Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 18-TC-VP

Hà Nội, ngày 19 tháng 09 năm 1964

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VIỆC LÀM DỰ TRỪ, SỬ DỤNG KÍNH PHÍ VÀ QUYẾT TOÁN CHỈ TIÊU VỀ KHEN THƯỞNG THI ĐUA THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 80-CP NGÀY 13-5-1964 CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Kính gửi:

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
- Các cơ quan trực thuộc Hội đồng chính phủ,
- Ban Thi đua trung ương,
- Các Ủy ban hành chính tỉnh, thành, khu,
- Các Sở, Ty Tài chính,

Căn cứ vào nghị định số 80-CP ngày 13-03-1964 của Hội đồng Chính phủ về chế độ khen thưởng thi đua và tiếp theo thông tư số 1707-TĐ ngày 11-07-1964 của Ban thi đua trung ương giải thích và hướng dẫn thi hành nghị định trên;

Bộ Tài chính hướng dẫn thêm một số điểm về việc lập dự trù, sử dụng và quyết toán chỉ tiêu về khen thưởng thi đua như sau:

I. NGUỒN KINH PHÍ ĐỂ KHEN THƯỞNG THI ĐUA

Căn cứ vào các điều 2, 8, 9, 10 trong nghị định 80-CP, Bộ Tài chính quy định cụ thể như sau:

1. Về kinh phí để chi tiêu cho việc tặng thưởng cờ có kèm theo tặng phẩm bằng tiền hoặc hiện vật: kinh phí này do các cơ quan có trách nhiệm lập dự trù và chi bằng kinh phí hành chính hay sự nghiệp toàn năm của cơ quan (mục VIII công vụ phí, tiết 13, chỉ tiêu khen thưởng thi đua… theo mục lục ngân sách 1964) nếu là cơ quan hành chính hay sự nghiệp. Nếu là cơ quan kinh doanh hạch toán kinh tế (ví dụ: Tổng cục Bưu điện và truyền thanh) thì trừ vào lãi nộp ngân sách hàng năm.

Cụ thể là:

- Ban Thi đua trung ương dự trù kinh phí khen thưởng thi đua các loại cờ luân lưu, cờ danh hiệu tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa kể cả tặng phẩm bằng tiền hoặc bằng hiện vật kèm theo cờ.

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ dự trù kinh phí khen thưởng thi đua loại cờ thổng kết thi đua toàn nghành kể cả tặng phẩm bằng tiền hoặc hiện vật kèm theo cờ.

- Các Ủy ban hành chính tỉnh, thành, khu dự trù kinh phí khen thưởng các loại cờ tổng kết thi đua ở địa phương kể cả tặng phẩm bằng tiền hoặc hiện vật kèm theo cờ.

- Ngoài ra, Ban Thi đua trung ương còn lập dự trù kinh phí tặng thưởng cho các anh hùng lao động khi có chủ trương tuyên dương anh hùng lao động của Chính phủ.

- Để tiện cho việc lập dự trù hàng năm, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các Ủy ban hành chính tỉnh, thành, khu cần đề nghị lên Ban Thi đua trung ương số lượng cờ và mức tiền thưởng theo cờ cho năm đó. Hàng năm khi duyệt cho các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, Ủy ban hành chính tỉnh, thành, khu, Ban Thi đua trung ương thông báo cho Bộ Tài chính tham gia ý kiến và đề nghị với Hội đồng Chính phủ số kinh phí Nhà nước sẽ dành cho việc khen thưởng này để Hội đồng Chính phủ xét duyệt khi xét duyệt ngân sách Nhà nước (theo như điều 8 của nghị định 80-CP quy định).

2. Về kinh phí chỉ tiêu cho các khoản khác về khen thưởng thi đua tại các đơn vị cơ sở (khen thưởng chiến sĩ thi đua, lao động tiên tiến, tổ viên tổ tiên tiến, liên hoan tổng kết, v.v…), Bộ Tài chính quy định như sau:

a) Đối với các xí nghiệp, công nông lâm trườngcó đủ điều kiện để được trích quỹ xí nghiệp, thì được sử dụng trong khoản trích quỹ xí nghiệp (phần dành cho khen thưởng thi đua) để chi.

b) Đối với các xí nghiệp; công nông lâm trường không đủ điều kiện để được trích quỹ xí nghiệp thì tùy theo mức độ hoàn thành kế hoạch mà được tính bình quân đầu người công nhân viên trong sản xuất đã làm việc được một năm theo tiêu chuẩn từ 3đ đến 6đ để chi tiêu về thi đua (điều 9, điểm b và c, nghị định 80-CP). Số tiền chi về khen thưởng thi đua này được trừ vào lãi nộp ngân sách. Nếu là xí nghiệp lỗ thì được ngân sách cấp thêm để bù lỗ. Đầu năm, các xí nghiệp dự trù thêm khoản chi về khen thưởng thi đua này trên bảng tổng hợp kế hoạch thu chi tài vụ và ghi là: khoản "trích chi về khen thưởng thi đua theo nghị định 80-CP" (bên khoản chi của bảng tổng hợp kế hoạch thu chi tài vụ).

c) Đối với các đơn vị hành chính và đơn vị sự nghiệp thì khoản chi khen thưởng thi đua được tính bính quân đầu người cán bộ, công nhân viên đã làm việc được một năm từ 1đ đến 2đ để chi về khen thưởng thi đua. Khoản này do ngân sách Nhà nước trực tiếp cấp phát và các cơ quan hành chính, sự nghiệp phải dự trù trong kinh phí hành chính, sự nghiệp hàng năm của mình (mục VIII, công vụ phí – tiết 13, chi về khen thưởng thi đua, theo mục lục ngân sách 1964).

