Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

NGÂN HÀNG QUỐC GIA
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 195-VP/PC

Hà Nội, ngày 02 tháng 12 năm 1958

THÔNG TƯ

VỀ BIỆN PHÁP CHO VAY MẬU DỊCH XUẤT NHẬP KHẨU BIÊN GIỚI VIỆT – TRUNG

1. Tình hình phát triển của Mậu dịch biên giới:

Có mấy nét lớn sau đây:

- Doanh số hoạt động tăng gấp bội: kim ngạch 1957 tăng gấp 6 lần so với 1956.
- Mặt hàng mở rộng nhiều: ngoài những loại hàng của địa phương, còn xuất những thứ từ miền xuôi đưa lên như xe đạp, than, ciment, tơ lụa, len da…và nhập những thứ đưa về miền xuôi như dụng cụ, hóa chất, đồ điện…

- Quan hệ giao dịch phức tạp: liên hệ với các Công ty Mậu dịch biên giới, các Tổng công ty Mậu dịch nội địa các Tổng công ty Mậu dịch xuất nhập khẩu, các xí nghiệp quốc doanh, Cục giao nhận Mậu dịch đối ngoại.

Tình hình trên đòi hỏi phải có tổ chức và biện pháp thích hợp.

2. Chủ trương về ngoại thương

- Để điều hòa kế hoạch, xuất nhập khẩu và thống nhất giao dịch với bạn, Bộ Ngoại thương đã thành lập:

Công ty xuất nhập khẩu Cao-Lạng (trụ sở ở Lạng sơ) phụ trách công việc trao đổi hàng hóa giữa Cao bằng, Lạng sơn với Quảng tây.

Công ty xuất nhập khẩu Lào-Thái-Hà (trụ sở ở Lào cai) phụ trách công việc trao đổi hàng hóa giữa Hà giang, Lào cai và Khu Tự trị Thái-Mèo với Vân nam.

Ban đại diện ở Hải ninh của Công ty xuất nhập khẩu miền duyên hải, phụ trách công việc trao đổi hàng hóa giữa Hải ninh và Quảng đông.

Các tổ chức nói trên là những đơn vị kinh doanh hạch toán riêng. Nó giao dịch thẳng với các Công ty Mậu dịch các tỉnh biên giới bên ta, các Tổng Công ty nội địa, các Tổng công ty xuất nhập khẩu, các cơ quan, xí nghiệp để tìm nguồn hàng xuất khẩu và nhận đơn hàng nhập khẩu, tiến hành đàm phát ký kết những hợp đồng với các tổ chức Mậu dịch bên bạn, thực hiện việc trao đổi hàng hóa theo chủ trương, chính sách của Chính phủ và sự hướng dẫn của Bộ Ngoại thương.

- Việc giao nhận hàng hóa xuất nhập ở cửa khẩu biên giới do các Công ty Lâm thổ sản và Bách hóa phụ trách. Đối với hàng hóa do các Tổng Công ty ở Hà nội đặt mua hay ủy thác xuất khẩu thì việc giao hàng tại khẩu do Cục Vận tải ngoại thương phụ trách.

3. Chủ trương của Ngân hàng quốc gia Việt nam

- Để mở rộng Mậu dịch biên giới, đẩy mạnh xuất nhập khẩu và thống nhất việc thanh toán với bản, Ngân hàng quyết định cho các tổ chức xuất nhập khẩu biên giới Việt – Trung vay vốn luân chuyển theo chế độ tín dụng ngắn hạn.

- Để thuận tiện cho việc vay trả, phục vụ kịp thời việc xuất nhập khẩu ở biên gíơi, Trung ương đã ra nghị định số 322-VP/NgĐ ngày 2-12-1958 ủy quyền cho các Chi nhánh Ngân hàng Hải ninh. Lạng sơn và Lào cai cho các tổ chức xuất nhập khẩu biên giới vay vốn luân chuyển.

THỂ LỆ VÀ BIỆN PHÁP CHO VAY

- Thể lệ và biện pháp chung về cho vay xuất nhập khẩu cũng áp dụng cho việc cho vay xuất nhập khẩu ở biên giới Việt-Trung. Các Chi nhánh cần nghiên cứu kỹ để quán triệt tinh thần và nội dung của thể lệ.

