Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

Số: 19-BT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

***********

Hà Nội, ngày 31 tháng 01 năm 1979

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC ĐIỀU CHỈNH ĐỊA GIỚI CÁC HUYỆN, XÃ VÀ CÁC ĐƠN VỊ TƯƠNG ĐƯƠNG THUỘC CÁC TỈNH VÀ THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG

Hiện nay, tại một số tỉnh và thành phố ở miền Nam có tình trạng địa giới hành chính của các huyện và xã được phân bố không hợp lý. Có những huyện và xã quá lớn…, một số huyện và xã lại quá nhỏ…, hoặc ở một số vùng kinh tế mới cần thành lập các đơn vị hành chính để thành lập các đơn vị hành chính để góp phần ổn định công tác quản lý của Nhà nước.

Tình trạng kể trên làm cho công tác quản lý và chỉ đạo sản xuất, phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu của các địa phương không được sát và kịp thời. Chính quyền địa phương, nhất là chính quyền cơ sở chưa được kiện toàn, nên chưa làm tốt chức năng lãnh đạo và tổ chức nhân dân giữ vững chuyên chính vô sản, bảo đảm an ninh và trật tự xã hội, phát triển kinh tế, văn hóa, tổ chức đời sống, giáo dục và động viên nhân dân thực hiện tốt các chính sách của Đảng và Pháp luật của Nhà nước.

Để thực hiện Nghị quyết số 10-NQ ngày 27-07-1978 của Ban chấp hành trung ương Đảng về việc kiện toàn tổ chức, cải tiến chế độ làm việc, Phủ thủ tướng hướng dẫn một số điểm cần thiết về việc điều chỉnh địa giới như sau.

I. CÁC NGUYÊN TẮC, TIÊU CHUẨN VỀ CHIA LẠI ĐỊA GIỚI HUYỆN, XÃ

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa và củng cố quốc phòng của địa phương, vận dụng các nguyên tắc dưới đây để nghiên cứu và đề nghị Hội đồng Chính phủ xét duyệt việc chia lại địa giới các đơn vị hành chính trong tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

A. Nguyên tắc điều chỉnh địa giới huyện, xã và các đơn vị tương đương.

1. Về chính trị: bảo đảm sự đoàn kết và tôn trọng truyền thống của nhân dân các dân tộc, bảo đảm sự chỉ đạo của cơ quan chính quyền được sát dân, sát cơ sở, nhạy bén, kịp thời và thuận tiện cho việc xây dựng lực lượng, củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội.

2. Về kinh tế: bảo đảm sự phát triển từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, phát triển nông nghiệp toàn diện và xây dựng huyện thành đơn vị kinh tế nong (lâm, ngư), công nghiệp.

3. Về văn hóa, xã hội: bảo đảm điều kiện thuận lợi để phát triển văn hóa xã hội chủ nghĩa, phát triển phúc lợi tập thể và tổ chức đời sống của nhân dân một cách văn minh.

B. Tiêu chuẩn

Trong điều kiện hiện nay việc chia lại huyện, xã và các đơn vị tương đương phải nắm vững tiêu chuẩn về diện tích số dân. Nói chung, diện tích tự nhiên và số dân nên bố trí vừa phải cho thích hợp với cơ sở vật chất, kỹ thuật và trình độ quản lý của cán bộ, hết sức tránh lập các huyện quá lớn, nhiều đầu mối vượt quá khả năng chỉ đạo và quản lý của cán bộ trong điều kiện phương tiện và cơ sở vật chất còn hạn chế. Khi cần sáp nhập huyện, xã thì phải nhập cả đơn vị, không xé lẻ các xã, thôn, xóm ấp.

Cụ thể như sau:

1. Huyện:

Huyện ở đồng bằng có diện tích từ 10 000 đến 20 000 hécta canh tác, số dân từ 150 000 đến 200 000 người.