Ngoài các nguồn kinh phí quy định trên đây, các đơn vị cơ sở tuyệt đối không được lấy thêm bất kỳ nguồn nào khác để chi tiêu về khen thưởng thi đua.

II. QUYẾT TOÁN CHỈ TIÊU VỀ KHEN THƯỞNG THI ĐUA.

Việc quyết toán chỉ tiêu về khen thưởng thi đua tiến hành như dưới đây (kể cả chỉ tiêu cho các loại cờ luân lưu, cờ tổng kết thi đua nghành, cờ danh hiệu …)

- Các xí nghiệp, công, nông, lâm trường có quỹ xí nghiệp, thì khi quyết toán chỉ tiêu về khen thưởng thi đua, sẽ phản ánh trên bảng tăng giảm quỹ xí nghiệp có giải thích chi tiết kèm, theo bảng tổng kết tài sản chung.

- Các xí nghiệp, công, nông, lâm trường chưa có quỹ xí nghiệp, thì khi quyết toán chỉ tiêu về khen thưởng thi đua, sẽ phản ánh ở tài sản trích (bên tài sản có của bảng tổng kết tài sản, dòng 5): các khoản phải trích khác và thuyết minh thêm ở phần tài liệu bổ sung của bảng tổng kết tài sản.

- Đối với các Tổng cục trực thuộc Hội đồng Chính phủ, nhưng kinh doanh theo chế độ hạch toán kinh tế, như Tổng cục Bư điện và truyền thanh, ngoài phần chi khen thưởng thi đua, được sử dụng bằng quỹ xí nghiệp để chi, còn có phần chỉ tiêu về khen thưởng thi đua dưới hình thức cờ tổng kết toàn nghành kèm theo tặng phẩm bằng tiền hoặc bằng hiện vật do ngân sách cấp phát, cũng được dự trù thêm vào phần các khoản trích vào lãi nộp ngân sách, và khi quyết toán khoản chi này cũng thể hiện ở tài sản trích bên tài sản có của bảng tổng kết tài sản dòng 5: các khoản phải trích khác và thuyết minh thêm ở phần tài liệu bổ sung của bảng tổng kết tài sản (như trường hợp đối với các xí nghiệp đã nói ở trên).

- Các cơ quan hoặc đơn vị hành chính sự nghiệp thì quyết toán phần chỉ tiêu về khen thưởng thi đua vào mục VIII tiết 13 theo mục lục ngân sách 1964, trong bảng quyết toán tổng hợp kinh phí hành chính sự nghiệp của cơ quan mình.

III. KIỂM TRA VIỆC TRÍCH VÀ SỬ DỤNG QUỸ KHEN THƯỞNG THI ĐUA.

Việc trích sử dụng và quyết toán chi tiêu về khen thưởng phải theo đúng nghị định 80-CP, thông tư hướng dẫn 1707-TĐ của Ban Thi đua trung ương và thông tư hướng dẫn này của Bộ Tài chính.

Các đơn vị xí nghiệp, công nông lâm trường; cơ quan hành chính sự nghiệp cơ sở cần được các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các Ủy banh hành chính khu, thành, tỉnh thường xuyên kiểm tra việc dự trù, trích và sử dụng khoản kinh phí khen thưởng thi đua theo đúng tiêu chuẩn; chế độ, thể lệ Nhà nước, cụ thể là theo đúng nghị định 80-CP của Hội đồng Chính phủ đã quy định.

Thủ trưởng, kế toán trưởng, trưởng phòng tài vụ các đơn vị cơ sở chịu trách nhiệm trước nghành chủ quản và cơ quan tài chính Nhà nước về việc đảm bảo chấp hành nghiêm chỉnh chế độ dự trù và sử dụng, quyết toán chi tiêu khen thưởng thi đua cho đơn vị mình.

Thông qua công tác quản lý và giám đốc tài chính, các Sở, Ty Tài chính có nhiệm vụ kiểm tra và hướng dẫn các đơn vị cơ sở (của trung ương cũng như của địa phương) chấp hành đúng đắn chế độ dự trù, sử dụng kinh phí về khen thưởng thi đua đồng thời phối hợp chặt chẽ với cơ quan thương nghiệp và Ngân hàng Nhà nước về mặt bảo đảm chê độ quản lý tiền mặt, đảm bảo cung cấp hàng hóa cần thiết.

Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, các Tổng cục… các Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh có kế hoạch phổ biến thông tư hướng dẫn này cùng với nghị định 80-CP ngày 13-05-1964 của Hội đồng Chính phủ và thông tư 1707-TĐ của Ban Thi đua trung ương tận cơ sở và có khó khăn mắc mứu gì, xin cho Bộ Tài chính biết để cùng nghiên cứu giải quyết.

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG




Trịnh Văn Bính