- Dưới đây, Trung ương chỉ nêu lên một số điểm chính căn cứ vào đặc điểm Mậu dịch xuất nhập khẩu địa phương. Đề nghị các Chi nhánh nắm vững thi hành cho đúng.

1. Cơ cấu vốn luân chuyển của các Công ty xuất nhập khẩu biên giới.

- Các tổ chức này chỉ là những tổ chức trung gian đại lý, không có kho, không có cửa hàng, không được Bộ Tài chính cấp vốn luân chuyển riêng. Do đó vốn luân chuyển cần thiết cho hoạt động xuất nhập khẩu do Ngân hàng thỏa mãn 100%.

2. Các loại cho vay

- Hàng xuất cũng như hàng nhập ở biên giới giữa ta và bạn đều thanh toán theo phương thức “TRẢ TIỀN NGAY” hàng xuất lại giao thẳng cho bạn tại khẩu, hàng nhập về cửa khẩu phân phối thẳng cho các tổ chức nội địa. Do đó, đối với Mậu dịch xuất nhập khẩu biên giới chỉ có hai loại cho vay, tức là:

- Cho vay thanh toán hàng xuất

- Cho vay thanh toán hàng nhập

Đối với những trường hợp xuất nhập đột xuất sẽ điều chỉnh kế hoạch vay trả chứ không đặt vấn đề cho vay theo nhu cầu tạm thời.

3. Nội dung các loại cho vay

a) Cho vay thanh toán hàng xuất

Ngân hàng cho vay theo trị giá hóa đơn của đơn vị cung cấp ở địa phương. Nếu Công ty xuất nhập khẩu phải nộp thuế xuất khẩu, số tiền thuế sẽ được cộng thêm vào số tiền được vay.

Nếu mua hàng xuất do Cục giao nhận chuyển cho đến cửa khẩu Ngân hàng sẽ cho các đơn vị xuất nhập khẩu vay để trả chi phí vận tải.

Số tiền bán hàng xuất khẩu do Ngân hàng thanh toán ngay cho Công ty xuất nhập khẩu sẽ dùng để trả nợ khoản vay trước của Ngân hàng. Trường hợp xuất lỗ vốn và số tiền hàng xuất không đủ trả hết nợ của Ngân hàng, Ngân hàng sẽ trích tài khoản thanh toán của Công ty xuất nhập khẩu để thu nốt phần nợ còn thiếu.

Thời hạn cho vay sẽ quy định căn cứ vào thời gian chênh lệch giữa ngày Công ty xuất nhập khẩu chấp nhận hóa đơn của tổ chức cung cấp và ngày Ngân hàng trả tiền hàng xuất cho Công ty xuất nhập khẩu.

Trường hợp Ngân hàng địa phương nhận được chứng từ hàng xuất của Công ty xuất nhập khẩu trước hoặc cùng một lúc với giấy tờ nhờ thu hộ của tổ chức cung cấp thì việc cho vay sẽ không thành vấn đề nữa, Công ty xuất nhập khẩu được trả tiền ngay về hàng xuất sẽ dùng số tiền đó để thanh toán nợ với tổ chức cung cấp.

b) Cho vay thanh toán hàng nhập

Ngân hàng cho vay theo giá trị hàng hóa ghi trên chứng từ của Ngân hàng bạn gửi đến. Nếu Công ty xuất nhập khẩu trả thuế nhập khẩu, số tiền thuế sẽ được cộng thêm vào số tiền được vay.

Sau khi được tổ chức nội địa thanh toán tiền hàng nhập, Công ty xuất nhập khẩu phải dùng số tiền này để trả nợ Ngân hàng.

Thời hạn cho vay sẽ ấn định căn cứ theo tình hình luân chuyển hàng hóa. Nếu các đơn vị xuất nhập khẩu thu tiền bán hàng nhập trước hoặc cùng một lúc với ngày thanh toán với Ngân hàng để nhận chứng từ hàng nhập, thì việc sẽ cho vay sẽ không thành vấn đề nữa.

4. Lãi suất

Lãi xuất về cho vay hàng xuất cũng như cho vay hàng nhập đều tính theo lãi xuất chung của Ngân hàng về tín dụng ngắn hạn.

