật, chi về giấy tờ, hồ sơ, sổ sách về giám định y khoa, chi về chè, nước, báo hàng ngày tại nơi đón tiếp; chi thù lao ngoài giờ cho cán bộ chuyên môn…
2. Chi ngoài định mức:
a) Chi về trả lương và các khoản phụ cấp theo lương cho cán bộ làm nhiệm vụ thường trực ở phòng giám định y khoa tính vào quỹ lương của bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tính ngoài định mức chi tiêu về giường bệnh của bệnh viện. Bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố căn cứ chỉ tiêu biên chế của phòng đã được Ủy ban nhân dân tỉnh duyệt để lập dự toán cấp kinh phí.
Chi phí về lương và các khoản phụ cấp, trợ cấp, công tác phí… của các thành viên hội đồng giám định y khoa là những cán bộ kiêm nhiệm, do đơn vị nơi thành viên đó đang công tác gánh chịu.
b) Chi về xây dựng cơ bản cho phòng giám định y khoa. Các Sở, Ty y tế căn cứ vào tình hình thực tế, cố gắng điều hòa, sắp xếp nơi làm việc cho phòng giám định y khoa. Trường hợp phải xây dựng và trang bị mới, Sở, Ty y tế lập kế hoạch có sự tham gia của Sở, Ty tài chính, trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố xét và giải quyết vốn đầu tư xây dựng cơ bản.
c) Trường hợp cần lưu đối tượng cần giám định để theo dõi trong bệnh viện thì bệnh viện chăm sóc như bệnh nhân nội trú và tính vào định mức chi tiêu theo giường bệnh của bệnh viện.
3. Lập kế hoạch chi (ở địa phương):
Hàng năm, phòng giám định y khoa tỉnh, thành phố lập kế hoạch chi căn cứ vào khả năng thực hiện khối lượng giám định (khoản 5% tổng số công nhân, viên chức, thương binh, bệnh binh của địa phương nhân với định mức chi bình quân cho một lần giám định); trình giám đốc sở, trưởng ty y tế và báo cáo cho bệnh viện trưởng bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố biết. Sở, Ty y tế tổng hợp dự trù chung theo kinh phí của bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố. Bệnh viện trưởng bệnh viện đa khoa có trách nhiệm quản lý định mức chi về công tác giám định đã được xác định, đồng thời bảo đảm sử dụng kinh phí được cấp theo định mức, đúng mục đích đã quy định.
Trên đây là những quy định đã ban hành, Bộ tổng hợp lại và nói rõ thêm những điểm cần thiết. Thông tư này sẽ thay thế tất cả các quy định của Bộ về công tác giám định y khoa đã ban hành trước đây.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ |
- 1 Quyết định 59-BYT/QĐ năm 1979 về việc củng cố tổ chức Hội đồng giám định y khoa trung ương do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 2 Nghị quyết số 15-CP về việc việc cải tiến tổ chức y tế địa phương do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 3 Nghị định 2333-BYT/NĐ năm 1957 về việc Thành lập Hội đồng giám định y khoa đặc biệt tại bệnh viện A do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 1 Quyết định 59-BYT/QĐ năm 1979 về việc củng cố tổ chức Hội đồng giám định y khoa trung ương do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 2 Nghị định 2333-BYT/NĐ năm 1957 về việc Thành lập Hội đồng giám định y khoa đặc biệt tại bệnh viện A do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 3 Nghị quyết số 15-CP về việc việc cải tiến tổ chức y tế địa phương do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 4 Quyết định 2398/QĐ-BYT năm 1999 bãi bỏ 120 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành