Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BLAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 19/2018/TT-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 30 tháng 10 năm 2018

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN XÂY DỰNG VĂN BẢN THỎA THUẬN THAM GIA CHƯƠNG TRÌNH HƯU TRÍ BỔ SUNG TỰ NGUYỆN TẠI DOANH NGHIỆP

Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị định số 88/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội,

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư hướng dẫn xây dựng văn bản thỏa thuận tham gia chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện tại doanh nghiệp.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn việc xây dựng văn bản thỏa thuận tham gia chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện theo quy định tại Nghị định số 88/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện (sau đây được viết là Nghị định số 88/2016/NĐ-CP).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người lao động từ đủ 15 tuổi trở lên làm việc theo hợp đồng lao động với người sử dụng lao động.

2. Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ kinh doanh, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.

3. Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện.

Chương II

XÂY DỰNG VÀ KÝ KẾT VĂN BẢN THỎA THUẬN

Điều 3. Văn bản thỏa thuận tham gia chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện

1. Văn bản thỏa thuận tham gia chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện (sau đây viết tắt là văn bản thỏa thuận) là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa người lao động và người sử dụng lao động về trách nhiệm đóng góp, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên tham gia vào chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện.

2. Văn bản thỏa thuận phải được làm thành 03 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí giữ 01 bản.

Điều 4. Nguyên tắc ký kết văn bản thỏa thuận

1. Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực.

2. Tự do ký kết văn bản thỏa thuận nhưng không được trái pháp luật, thỏa ước lao động tập thể và đạo đức xã hội.

Điều 5. Nội dung văn bản thỏa thuận

Văn bản thỏa thuận tham gia chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện được thực hiện theo quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 88/2016/NĐ-CP, bao gồm các nội dung sau:

1. Tên chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện người lao động lựa chọn tham gia theo quy định tại Điều 6 Thông tư này.

2. Nội dung cơ bản của chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện theo quy định tại Điều 7 Thông tư này.

3. Thời hạn của văn bản thỏa thuận theo quy định tại Điều 8 Thông tư này.

4. Mức đóng góp, tần suất và thời gian đóng góp của người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 9 Thông tư này.

5. Mức đóng góp, tần suất, thời gian và phương thức đóng góp của người lao động (trong trường hợp người lao động cùng tham gia đóng góp với người sử dụng lao động) theo quy định tại Điều 10 Thông tư này.

6. Quyền và nghĩa vụ của người lao động khi tham gia chương trình hưu trí bổ sung theo quy định tại Điều 11 và Điều 12 Thông tư này.

7. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi tham gia đóng góp cho người lao động theo quy định tại Điều 13 và Điều 14 Thông tư này.

8. Những nội dung người lao động ủy quyền cho người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 15 Thông tư này.

9. Quy trình thay đổi các nội dung tại văn bản thỏa thuận (nếu có).

10. Các trường hợp tạm ngừng và ngừng tham gia chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện theo quy định tại Điều 16 và Điều 17 Thông tư này.

11. Những nội dung thỏa thuận khác giữa người lao động và người sử dụng lao động không trái với quy định của pháp luật (nếu có).

Điều 6. Tên chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện

1. Căn cứ vào nhu cầu quản lý lao động và khả năng tài chính, người sử dụng lao động có thể xây dựng một hoặc nhiều chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện để thực hiện đóng góp vào quỹ hưu trí cho người lao động.

2. Người lao động lựa chọn tham gia một chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện mà người lao động đủ điều kiện và có nhu cầu tham gia.

Điều 7. Nội dung cơ bản của chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện

Nội dung cơ bản của chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện trong văn bản thỏa thuận bao gồm:

1. Đối tượng và điều kiện tham gia chương trình.

2. Cam kết về mức đóng góp tối thiểu của người sử dụng lao động khi người lao động tham gia chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện.

3. Doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí được người sử dụng lao động lựa chọn.

4. Điều kiện thụ hưởng, các phương án chi trả từ quỹ hưu trí.

Điều 8. Thời hạn của văn bản thỏa thuận

1. Khi ký kết văn bản thỏa thuận, người lao động và người sử dụng lao động phải ghi rõ thời hạn của văn bản thỏa thuận, thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc tham gia chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện.

2. Thời điểm kết thúc tham gia chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện không vượt quá thời điểm chấm dứt của hợp đồng lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Điều 9. Mức đóng góp, tần suất và thời gian đóng góp của người sử dụng lao động

Người sử dụng lao động xác định cụ thể mức đóng góp, tần suất và thời gian đóng góp của mình, như sau:

1. Mức đóng góp bằng số tiền tuyệt đối hoặc bằng tỷ lệ phần trăm trên mức tiền lương ca người lao động. Mức đóng góp của người sử dụng lao động không thấp hơn mức đóng góp tối thiểu đã cam kết theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Thông tư này.

2. Tần suất đóng góp hằng tháng, hoặc hai tháng một lần, hoặc ba tháng một lần, hoặc tần suất khác do người sử dụng lao động lựa chọn phù hợp với khả năng và nhu cầu của người sử dụng lao động.

3. Thời gian đóng góp do người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận, phù hợp với chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện mà người sử dụng lao động đã xây dựng và người lao động lựa chọn tham gia. Thời gian đóng góp được ghi cụ thể trong văn bản thỏa thuận.

Điều 10. Mức đóng góp, tần suất, thời gian và phương thức đóng góp của người lao động

Trong trường hợp người lao động cùng đóng vào quỹ hưu trí thì xác định mức đóng góp, tần suất, thời gian và phương thức đóng góp của mình cụ thể như sau:

1. Mức đóng góp bằng số tiền tuyệt đối hoặc bằng tỷ lệ phần trăm trên mức tiền lương của người lao động.

2. Tần suất đóng góp hằng tháng, hoặc hai tháng một lần, hoặc ba tháng một lần, hoặc tần suất khác do người lao động lựa chọn phù hợp với khả năng và nhu cầu của người lao động.