Huyện ở trung du có diện tích từ 20 000 đến 50 000 hécta đất đai kinh doanh, số dân từ 100 000 đến 150 000 người.

Huyện ở miền núi có diện tích từ 40 000 đến 50 000 hécta đất đai kinh doanh, số dân từ 50 000 đến 70 000 người.

Ở các tỉnh miền Nam, quy mô các huyện có thể lớn hơn hoặc nhỏ hơn về diện tích và số dân cho phù hợp với tình hình và đặc điểm của địa phương.

2. Xã:

Xã ở đồng bằng có diện tích khoảng từ 600 đến 1 000 hécta, số dân từ 6 000 đến 10 000 người.

Xã ở đồng bằng các tỉnh miền Nam có diện tích khoảng từ 1 000 đến 2 000 hécta, số dân từ 8 000 đến 12 000 người.

Xã ở trung du có diện tích khoảng từ 800 đến 1 200 hécta, số dân từ 4 000 đến 6 000 người.

Xã trung du ở miền Nam có diện tích từ 1 000 đến 2 000 hécta, số dân từ 3 000 đến 5 000 người.

Xã ở miền núi có diện tích từ 1 500 đến 2 000 hécta, số dân từ 1 000 đến 2 000 người.

Xã miền núi thuộc các tỉnh miền Nam có diện tích từ 1 000 đến 2 000 hécta, số dân từ 1 000 đến 2 000 người.

Xã của đồng bào đánh cá, làm muối thì lấy tiêu chuẩn số dân là chính từ dưới 1 000 đến 2 000 người, diện tích có khoảng từ 200 đến 300 hécta đất tự nhiên.

Xã trên đảo, diện tích và số dân có thể xê dịch so với quy mô các xã kể trên cho phù hợp với tình hình địa phương.

3. Thị trấn: số dân có từ 5 000 đến 20 000 người, trong đó nhân khẩu cơ bản (gồm công nhân, cán bộ, lao động chuyên nghiệp, nhân viên dịch vụ, xã viên hợp tác xã tiểu, thủ công nghiệp) phải chiếm số đông. Thị trấn huyện lỵ và thị trấn nông, lâm trường số dân có thể ít hơn. Diện tích của thị trấn phải bảo đảm cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, mạng lưới dịch vụ triển khai hoạt động. Địa giới của thị trấn phải rõ ràng, hợp lý và không lấn vào đất sản xuất nông nghiệp.

Những khu vực dân cư đô thị ở miền Nam gọi lạ thị tứ, nay xét thấy đủ điều kiện thì thành lập thị trấn, nếu không thì sáp nhập vào các xã sở tại.

4. Thành phố thuộc tỉnh, thị xã:

Nói chung, các thành phố thuộc tỉnh và thị xã chưa có công nghiệp phát triển thì không nên mở rộng phạm vi ngoại thành, ngoại thị; trường hợp thật cần thiết thì Ủy ban nhân dân tỉnh có thể đề nghị với Chính phủ điều chỉnh địa giới một số xã xung quan thành phố, thị xã để làm vành đai thực phẩm. Việc mở rộng diện tích của thành phố thuộc tỉnh và thị xã phải căn cứ vào quy hoạch đô thị đã được cấp trên có thẩm quyền phê chuẩn.

Số dân của thành phố thuộc tỉnh có từ 100 000 đến 200 000 người. Số dân của thị xã có từ 50 000 đến 100 000 người.

5. Quận và khu phố: Diện tích phải theo quy hoạch đó thì ranh giới phải rõ ràng, hợp lý. Việc mở rộng địa giới quận và khu phố phải căn cứ vào quy hoạch xây dựng các công trình công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các công trình dân dụng của thành phố.

Số dân của quận và khu phố có từ 100 000 đến 200 000 người.

6. Phường và tiểu khu: Diện tích phải gọn, phù hợp với trình độ quản lý của cán bộ cơ sở, ranh giới phải rõ ràng để bảo đảm quản lý được chắc từng khẩu, từng hộ và từ đường phố.

Số dân của phường và tiểu khu có khoảng từ 5 000 đến 10 000 người.

II. KẾ HOẠCH TIẾN HÀNH

Các huyện, xã và tương đương ở miền Bắc đa qua nhiều lần điều chỉnh địa giới, trong tình hình hiện nay nói chung cần giữ nguyên để ổn định sản xuất, tránh xáo trộn, trừ trường hợp thật cần thiết.

Riêng các huyện, xã và tương đương ở miền Nam cần được nghiên cứu xúc tiến việc điều chỉnh địa giới cho thích hợp.

Dưới đây là những thủ tục cần thiết phải làm trong quá trình điều chỉnh địa giới.

1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố lập một tiểu ban điều chỉnh địa giới gồm có đại diện Ban tổ chức của Đảng ở tỉnh, thành phố, Ban tổ chức chính quyền, Ủy bankh, Ty nông nghiệp, Ty xây dựng và Ty tài chính do đồng chí Trưởng Ban tổ chức chính quyền làm thường trực. Tiểu ban này có nhiệm vụ giúp cấp ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố nghiên cứu mục đích, yêu cầu, nội dung, nguyên tắc, thủ tục điều chỉnh địa giới hành chính và đề nghị các phương án điều chỉnh địa giới.

2. Hướng dẫn Hội đồng nhân dân các huyện, xã và các đơn vị tương đương cần điều chỉnh địa giới để thảo luận và kiến nghị với cấp trên phương án điều chỉnh địa giới.

3. Sau khi có chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính các huyện, xã và tương đương ở địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố lập hồ sơ gồm các văn kiện sau đây:

a) Tờ trình nêu rõ:

- Lý do về kinh tế, chính trị, quốc phòng, văn hóa, xã hội, dân tộc và tập quán của nhân dân địa phương thuộc các đơn vị có yêu cầu điều chỉnh địa giới hành chính;

- Quy mô diện tích, số dân của đơn vị hành chính xin điều chỉnh địa giới;

- Ranh giới phải nói rõ đông, tây, nam, bắc giáp đơn vị hành chính nào và các sông, núi, đường giao thông naò trong địa phương;

- Tên cũ, tên mới của đơn vị hành chính, khi đặt tên mới phải tham khảo ý kiến của nhân dân và phải căn cứ vào Chỉ thị số 23-TTg ngày 15-04-1963 của Thủ tướng Chính phủ(1) và Thông tư hướng dẫn số 17-LB/NV/VH ngày 02-08-1963 của liên Bộ Nội vụ - Văn hóa về việc sửa đổi và đặt tên phố, xã.

b) Kiến nghị của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân của đơn vị hành chính xin điều chỉnh địa giới kèm theo bản ý kiến của các đơn vị hành chính các cấp có liên quan.

c) Bản đồ của đơn vị hành chính xin điều chỉnh địa giới vẽ rõ, dễ xem, có phân biệt giữa đơn vị hành chính mới và đơn vị hành chính cũ (khổ 60cm x 80cm).

4. Trường hợp giữa các đơn vị hành chính ở bên cảnh nhau có tranh chấp về địa giới, và đang gặp những khó khăn về quản lý Nhà nước thì thủ tục giải quyết như sau:

a) Đối với những vụ tranh chấp địa giới giữa xã với xã, thị trấn hoặc tương đương thì Ủy ban nhân dân hai bên hoặc các bên có liên quan gặp nhau bàn bạn, xác minh và nhất trí với nhau về cách giải quyết, có đại diện cấp huyện cùng dự. Khi bàn và giải quyết vấn đề địa giới chung, hai bên phải hỏi ý kiến của nhân dân địa phương đối chiếu với các tài liệu, bản đồ lưu trữ sẵn có của Nhà nước, và căn cứ vào nguyên tắc đất của đơn vị nào thì đơn vị ấy quản lý toàn diện về chính trị, kinh tế, quốc phòng, văn hóa và xã hội đối với đất đai và dân cư sinh sống tại đó (kể cả những người từ nơi khác đến lao động và cư trú thường xuyên ở đó) mà xác định địa giới của hai đơn vị.

