BỘ LAO ĐỘNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 18-LĐ/TT | Hà Nội, ngày 03 tháng 10 năm 1977 |
Để tạo điều kiện cho cán bộ, công nhân, viên chức được điều động hẳn đến công tác ở nơi khác, Chính phủ đã đặt khoản trợ cấp một lần để giúp anh chị em có thể mua sắm thêm những đồ dùng cần thiết cho sinh hoạt khi chuẩn bị đi nhận công tác mới. Do yêu cầu điều động khác nhau và do nơi đến công tác có những thuận lợi , khó khăn khác nhau nên mức trợ cấp một lần cũng khác nhau.
Sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Tài chính Bộ Lao động hướng dẫn cụ thể như sau.
I. ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC HƯỞNG TRỢ CẤP MỘT LẦN VÀ MỨC TRỢ CẤP
Cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước bao gồm cả bộ đội chuyển ngành sang các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước; học sinh tốt nghiệp đại học, trung học chuyên nghiệp và công nhân kỹ thuật đang tập sự, được điều động hẳn ( tức là cắt khỏi biên chế và quỹ lương ở cơ quan cũ) đến các vùng dưới đây thì được trợ cấp :
1. Từ các bộ, các cơ quan trung ương, các tỉnh, thành phố phía Bắc ( Bình Trị Thiên trở ra) được điều động hẳn đến các tỉnh, thành phố, huyện, xã và cơ sở đồng bằng phía Nam, thì được trợ cấp một lần 100 đồng ( một trăm đồng).
2. Từ các huyện, tỉnh, thành phố đồng bằng nói chung trong cả nước được điều động hẳn đến các huyện, tỉnh, thị xã ở miền núi, biên giới, hải đảo thì được trợ cấp một lần 150 đồng (một trăm năm mươi đồng); nếu điều động hẳn lên rẻo cao hoặc đến hải đảo xa, thì được trợ cấp một lần 200 đồng (hai trăm đồng).
Trong phạm vi một tỉnh, nếu điều động hẳn từ huyện, thị xã ở đồng bằng đến huyện, thị xã ở miền núi, biên giới, hải đảo cũng được trợ cấp 150 đồng.
3. Trường hợp đã được điều động đến nơi mới mà sau đó lại được điều động tiếp đến nơi mới có mức trợ cấp cao hơn thì được hưởng thêm phần chênh lệch.
4. Những trường hợp điều động khác và những đối tượng không được quy định trên đây (điều 1, 2, 3) thì không thuộc đối tượng áp dụng khoản trợ cấp một lần này.
1. Việc xác định miền núi, biên giới, hải đảo ở các tỉnh phía Bắc vẫn áp dụng như đã quy định trong Thông tư số 04-TT/LB ngày 23-2-1962 của liên bộ Nội vụ- Lao động và Thông tư bổ sung số 15-LĐ/TT ngày 12-11-1963 của Bộ Lao động.
Đối với các tỉnh từ quảng trị cũ trở vào, Ủy ban nhân dân các tỉnh sẽ tạm quy định các vùng núi, biên giới, rẻo cao để áp dụng các mức trợ cấp một lần và báo cáo cho Bộ Lao động biết.
- Hải đảo xa ở phía Nam: trước mắt quy định là quần đảo Trường Sa và đảo Thổ Chu;
- Rẻo cao : là những vùng núi cao 150m trở lên so với mặt biển, trình độ canh tác đang ở trạng thái du mục, đường giao thông rất khó khăn;
- Vùng núi : không kể những cao nguyên bằng phẳng đang phát triển nông nghiệp theo quy mô lớn.
2. Các mức trợ cấp một lần 30 đồng và 50 đồng và các đối tượng được hưởng đã được quy định trong các điểm 5, 6, 7 của Quyết định số 292-CP ngày 31-12-1974 của Hội đồng chính phủ và các mức phụ cấp di chuyển khi điều động công tác đến miền núi, biên giới, hải đảo đã quy định tại Thông tư số 04-TT/LB ngày 23-2-1962 của liên Bộ Nội vụ - Lao động (mục II, điểm 1) không áp dụng nữa.
3. Khoản trợ cấp này được thi hành từ ngày 12 tháng 9 năm 1977. Những trường hợp đã điều động từ ngày 12-9-1977 mà chưa được hưởng, thì được truy lĩnh,nếu đã hưởng các mức 30 đồng hoặc 50 đồng thì cũng được hưởng phần chênh lệch.
4. Khoản trợ cấp này (đối với các tỉnh phía Nam vẫn tính theo tỷ giá 1/0,8 ) do các cơ quan, xí nghiệp có cán bộ, công nhân, viên chức được điều động trả và ghi vào giấy thôi trả lương.
Đối với cơ quan hành chính, sự nghiệp do ngân sách đài thọ (ghi vào một tiết riêng trong mục II của loại , khoản, hạng chi trong bảng dự, quyết toán).
Đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh thì được coi như khoản chi ngoài giá thành, phí lưu thông và do kinh phí sự nghiệp của cơ quan chủ quản đài thọ (ghi thành một tiết riêng trong mục II của loại, khoản, hạng chi trong bảng dự, quyết toán chi ngoài giá thành, phí lưu thông).
Trường hợp lúc điều động đi mà cán bộ, công nhân viên chưa được trợ cấp một lần thì cơ quan, xí nghiệp mới nơi đương sự đến công tác sẽ xét và cấp phát.
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG |