Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ Y TẾ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 18-BYT/TT

Hà Nội, ngày 30 tháng 06 năm 1959

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC BỔ SUNG THÔNG TƯ SỐ 45-BYT/TT NGÀY 15-10-1957 VỀ CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP NGUY HIỂM

Kính gửi:
Đồng kính gửi:

- Uỷ ban Hành chính các khu, thành phố, tỉnh,
- Các Khu, Sở, Ty Y tế,
- Các cơ quan trực thuộc.
Các Bộ có bệnh viện (trừ Bộ Quốc phòng)

Ngày 15 tháng 10 năm 1957, Bộ đã ban hành Thông tư số 45-BYT/TT quy định tạm thời chế độ bồi dưỡng sức khỏe cho cán bộ, công nhân viên ngành Y tế làm công tác Radium, Điện quang và điều trị bệnh nhân lao, hủi.

Nay xét tính chất và mức độ nguy hiểm của những loại công tác: lây, nhà xác, ướp xác, mổ xác và nhặt xác, sau khi được sự thỏa thuận của các Bộ Nội vụ, Lao động, Tài chính, Bộ tạm thời quy định mức phụ cấp cho từng loại như sau:

I. MỨC PHỤ CẤP VÀ ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC HƯỞNG

1. Công tác lây:

- Những cán bộ, công nhân viên công tác ở khu truyền nhiễm của bệnh viện Bạch mai Hà nội, bệnh viện Tiệp khắc Hải phòng, thường xuyên phải trực tiếp đủ các loại bệnh lây: thương hàn, thổ tả, lỵ trực trùng, đậu mùa, bại liệt, cúm, ho gà, đau màng não, quai bị, nhiệt thán, yết hầu, chó dại… được phụ cấp mỗi tháng 9 đồng.

- Những cán bộ, công nhân viên công tác ở khu cách ly của những bệnh viện khác (kể cả bệnh viện trung ương và bệnh viện địa phương) lẻ tẻ có những loại bệnh lây nói trên hoặc thường xuyên chỉ chữa một số bệnh lây nhất định, được phụ cấp mỗi tháng 6 đồng (nếu những bệnh viện nào phòng lao nằm trong khu cách ly mà cán bộ, công nhân viên đã hưởng chế độ phụ cấp lao rồi thì không hưởng khoản phụ cấp này).

2. Phụ trách nhà xác, ướp xác, mổ xác và nhặt xác:

- Những cán bộ, công nhân viên chuyên phụ trách mổ xác, hàng ngày phải mổ những xác chết đủ các loại bệnh để phục vụ cho việc nghiên cứu khoa bệnh lý giải phẫu và thí nghiệm vi trùng của bệnh viện Tiệp khắc (Hải phòng), Bệnh viện Bạch mai (Hà nội) được phụ cấp mỗi tháng 9 đồng. (Nếu trong phòng có nhiều người trực tiếp nhưng không phải hàng ngày chuyên trách thì chỉ phụ cấp một số định suất nhất định rồi chia nhau.)

- Những công nhân viên phụ trách bể xác của Viện Giải phẩu Trường Đại học y dược khoa thường xuyên phải ngâm, rửa, luộc, bơm thuốc vào xác và chuyển xác đến phòng thí nghiệm cho sinh viên thực tập được phụ cấp mỗi tháng 6 đồng.

- Những công nhân, nhân viên phụ trách nhà xác của thành phố (như nhà xác thành phố Hà nội) thường xuyên trông coi, quét dọn nhà xác và liệm xác được phụ cấp mỗi tháng 6 đồng.

- Những công nhân, nhân viên chuyên phụ trách nhà xác của bệnh viện thường xuyên trông coi quét dọn nhà xác và liệm xác được phụ cấp mỗi tháng 3 đồng (bệnh viện nào hiện còn sử dụng công tác đội luân phiên thì không phụ cấp).

- Những công nhân, nhân viên phụ trách nhặt , liệm chôn những xác chết trôi, chết dọc đường, vô thừa nhận thì được phụ cấp:

- Mỗi người 1 đồng khi nhặt liệm những xác mới chết trong 48 tiếng đồng hồ (chưa thối).

- Mỗi người 2 đồng khi nhặt liệm những xác đã chết ngoài 48 tiếng đồng hồ (đã thối rửa).

II. PHẦN TRANG BỊ PHÒNG HỘ.

Song song với việc bồi dưỡng hàng tháng nói trên các bệnh viện phải chú ý trang bị những phương tiện phòng hộ.

Nói chung tất cả những loại công tác trên, tuỳ theo sự cần thiết, phải có đủ khẩu trang, xà phòng, cồn rửa tay, áo choàng, yếm choàng, v.v… cho từng cá nhân, từng bộ phận.

Những người nào cần có ủng, găng tay cần phải kịp thời trang bị.

III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Trong Thông tư bổ sung này Bộ quy định các mức phụ cấp hàng tháng để nhằm bồi dưỡng thêm sức khỏe cho những loại công tác lây, nhà xác, mổ xác và ướp xác. Nhưng việc chủ yếu là các bệnh viện cần kiểm tra việc trang bị những phương tiện phòng hộ.

Chế độ phụ cấp này thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 1959 và áp dụng như sau:

- Trực tiếp làm các công tác đã quy định trong Thông tư này trên 15 ngày thì được hưởng cả định suất, trên 7 ngày thì hưởng 1/2 định mức định suất, dưới 7 ngày thì hưởng 1/4 định suất.

- Khi đang làm công tác đã quy định trong Thông tư này thì mới được hưởng; khi chuyển qua công tác các phòng, các khoa khác không ở trong diện được phụ cấp thì thôi.

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ




Phạm Ngọc Thạch