- Nếu hai bên hoặc các bên không nhất trí thì huyện báo cáo lên tỉnh để Ủy ban nhân dân tỉnh nghiên cứu và giải quyết. Nếu tỉnh không giải quyết được thì Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo lên Chính phủ xét và quyết định. Tuyệt đối không để xảy ra tranh chấp trong nhân dân, gây ảnh hưởng xẩy về chính trị.

b) Đối với những vụ tranh chấp địa giới giữa huyện với huyện hoặc thành phố thuộc tỉnh, thị xã, quận, khu phố thì Ủy ban nhân dân các bên có liên quan gặp nhau bàn bạc, xác minh và nhất trí về cách giải quyết theo nguyên tắc kể trên. Nếu hai bên không nhất trí thì Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố nghiên cứu và giải quyết, nếu tỉnh và thành phố không giải quyết được thì Ủy ban nhân dân tỉnh và thành phố báo cáo lên Hội đồng Chính phủ xét và quyết định.

c) Tranh chấp địa giới giữa hai tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương thì Ủy ban nhân dân hai bên gặp nhau bàn bạc và giải quyết theo nguyên tắc trên, nếu không nhất trí được thì báo cáo lên Hội đồng Chính phủ xem xét và giải quyết.

d) Các hội nghị giải quyết việc tranh chấp địa giới của các đơn vị hành chính kể trên phải được ghi vào biên bản để làm căn cứ cho cấp trên có thẩm quyền xét và giải quyết.

5. Triển khai việc thực hiện: Sau khi được Hội đồng Chính phủ phê chuẩn việc chia lại địa giới, Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố cần có kế hoạch cụ thể hướng dẫn cấp dưới thi hành, đồng thời báo cáo kết quả về Phủ thủ tướng (Ban tổ chức của Chính phủ).

BỘ TRƯỞNG PHỦ THỦ TƯỚNG




Vũ Tuân

(1) Trích in lại trong số Công báo này, xem trang 27.

Trích Chỉ thị số 23-TTg ngày 15-04-1963 về việc sửa đổi tên phố, tên xã, thôn

I. NGUYÊN TẮC SỬA ĐỔI TÊN CŨ VÀ ĐẶT TÊN MỚI

A. Nguyên tắc chung:

Cần thẩm tra lại các tên phố, tên quảng trường và vườn hoa cũng như các tên xã, thôn có mang tên các anh hùng, liệt sĩ và chiến sĩ cách mạng. Chú ý mấy trường hợp sau đây:

- Nếu là tên của anh hùng, liệt sĩ xứng đáng và có ý nghĩa đối với địa phương thì giữ lại;

- Nếu là tên các chiến sĩ cách mạng còn sống thì bỏ đi và thay thế bằng tên khác.

Trường hợp đặc biệt, nếu cần giữ tên một chiến sĩ cách mạng còn sống thì phải được Hội đồng Chính phủ duyệt y.

B. Đối với tên phố, tên quảng trường và vường hoa:

1. Nên giữ và lấy tên những anh hùng dân tộc (Hai Bà Trưng, Lê Lợi, Quang Trung…) những nhà văn hóa dân tộc (Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Phan Huy Chú…), những tên có ý nghĩa lịch sử, những chiến công lớn (Bạch Đằng, Chi Lăng, Điện Biên…) hoặc những cuộc khởi nghĩa cách mạng lớn của dân tộc ta (Xô Viết Nghệ Tĩnh, khởi nghĩa Bắc Sơn. Cách mạng tháng Tám…); những tên có ý nghĩa truyền thống (Hưng Đạo, Tràng Tiền…). Ngoài ra có thể giữa và lấy tên các tỉnh, thành phố miền Nam nước ta (phố Huế, phố Sài gòn, đường Nam Bộ…); tên các lãnh tụ phong trào công nhân quốc tế (Các Mác, Lê Nin…) và tên các nhà bác học lớn có công lao với nền văn hóa thế giới (Pasteur, Yersin…).