3. Thời gian đóng góp do người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận, phù hợp với chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện mà người sử dụng lao động đã xây dựng và người lao động lựa chọn tham gia. Thời gian đóng góp được ghi cụ thể trong văn bản thỏa thuận.

4. Người lao động đóng góp vào quỹ hưu trí thông qua người sử dụng lao động ủy thác cho người sử dụng lao động đóng hoặc trích từ tiền lương tháng của mình để đóng vào quỹ hưu trí.

Điều 11. Quyền của người lao động

Người lao động khi ký văn bản thỏa thuận phải được đảm bảo các quyền sau:

1. Quyết định việc tham gia hoặc ngừng tham gia chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện.

2. Quyết định mức đóng góp, tần suất, thời gian, phương thức đóng góp của mình và việc thay đổi (nếu có) phù hợp với chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện mà người sử dụng lao động đã xây dựng và người lao động lựa chọn tham gia.

3. Được hưởng toàn bộ quyền lợi đã được quy định trong chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện mà mình tham gia, nội dung nêu tại văn bản thỏa thuận và đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật.

4. Được thỏa thuận với người sử dụng lao động để thay đổi nội dung trong văn bản thỏa thuận hoặc yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện đầy đủ những nội dung đã cam kết tại văn bản thỏa thuận và chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện.

5. Được hưởng phần đóng góp của người sử dụng lao động và kết quả đầu tư từ khoản đóng góp này khi người sử dụng lao động đơn phương ngừng tham gia chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện.

6. Đơn phương chấm dứt thực hiện văn bản thỏa thuận.

7. Những quyền khác theo thỏa thuận với người sử dụng lao động và theo quy định của pháp luật.

Điều 12. Nghĩa vụ của người lao động

1. Thực hiện việc đóng góp đã cam kết trong văn bản thỏa thuận.

2. Thông báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 05 ngày làm việc đối với trường hợp thay đổi mức đóng, tần suất, thời gian và phương thức đóng góp; 03 ngày làm việc đối với trường hợp tạm ngừng hoặc ngừng thực hiện văn bản thỏa thuận.

3. Những nghĩa vụ khác theo thỏa thuận với người sử dụng lao động và theo quy định của pháp luật.

Điều 13. Quyền của người sử dụng lao động

1. Quyết định mức đóng, tần suất, thời gian đóng góp phần đóng góp của mình.

2. Thỏa thuận với người lao động về việc thay đổi những nội dung trong văn bản thỏa thuận có liên quan đến trách nhiệm và nghĩa vụ của mình.

3. Được nhận lại khoản đóng góp của mình cho người lao động và kết quả đầu tư từ khoản đóng góp này trong các trường hợp được quy định tại chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện và văn bản thỏa thuận.

4. Đơn phương chấm dứt thực hiện văn bản thỏa thuận khi người lao động vi phạm quy định của pháp luật về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện, quy định tại chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện của doanh nghiệp.

5. Những quyền khác theo thỏa thuận với người lao động và theo quy định của pháp luật.

Điều 14. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động

1. Thực hiện đóng góp theo mức đóng, tần suất, thời gian đóng góp đã thỏa thuận.

2. Tuân thủ và thực hiện các nội dung trong văn bản thỏa thuận và pháp luật quy định.

3. Đóng phần tiền do người lao động ủy thác cho người sử dụng lao động động (nếu có).

4. Tiến hành các thủ tục với doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí để người lao động được hưởng hoặc chuyển tiếp việc tham gia đóng góp vào quỹ.

5. Những nghĩa vụ khác theo thỏa thuận với người lao động và theo quy định của pháp luật.

Điều 15. Người lao động ủy quyền cho người sử dụng lao động

Người lao động ủy quyền cho người sử dụng lao động thực hiện một số công việc sau:

1. Ký hợp đồng tham gia quỹ hưu trí với doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí.

2. Lựa chọn các phương án đầu tư theo quy định tại điều lệ quỹ hưu trí.

3. Thanh toán các khoản phí, chi phí liên quan theo quy định tại điều lệ quỹ hưu trí.

Điều 16. Các trường hợp tạm ngừng tham gia

Người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận về việc tạm ngừng tham gia chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện khi thuộc một trong các trường hợp sau:

1. Người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận về việc tạm ngừng thực hiện văn bản thỏa thuận.

2. Người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động.

Điều 17. Các trường hợp ngừng tham gia

Người lao động và người sử dụng lao động ngừng tham gia chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện khi thuộc một trong các trường hợp sau:

1. Văn bản thỏa thuận hết thời hạn mà không có thỏa thuận gia hạn hoặc ký lại văn bản thỏa thuận.

2. Người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận ngừng tham gia.

3. Khi người lao động đơn phương chấm dứt thực hiện văn bản thỏa thuận.

4. Khi người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt thực hiện văn bản thỏa thuận.

5. Khi hợp đồng lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động chấm dứt trước khi hết thời hạn của văn bản thỏa thuận.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 18. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2018.

Điều 19. Tổ chức thực hiện

1. Người sử dụng lao động, người lao động, doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để được xem xét, giải quyết theo thẩm quyền./.


Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;
- Hội Nông dân Việt Nam;
- Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Công báo;
- Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Bộ LĐTBXH: Vụ Pháp chế, Cổng Thông tin điện tử;
- Lưu: VT, BHXH (20).

KT. BTRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Quân