Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BAN TỔ CHỨC-CÁN BỘ CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 19/2001/TT-BTCCBCP

Hà Nội, ngày 25 tháng 4 năm 2001

THÔNG TƯ

CỦA BAN TỔ CHỨC - CÁN BỘ CHÍNH PHỦ SỐ 19/2001/TT-BTCCBCP NGÀY 25 THÁNG 4 NĂM 2001 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 71/2000/NĐ-CP NGÀY 23/11/2000 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VIỆC KÉO DÀI THỜI GIAN CÔNG TÁC CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC ĐẾN ĐỘ TUỔI NGHỈ HƯU

Thi hành Nghị định số 71/2000/NĐ-CP ngày 23/11/2000 của Chính phủ quy định việc kéo dài thời gian công tác của cán bộ, công chức đến độ tuổi nghỉ hưu. Sau khi thống nhất với Ban Tổ chức Trung ương tại Công văn số 3211 ngày 12/4/2001, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ hướng dẫn thực hiện cụ thể như sau:

I. VỀ PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG:

Cán bộ, công chức thuộc đối tượng quy định tại các khoản 2 và khoản 3 Điều 1 của Pháp lệnh Cán bộ, công chức khi đến độ tuổi nghỉ hưu được xem xét kéo dài thêm thời gian công tác bao gồm:

1. Những người trực tiếp làm công tác nghiên cứu ở các cơ quan Trung ương của Đảng, Nhà nước được bổ nhiệm và hưởng lương theo bảng lương chuyên gia cao cấp quy định tại Nghị định số 25/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ tiền lương mới của công chức, viên chức khu vực hành chính sự nghiệp và lực lượng vũ trang;

2. Những người có học vị tiến sĩ khoa học; Những người có chức danh giáo sư, phó giáo sư đang trực tiếp nghiên cứu, giảng dạy theo đúng chuyên ngành ở Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia, Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, các Viện, Học viện và các Trường Đại học.

3. Những người đang trực tiếp làm việc có năng suất, hiệu quả tốt theo đúng chuyên môn thuộc các lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hoá, nghệ thuật có trình độ chuyên môn cao, có uy tín với đồng nghiệp, được Hội đồng khoa học của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thẩm định, đề nghị và được tập thể lãnh đạo cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức nhất trí.

4. Đối tượng không áp dụng:

4.1. Những người xếp lương chuyên gia cao cấp nhưng không bố trí làm công tác nghiên cứu;

4.2. Những người có học vị tiến sĩ khoa học; những người có chức danh giáo sư, phó giáo sư nhưng không trực tiếp nghiên cứu, giảng dạy ở Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia, Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, các Học viện, Viện nghiên cứu và các Trường Đại học.

II. ĐIỀU KIỆN KÉO DÀI THÊM THỜI GIAN CÔNG TÁC CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC:

1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị (sau đây gọi chung là cơ quan) sử dụng cán bộ, công chức thực sự có nhu cầu hoặc chưa có người thay thế để đảm nhận công việc.

2. Cán bộ, công chức tự nguyện và có đủ sức khoẻ để làm việc, đảm bảo ngày, giờ công làm việc bình thường.

III. NGUYÊN TẮC XÉT ĐỂ THỰC HIỆN KÉO DÀI THÊM THỜI GIAN CÔNG TÁC CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC:

Cơ quan sử dụng cán bộ, công chức khi xem xét việc kéo dài thêm thời gian công tác của cán bộ, công chức thực hiện theo nguyên tắc:

1. Lãnh đạo cơ quan bàn bạc tập thể, dân chủ, công khai xem xét và quyết định từng trường hợp, bảo đảm công việc của cơ quan và sự công bằng trong việc thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức.

2. Cán bộ, công chức đến độ tuổi nghỉ hưu nếu được kéo dài thêm thời gian công tác thì thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Trường hợp cán bộ, công chức giữ chức vụ do bổ nhiệm có thời hạn, khi đến độ tuổi nghỉ hưu mà được kéo dài thêm thời gian công tác, nếu vẫn đáp ứng yêu cầu thì được giữ chức vụ lãnh đạo cho đến hết thời hạn bổ nhiệm.

3. Cán bộ, công chức đến độ tuổi nghỉ hưu mà được kéo dài thêm thời gian công tác được tính trong tổng số biên chế của cơ quan do cấp có thẩm quyền giao.

IV. THỜI GIAN CÔNG TÁC KÉO DÀI THÊM CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC VÀ QUYỀN LỢI, TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN SỬ DỤNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC TRONG THỜI GIAN CÁN BỘ, CÔNG CHỨC KÉO DÀI THÊM THỜI GIAN CÔNG TÁC:

1. Thời gian công tác kéo dài thêm của cán bộ, công chức được thực hiện từ 01 năm đến không quá 05 năm. Hàng năm lãnh đạo cơ quan có trách nhiệm xem xét lại nhu cầu thực sự của cơ quan và sức khoẻ của cán bộ, công chức để quyết định theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để cán bộ, công chức có yêu cầu và đủ điều kiện tiếp tục kéo dài thêm thời gian công tác.

Trong thời gian công tác kéo dài thêm, nếu cán bộ, công chức không đủ sức khoẻ để làm việc hoặc có nguyện vọng được nghỉ làm việc thì cơ quan làm thủ tục giải quyết để cán bộ, công chức hưởng chế độ hưu trí.

Trường hợp cán bộ, công chức thuộc đối tượng quy định tại Điều 1 của Nghị định số 71/2000/NĐ-CP, đến nay nam từ đủ 65 tuổi, nữ từ đủ 60 tuổi trở lên thì cơ quan làm thủ tục giải quyết để cán bộ, công chức được nghỉ hưu theo chế độ hiện hành và không thực hiện kéo dài thêm thời gian công tác.

2. Quyền lợi của cán bộ, công chức trong thời gian công tác kéo dài thêm:

Cán bộ, công chức kéo dài thêm thời gian công tác được hưởng lương và các chế độ khác theo nguyên tắc bảo đảm tiền lương và chế độ khác không thấp hơn tiền lương và chế độ đã hưởng trước khi thực hiện kéo dài thêm thời gian công tác.

Ví dụ: Ông Nguyễn Văn A là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học B, có học vị tiến sĩ khoa học, đang xếp ngạch nghiên cứu viên cao cấp, hệ số lương là 6,67, hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo là 1,1, đang hưởng chế độ người phục vụ, chế độ ôtô con đưa đón đi làm việc, được trang bị điện thoại. Ông A thuộc đối tượng kéo dài thêm thời gian công tác, thôi giữ chức vụ lãnh đạo để tiếp tục làm công tác nghiên cứu khoa học thì vẫn xếp ngạch nghiên cứu viên cao cấp, hệ số lương là 6,67 và được thực hiện nâng bậc lương thường xuyên nếu ngạch đó còn bậc, được bảo lưu các chế độ hiện hưởng.

3. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị có cán bộ, công chức được kéo dài thêm thời gian công tác:

- Bảo đảm điều kiện làm việc như: Phòng làm việc, bàn ghế, tủ và các trang thiết bị khác phục vụ cho công tác;

- Thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức được kéo dài thêm thời gian công tác theo quy định hiện hành.

V. THỦ TỤC, TRÌNH TỰ XEM XÉT KÉO DÀI THÊM THỜI GIAN CÔNG TÁC CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC:

1. Vụ Tổ chức cán bộ, Ban Tổ chức chính quyền, Phòng Tổ chức cán bộ (gọi chung là Vụ Tổ chức cán bộ) của cơ quan có trách nhiệm chuẩn bị các tư liệu, thông tin cần thiết như: xác định nhu cầu, vị trí công tác, đánh giá tài năng, sức khoẻ của cán bộ, công chức và đề xuất với lãnh đạo cơ quan để có căn cứ xem xét quyết định việc kéo dài thêm thời gian công tác theo đúng đối tượng quy định.

2. Sau khi tập thể lãnh đạo cơ quan đã thống nhất, Vụ Tổ chức cán bộ chuẩn bị văn bản trình lãnh đạo để trao đổi với cán bộ, công chức sẽ kéo dài thêm thời gian công tác. Văn bản cần nêu đầy đủ điều kiện làm việc, chế độ, chính sách cán bộ, công chức được hưởng trong thời gian kéo dài thêm. Nếu cán bộ, công chức nhất trí với yêu cầu của cơ quan thì viết văn bản trả lời cơ quan hoặc có thể ghi trực tiếp vào văn bản của cơ quan với nội dung tán thành yêu cầu của cơ quan. Nếu cán bộ, công chức có ý kiến đề nghị gì khác cũng nêu trong văn bản để lãnh đạo xem xét, giải quyết thống nhất trước khi cán bộ, công chức đến thời điểm nghỉ hưu 03 tháng.

3. Sau khi đã thống nhất với cán bộ, công chức, cơ quan sử dụng cán bộ, công chức ra thông báo kéo dài thêm thời gian công tác theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định.

4. Hồ sơ của cán bộ, công chức kéo dài thêm thời gian công tác và văn bản đề nghị của cơ quan gửi đến cấp có thẩm quyền xem xét quyết định phải được hoàn tất chậm nhất là 02 tháng trước khi cán bộ, công chức đến thời điểm nghỉ hưu.

5. Thẩm quyền ra quyết định kéo dài thêm thời gian công tác đối với cán bộ, công chức quy định tại Điều 1 của Nghị định số 71/2000/NĐ-CP là Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy chế và phân công, phân cấp quản lý cán bộ hiện hành của Đảng và Nhà nước.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo thực hiện các quy định tại Thông tư này.

2. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 09 tháng 12 năm 2000. Những văn bản trước đây trái với quy định tại Thông tư này đều không có hiệu lực.

3. Trong quá trình tổ chức thực hiện có gì vướng mắc, phản ánh về Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ để phối hợp giải quyết.

Đỗ Quang Trung

(Đã ký)