2. Bỏ hết tên của bọn đế quốc, thực dân, tên của những vua quan không có công lao với dân tộc, hoặc sự nghiệp không đáng kể; những tên của bọn Việt gian, phản quốc và các giai cấp bốc lột.

C. Đối với tên xã, thôn:

1. Những tên xã mới đặt bằng cách lấy tên huyện làm gốc rồi ghép chữ mới vào, thì nói chung vẫn giữ nguyên.

2. Nói chung, đối với xã, thôn, thì chỉ cần sửa đổi những tên thật không hợp lý, những tên xã trùng nhau trong một huyện hay một tỉnh, và khôi phục lại những tên xã, thôn có ý nghĩa về lịch sử văn hóa, kinh tế (ví dụ: Lam Sơn, Tiên Diên, Võ Liệt, Văn Phấn…).

3. Nên bỏ những tên xã có tính chất khẩu hiệu như Đoàn Kết, Chiến Thắng, trừ trường hợp đặc biệt những tên ấy vốn là những tên của xã trước Cách mạng tháng Tám và được nhân dân đồng tình giữ lại.

4. Đối với tên các thôn, thì nói chung cần khôi phục lại những tên cũ mà nhân dân quen gọi, trừ những tên của bọn địa chủ phong kiến, thì cần bỏ. Trường hợp thôn cũ quá to nay phải chia nhỏ lại, thì có thể lấy tên cũ làm gốc rồi ghép thêm chữ vào để đặt tên cho các thôn mới (ví dụ: An Nghĩa Đông, An Nghĩa Tây…).

II. NGUYÊN TẮC TIẾN HÀNH

1. Việc sửa đổi và đặt tên phố, quảng trường, vườn hoa ở các thành phố trực thuộc trung ương thì do Ủy ban hành chính thành phố nghiên cứu và đưa trình Hội đồng nhân dân thành phố quyết định và Ủy ban phụ trách duyệt của trung ương phê chuẩn trước khi thi hành. Ở thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thị trấn, thì do Hội đồng nhân dân thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thị trấn quyết định và Ủy ban hành chính tỉnh phê chuẩn.

- Việc sửa đổi tên xã, thị trấn do Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nghiên cứu và đưa trình Hội đồng nhân dân cung cấp quyết định, nhưng trước khi thi hành phải được Bộ Nội Vụ(1) trước khi phê chuẩn sẽ trao đổi với Bộ văn hóa và Viện sử học.

2. Việc sửa đổi tên phố, tên xã, thôn không công bố và tuyên truyền trên đài phát thanh và các báo của trung ương mà chỉ tiến hành giải thích trong các cuộc hội nghị và các báo của địa phương.

3. Việc sửa đổi tên các địa phương nói trên, cần được tiến hành thận trọng, nghiêm túc và tuần tự, không làm trở ngại cho công tác hành chính và sản xuất.

4. Về tổ chức:

a) Ở trung ương cần thành lập một Ủy ban phụ trách xét duyệt gồm có:

- Đại diện Bộ Nội vụ(1) Chủ tịch

- Đại diện Bộ Văn hóa Ủy viên

- Đại diện Viện sử học Ủy viên

b) Ở khu, thành phố, tỉnh và huyện, xã do Ủy ban hành chính phụ trách và Sở, Ty văn hóa giúp Ủy ban hành chính nghiên cứu và theo dõi việc thực hiện.

(1) Hiện nay là Bộ trưởng Phủ Thủ tướng và Ban tổ chức của Chính phủ.