Đối với nợ quá hạn, lãi xuất sẽ tính gấp rưỡi.

5. Kế hoạch

Các Công ty xuất nhập khẩu biên giới phải nộp cho các chi nhánh Hải ninh, Lạng sơn và Lào cai kế hoạch vay vốn và trả nợ hàng năm, hàng qúy và hàng tháng theo thời hạn quy định trong thể lệ chung về cho vay xuất nhập khẩu. Kèm theo kế hoạch vay trả hàng tháng phải có thêm có kế hoạch:

- Kế hoạch mua hàng và bán hàng trong nước

- Kế hoạch xuất hàng và nhập hàng với bạn

- Kế hoạch thu chi tài vụ

- Kế hoạch nộp thuế

Đối với bản cân đối tài sản hàng tháng, khi các Công ty xuất nhập khẩu biên giới gửi cho Bộ Ngoại thương thì phải đồng thời gửi cho các chi nhánh Ngân hàng địa phương.

Các kế hoạch vay trả hàng năm và hàng quý sẽ do Ngân hàng Trung ương xét duyệt.

LỀ LỐI LÀM VIỆC

1. Thủ tục cụ thể cho vay thu nợ

a) Hàng xuất: Khi Công ty xuất nhập khẩu chấp nhận giấy đòi nợ của tổ chức cung cấp và theo yêu cầu của Công ty xuất nhập khẩu, Ngân hàng sẽ cho vay để trả tiền cho tổ chức cung cấp.

Khi công ty xuất nhập khẩu trình xuất chứng từ hàng xuất, Ngân hàng sẽ trả tiền ngay và Công ty xuất nhập khẩu sẽ dùng số tiền đó để trả nợ Ngân hàng.

b) Hàng nhập: Khi Ngân hàng nhận được chứng từ hàng nhập do Ngân hàng bên bạn gửi đến, Ngân hàng sẽ cho Công ty vay để mua nhân dân tệ thanh toán với bạn.

Khi tổ chức nội địa mua hàng nhập thanh toán cho Công ty xuất nhập khẩu, số tiền này sẽ dùng để trả nợ Ngân hàng. Như vậy, đối với hàng xuất cũng như hàng nhập, tiền vay của Ngân hàng luôn luôn gắn liền với luân chuyển hàng hóa và vay món nào phải trả món ấy, không được sử dụng tiền vay vào mục đích khác.

2. Quan hệ giữa địa phương và trung ương

a) Cấp vốn: Hàng quý, cán bộ Chi nhánh phải mang kế hoạch vay trả của quý về trung ương thảo luận. Sau khi xét duyệt, trung ương sẽ ấn định chỉ tiêu hàng quý và cấp vốn cho Ngân hàng địa phương. Trong quá trình chấp hành nếu có những món xuất nhập đột xuất, các Chi nhánh phải đề nghị trung ương cho điều chỉnh kế hoạch.

b) Báo cáo: Hàng tháng, 3 tháng, và cuối năm, các Chi nhánh phải báo cáo trung ương tình hình vay trả theo mẫu biểu do trung ương quy định. Riêng từng tuần kỳ cho vay nhất thiết phải thỉnh thị trước khi thi hành.

3. Quan hệ giữa các Chi nhánh biên giới

Quan hệ giữa các Chi nhánh biên giới là quan hệ tiền lúc vay và lúc thanh toán.

Về mặt này đã có những quy định cụ thể của trung ương.

4. Phân công ở chi nhánh

Công việc cho vay xuất nhập khẩu sẽ tùy điều kiện Chi nhánh, có thể giao bộ phận tín dụng hay cho bộ phận thanh toán xuất nhập khẩu phụ trách. Điều căn bản là việc cho vay và thu nợ phải luôn luôn đi đôi với việc thanh toán hàng hóa xuất nhập khẩu.

Trên đây là một số điểm chính về cho vay xuất nhập khẩu ở biên giới. Các chi tiết khác đều đã quy định trong thể lệ và biên pháp chung

TỔNG GIÁM ĐỐC
NGÂN HÀNG QUỐC GIA VIỆT NAM




Lê Viết Lượng